Chuyện bánh chưng bánh giầy nói lên quan niệm gì

Cứ mỗi độ xuân về, chúng ta lại có dịp thưởng thức những món ăn truyền thống mang hương vị ngày Tết, nổi bật trong đó là bánh chưng – bánh giầy. Bánh chưng ăn kèm với dưa hành, còn bánh giầy hay ăn kèm với chả lụa hoặc chả bò…

Nhưng bánh chưng – bánh giầy có đơn thuần chỉ là một món ăn? Tại sao bánh chưng có hình vuông, bánh giầy có hình tròn? Khái niệm vuông – tròn được hiểu như thế nào? Chúng ta sẽ cùng nhau giải đáp trong bài viết này.

Trước tiên nói một chút về sự tích bánh chưng – bánh giầy.

Sự tích bánh chưng – bánh giầy

Sự tích bánh chưng – bánh giầy là một sự tích hay và mang nhiều ý nghĩa trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam. Câu chuyện giải thích nguồn gốc bánh chưng – bánh giầy là 2 loại bánh truyền thống trong mỗi dịp Tết Nguyên Đán, đồng thời đề cao giá trị hạt gạo và kính ngưỡng Trời Đất.

Chuyện kể rằng, ngày xửa ngày xưa, trong số các con của vua Hùng Vương thứ 6, có người con trai thứ 18 tên là Tiết Liêu [còn gọi là Lang Liêu]. Lang Liêu có tính tình đôn hậu, đạo đức, hiếu thảo với cha mẹ, chăm chỉ hiền lành, ưa nghề trồng trọt. Chàng đem vợ con về quê vỡ nương, cuốc bãi, cùng với bà con nông dân làm ăn sinh sống.

Một hôm, vào dịp cuối năm, vua Hùng Vương cho mời các con đông đủ đến và bảo rằng: Đến ngày hội lớn đầu năm, nếu ai tìm được của ngon vật lạ nhất đem đến để tế Thiên Vương, thì sẽ được nhường ngôi.

Các hoàng tử tỏa đi khắp bốn phương, người thì lên rừng đốc thúc thuộc hạ săn thú, bắn chim; kẻ thì xuống biển bắt dân chài mò trai, bắt cá. Riêng Lang Liêu rất băn khoăn lo lắng, không biết tìm vật gì dâng lên vua cha.

Một hôm Lang Liêu nằm mộng thấy có vị Thần đến bảo: “Này con, vật trong Trời Đất không có gì quý bằng gạo, vì gạo là thức ăn nuôi sống con người, cho nên con hãy lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông, tượng trưng cho Trời và Đất. Đồng thời hãy lấy lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột bánh, để tượng trưng cho cha mẹ sinh thành”.

Lang Liêu tỉnh dậy và vô cùng mừng rỡ. Chàng làm theo lời Thần dặn, chọn gạo nếp thật tốt, ngâm đỗ xanh, lại lấy lá dong tươi gói gạo nếp, trong nhân để đậu xanh và thịt. Lá xanh bọc ở ngoài và nhân ở trong ruột bánh tượng trưng cha mẹ yêu thương đùm bọc con cái. Sau đó, Lang Liêu bỏ vào chõ chưng chín gọi là bánh chưng.

Tiếp đó, chàng đồ xôi thật dẻo, cho vào cối giã thật mịn rồi nặn một thứ bánh hình tròn mịn màng như bầu trời, gọi là bánh giầy.

Đến ngày hẹn, các hoàng tử đều đem thức ăn bày trên mâm cỗ, đủ cả sơn hào hải vị, của ngon vật lạ. Riêng Hoàng tử Lang Liêu thì chỉ có bánh chưng và bánh giầy. 

Vua Hùng Vương lấy làm lạ mới hỏi chuyện ra làm sao, Lang Liêu đem chuyện Thần báo mộng chỉ dẫn, đồng thời giải thích ý nghĩa của bánh chưng – bánh giầy. Vua cha nếm thử, thấy bánh ngon, khen ý nghĩa nên vô cùng vui mừng và cảm động.

