Cảm nhận về cuốn sách Sức mạnh của thói quen

Tóm tắt và cảm nhận bởi Khánh Huyền – SBS – Smart Business Solutions

Sức mạnh của thói quen là cuốn sách hướng dẫn về thay đổi hành vi của con người và tổ chức được viết bởi tác giả Charles Duhigg. Cuốn sách được đánh giá là hay nhất về đề tài này, nó đã liên tục nằm trong danh sách best-seller của New York Times suốt 40 tuần. Qua ba phần cuốn sách, người đọc có thể hiểu được tầm quan trọng của thói quen cũng như cách rèn luyện, hình thành các thói quen tốt mang đến lợi ích cho bản thân hay tổ chức.

Cuốn sách này bao gồm ba phần với chín chương và một phụ lục. Phần một bao gồm ba chương nói về sự hình thành thói quen, cách thức tạo nên thói quen mới cũng loại bỏ thói quen cũ. Phần hai gồm bốn phần, xem xét những thói quen của các công ty và tổ chức đã thành công. Phần ba với hai chương cuối cùng phân tích những thói quen xã hội cũng như lý giải những vấn đề đạo đức hóc búa như một tên sát nhân ở Anh có nên được thả tự do không nếu hắn có thể thuyết phục rằng thói quen của hắn dẫn đến việc giết người. 

PHẦN 1: CÁC THÓI QUEN CÁ NHÂN

  1. Vòng lặp của thói quen 

Não bộ con người luôn tìm cách tiết kiệm năng lượng nó sử dụng. Một trong những cách làm điều đó là biến những hoạt động trở thành thói quen. Một thói quen từ đơn giản như việc kiểm tra mail mỗi ngày trước khi làm việc cho đến những thói quen phức tạp hơn như lái ô tô từ nhà tới công ty đều được hình thành từ một quá trình bao gồm ba bước.

  • Bước thứ nhất: Tiếp nhận thông tin: Trong một hoàn cảnh, các yếu tố ngoại cảnh sẽ tác động, kích thích lên não bộ con người. Từ đó, não bộ sẽ hoạt động và phân tích, đánh giá đưa ra một loạt các hành động cụ thể phù hợp. 
  • Bước thứ hai: Duy trì: Lặp lại những hành động này hàng ngày, cơ thể và não bộ chúng ta sẽ dần quen với chúng. Ví dụ như việc mỗi ngày bạn đến chỗ làm, việc đầu tiên bạn làm đều là mở mail lên và kiểm tra công việc ngày hôm trước.
  • Bước thứ ba: nhận được kết quả với thói quen: mỗi thói quen sẽ dẫn đến một kết quả khác nhau, có thể là hài lòng hoặc ngược lại. Việc bạn check mail và các công việc ngày hôm trước trước khi vào làm giúp bạn nắm bắt được các thông tin quan trọng cũng như theo kịp tiến độ công việc còn dang dở một cách hiệu quả mà không mất quá nhiều thời gian vô nghĩa. Bạn sẽ cảm thấy hài lòng và có cảm hứng làm việc hơn. Việc nhận được kết quả này là bước cuối cùng để một thói quen được hình thành. Thói quen có thể tốt hoặc xấu, vì vậy mỗi kết quả mà ta nhận được sẽ giúp ta quyết định có nên duy trì nó hay không. 

Tìm hiểu về vòng lặp của thói quen, ta có thể chủ động hơn trong quá trình thói quen được hình thành. Không có vòng lặp này, não bộ ta sẽ ngừng làm việc và bị chất đầy chỉ bởi những chi tiết lặt vặt trong cuộc sống, như hôm nay bạn đi giày bên nào trước hay nên đi đường nào đến trường. Việc hình thành những thói quen từ đơn giản đến phức tạp giúp não bộ được sử dụng một cách hiệu quả và khoa học. 

