Chùa Thiên Mụ tiếng trùng là gì

Chùa Linh Mụ [ban đầu gọi là Thiên Mụ], tọa lạc trên đồi Hà Khê thuộc địa phận phường Hương Long thành phố Huế là một trong những ngôi chùa cổ và nổi tiếng ở vùng đất Huế. Truyền thuyết kể rằng khi chúa Nguyễn Hoàng trong một lần đi kinh lý về phía Nam, vùng đất ông cai quản, ông đã dừng chân trên một ngọn đồi, thấy cảnh trí đẹp và huyền bí nên đã cho gọi người dân địa phương đến thăm hỏi. Người dân cho biết đây là đồi Hà Khê thuộc làng An Ninh, hằng đêm thường có một bà lão mặc áo đỏ quần lục hiện lên và dạy với dân chúng: “Rồi đây sẽ có một vị chân chúa đến lập chùa để bền long mạch và tụ long khí cho nước Nam hùng mạnh”, vì thế ngọn đồi Hà Khê được người dân nơi đây gọi là Thiên Mụ sơn. Sau khi nghe xong câu chuyện, chúa Nguyễn Hoàng đã nhận mình là vị chân chúa và xem xét địa cuộc của vùng đất. Thấy phía trước là dòng sông Hương thơ mộng núi non chầu về, đằng sau có hồ lớn nhưng có đoạn hào cắt ngang là điểm gỡ không lành. Dân chúng địa phương lại cho biết truyền thuyết về đoạn hào này: “có thầy địa lý Cao Biền đời nhà Đường bên Trung Hoa đã từng cưỡi điều sang đây để yểm trừ long mạch, cắt đứt vượng khí nước Nam, không còn sinh ra người tài cho nước Việt”. Sau đó, chúa Nguyễn Hoàng đã cho phá thế yểm địa lý bằng cách dựng chùa vào năm 1601, để nhớ ơn bà Trời, và cho đặt tên là Thiên Mụ Tự. Từ đó về sau các chúa Nguyễn và vua Nguyễn đều xem đây là ngôi quốc tự, thường xuyên chăm lo tu bổ, tôn tạo và xây thêm nhiều công trình kiến trúc, làm cho diện mạo ngôi chùa ngày càng phong quang.

Dưới thời kỳ chúa Nguyễn Phúc Chu [1691 – 1725], chúa giao cho Chưởng cơ Tổng Đức Đại đứng ra trông coi công việc tu bổ chùa, cho dựng thêm nhiều đình viện, nhà cửa…; cho người sang Trung Hoa thỉnh hơn 1.000 bộ kinh sách Phật giáo về lưu giữ ở lầu Tàng Kinh trong chùa.

Trong thời gian quân Trịnh vào chiếm cứ Phú Xuân [1775 – 1786], chùa Thiên Mụ bị chiến tranh tàn phá và xuống cấp nghiêm trọng.

Dưới triều đại Tây Sơn [1786 – 1801], chùa lại bị binh hỏa tàn phá. Đến giai đoạn hai vị vua đầu triều Nguyễn [Gia Long và Minh Mạng], chùa được trùng tu nhiều lần và trở nên khang trang hơn.

Đến thời Thiệu Trị [1841 – 1847], để kỷ niệm lễ Bát tuần Thánh thọ của bà Thuận Thiên Cao Hoàng hậu [vợ vua Gia Long mẹ vua Minh Mạng bà nội vua Thiệu Trị], nhà vua cử Thống chế Hoàng Văn Hậu đứng ra trông coi việc xây dựng thêm một số công trình kiến trúc mới: tháp Phước Duyên, đình Hương Nguyện [trước mặt tháp], hai nhà bia ở hai bên đình, cùng hệ thống bậc cấp, trụ biểu, nữ tường… Cuộc đại trùng tu này kéo dài từ năm 1844 đến năm 1846 mới hoàn thành.

Sau đó hơn nửa thế kỷ, vào năm 1899, các nhân dịp lễ mừng bà Từ Dũ [vợ vua Thiệu Trị] thọ 90 tuổi [cửu tuần đại khánh tiết],  vua Thành Thái cho bộ Công đại tu tháp Phước Duyên và dựng một tấm bia nhỏ ở đế tháp để kỷ niệm.

Năm 1904, một trận bão lớn nhất xưa nay ở Huế [thường gọi là bão năm Thìn] làm cho nhiều công trình kiến trúc điện, đình, lầu, gác trong khuôn viên của chùa Thiên Mụ bị sụp đổ nặng nề, trong số đó có đình Hương Nguyện, điện Di Lặc, lầu Tàng Kinh. Một số công trình hư hại quá trầm trọng phải bị triệt giải, như điện Di Lặc, lầu Tàng Kinh chẳng hạn. Ba năm sau [1907], đình Hương Nguyện được tu bổ nhưng chuyển vào dựng trên nền cũ của điện Di Lặc và làm nơi thờ Quan Công.

