Cách xử lý khi uống nhầm xăng

  1. Trang chủ
  2. Góc sức khỏe
  3. Phòng & chữa bệnh
  4. Kiến thức y khoa

Thứ Năm ngày 28/04/2022

  • 7 sai lầm khi sơ cứu người gặp tai nạn thường gặp ai cũng mắc phải
  • Dấu hiệu nhận biết và cách sơ cứu trẻ bị sốc thuốc
  • Cách xử trí khi bị ngộ độc nấm

Uống nhầm xăng là một tình huống ngộ độc không hiếm gặp và có thể dẫn tới tử vong nếu không xử trí kịp thời. Bài viết sau đây, Nhà Thuốc Long Châu sẽ gửi tới bạn đọc hướng dẫn sơ cứu khi uống nhầm xăng sao cho nhanh chóng và hiệu quả.

Xăng được ứng dụng rất nhiều trong đời sống con người hiện nay. Nhiều gia đình dự trữ xăng tại nhà để có thể tiện sử dụng khi cần, thế nhưng đó cũng là lý do vì sao tình trạng ngộ độc xăng ngày càng xảy ra nhiều. Vậy sơ cứu khi uống nhầm xăng thế nào cho đúng? Cùng Nhà Thuốc Long Châu tìm hiểu bạn nhé!

Những điều cần biết về xăng

Trước khi tìm hiểu các bước sơ cứu khi uống nhầm xăng, chúng ta hãy cùng hiểu biết qua cơ bản về hóa chất này đã nhé. Xăng là một hóa chất hidrocacbon ở dạng lỏng có nguồn gốc từ dầu mỏ qua phương pháp chưng cất phân đoạn và Cracking. Xăng có tình chất dễ cháy, dễ bay hơi, nhẹ hơn nước và có nhiệt độ sôi từ 35 độ C tới 210 độ C. 

Xăng được ứng dụng trong đời sống như một loại nhiên liệu dùng làm chất đốt cho các động cơ đốt trong, chất đốt dùng trong sinh hoạt như đun nấu, nhóm một số loại lò sưởi hoặc ở trong một số loại bật lửa. Xăng còn là dung môi hòa tan các chất hữu cơ không phân cực, dùng để tẩy vết bẩn, tẩy màu trên bề mặt kim loại, kính…

Cách xử lý khi uống nhầm xăng
Xăng là nhiên liệu phổ biến trong cuộc sống con người

Chính vì phổ biến trong đời sống con người nên chúng ta bắt gặp không ít những trường hợp ngộ độc do uống nhầm xăng.

Tình huống uống nhầm xăng thường gặp

Những trường hợp uống nhầm phải xăng dầu thường có nguy cơ cao ở:

  • Những gia đình nông thôn, nơi vẫn dùng xăng dầu vào trong các cuộc sống sinh hoạt.

  • Gia đình có trẻ em, chúng chưa nhận thức được sự khác biệt giữa xăng và các đồ uống khác nhất là những đồ uống có ga, nước ngọt cũng có những màu sắc hấp dẫn cùng mùi vị đặc biệt. Để thỏa mãn cơn khát, chúng sẽ uống rất nhanh và điều này rất nguy hiểm.

  • Cất trữ xăng không đúng chỗ, để chung cùng các loại dung dịch khác và không ghi rõ thông tin bên ngoài.

Cách xử lý khi uống nhầm xăng
Uống nhầm xăng thường xảy ra ở trẻ em

Uống nhầm xăng có nguy hiểm không?

Uống nhầm xăng là một hành động rất nguy hiểm gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng. Người uống nhầm xăng sẽ có những biểu hiện có điểm giống và cũng có điểm khác biệt riêng so với các loại ngộ độc thông thường khác:

  • Ho sặc, ngạt thở, nôn ói: Ngay sau khi uống nhầm phải một lượng xăng, người bệnh sẽ có những triệu chứng này. Sở dĩ có triệu chứng trên là do đặc tính dễ bay hơi kèm theo sức căng bề mặt thấp nên chúng dễ dàng lan rộng gây kích thích niêm mạc.

  • Suy hô hấp nặng: Xăng khi vào phổi sẽ gây hủy hoại biểu mô hô hấp, các vách phế nang, mao mạch phổi cũng như gây tổn thương chất hoạt diện surfactant lót trong lòng phế nang. Bệnh nhân sẽ thiếu oxy trầm trọng với nguy cơ tử vong cao.

  • Co giật, kích thích và hôn mê: Xăng dầu tác động trực tiếp vào các tế bào não nếu được hấp thu từ phổi và niêm mạc ruột đi vào máu rồi lên não.

  • Đau bụng, buồn nôn và tức ngực.

  • Bỏng thực quản.

  • Suy đa tạng.

Cách xử lý khi uống nhầm xăng
Nhiều trường hợp uống nhầm xăng gây tổn thương phổi nặng và tử vong

Sơ cứu khi uống nhầm xăng đúng cách

Khi phát hiện, chúng ta cần bình tĩnh và tiến hành sơ cứu người uống nhầm xăng như sau: 

Bước 1: Lập tức gọi cấp cứu. Cách tốt nhất để cứu sống người bệnh đó là đưa họ tới cơ sở y tế nơi có các nhân viên y tế đầy đủ chuyên môn để có thể điều trị một cách nhanh nhất.

