Chi phí trồng nấm rơm trong nhà

Bài viết liên quan:

Ở các xã Hòa Thành, Vĩnh Thới, Thị trấn Lai Vung, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, mô hình trồng nấm rơm trong nhà đang phát triển mạnh. Với 1.000 m2 trồng nấm trong nhà, sau khi trừ chi phí lãi, các hộ đang lãi từ 10 - 15 triệu đồng, cao gấp đôi so với trồng nấm rơm ngoài trời.

Ông Ngô Tấn Dũng ở ấp Tân Long, xã Hòa Thành cho biết, trồng nấm rơm ngoài trời, mỗi năm chỉ sản xuất được 2 - 3 vụ, do phải có thời gian cách ly, để tránh lây lan các mầm bệnh và trong mùa mưa bão nấm dễ bị hư hỏng, năng suất thấp dẫn đến thua lỗ. Ngược lại, trồng nấm rơm trong nhà có nhiều tiện lợi, ưu điểm hơn. So với sản xuất nấm rơm ngoài trời, trồng nấm rơm trong nhà được quanh năm không sợ ảnh hưởng đến thời tiết, chủ động được nhiệt độ và ẩm độ, giúp nấm phát triển tốt, đạt năng suất cao, đảm bảo sản phẩm sạch, chất lượng cao.

Đặc biệt, trồng nấm rơm trong nhà còn chủ động được thời điểm sản xuất bán vào các ngày lễ, Tết và ngày rằm âm lịch hàng tháng, được giá cao hơn so với ngày thường từ 6.000 - 10.000 đồng/kg. Ngoài ra, phần rơm rạ còn lại sau thu hoạch sẽ thu gom ủ cho oai mục, bán cho các hộ trồng cây hoa cảnh, góp phần tăng thêm thu nhập.

Bình quân mỗi căn nhà trồng nấm được xây dựng bằng cột cây và lợp lá đơn sơ để phù hợp với diện tích có sẵn của từng hộ, diện tích được dựng lên từ 20 - 100 m2, lợi ích của việc trồng nấm rơm trong nhà tránh được sự ảnh hưởng của thời tiết khi nhiệt độ lên quá cao, ẩm độ thấp, mưa dầm…

Ông Tống Duy Thông, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Thành cho biết, với diện tích nhà trại 20 m2, có thể chất 400 gói rơm, mỗi gói có trọng lượng 1 kg rơm khô, sau một tháng có thể thu hoạch từ 60 - 100 kg nấm rơm tươi, với giá bán trung bình 50.000 đồng/kg người trồng nấm thu nhập từ 2 - 3 triệu đồng trong một chu kỳ sản xuất.

Sự ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng kéo dài trong thời gian đầu năm 2016 khiến cho hầu hết những hộ trồng nấm rơm ngoài trời đều cho năng suất thấp, dẫn đến thua lỗ, riêng những hộ trồng nấm rơm trong nhà không bị ảnh hưởng, ngược lại với trồng ngoài trời, trồng nấm rơm trong nhà cho năng suất cao, trung bình một ghe rơm nguyên liệu 20 tấn, sau khi trồng thu hoạch được hơn 1 tấn nấm, cao gấp đôi so với năng suất nấm rơm trồng ngoài trời.

Theo ông Huỳnh Văn Tồn, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lai Vung, huyện đang khuyến khích nông dân trên địa bàn 12 xã, thị trấn áp dụng mô hình này, vì hiệu quả mang lại rất cao, dễ áp dụng và rất thích hợp cho những hộ có ít đất sản xuất và lao động nhàn rỗi. Vừa qua, huyện Lai Vung đã tổ chức được 2 lớp tập huấn, có hơn 60 nông dân tham gia học tập kỹ thuật và kinh nghiệm trồng nấm rơm trong nhà, các ngành chuyên môn huyện Lai Vung. Trạm Khuyến nông huyện Lai Vung còn tổ chức hội thảo mô hình trồng nấm rơm trong nhà và cho nhân rộng mô hình./.