Vua Hùng chọn 2 thứ bánh của Lang Liêu để tế Trời – Đất, sau đó chia cho các hoàng tử và quần thần nếm thử. Ai nấy đều khen bánh ngon, hương lạ mà lại có ý nghĩa sâu xa, đúng là của quý nhất trong ngày hội đầu năm tế Trời Đất. Thế là, Vua Hùng thứ 6 bèn truyền ngôi cho Lang Liêu. 

Kể từ đó, mỗi khi đến Tết Nguyên Đán, thì dân chúng làm bánh chưng – bánh giầy để dâng cúng tổ tiên và Trời Đất.

Cảm ngộ từ câu chuyện sự tích bánh chưng – bánh giầy

Thần điểm hoá cho người thiện lương

Thời còn tiểu học, tôi đã đọc câu chuyện này, nhưng lúc đó chỉ biết là Vua Hùng Vương thứ 6 truyền ngôi cho Lang Liêu, còn ý nghĩa về Thần điểm hoá, sự trân quý của hạt gạo, hay Trời tròn Đất vuông… thì chưa có khái niệm gì. Thuận theo việc trưởng thành và có thêm hiểu biết, khi đọc lại câu chuyện, tôi lại thấy có nhiều điều mới mẻ muốn chia sẻ cùng quý bạn.

Đầu tiên là chi tiết Thần điểm hoá cho Lang Liêu. Trong câu chuyện, chúng ta phát hiện rằng, Lang Liêu không giàu có và quyền lực như các hoàng tử khác, nhưng đổi lại chàng có tính tình đôn hậu, đạo đức, hiếu thảo, chăm chỉ hiền lành v.v. cộng với một tấm lòng thành nên được Thần ‘thương’ và điểm hoá cho làm bánh chưng – bánh giầy. Do đó, câu chuyện này khuyên chúng ta sống thiện lương, đạo đức thì sẽ được Thần trông nom và chỉ bảo.

Phải biết quý trọng cơm gạo và thức ăn

Trong chuyện có chi tiết Thần bảo Lang Liêu rằng: “Trong Trời Đất không có gì quý bằng gạo”. Đây cũng là một điều tôi khá tâm đắc.

Sống trong thời đại tương đối đầy đủ, đôi khi chúng ta quên mất hoặc chưa hiểu thấu được giá trị của hạt gạo… Nhưng nếu mọi người xem lại nguồn gốc của lúa gạo sẽ phát hiện rằng nó chính là ‘hạt ngọc của Trời’, cũng tức là rất trân quý.

Hồi cấp 1 hay cấp 2 chúng ta đã từng học một bài ca dao có nội dung như thế này:

Cày đồng đang buổi ban trưaMồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày.Ai ơi bưng bát cơm đầy

Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần

.

Toàn bài thơ khắc hoạ chân dung người nông dân thời cổ đại mỗi ngày vác cuốc trên vai, dưới ánh mặt trời, cực nhọc chảy mồ hôi, để trồng ra những hạt gạo mà chúng ta ăn ngày 3 bữa.

Bài thơ nhắc nhở thế nhân rằng, một hạt cơm hạt cháo có được không dễ, cho nên nhất định không được lãng phí. 

Trong bài thứ 10 thuộc Sách giáo khoa Tam tự kinh đăng trên trang mạng Chánh Kiến Việt ngữ có kể câu chuyện như sau.

Sau Đại hồng thủy những động vật nhỏ đều bị ngập chết hết, trái cây rừng cũng đã thối rữa rồi. Có người vì bắt động vật nhỏ mà bị động vật khác ăn thịt, không có đồ ăn nên rất nhiều người đói chết. Nhân loại đáng thương nên chỉ biết hàng ngày buồn rầu ảo não, hầu như không nghĩ ra biện pháp nào.

Khi đó, trên một hòn đảo ở phương Đông, có rất nhiều Thiên Thần trú ngụ. Nhìn thấy đồ ăn của nhân loại càng ngày càng ít, các Thiên Thần rất thương cảm loài người, thế là họ họp nhau lại rồi quyết định giúp đỡ con người vượt qua quan nạn. Một trong số đó là các Thiên Thần quyết định đem lúa gạo ở trên Thiên thượng xuống nhân gian.

Lúa gạo còn có tên là ‘hạt ngọc của Trời’ cũng từ câu chuyện này mà ra.