Đến năm 1957, chùa được trùng tu một lần nữa. Đặc biệt trong đợt này hầu hết các bộ phận kiến trúc và trang hoàng trong điện như cột, kèo, đòn tay, bệ thờ,  khám thờ điện Đại Hùng đều được thay  thế bằng bê tông giả gỗ.

Chùa Thiên Mụ được xem là danh lam cổ tự nổi tiếng nhất kinh đô Huế. Chùa  được xây trên ngọn đồi có hình chữ nhật [76m x 313m] chạy dài theo hướng Bắc – Tây Bắc, Nam – Đông Nam. Về tổng thể kiến trúc, ngôi chùa này được bao bọc bởi một vòng La thành xây bằng đá và gạch mang hình dáng như một con rùa. Bước vào chùa, hai bên là 4 cột trụ sừng sững và uy nghi, phía trước là bảo tháp Phước

Duyên. Tháp Phước Duyên là một biểu tượng nổi tiếng gắn liền với chùa Thiên Mụ. Tháp cao 21 m, gồm 7 tầng được xây dựng vào năm 1844. Ban đầu tháp có tên là Từ Nhân sau đổi thành Phước Duyên. Lối vào bảo tháp là hai cánh cửa đồng bên trong có cầu thang hình xoắn ốc dẫn lên các tầng. Mỗi tầng đặt một bàn thờ là nơi thiết trí tượng Phật; 7 vị Phật thờ trong tháp được gọi là “quá khứ thất Phật”:

– Tầng thứ nhất thờ:

Phật Quá Khứ Tỳ Bà Thi [Vipassi]

– Tầng thứ hai thờ:

Phật Thi Khí [Sikkhi]

– Tầng thứ ba thờ:

Phật Tỳ Xá Phù [Vessabhu]

Tầng thứ tư thờ:

Phật Câu Lưu Tôn [Kakusandha]

– Tầng thứ năm thờ:

Phật Câu Na Hàm Mâu Ni [Konagamana]

– Tầng thứ sáu thờ:

Phật Ca Diếp [Kassapa]

– Tầng thứ bảy thờ:

Trung Thiên Điều Ngự Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Văn Phật [Sakkamuni]

Phía trước tháp Phước Duyên là đình Hương Nguyện, nơi dừng chân để nhà vua tĩnh tâm trước khi vào lễ chùa [nay chỉ còn lại nền móng của công trình]. Sau trận bão năm Thìn [1904], kiến trúc đình Hương Nguyện được đưa vào đặt trên nền điện Địa Tạng phía sau khu vực hành lễ của chùa Thiên Mụ. Ở hai bên đình có hai nhà tứ giác, nhà bia bên trái [phía Đông] nói về về việc xây dựng ngôi bảo tháp phước Duyên, gọi là bia “Ngự chế Thiên Mụ tự Phước Duyên bảo tháp bi”, nhà bia bên phải [phía Tây] khắc 8 bài thơ của vua Thiệu Trị và nhà vua đã xếp chùa Thiên Mụ là thắng cảnh thứ 14 trong “Thần Kinh Nhị Thập Cảnh”.

Hai bên tháp Phước Duyên có hai nhà lục giác xây theo dạng cổ lâu. Nhà bia bên trái [phía Đông] là nơi đặt tấm bia “Ngự kiến Thiên Mụ Tự”. Bia dựng trên lưng một con rùa bằng cẩm thạch trắng khắc bài ký và bài minh của chúa Nguyễn Phúc Chu đề cập đến việc trùng tu, mở rộng chùa vào năm 1714. Bia này đã được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2020. Nhà bên phải [phía Tây] đặt một chiếc chuông lớn, gọi là “Đại Hồng Chung” được chúa Nguyễn Phúc Chu cho đúc vào năm 1710, trên chuông khắc bài minh của chúa chú nguyện “Mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an”. Những họa tiết trang trí trên chuông rất phong phú, tinh xảo với trình độ mỹ thuật cao. Những hoa văn cành lá, mô típ long phụng được mô tả sinh động. Quanh thân chuông khắc 08 chữ “Thọ” được viết bằng nhiều cách khác nhau. Chuông cao 2,5m, đường kính miệng 14m và nặng trên 02 tấn, là một chiếc chuông lớn nhất Kinh đô Huế thời bấy giờ. Đặc biệt tiếng chuông ngân xa, vang xa; vì vậy trong dân gian có lưu truyền câu ca về tiếng chuông chùa:

“Gió đưa cành trúc la đà Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương”

Năm 2013, Đại Hồng Chung chùa Thiên Mụ được công nhận là bảo vật quốc gia, đó là một vinh dự, nhưng cũng đặt ra cho chính quyền địa phương nhiệm vụ nặng nề hơn trong công tác bảo tồn và bảo vệ cổ vật.

