Chiến dịch nào được Bộ Chính trị quyết định mang tên là chiến dịch Hồ Chí Minh

           Lịch sử: Vào cuối năm 1974 - đầu năm 1975, nhận thấy tình hình so sánh lực lượng ở Miền Nam có sự thay đổi mau lẹ có lợi cho cách mạng, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã đề ra kế hoạch giải phóng hoàn toàn Miền Nam trong hai năm 1975 và 1976. Bộ Chính trị nhấn mạnh “Cả năm 1975 là thời cơ” và chỉ rõ “nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng hoàn toàn Miền Nam trong năm 1975”. Bộ Chính trị cũng nhấn mạnh cần tranh thủ thời cơ đánh thắng nhanh để đỡ thiệt hại về người và của cho nhân dân, giữ gìn tốt cơ sở kinh tế, công trình văn hóa, giảm bớt sự tàn phá của chiến tranh. Sau chiến thắng của quân ta ở chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Huế - Đà Nẵng, Bộ Chính trị đã nhận định: “Thời cơ chiến lược đã đến, ta có điều kiện hoàn thành sớm quyết tâm giải phóng Miền Nam” và đã đưa ra quyết định: “Phải tập trung nhanh nhất lực lượng, binh khí kỹ thuật và vật chất giải phóng Miền Nam trước mùa mưa”, đồng thời chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định được Bộ Chính trị quyết định mang tên “Chiến dịch Hồ Chí Minh”. Trước khi tấn công giải phóng Sài Gòn, quân ta đã tiến công Xuân Lộc và Phan Rang, đây là những căn cứ phòng thủ trọng yếu của địch để bảo vệ Sài Gòn từ phía đông.

           Vào lúc 17 giờ ngày 26/4, quân ta đã nổ súng mở đầu chiến dịch, năm cánh quân của ta đã vượt qua tuyến phòng thủ của địch để tiến vào trung tâm Sài Gòn, đánh chiếm các cơ quan đầu não của chúng. 10 giờ 45 phút ngày 30/4, xe tăng và bộ binh của ta tiến vào Dinh Độc Lập, bắt toàn bộ Nội các của Sài Gòn, Dương Văn Minh vừa lên chức tổng thống ngày 28/4 đã phải tuyên bố đầu hàng quân ta không điều kiện. Đến 11 giờ 30 phút cùng ngày, lá cờ cách mạng tung bay trên Dinh Độc Lập, báo hiệu sự toàn thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

           Ý nghĩa: Ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi đưa đất nước ta bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta từ đây tập trung sức lực và trí tuệ hàn gắn vết thương chiến tranh xây dựng cuộc sống mới; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

           Chiến thắng ngày 30/4/1975 là thành quả vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội do Đảng ta và chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo; là trang sử hào hùng, chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc. Quân và dân ta đã đánh thắng kẻ thù lớn mạnh và hung hãn nhất của loài người tiến bộ; kết thúc oanh liệt cuộc chiến đấu 30 năm giành độc lập tự do, thống nhất cho Tổ quốc; chấm dứt ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên đất nước ta; là thắng lợi tiêu biểu của lực lượng cách mạng thế giới, góp phần thúc đẩy cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì mục tiêu độc lập dân tộc, hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội; cổ vũ động viên các dân tộc đang tiến hành công cuộc giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa thực dân kiểu mới trên toàn thế giới.

           Năm 2021 là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước như tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đây cũng là năm đầu tiên triển khai các nghị quyết nhiệm kỳ của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là kế hoạch phát triển kinh tế đất nước giai đoạn 2021-2026 trong bối cảnh dự báo kinh tế - xã hội trong cả nước và quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Chúng ta càng tự hào, tin tưởng vào sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt tài tình của Đảng cộng sản Việt Nam, vào tinh thần quật cường bất khuất và trí thông minh, sáng tạo của dân tộc ta, của quân đội ta. Mỗi người dân Việt Nam nguyện tiếp tục phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần tự lực, tự cường, tinh thần đại đoàn kết toàn dân, quyết tâm vươn lên hoàn thành tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh theo chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra./.

Hà Văn Dương

Trước hết, được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã khẳng định tầm vóc vĩ đại của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ mà quân và dân ta chiến đấu trường kỳ, gian khổ sau 21 năm nói chung và chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định nói riêng. Bởi vì, đây là trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thu non song về một mối, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đồng thời, thắng lợi của chiến dịch đã hiện thực hóa mục tiêu của cách mạng Việt Nam đã được Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta lựa chọn từ năm 1930 của thế kỷ XX: “Chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”[1].

Thứ hai, mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, là nguồn cổ vũ động viên tinh thần to lớn đối với cán bộ, chiến sĩ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên xung phong và quần chúng nhân dân tham gia chiến dịch. Quyết định mang tính lịch sử ấy, đã làm cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng được phát huy cao độ, đạt đến đỉnh cao - chủ nghĩa anh hùng cách mạng thời đại Hồ Chí Minh. Đồng thời, là nguồn cổ vũ mạnh mẽ, động lực phất cao ý chí, tinh thần chiến đấu quyết tâm giành thắng lợi trong trận chiến đấu cuối cùng để thực hiện trọn vẹn lời dạy của Bác từ mùa xuân năm 1969:

       “Vì độc lập, vì tự do,

Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào.