Cuối chương 1, tác giả cũng nói thêm về việc khả năng khôi phục thói quen là rất lớn. Nghiên cứu chỉ ra rằng khi não bộ bị tổn thương nặng nề, tuy nhiên nếu sự duy trì và học hỏi xảy ra trong hạch nền còn hoạt động bình thường, một người dù có không nhớ đường về nhà hay thậm chí hoàn toàn không nhận ra người thân của mình vẫn có thể làm theo những thói quen cũ và hình thành cho mình thói quen mới. Tuy nhiên sự phục hồi này cũng khá nguy hiểm, khi những thói quen xấu vẫn có thể tái phát lại như việc bạn hút thuốc hay nghiện rượu. Thói quen có tác động mạnh mẽ đến cách ta hành động hay cư xử, tuy nhiên, không phải lúc nào ta cũng nhận ra điều đó. 

  1. Não bộ của sự thèm muốn 

Quy luật tồn tại của thói quen là tạo ra sự thèm muốn. Và đó cũng là lí do tại sao thói quen có tác động lớn lao đến chúng ta. Phần lớn thời gian, sự thèm muốn xảy ra thường xuyên nhưng không phải lúc nào ta cũng nhận ra nó. Nhưng khi đặt gợi ý cùng với phần thưởng nhất định, sự thèm khát sinh ra trong tiềm thức sẽ thôi thúc vòng lặp thói quen bắt đầu. 

Điều này lí giải vì sao việc từ bỏ một thói quen xấu rất khó khăn. Từ những nghiên cứu trên động vật, khi chúng đã quen với một vòng lặp gợi ý – hành động – khen thưởng, não bộ chúng sẽ tự dự đoán và sinh ra tiềm thức thèm khát phần thưởng mà chúng sẽ nhận được sau khi thực hiện hành động. Và khi có một sự can thiệp làm chúng xao lãng khỏi hành động trong vòng lặp, hoặc chúng không nhận được phần thưởng, sự thèm khát đó không được thỏa mãn, chúng bắt đầu bất mãn và thất vọng. Đây cũng chính là cơ sở thần kinh của thèm muốn.

Mặt khác, sự thèm muốn ngược lại là một sức mạnh to lớn để hình thành những thói quen tốt. Nghiên cứu chỉ ra rằng những người có thói quen tập thể dục thường xuyên thèm khát một điều gì đó từ việc tập. Cảm giác thoải mái hay những việc họ có thể làm sau khi tập thôi thúc họ thường xuyên thực hiện việc tập thể dục hơn. Và chính sự thèm muốn ấy đã thúc đẩy cho vòng lặp thói quen hình thành; chỉ gợi ý và phần thưởng thôi thường chưa đủ. 

Các nhãn hàng và công ty quảng cáo luôn nghiên cứu để hiểu và khơi dậy sự thèm muốn cho người tiêu dùng. Điều này lí giải tại sao Claud Hopkins có thể quảng cáo và thành công đưa nhãn hiệu kem đánh răng Pepsodent trở nên phổ biến trong khi các hãng khác không làm được. Pepsodent tạo ra một sự thèm khát, đó là cảm giác mát mẻ, tươi mát sau khi sử dụng, điều mà ngày nay trở thành yếu tố cơ bản của các loại kem đánh răng. Khách hàng nói nếu không có cảm giác mát lạnh ấy, họ cảm giác miệng mình chưa sạch sẽ. Cảm giác này dẫn đến việc người tiêu dùng có thói quen chọn mua Pepsodent thay vì một nhãn hiệu khác, họ muốn được thỏa mãn sự thèm muốn như một phần thưởng. Ví dụ này đã chứng minh sự thèm muốn dẫn dắt vòng lặp thói quen. Và khi tìm ra được cách nảy sinh sự tham muốn, việc hình thành thói quen lại trở nên dễ dàng hơn. 

  1. Nguyên tắc vàng để hình thành thói quen 

Như đã đề cập trước đó, việc từ bỏ thói quen xấu rất khó khăn. Hay nói cách khác, ta không thể hoàn toàn loại bỏ một thói quen xấu. Chính vì thế, thay đổi là cách hiệu quả hơn. Ở chương này, tác giả đưa ra một quy tắc vàng cho việc thay đổi bất kỳ một thói quen: Không cưỡng lại ham muốn mà chuyển hướng nó, vẫn giữ nguyên gợi ý và phần thưởng cuối cùng nhưng thêm vào đó những hành động mới. 