Bước 2: Kiểm tra tình trạng ý thức của bệnh nhân. Nếu người bệnh còn tỉnh táo, hãy trấn an họ rằng cấp cứu đang tới và giúp họ nghiêng người về đằng trước hoặc quay đầu sang phía bên cạnh nhằm đề phòng trường hợp nôn sặc bị nghẹn và hít vào. 

Bước 3: Nếu người bệnh có tình trạng bất tỉnh, chúng ta cần kiểm tra các dấu hiệu sinh tồn về chức năng hô hấp và tuần hoàn. Quan sát chuyển động của lồng ngực lên xuống đồng thời ghé tai lắng nghe âm thanh từ mũi và miệng của nạn nhân. Kiểm tra mạch đập ở cổ tay. Nếu như bệnh nhân ngừng thở, tim ngừng đập, hãy thực hiện kĩ thuật hồi sức tim phổi theo thứ tự CAB (Chest compression: Ấn tim - Airway: Thông đường thở - Breathing: hà hơi thổi ngạt). Cụ thể như sau:

  • Ép tim ngoài lồng ngực: Chọn tư thế phù hợp bên cạnh người bệnh. Bàn tay thuận đặt lên chính giữa ⅓ dưới của xương ức, bàn tay còn lại đặt lên trên bàn tay trước đan xen ngón với bàn tay trước. Dùng lực từ vai và thân mình ép vuông góc xuống sao cho xương ức lún sâu 4 đến 5cm, sau đó nhấc tay và tiếp tục lặp lại như vậy. Tần số ép tim tối thiểu là 100 lần/phút.

  • Khai thông đường thở: Đặt bệnh nhân nằm ngửa trên nền cứng, đầu và cổ ở tư thế ưỡn tối đa. Mở miệng bệnh nhân, dùng tay móc sạch đờm dãi hoặc dị vật nếu có thể.

  • Thổi ngạt cho người bệnh: Ngửa đầu bệnh nhân bằng cách dùng một tay ấn vào trán đồng thời dùng ngón trỏ và ngón cái bóp chặt mũi. Tay còn lại vừa nâng cằm lên trên và ra trước vừa mở miệng người bệnh. Hít thật sâu và thổi toàn bộ lượng khí dự trữ qua miệng bệnh nhân, lúc này lồng ngực họ sẽ căng lên. Hai động tác ép tim và thổi ngạt cần được thực hiện xen kẽ: Sau mỗi 30 lần ép tim thì tới 2 lần thổi ngạt.

Bước 4: Khi bệnh nhân có mạch và có thể tự hô hấp, hãy tiếp tục theo dõi thể trạng của bệnh nhân cho tới khi có hỗ trợ y tế tới.

Cách xử lý khi uống nhầm xăng
Hướng dẫn sơ cứu khi uống nhầm xăng đúng cách

Lưu ý: Tuyệt đối không được móc họng gây nôn. Mọi người thường nghĩ rằng phải móc họng gây nôn cho người uống nhầm xăng để có thể loại bỏ chất độc ra khỏi cơ thể nhanh nhất. Sự thật là việc làm này sẽ giúp hơi xăng dầu xâm nhập nhiều hơn vào hệ thống hô hấp cũng như các sắc chất của dịch nôn đi vào đường thở gây hậu quả nguy hiểm hơn.

Phòng tránh uống nhầm xăng trong đời sống

Để phòng tránh những tình huống không đáng có cho người thân trong gia đình đặc biệt là trẻ em, chúng ta cần phải: 

  • Cất trữ xăng ở một nơi đặc biệt và an toàn, tránh xa tầm tay và tầm nhìn của trẻ em. Là một bậc phụ huynh, chúng ta cần phải để ý giám sát trẻ con khi vui chơi tránh những sơ suất dẫn tới việc uống nhầm hóa chất.

  • Không dùng các loại chai nhựa đựng nước uống để chứa xăng dầu. Chúng ta hay có thói quen sử dụng lại các chai nước khoáng, chai nước ngọt, trà xanh để chứa các loại hóa chất, trong đó có xăng dầu. Điều này rất nguy hiểm vì khá khó để phân biệt chúng với các loại đồ uống khác dẫn tới người lớn đặt chúng ở những nơi trẻ nhỏ có thể lấy được.

  • Chứa xăng dầu trong các bình chứa riêng, tốt nhất là không được trong suốt, có dán nhãn hoặc ghi bên ngoài. 

Với bài viết trên đây, Nhà Thuốc Long Châu đã gửi tới các bạn quy trình sơ cứu khi uống nhầm xăng, đây là kĩ năng quan trọng và cần biết để áp dụng ngay khi trường hợp không may xảy ra. Hãy tiếp tục theo dõi Nhà Thuốc Long Châu để cập nhật thêm nhiều tin tức hữu ích khác bạn nhé!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

  • sơ cứu
  • ngộ độc

Bài viết liên quan

Bài nổi bật

Cách xử lý khi uống nhầm xăng

Nhập số điện thoại bạn dùng để mua hàng tại Long Châu