Nguyễn Văn Trí [TTXVN]

TRUNG TÂM CHẾ PHẨM SINH HỌC

32/83 Bùi Đình Túy, Phường 12, Quận Bình Thạnh, Tp Hồ Chí Minh

0934 521 403 | 0933 293 445 | 0976 543 435

Tận dụng nguồn rơm sau thu hoạch lúa để trồng nấm, nhưng thay vì trồng theo cách thông thường, ông Hồ Văn Út, Giám đốc HTX Kim Ngân, ở phường Vĩnh Tường, thị xã Long Mỹ, lại chọn ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất kết hợp trồng trong nhà kính. Cách làm này mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ứng dụng cơ giới hóa trong việc ủ rơm nên giảm được sức lao động, tiết kiệm chi phí.

Trồng nấm rơm trong nhà

Cầm trên tay túi nấm rơm nửa ký được đóng gói cẩn thận với đầy đủ thông tin và mã vạch do HTX Kim Ngân, địa chỉ tại phường Vĩnh Tường, thị xã Long Mỹ sản xuất, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi được chính chủ nhân của chúng, ông Hồ Văn Út, Giám đốc HTX Kim Ngân, giới thiệu những cây nấm này được trồng hoàn toàn trong nhà kính. Theo ông Út, để có được sản phẩm này, ông đã tự mày mò, tìm hiểu thông tin rồi bắt đầu đưa vào sản xuất. Vậy là từ ý tưởng ban đầu, đến nay, HTX đã có tổng cộng 6 nhà trồng nấm với diện tích gần 1.000m2. Tất cả được thiết kế bài bản nhằm chủ động điều chỉnh, quản lý tốt nhiệt độ, độ ẩm và các sinh vật gây hại.

“Khi trồng trong nhà kính, cây nấm đẹp hơn, khi ăn ngon hơn so với nấm trồng theo cách truyền thống. Tôi cũng tự làm meo ủ nấm chứ không mua bên ngoài vì sợ kém chất lượng và giá cao. Tự mình làm thì nó chất lượng hơn. Quá trình trồng không xịt thuốc mà sử dụng phân hữu cơ do HTX tự làm”, ông Hồ Văn Út chia sẻ thêm.

Cũng theo ông Út, nhờ ứng dụng cơ giới hóa trong việc ủ rơm nên giảm được sức lao động, tiết kiệm chi phí mà năng suất lại cao hơn. Chỉ cần 1 người điều khiển máy Kobe là có thể thực hiện công đoạn giũ rơm trước khi tiến hành các công đoạn tiếp theo. Tận mắt chứng kiến quá trình sơ chế rơm, chúng tôi mới cảm nhận được hơi nóng bốc lên mỗi khi máy vận hành tạo thành các làn khói. Khi đưa vào nhà kính, rơm sẽ được chất lên giàn, mỗi giàn 5 tầng, nhờ cách làm này mà ông Út có thể điều chỉnh nhiệt độ thích hợp cho sự phát triển của nấm rơm vào khoảng 30-350C.

Để chủ động nguồn nguyên liệu, HTX tiến hành thu mua rơm của bà con trong vùng. Riêng những tháng nước nổi phải thu mua rơm từ các tỉnh khác về để sản xuất. Ngoài sản phẩm chính là nấm rơm đóng gói bỏ mối cho bạn hàng, rơm sau khi ủ sẽ được bán làm phân hữu cơ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ông Hồ Văn Út, bày tỏ: “Rơm sau khi ủ nấm ra người ta lấy hết. Đựng đầy 1 bao thức ăn là 30.000 đồng, bao đựng lúa là 40.000 đồng hoặc là ghe trên Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, xuống mua mão một lần khoảng 6-7 triệu đồng/ghe”.

Do được trồng trong nhà kính, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên nấm làm ra đạt chất lượng và được thị trường rất ưa chuộng. Bình quân 1 vụ, mùa thuận thì 1 cục rơm khoảng 2-2,5kg, còn mùa nghịch thì khoảng 1,5kg. Hiện tại, mô hình của HTX Kim Ngân đã và đang cho hiệu quả kinh tế khá cao. Dự kiến, trong thời gian tới ông Út sẽ mở rộng thị trường, đầu tư thêm diện tích trồng.