Nguyên tắc này có ảnh hưởng đến việc điều trị việc nghiện rượu, bệnh béo phì hay hàng nghìn những thói quen xấu khác, hiểu được nó, bất cứ ai cũng có thể thay đổi thói quen của mình. Nghiên cứu đã cho thấy Alcoholics Anonymous – một tổ chức nổi tiếng nhất về thay đổi thói quen đã áp dụng nguyên tắc này một cách hiệu quả và mang đến thành quả tuyệt vời. AA đã giúp hàng nghìn người cai rượu thành công. 

AA hỏi những tham gia về điều họ thèm muốn từ việc uống rượu. Thông thường, yếu tố như cảm giác thoải mái, thư giãn, giảm bớt lo lắng và giải tỏa tâm trạng quan trọng hơn nhiều so với ngộ độc thực sự. Sau đó, AA đã bắt đầu thành lập một hệ thống để thay thế thói quen uống rượu thành những hành động khác, như việc đi đến các buổi gặp mặt, trò chuyện hoặc tâm sự để có sự đồng hành. AA vẫn giữ nguyên gợi ý và phần thưởng cuối cùng nhưng cố gắng thay đổi hành động ở vòng lặp thói quen. Kết quả đã chỉ ra việc thay thế này đã giúp nhiều người thành công bỏ cai được rượu, cũng đồng thời chứng minh việc thay đổi thói quen đã đạt được. 

Bên cạnh sự thành công lớn nói chung, hoàn cảnh căng thẳng có thể gây tái phát. Khi người tham gia có thể dừng việc uống rượu một thời gian dài vô tình gặp phải một tình huống căng thẳng hay bị tác động mạnh về mặt cảm xúc, thói quen uống rượu có xu hướng tái phát. Họ sử dụng rượu trở lại như một cách điều chỉnh lại tâm trạng. Và đó là lúc thói quen cũ quay trở lại.  

Việc thay đổi hành động trong vòng lặp thói quen đôi khi gặp phải những điều khiến quá trình đó bị trì hoãn hay xao lãng, áp dụng Nguyên tắc vàng thôi đôi lúc chưa đủ. Lúc này, yếu tố cần thiết nhất chính là niềm tin. Bạn phải có niềm tin rằng thay đổi là có thể và thường xuyên, niềm tin đó chỉ được hình thành khi có sự giúp đỡ của một nhóm. Tỷ lệ thành công của bạn sẽ cao hơn rất nhiều khi bạn hứa sẽ thay đổi như mọi người trong nhóm. Thay đổi có thể xảy ra và niềm tin là điều cần thiết. Và theo như nghiên cứu, không chỉ cá nhân có thể thay đổi mà các thói quen của công ty, tổ chức và cộng đồng đều có thể. 

PHẦN 2: THÓI QUEN CỦA CÁC TỔ CHỨC THÀNH CÔNG 

  1. Thói quen quyết định hay bản tình ca của Paul O’neill

Khi công ty nhôm Alcoa đang đứng trước bờ vực, việc có một vị giám đốc điều hành mới tuyên bố rằng ưu tiên đầu tiên hàng đầu của mình là an toàn ở nơi làm việc khiến các nhà đầu tư nghi ngờ. Họ đang lo lắng khi nhìn vào thực tế lợi nhuận và doanh thu của công ty. Tuy nhiên, sự thật lại nằm ngoài dự đoán. Paul O’neill với cương vị giám đốc điều hành mới, đã vực lại cả công ty, thu nhập hàng năm tăng lên đến năm lần. Vì ông hiểu rằng những thói quen cũng tồn tại trong tổ chức và nó cũng vô cùng quan trọng. Nếu muốn thay đổi Alcoa, trước tiên, ông cần thay đổi thói quen của tổ chức. 

Chương này đã chỉ ra cho chúng ta rằng không phải thói quen nào cũng giống nhau. Trong đó, có những thói được coi là then chốt, quan trọng hơn những cái khác, chúng tạo ra hiệu ứng tích cực và lan sang những hành động khác. Điều ưu tiên đầu tiên được O’neill nhấn mạnh trong mục tiêu cảu mình chính là an toàn. Chính vì thế, ông yêu cầu các quản lý và nhân viên phải đưa ra những cách để quy trình sản xuất được diễn ra một cách an toàn nhất và những lời đề xướng, ý kiến phải được thông báo đến cho tất cả mọi người một cách hiệu quả nhất. Kết quả là một hệ thống làm việc được sắp xếp hợp lý, Alcoa bắt đầu sản xuất có lợi nhuận và vực lại sau khủng hoảng. 