       Tiến lên! Chiến sĩ đồng bào;

Bắc - Nam sum họp, Xuân nào vui hơn!”[2].

Đó cũng là nguyện vọng thiết tha, là mong đợi, tâm nguyện suốt cuộc đời của Bác. Do đó, chiến dịch được mang tên Bác, đã làm cho ý chí chiến đấu, tinh thần quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta đã hòa quyện với tâm nguyện của lãnh tụ Hồ Chí Minh kính yêu trước lúc đi xa. Đồng thời, đó là ý chí, khát vọng hòa bình, giải phóng và thống nhất đất nước của cả dân tộc ta.

Thứ ba, mang tên Người, chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định sẽ khai thác và phát huy sức mạnh tối đa của nền nghệ thuật quân sự Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Đó là nghệ thuật phát huy sức mạnh tổng hợp của mọi yếu tố, mọi lực lượng để chiến thắng quân thù; đó là nghệ thuật chỉ đạo chiến lược “thần tốc, táo bạo, quyết thắng”; đó là nghệ thuật kết hợp tiến công quân sự với tiến công chính trị và địch vận; kết hợp giữa “trong đánh ra, ngoài đánh vào”; giữa tấn công của các binh đoàn chủ lực và nổi dậy của quần chúng nhân dân; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại…

Thứ tư, chiến dịch giải phóng thành phố Sài Gòn - Gia Định được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, còn thế hiện tình cảm tôn kính của quân và dân ta nói chung, quân và dân miền Nam nói riêng đối với lãnh tụ kính yêu của dân tộc, “Người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam”. Đó cũng là niềm khát khao cháy bỏng của Bác, mong muốn khôn nguôi của Người là “đến ngày thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà” Người sẽ thăm đồng bào miền Nam ruột thịt. Bởi vì, nỗi niềm đau đáu của Người là “miền Nam luôn trong trái tim tôi”; mỗi một ngày, một giờ, đồng bào miền Nam chưa được giải phóng là Người ăn không ngon, ngủ không yên”. Chính tình cảm thiêng liêng dành cho đồng bào miền Nam ấy càng thôi thúc quân và dân ta chiến đấu anh dũng, kiên cường, bất khuất tiến lên giành thắng lợi vào ngày 30/4/1975.

Thứ năm, chiến dịch giải phóng thành phố Sài Gòn - Gia Định được mang tên Bác, còn có ý nghĩa thời đại vô cùng to lớn. Điều đó không chỉ khẳng định tầm quan trọng của chiến dịch mà còn tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ chí nghĩa, chí tình, trên tinh thần “Bốn phương vô sản đều là anh em” của nhân dân yêu chuộng hòa bình, công lý và chính nghĩa trên thế giới, nhất là Đảng, Nhà nước, Nhân dân Liên Xô và Trung Quốc đối với nhân dân ta. Đồng thời, chiến dịch được mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có ý nghĩa khẳng định niềm tự hào của dân tộc ta, nhân dân ta và quân đội ta đối với nhân dân thế giới về lãnh tụ thiên tài, kính yêu Hồ Chí Minh - anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất của nhân loại. Người đã cống hiến trọn đời mình cho dân, cho nước cho công cuộc hòa bình và tiến bộ trên thế giới.

Có thể khẳng định, Chiến dịch giải phóng thành phố Sài Gòn - Gia Định giành toàn thắng vào 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, đã hội tụ tổng hợp các yếu tố sức mạnh của dân tộc ta, trong đó được mang tên Bác Hồ kính yêu, là một trong những nhân tố tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn cho quân và dân ta. Điều đó không chỉ có ý nghĩa trực tiếp làm nên thắng lợi của Chiến dịch, mà còn ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong công cuộc khôi phục sau chiến tranh và xây dựng thành phố Hồ Chí Minh trở thành thành phố phát triển năng động của Việt Nam trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước.

Mặc dù đã qua 45 năm, nhưng chiến dịch mang tên Bác - Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng ngày 30/4/1975 còn vang mãi đến hôm nay như bản hùng ca bất diệt, bởi trong chiến dịch ấy đã quy tụ được sức mạnh toàn dân và tiếp tục soi sáng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Hiện nay, âm vang của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử tiếp tục động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, thử thách, giành chiến thắng trong cuộc chiến đấu với kẻ thù “vô hình” - Covid-19, sớm đưa các hoạt động xã hội trở lại bình thường, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nước Việt Nam hoàn bình, thống nhất, giàu mạnh, thỏa lòng mong ước của Người trước lúc đi xa./.

---------------

[1]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.1.

[2]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.532.

Video liên quan

Bài Viết Liên Quan

Chủ Đề