Nhiều triển vọng phát triển

Trò chuyện với chúng tôi sau khi đi thực tế tại HTX Kim Ngân, ông Võ Xuân Tân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh, tâm đắc: “Ứng dụng cơ giới hóa trồng nấm rơm trong nhà của HTX Kim Ngân có thể khuyến khích làm mô hình kinh tế tuần hoàn vì tận dụng được nguồn phế phẩm. Tỉnh Hậu Giang sản xuất lúa là chủ yếu, rơm bỏ ra cũng nhiều. Người ta lấy rơm đó trồng nấm rơm, ngoài thu hoạch nấm tiêu thụ thì sau khi chất, rơm ủ thành phân. Hướng lâu dài, chúng tôi hướng dẫn ngoài bán phân rơm thì có thể sử dụng để trồng rau màu, cây ăn trái”.

Cũng theo ông Tân, việc trồng nấm rơm trong nhà kính có nhiều ưu điểm so với cách truyền thống. Nếu trước đây, việc ủ nấm rơm ngoài môi trường, người nông dân khó kiểm soát được nắng, mưa. Khi thời tiết không thuận lợi thì năng suất nấm sẽ thấp, còn khi đưa vào trong nhà kính có thể điều khiển được nhiệt độ, ẩm độ,… tạo điều kiện thuận lợi cho nấm phát triển, năng suất cao. Ngoài ra, cái hay của mô hình này là trên cùng đơn vị diện tích có thể làm nhiều tầng để ủ rơm, góp phần tăng năng suất so với ở ngoài, từ đó hiệu quả kinh tế cao hơn.

Có thể thấy, bên cạnh những ưu điểm vốn có thì việc trồng nấm rơm trong nhà kính theo cách của HTX Kim Ngân đang thực hiện cũng giúp tiết kiệm chi phí cho lao động, khi có sự hỗ trợ của máy móc. Nấm được trồng trong môi trường lý tưởng cho sự phát triển nên năng suất cao hơn. Tuy nhiên, những hộ nông dân đang có ý định để phát triển theo mô hình này cần tính toán chi phí ban đầu cất nhà trồng nấm đạt tiêu chuẩn và đầu tư máy móc. Sản phẩm làm ra đáp ứng nhu cầu thị trường về mặt chất lượng lẫn hình thức. Trong đó, sản xuất theo tiêu chuẩn OCOP sẽ là hướng đi được ngành chức năng khuyến khích và hỗ trợ, bởi những lợi ích mà nó mang lại.

Ông Võ Xuân Tân nhấn mạnh: “Hiện nay, phát triển OCOP thì địa phương có những chương trình hỗ trợ như: Hướng dẫn bà con từ sản xuất sản phẩm thô, mình sẽ chuyển sang sơ chế, tạo bao bì, nhãn mác, thực hiện đảm bảo theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm hướng đến xây dựng thương hiệu sản phẩm đó. Về lâu dài, để sản phẩm OCOP phát triển rộng ra thị trường thì tỉnh cũng có những chương trình xúc tiến thương mại thông qua hội chợ hoặc là hiện nay đưa những sản phẩm lên các sàn giao dịch điện tử, các hoạt động xúc tiến thương mại để làm sao sản phẩm OCOP có đầu ra thì sẽ phát triển hơn”.

Bài, ảnh: NGỌC HƯỞNG

Nhiều kỹ thuật trồng nấm rơm tiến bộ đã được ngành nông nghiệp nghiên cứu và trang bị cho nông dân, trong đó kỹ thuật mới nhất hiện nay là trồng nấm rơm phối bông vải dạng trụ trong nhà kín. Tại huyện Châu Thành, mô hình đã được ngành nông nghiệp đánh giá mang lại hiệu quả kinh tế, và đang được nhân rộng trong toàn huyện. Hiện tại, mô hình đã được thực hiện tại 9/13 xã, thị trấn trong huyện như: Bình Hòa, Vĩnh Lợi, Hòa Bình Thạnh, An Hòa...