Một trong những lý do mà thói quen then chốt lại mang đến hiệu quả chính là nó có tính khuyến khích lan truyền. Từ những thành công nho nhỏ khi quyết định được thói quen then chốt, chúng ta sẽ dễ dàng đạt được thành công đặt ra ban đầu. Đạt được thói quen then chốt giúp ta tin tưởng rằng thay đổi các góc khác của cuộc sống cũng chính là bắt đầu một loạt những thay đổi tích cực. 

  1. Starbucks và thói quen của sự thành công

Nghiên cứu của đại học Stanford đã chỉ ra rằng những đứa trẻ 4 tuổi với nhiều nghị lực hơn: chúng có khả năng chống lại cám dỗ của viên kẹo dẻo ngon tuyệt, có thể cải thiện cuộc sống về mặt học tập và xã hội tốt hơn những đứa trẻ thiếu quyết tâm khác. 

Sức mạnh ý chí được coi là một thói quen giữ vai trò quan trọng nhất có thể áp dụng cho mọi mặt trong cuộc sống. Chương này đã chỉ ra cho chúng ta kỹ năng ấy có thể rèn luyện được. 

Thế nhưng không phải lúc nào ý chí của chúng ta cũng giữ vững được như thế. Đôi lúc ta vô cùng chăm chỉ làm việc hàng giờ đồng hồ nhưng cũng có lúc ta chỉ ngồi yên một chỗ không làm gì cả, việc mở máy tính lên bắt đầu công việc lại hầu như không thể. 

Một nghiên cứu khác đã giải thích điều này rằng, ý chí thực ra cũng chỉ như một loại sức lực: đôi lúc nó sẽ trở nên mệt mỏi. Khi bạn tập trung vào làm việc hàng giờ liền và trở nên kiệt sức, bạn sẽ không còn ý chí cho một buổi đi dạo hay tập thể dục vào buổi chiều muộn. Và điều đó có thể lí giải tại sao một bác sĩ giỏi có thể mắc những lỗi ngớ ngẩn là vì đã tập trung hàng giờ cho một cuộc phẫu thuật phức tạp, ý chí của vị bác sĩ đó dần trở nên mệt mỏi. Nhưng ta có thể rèn luyện ý chí lặp lại các thói quen với sự quyết tâm, ví dụ như tuân thủ một chế độ ăn nghiêm ngặt. 

Nhưng các yếu tố khác cũng có thể ảnh hưởng đến ý chí của ta. Giống như các nhân viên của Starbucks được quan sát cho thấy: những nhân viên thiếu nghị lực biểu hiện không khác nhiều với các nhân viên khác, họ vẫn vui vẻ mỉm cười khi phục vụ cho khách hàng cho dù là cuối ngày làm việc, bất kể họ đang cảm thấy thế nào. Tuy nhiên khi một khách hàng tức giận hay bắt đầu la hét, những nhân viên này trở nên căng thẳng hơn, ý chí của họ trở nên mệt mỏi. Những nhà quản lý, điều hành của Starbucks đã giải quyết vấn đề này bằng cách huấn luyện các nhân viên của mình chuẩn bị tinh thần cho những tình huống khó chịu, tìm phương hướng giải quyết cho những tình huống ấy để tránh mất bình tĩnh hay nản lòng. Nhờ thế, họ có thể chuẩn bị cho mình đủ ý chí để làm theo kế hoạch dù dưới một môi trường áp lực. Starbucks dạy cho nhân viên của mình cách vượt qua khó khăn bằng vòng lặp thói quen của nghị lực. Thói quen ấy đã giúp Starbucks trở thành nhãn hàng thành công có được rất nhiều sự hài lòng của khách hàng. 

Đôi lúc sự thiếu tự chủ cũng làm ảnh hưởng rất nhiều tới sức mạnh ý chí của con người. Một người nếu phải làm một việc vì họ bắt buộc phải làm chứ không phải do bản thân mình muốn làm, sức mạnh ý chí của họ trở nên mệt mỏi hơn. 