Người dân Nhật Bản có câu rằng: “Trên mỗi một hạt gạo có 7 vị Thần Tiên”, chính là để nhắc nhở mọi người rằng: trồng ra được hạt gạo là việc không hề dễ dàng gì. Do đó mọi người không nên bỏ phí, mà phải biết quý trọng tất cả những gì tự nhiên ban cho con người. Mỗi hạt gạo đều là ‘phúc căn’, tức gốc của phúc khí, cho nên nếu mang đổ cơm không ăn hết, cũng chính là mang phúc của mình hất đổ đi.

Trời tròn Đất vuông: Thiên Địa có tôn ti trật tự

Dưới sự chỉ bảo của Thần, Lang Liêu đã làm ra bánh chưng và bánh giầy mang hình tượng Đất vuông, Trời tròn. 

Đây không phải là lần đầu tiên chúng ta nghe về cặp chữ ‘vuông – tròn’. Ví như khi nói người mẹ sinh con thuận lợi thì người ta nói ‘mẹ tròn con vuông’; hay như nói về phép tắc, thì người ta có câu ‘không có quy củ, không thể vuông tròn’; thậm chí trong bộ cờ tướng hay cờ vây cũng vậy cũng có khái niệm đó: quân cờ hình tròn, còn bàn cờ hình vuông; trong tiền xu cũng là dạng hình tròn với lỗ vuông v.v.

Vậy thì khái niệm ‘Trời tròn Đất vuông’ và cặp chữ ‘vuông – tròn’ được hiểu như thế nào?

Cá nhân tôi có ý hiểu như thế này. Trời tròn Đất vuông là nói về 2 chữ Nhật [日: Mặt Trời, ban ngày] và Điền [田: ruộng].

Trong cuốn Tìm về cội nguồn chữ Hán của Lý Lạc Nghị, thì chữ Nhật [日] thể Giáp cốt và Kim văn có dạng hình tròn với chấm ở giữa. Chữ Nhật tượng trưng cho Mặt Trời.

Đồng thời, chúng ta cũng thấy bánh giầy có dạng hình tròn, một số nơi còn có thêm một chấm giống như chấm màu đỏ/hồng của bánh bao. Do đó người viết nhìn nhận rằng, Trời tròn là nói về chữ Nhật [日].

Chữ Nhật [日: Mặt Trời, ban ngày], chữ Giáp cốt và Kim văn có dạng hình tròn với chấm giữa. Bánh giầy của chúng ta mang hình tượng chữ Nhật này. Ảnh chụp từ Tìm về cội nguồn chữ Hán của Lý Lạc Nghị.

Còn Đất vuông là nói về chữ Điền [田]. Trong Tìm về cội nguồn chữ Hán của Lý Lạc Nghị, chữ Điền có hình giống như nhiều mảnh đất liền nhau, từ chữ Giáp cốt đến Hành thư đều không có sai khác nhiều, đều là có dạng vuông giống đồng ruộng. Chúng ta để ý rằng, bánh chưng truyền thống chỉ có 2 dây lạt để buộc thôi. Tại sao như vậy? Chính là buộc như thế mới ra được chữ Điền [田].

Chữ Điền [田: ruộng] trong Tìm về cội nguồn chữ Hán của Lý Lạc Nghị.

Tựu trung lại, Trời tròn Đất vuông có nguồn gốc từ chữ truyền thống, thể hiện sự khác biệt nhưng hoà hợp. Khác biệt là ở Trời cao, Đất thấp, đây chính là thể hiện tôn ti trật tự. Ví như con người là do Thần tạo, nên người thấp hơn Thần, do đó phải kính thần. Trong gia đình cũng có trên dưới cao thấp, có như vậy mới không bị ‘loạn trật tự’. Còn hoà hợp là khi Trời Đất hoà hợp thì vạn vật mới tốt tươi. Vậy nên mới nói Trời tròn Đất vuông vừa thể hiện khác biệt vừa thể hiện sự hoà hợp.

Bánh chưng – bánh giầy tuy đơn giản nhưng mang trong ấy đạo lý Trời Đất, từ đó mới thấy rằng những vật phẩm của ông cha ngày xưa hầu như đều có Thần tính và tràn đầy trí tuệ. 

Chu Thuần

Video liên quan

Chủ Đề