Huyện Châu Thành có diện tích đất sản xuất nông nghiệp hành năm khoảng 81.000ha, trong đó sản lượng rơm từ thu hoạch lúa ước khoảng 243.000 tấn. Đây là nguồn nguyên liệu dồi dào để khuyến khích người nông dân, đặc biệt là lao động nhàn rỗi thực hiện mô hình trồng nấm, nhằm giúp cải thiện thu nhập gia đình và tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn.

Anh Phạm Ngọc Lưu với mô hình trồng nấm rơm dạng trụ

Được sự hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật của ngành chuyên môn, anh Phạm Ngọc Lưu ở ấp Bình Phú II, xã Bình Hòa đã tiên phong đầu tư thử nghiệm lựa chọn mô hình trồng nấm rơm dạng trụ, đồng thời áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, cho hiệu quả kinh tế ổn định. Bước đầu mô hình đã mang lại hiệu quả khả quan, đạt năng suất cao hơn 100% so phương pháp sản xuất truyền thống.

Được sự hướng dẫn và hỗ trợ vốn của Trạm Khuyến nông huyện Châu Thành, thông qua dự án hợp tác giữa An Giang với Thụy Điển. Anh Phạm Ngọc Lưu thực hiện quy mô nhà nấm trên diện tích 42m2 [6m x 7m], cao 3,5m. Để nhà nấm giữ ẩm tốt, anh Lưu sử dụng tấm xốp trên phần nốc và vách, bên ngoài bố trí thêm tấm cao su giúp hạn chế ánh sáng, phần nền được tráng xi măng, ngoài ra nhà nấm còn được bố trí thêm cửa sổ để thông gió. Trong nhà còn bắt bóng đèn để điều chỉnh nhiệt độ và ẩm độ trong mô nấm. Thay vì trồng nấm theo phương pháp truyền thống, chất rơm ngoài trời, mô hình này được thực hiện trong nhà kín và chất nguyên liệu dạng trụ. Trước khi chất mô nấm, anh Lưu tiến hành phun thuốc sát trùng hoặc sử dụng vôi bột sát trùng trong và xung quanh nhà nấm.

Anh Phạm Ngọc Lưu cho biết:.. “Mô hình được thực hiện trong nhà trồng có diện tích 42 m2, được bố trí 26 trụ, mỗi trụ cao 1,2m, đường kính trụ 0,4m, trụ cách trụ 1m. Nguyện liệu chuẩn bị gồm: 40 cuộn rơm, bông vải tỷ lệ 10% so với nguyên liệu rơm, meo giống 6 bịch cho mỗi trụ. Meo nấm được sử dụng phải chọn loại meo tốt có những sợi tơ màu trắng trong, tơ nấm phát triển đều khắp mặt môi trường bịch meo, sợi tơ phát triển đều, không bị méo hoặc không có chỗ đậm, chỗ lợt hay có màu khác thường. Để tăng năng suất, meo nấm được trộn với các loại men vi lượng kích thích tơ bò nhanh.”.

Sau khi hoàn chỉnh thiết kế nhà nấm và chuẩn bị đầy đủ các loại nguyên liệu, anh Lưu thực hiện trình tự các bước trồng: tiến hành ngâm rơm với nước vôi, ủ rơm 2 đợt [10 đến 12 ngày] và tiến hành ủ bông vải [6 ngày]. Khuôn chất nấm là ống nhựa tròn có đường kính 0,4m, chiều dài 0,6m, cắt dọc theo ống nhựa ra làm đôi, sau đó hàn mối nối để cố định khuôn khi chất. Rơm sau khi ủ được lấy ra ép và chất vào khuôn tròn, lần lượt lớp rơm cao 20cm thì rải đến lớp bông vải 2cm, rồi rải 1 lớp meo giống, thực hiện liên tục đến khi trụ nấm cao 1,2m. Trong quá trình trồng, sau 3 đến 4 ngày thì kiểm tra nhiệt độ, ẩm độ mô nấm và sự phát triển hệ sợi tơ. Sau 8 đến 10 ngày tơ nấm phát triển nhiều và xuất hiện đinh ghim, đồng thời bắt đầu thắp đèn liên tục để kích thích nấm, thời gian thắp đèn từ 9 giờ tối đến 4 giờ sáng ngày hôm sau. Chỉ sau 12 đến 15 ngày là có thể thu hoạch nấm: đợt 1 thu hoạch kéo dài từ 8 đến 9 ngày, sau đó ngưng 1- 2 ngày chăm sóc. Đợt thu hoạch thứ 2 kéo dài từ 3 đến 4 ngày thì kết thúc vụ.