  1. Sức mạnh của sự khủng hoảng

  Nghiên cứu cho thấy các tổ chức đang được thúc đẩy bởi những thói quen tổ chức được hình thành không chính thức theo thời gian chứ không phải quy trình đưa ra quyết định có chủ ý nào. Những thói quen tổ chức đó, nói theo cách khác là các lề thói, giữ vai trò quan trọng, vì chúng tạo ra vô ngàn các quy tắc không chính thức giúp công ty hoạt động. 

Nhưng lợi ích quan trọng nhất của những lề thói này là chúng tạo ra sự tạm dừng giữa các nhóm và cá nhân đang có mâu thuẫn tiềm tàng trong cùng một tổ chức. Theo tác giả, các công ty không phải là gia đình, hầu hết các tổ chức đều là “chiến trường trong một cuộc nội chiến”, các cá nhân không ngừng đòi phần thưởng và quyền lợi. Nên những thói quen, lề thói luôn được giữ để tạo sự hòa bình, trên thực tế, các tổ chức vẫn hoạt động một cách bình yên. 

Thật không may, đôi lúc sự tạm dừng ấy là không hiệu quả. Sự hòa bình không ổn định có thể phá hủy mọi thứ như bất kỳ cuộc nội chiến nào. Năm 1987, một nhân viên tại nhà ga ngầm King’s Cross đã thấy dấu hiệu của một đám cháy nhưng không kéo còi báo động. Đó không phải trách nhiệm của anh ta, đám cháy lan rộng nhưng không một ai có mặt ở đó biết cách sử dụng hệ thống phun nước hoặc có quyền sử dụng bình chữa cháy. Đó là trách nhiệm của người khác. Cuối cùng đám cháy lan rộng và 31 người thiệt mạng. Từ trong bi kịch đó, ta nhận ra: những khủng hoảng mở ra một cơ hội làm lại các thói quen của tổ chức bằng cách đem lại cảm giác khẩn cấp. Đây cũng là lý do các nhà lãnh đạo giỏi nắm bắt hay kéo dài sự khủng hoảng, đôi khi làm trầm trọng thêm để thay đổi lề thói của tổ chức, cho đến cuối cùng, mọi người sẵn sàng xem xét lại kỹ càng những mô hình thường ngày họ làm việc. 

  1. Xác định mục tiêu bạn muốn thế nào trước khi làm việc 

Các công ty đang tận dụng thói quen trong việc tiếp thị của mình. Các nhà bán lẻ luôn thu thập số liệu, nghiên cứu về thói quen mua đồ của khách hàng và hành vi của họ. Từ đó, họ điều chỉnh hoạt động của mình nhằm tối đa hóa doanh thu. Một ví dụ là chúng ta thường có thói quen rẽ phải khi vào một cửa hàng. Phân tích và hiểu được thói quen đó, các cửa hàng luôn bày biện các mặt hàng mang lại lợi nhuận cao nhất ở phía gian hàng bên phải, với hi vọng khách hàng sẽ mua chúng ngay lập tức. 

Việc thu thập vô số dữ liệu khách hàng giúp các công ty, nhãn hàng phân tích số liệu để từ đó có thể thu hút khách hàng một cách tốt nhất. Hiện tại có rất nhiều tổ chức sử dụng cách thức này vô cùng hiệu quả, ví dụ như Target, một nhà bán lẻ tại Mỹ phục vụ hàng triệu người mua sắm hàng năm. Tuy nhiên cả Target và các nhãn hàng khác sớm nhận ra rằng đôi khi việc thu thập vô số dữ liệu thông tin và thói quen người mua hàng khiến họ không hài lòng, khách hàng không thích bị do thám. Việc giới thiệu một sản phẩm mới và đưa vào tiêu dùng lại trở nên khó khăn. 

Cách giải quyết vấn đề này là khi bán bất cứ một thứ gì mới, các công ty thường cải trang chúng trong một cái gì đó quen thuộc. Ví dụ, DJ cuả một đài phát thanh có thể khiến một bài hát mới trở nên quen thuộc bằng cách chơi nó giữa hai bài nổi tiếng hiện tại. Bằng cách này, sản phẩm hay những thói quen mới đều dần được chấp nhận. 