Phía sau tháp Phước Duyên còn có hai tấm bia đá dựng lộ thiên: bia nhỏ đặt ở gần để tháp Phước Duyên, nội dung ghi lại việc vua Thành Thái cho đại trùng tu tháp năm 1899; tấm bia lớn được dựng vào năm 1920 khắc bài thơ của vua Khải Định làm, nhân một dịp nhà vua viếng cảnh chùa.

Cổng tam quan là cửa chính để đi vào chùa, có kết cấu hai tầng. Ở gian giữa của cổng có treo bức hoành phi bằng gỗ sơn son có tên “Linh Mụ Tự”, bức hoành phi này được làm dưới thời Tự Đức thay cho tấm hoành phi “Thiên Mụ Tự” đã có trước đó.Vua Tự Đức cho rằng đã có điều gì đó thất kính đối với “Trời”, nên đã ban bố sắc lệnh những địa danh nào có từ “Thiên” thì phải nên đổi. Mãi đến năm 1869, nhà vua mới cho dùng lại tên “Thiên Mụ” như trước. Do đó, trong dân gian vẫn dùng cả hai tên khi nhắc đến ngôi chùa này.

Ngoài gian giữa có bức hoành phi tên của chùa, gian bên trái của cổng tam quan treo biển có ba chữ “Đại Từ Bi”, gian bên phải đề là biển đề “Đại Trí Tuệ”. Ở mỗi lối đi, hai bên đều có đắp hai tượng Hộ pháp làm bằng đất sét và trấu, cốt làm bằng mây và tre, thường được gọi là “Thập nhị tướng quân Dược xoa”, mỗi pho tượng mang một nét mặt khác nhau, dáng điệu khác nhau. Tầng trên cửa tam quan đặt tượng Ngọc hoàng Thượng đế và ngài Hộ pháp, hai bên còn thiết trí lầu chuông lầu trống có từ thời vua Gia Long.

Qua khỏi cửa tam quan là một sân rộng hai bên có 02 nhà Lôi Gia, bên trong đặt các tượng Hộ pháp. Tượng được đắp bằng đất sét và tô màu ngũ sắc với những đường nét sinh động sắc tướng khác nhau.

Ba lối đi vào điện Đại Hùng nơi hành lễ chính của chùa, được trồng những hàng cây tùng bút xanh biếc, tạo nên một không gian thuần khiết, tịnh tâm, tự tại.

Điện Đại Hùng nằm ở vị trí trung tâm của khuôn viên chùa, điện Đại Hùng là một tòa “nhà kép”, tiền doanh có 5 gian 2 chái, chính doanh 3 gian 2 chái. Chính giữa nóc tiền đường trang trí Pháp luân; trên nóc chính đường hai bên trang trí hai con rồng uốn lượn chầu vào một mặt trời ở giữa với 7 ngọn lửa vươn lên tạo thành hình hoa sen hàm tiếu; trong các ô hộc trên các liên ba, đố bản là những hình vẽ trình bày đề tài hoa lá và hình ảnh kể lại sự tích của đức Phật từ khi ra đời đến lúc xuất gia và thành đạo. Gian giữa của tiền đường đặt bức tượng Phật Di Lặc lớn đúc bằng đồng nụ cười của tượng Phật này như đem lại nguồn lạc quan, sự thanh nhàn, sự may mắn và sự hòa hiếu bất tận cho thế gian. Ngoài pho tượng Di Lặc, trong điện Đại Hùng còn lưu giữ hai cổ vật hết sức quý giá, đó là chiếc khánh đồng được đúc vào năm 1677 treo trên giá gỗ có lịch sử hơn ba trăm năm và bức hoành phi đề bốn chữ “Linh Thứu Cao phong” do chính tay Chúa Nguyễn Phúc Chu Ngự đề năm 1714.