Anh Lưu chia sẻ:… “Từ 26 trụ rơm, mỗi trụ cho thu hoạch 5kg nấm, bình quân mỗi kg nấm bán được 36,5 ngàn đồng, số tiền thu được hơn 7,1 triệu đồng, phụ phẩm sau trồng nấm bán được 500 ngàn đồng. Như vậy, tổng thu là hơn 7,6 triệu đồng, trong đó tổng chi phí đầu tư nhà nấm, nguyên liệu, công chăm sóc, thu hoạch hơn 4,1 triệu đồng, anh còn lợi nhuận trên 3,5 triệu đồng sau 15 ngày trồng. Thấy được hiệu quả của mô hình trồng nấm rơm dạng trụ, hiện tại, anh Lưu đang tiếp tục đầu mở rộng nhà trồng trên diện tích lớn hơn”. 

Nông dân các xã trong huyện đến tham quan mô hình

Có thể thấy, trồng nấm rơm trong nhà dạng trụ theo hướng ứng dụng công nghệ cao là hướng đi mới, do có nhiều ưu điểm hơn so với cách trồng nấm rơm ngoài trời. Cụ thể, nông dân chủ động điều chỉnh được ẩm độ, nhiệt độ, việc vệ sinh khu vực trồng nấm được thuận lợi hơn, tiết kiệm diện tích chất mô và không phụ thuộc vào thời tiết như trồng nấm rơm ngoài trời. Tuy nhiên, trồng nấm rơm trong nhà có nhược điểm là chi phí đầu tư ban đầu khá cao, đó là xây, cất nhà trồng. Tuy nhiên, phương pháp trồng nấm rơm trong nhà dạng trụ chi phí đầu tư lại thấp hơn so với mô hình dạng kệ, nhờ sử dụng nguyên liệu rơm phối trộn bông vải cho năng suất cao hơn so với cách trồng truyền thống phải sử dụng 100% nguyên liệu rơm. Ngoài ra, với cách bố trí mỗi giàn kệ có 3,4 tầng, nhà trồng nấm rơm có từ 2,3 giàn kệ nên ảnh hưởng đến độ thông thoáng, hay xảy ra tình trạng ngộp, nấm chỉ tập trung ra những tầng phía dưới, tầng trên cho nấm kém. Mặt khác, chi phí đầu tư kệ cũng khá cao và gây khó khăn cho khâu vệ sinh trại… 

Với những hiệu quả bước đầu mang lại cho thấy mô hình trồng nấm rơm dạng trụ trong nhà là hướng đi mới cho người trồng nấm trên địa bàn huyện, bởi vì nó có nhiều ưu điểm là dễ chăm sóc, dễ thu hoạch, thuận lợi trong khâu vệ sinh trại, bên cạnh đó chất lượng sản phẩm nấm rơm dạng trụ trong nhà tăng, dễ bán hơn và giá bán cao hơn…Ngoài ra, trồng nấm rơm sử dụng nguyên liệu rơm phối trộn bông vải sẽ giúp cho người trồng có nhiều sự lựa chọn hơn trong việc sử dụng các nguyên liệu, phụ phẩm nông nghiệp khác ngoài rơm. Đây là điều kiện để thúc đẩy phát triển diện tích trồng nấm rơm trên địa bàn huyện Châu Thành, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, đem lại thu nhập ổn định cho người dân./.

Trúc Phương

Video liên quan

Chủ Đề