PHẦN III: NHỮNG THÓI QUEN CỦA CỘNG ĐỒNG 

  1. Đại giáo đoàn và phong trào tẩy chay xe buýt ở Montgomery 

Ở chương này, tác giả tập trung nói về những biến động được sinh ra từ mối quan hệ mạnh mẽ, áp lực và thói quen mới. 

Năm 1955, ở Montgomery, Alabama, một người phụ nữ da màu đã từ chối nhường chỗ trên xe buýt cho một người đàn ông da trắng. Vì thế cô bị bắt và buộc tội, hành động nhỏ này của cô là là bước đầu tiên trong một chuỗi các hành động làm chuyển đổi cuộc đấu tranh về quan hệ chủng tộc, một cuộc đấu tranh có được sức mạnh từ toàn cộng đồng và công chúng một cách rộng rãi. Một loạt sự kiện diễn ra sau đó đã biến cô trở thành một biểu tượng dân quyền. 

“Rosa Parks và hành vi tẩy chay xe buýt ở Montgomery trở thành cái nổi của cuộc vận động quyền dân chủ không chỉ vì hành động phản kháng cảu một cá nhân mà còn vì những mô hình xã hội.” Từ đó, ta có thể thấy sức mạnh của thói quen xã hội – các hành vi xảy ra không suy nghĩ, lan đến hàng chục hay hàng trăm người có thể thay đổi thế giới, khiến mọi người cùng hướng đến một mục đích. Những thói quen xã hội này là nguyên do một vài sáng kiến trở thành phong trào thay đổi thế giới và nguồn gốc của chúng được các nhà sử học và xã hội học cho rằng là một quá trình gồm ba giai đoạn được lặp đi lặp lại. 1. Phong trào bắt đầu vì có những thói quen về tình bạn và mối quan hệ ràng buộc chặt chẽ giữa những người quen biết thân thiết. 2. Nó phát triển vì mối ràng buộc lỏng lẻo trong các mối quan hệ không mấy thân thiết trong xã hội được thắt chặt. 3. Nó kéo dài vì các nhà lãnh đạo của phong trào mang đến cho những người tham gia những thói quen mới để tạo ra một nhận thức mới về nhân dạng và một cảm giác sở hữu. 

Rosa Parks không phải người đầu tiên có hành động phản kháng này, nhiều người khác làm điều tương tự và bị bắt, nhưng việc cô bị bắt lại dẫn đến một loạt cuộc tẩy chay xe buýt ở Montgomery kéo dài một khoảng thời gian. Điểm khác biệt ở dây chính là ở bước thứ hai của giai đoạn phong trào được hình thành. Dù Rosa Parks quen biết rộng rãi và được yêu quý trong cộng đồng khi tham gia nhiều câu lạc bộ xã hội và liên kết chặt chẽ với tất cả thành phần người dân, chỉ cô và những người bạn của mình không đủ để hình thành và duy trì lâu việc tẩy chay này. Điều quan trọng chính là các sức mạnh từ các mối quan hệ không mấy thân thiết, tức là chỉ quen biết chứ không phải bạn bè. Khi bạn bè và những người quen ủng hộ phong trào, thật khó để làm khác đi. Chủ yếu nhờ những mối quan hệ không mấy thân thiết mà áp lực càng trở nên hiệu quả. 

Cuối cùng, cam kết tẩy chay đã bắt đầu tan biến trong cộng đồng người da đen, như các quan chức thành phố đã bắt đầu đưa ra những quy tắc đi xe chung mới mà khiến việc không di chuyển bằng xe buýt trở nên khó khăn hơn. Và đây là lúc bước cuối cùng của giai đoạn khiến phong trào được duy trì: một bài phát biểu của tiến sĩ Martin Luther King ủng hộ phi bạo lực và kêu gọi người tham gia độ lượng, tha thứ cho kẻ áp bức. Lúc này, người tham gia được hình thành thói quen mới, chẳng hạn như tổ chức các cuộc họp nhà thờ và các cuộc biểu tình ôn hòa một cách động lập. Họ làm cho các phong trào ban đầu được lan truyền bởi những mối quan hệ cả thân thiết và lỏng lẻo trở thành một lực lượng tự vận hành. 