Phía bên trong chính điện bài trí thờ phụng uy nghiêm và trang trọng gian chính giữa bàn thờ đặt trên cao có ba pho tượng đồng lớn, ở giữa là tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, bên trái là Đức Phật A Di Đà, bên phải là Đức Phật Di Lặc, cách thờ tự này có ý nghĩa là phụng thờ Tam Thế Phật, biểu thị cho Quá khứ, Hiện tại và Vị lai. Bàn thờ bên dưới có tượng Phật Thích Ca đang niệm hoa [thuyết pháp]. Dưới chân tượng Tam Thế Phật là các pho tượng “Quá khứ thất Phật” được đưa từ bảo tháp Phước Duyên vào thờ tự. Ở gian bên trái có tượng ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ tát cưỡi trên lưng một con sư tử có bờm vàng [biểu trưng cho phẩm hạnh đạo đức nhân ái]. Ở gian bên phải có tượng ngài Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ tát ngự trên đài hoa sen đặt trên lưng con voi trắng [biểu trưng cho trí tuệ hiểu biết sâu xa và quảng bác]. Ngoài ra ở hai bên dãy bàn thờ đặt sát vách tường là tượng của 18 vị La hán và 10 tượng Thập điện Minh vương. Đây cũng là không gian để dành cho những vị khách cung kính thành tâm chiêm bái và hướng đến những điều tốt đẹp nhất.Phía sau điện Đại Hùng là bàn thờ Tổ, thiết đặt long vị của vị Tổ khai sơn và hai bên là bài vị của các vị sư trụ trì đời kế tiếp.Bên trái sau điện Đại Hùng là dãy nhà tăng đặc biệt nơi đây có trưng bày và bảo quản chiếc xe ô tô cũng như nhiều bức ảnh của Hòa thượng Thích Quảng Đức. Vào ngày 11 tháng 06 năm 1963 nhằm phản đối sự đàn áp Phật giáo của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm, Hòa thượng Thích Quảng Đức đã đi trên chiếc xe này từ chùa Ấn Quang đến ngã tư đường Phan Đình Phùng – Lê Văn Duyệt [Sài Gòn, nay là Thành phố Hồ Chí Minh], tẩm xăng vào người tự thiêu để phản đối chính sách đàn áp Phật giáo. Sau khi chính thể độc tài ấy bị lật đổ, chiếc xe đã được chuyển về Huế để làm kỷ niệm nơi đầu tiên bùng lên ngọn lửa đấu tranh của phong trào tranh đấu Phật giáo Việt Nam].

Đi qua một khoảng sân rộng trang trí nhiều cây cảnh là điện Địa Tạng nơi thờ Phật Địa Tạng là vị Phật cứu độ chúng sinh dưới cõi âm ty địa ngục. Cách một vườn cây gỗ sến là điện Quan Âm, nơi thờ Phật bà Quan Âm và Thập điện Minh vương. Hai bên là lối đi bộ nhỏ với những hàng thông xanh mướt cùng vườn hoa, cây cảnh. Thiên nhiên và kiến trúc ở đây đã được kết hợp với nhau một cách hài hòa, tại đây cái tôi của mỗi chúng sinh như được tĩnh tâm, những nỗi ưu tử và lo lắng đều như được để lại sau lưng. Cuối khu vườn là bảo tháp, nơi an táng thi hài của cố Hòa thượng Thích Đôn Hậu [năm 1992], vị trụ trì nổi tiếng của chùa Thiên Mụ, là vị sư đã có nhiều cống hiến cho đạo pháp và dân tộc.

Về mặt lịch sử, chùa Thiên Mụ đã gắn liền với nhà Nguyễn trong một thời gian dài gần 4 thế kỷ [1558 – 1945], đây là một trong những thời kỳ lịch sử quan trọng trong quá trình phát triển, trưởng thành của đất nước và dân tộc. Ngôi chùa còn cho thấy rõ quan điểm chính trị “cư Nho mộ Thích” của các vua chúa nhà Nguyễn.

Về mặt văn hóa nói chung và thẩm mỹ nói riêng các công trình kiến trúc và các hiện vật đang lưu giữ tại chùa Thiên Mụ là bằng chứng cho bước đi của một ngôi chùa Việt và của một mảng văn hóa Phú Xuân – Huế.Thiên nhiên và kiến trúc của chùa đã được kết hợp với nhau một cách hài hòa, sự hài hòa đạt đến mức hoàn chỉnh. Với sự bảo lưu một số hiện vật lâu đời quý báu của Phật giáo, với các công trình kiến trúc uy nghiêm, cổ kính và cùng ngoại cảnh thanh thoát nên thơ, chùa Thiên Mụ là một danh lam thắng cảnh tuyệt vời của Huế, của miền Trung và của cả đất nước. Chùa xứng đáng được xếp vào danh mục các di tích tôn giáo và kiến trúc nghệ thuật hàng đầu của Việt Nam và của thế giới

Video liên quan

Chủ Đề