  1. Thần kinh học về sự tự nguyện 

Chúng ta chịu trách nhiệm cho việc thay đổi thói quen của bản thân. 

Angie Bachmann, một người phụ nữ bị kiện vì khoản nợ lớn với song bạc Harrah. Điều này xảy ra sau khi cô đánh bạc ở một song bạc xa nhà mình và sở hữu hàng triệu USD trước đó. Ở phiên tòa, cô biện minh rằng, cô đơn giản chỉ bị dẫn dắt bởi thói quen. Cô thấy thoải mái khi chơi cờ bạc, vì vậy cô bị hấp dẫn và không cưỡng lại được khi Harrah gửi lười mời đến song bạc miễn phí, dù lúc đó Harrah biết cô đã nợ một khoản lớn. 

Hay vào một mùa hè năm 2008, Brian Thomas bóp cổ vợ đến chết. Sụp đổ, ông gọi cho tổng đài trực khẩn và bị truy tố vì tội giết người. Ông nghĩ rằng mình đã bóp cổ một tên trộm đang tấn công vợ mình trong giấc ngủ của mình, như một cơn ác mộng diễn ra về mặt thể chất, thế nhưng trên thực tế người ông bóp cổ là vợ mình. Trong phiên tòa, bên bảo vệ biện hộ rằng việc làm của ông chỉ là một phản ứng tự vệ được kích hoạt khi ông thấy rằng an toàn của vợ mình bị đe dọa. Hay nói một cách khác, ông chỉ làm theo thói quen của mình. 

Cuối cùng, ông được tha bổng và nhận được sự cảm thông của rất nhiều người, bao gồm cả thẩm phán xét xử. Mặt khác, Bachmann thua kiện và là đối tượng khinh miệt của công chúng. 

Cả hai trường hợp trên đều là hành động xuất phát từ thói quen, thế nhưng lại có sự trái ngược và chỉ có một người được trắng án. Điều đơn giản có thể lý giải điều này chính là: khi chúng ta nhận thức về thói quen của mình, nhất là những thói quen gây hại, nó trở thành trách nhiệm của chúng ta để giải quyết và thay đổi nó. Thomas không biết thói quen của mình sẽ làm người khác bị thương khi đang ngủ, thế nhưng Bachmann lại nhận thức rõ về thói quen cờ bạc của mình. Mọi chuyện sẽ khác đi và sẽ không có khoản nợ nào khi cô cố gắng thay đổi thói quen của mình bằng cách chuyển sự chú ý của mình sang một hoạt động khác lành mạnh và có ích hơn. 

PHỤ LỤC 

Phần phụ lục nhắc lại cho ta cách thức cũng như các bước mà thói quen được hình thành. Nó hướng dẫn và chỉ ra cách vận dụng các điều trong sách một cách hiệu quả qua bốn bước: 1. Xác định hành động 2. Thử nghiệm các phần thưởng 3. Cô lập gợi ý 4. Lập một kế hoạch 

Có thể nói, thói quen không chỉ là một phần quan trọng của cuộc sống, mà còn là một phần rất quan trọng của các tổ chức, công ty. Hiểu được quy trình ba bước mà thói quen được hình thành, ta có thể tự mình thay đổi, điều chỉnh để chúng có thể hoạt động một cách khoa học và có hiệu quả nhất. Sự thay đổi về lâu dài có thể gặp nhiều khó khăn, song, điều quan trọng nhất khiến ta có thể thực hiện chính là tập trung vào thói quen then chốt quan trọng như sức mạnh ý chí và có niềm tin mạnh mẽ. 

Với những lý thuyết đơn giản mà thuyết phục của Charles Duhigg, Sức mạnh của thói quen giúp người đọc nhận ra nhiều giá trị quan trọng mà đôi lúc bị bỏ lỡ. Cuốn sách có thể trở thành người bạn đồng hành quan trọng trọng cuộc sống không chỉ với cá nhân mà còn với các tổ chức, nó sẽ như một công cụ đắc lực giúp các tổ chức điều chỉnh thói quen và đưa bộ máy hoạt động một cách hiệu quả trên nền tảng ấy.