Bài học kinh nghiệm từ sách lược ngoại giao thời kỳ 1945 1946 trong giai đoạn hiện nay chính là

Từ vĩ tuyến 16 trở ra Bắc, 20 vạn quân Tưởng tràn vào nước ta dưới danh nghĩa quân đồng minh thực hiện nhiệm vụ giải giáp quân đội Nhật theo Hội nghị Pốtxđam (7/1945).

     Trên cơ sở phân tích âm mưu thủ đoạn của chúng đối với cách mạng Việt Nam, Đảng ta xác định: quân Tưởng tìm mọi cách để tiêu diệt Đảng Cộng sản Đông Dương, phá tan Việt Minh, lật đổ chính quyền cách mạng. Song kẻ thù chính của nhân dân ta lúc này là thực dân Pháp xâm lược, phải tập trung ngọn lửa đấu tranh vào chúng. Vì vậy, Đảng ta quyết định thực hiện sách lược hòa hoãn, nhân nhượng với Tưởng và tay sai của chúng ở miền Bắc (cung cấp lương thực cho 20 vạn quân Tưởng, chấp nhận tiêu tiền quan kim, quốc tệ của chúng, mở rộng 70 ghế trong Quốc hội cho Việt Quốc, Việt Cách không qua bầu cử,…) để tập trung lực lượng chống Pháp ở miền Nam. Nhằm gạt mũi nhọn tiến công của kẻ thù, ngày 11/11/1945 Đảng ta tuyên bố tự giải tán, rút vào hoạt động bí mật, chỉ để một bộ phận hoạt động công khai dưới danh hiệu Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương. Những chủ trương và biện pháp trên đã từng bước vô hiệu hóa các hoạt động phá hoại, làm thất bại âm mưu “Diệt cộng cầm Hồ”, “Hoa quân nhập Việt”, lật đổ chính quyền cách mạng Việt Nam của Tưởng Giới Thạch.

     Từ đầu năm 1946, thực dân Pháp và Tưởng Giới Thạch mưu tính kế hoạch đưa quân Pháp ra miền Bắc thay thế quân Tưởng. Ngày 28/02/1946, Hiệp ước Trùng Khánh giữa Pháp và Tưởng đã được kí kết. “Sự thỏa hiệp giữa hai thế lực thực dân vừa chà đạp lên chủ quyền dân tộc của nhân dân ta, vừa đặt cách mạng Việt Nam vào thế phải đối phó với âm mưu mới của hai lực lượng phản động”[1]. Đảng ta nhận định “vấn đề lúc này không phải là muốn hay không muốn đánh. Vấn đề là biết mình biết người, nhận định một cách khách quan những điều kiện lời lãi trong nước và ngoài nước mà chủ trương cho đúng”[2], “phải cân nhắc kĩ lợi hại, chọn cái nào ít hại nhất mà làm. Phải làm như thế không thì bị kẹp cả hai phía: bọn Pháp và bọn Quốc dân đảng”[3]. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh “không nên cùng một lúc đánh nhau tay năm, tay sáu với lũ cướp nước và bán nước. Đấm bằng cả hai tay một lúc là không mạnh”[4]. Chọn giải pháp thương lượng với Pháp, Đảng ta nhằm mục đích: buộc Tưởng rút quân về nước, tranh thủ hòa hoãn chuẩn mọi lực lượng cho cuộc chiến đấu mới, tiến lên giành thắng lợi. “Điều cốt tử là trong khi mở cuộc đàm phán với Pháp, không những không ngừng một phút công việc sửa soạn, sẵn sàng kháng chiến bất cứ lúc nào và ở đâu, mà còn hết sức xúc tiến việc sửa soạn ấy và nhất định không để cho việc đàm phán với Pháp làm nhụt tinh thần quyết chiến của dân tộc ta”[5]. Thực hiện chủ trương đó, ngày 06/3/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa kí với đại diện Chính phủ Pháp bản Hiệp định sơ bộ với các điều khoản chủ yếu: Pháp phải công nhận Việt Nam là một quốc gia tự do, có chính phủ, có nghị viện, quân đội và tài chính riêng nằm trong liên bang Đông Dương thuộc khối Liên hiệp Pháp. Chính phủ Việt Nam đồng ý để Pháp đưa 15.000 quân vào miền Bắc thay thế quân Tưởng, sẽ rút dần trong thời hạn 05 năm. Hai bên thực hiện ngừng bắn ở Nam Bộ, tạo không khí thuận lợi cho việc mở cuộc đàm phán chính thức tiếp theo tại Pari.

     Việc kí Hiệp định Sơ bộ (06/3/1946) thể hiện sự lãnh đạo tài tình, sự lựa chọn sáng suốt của Đảng theo phương châm “hòa để tiến” nhằm loại trừ bớt kẻ thù, tranh thủ thời cơ chuẩn bị lực lượng cho cuộc chiến đấu lâu dài về sau, từng bước đưa đất nước thoát khỏi tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” một cách có lợi nhất. “Chúng ta cần hòa bình để xây dựng nước nhà, cho nên chúng ta đã ép lòng nhân nhượng để giữ vững hòa bình…gần một năm tạm hòa bình đã cho chúng ta thời gian để xây dựng lực lượng căn bản”[6]. “Sự kí kết đó có một kết quả hay là nước Pháp đã thừa nhận nước Việt Nam là một nước tự chủ”[7], tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho cuộc đấu tranh ngoại giao của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa trên trường quốc tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh “chọn thương lượng thay vì đánh nhau chính là bằng chứng hiểu biết về chính trị”, đồng thời tỏ rõ thiện chí hòa bình của cách mạng Việt Nam. Đánh giá về ý nghĩa quốc tế của bản Hiệp định, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Bản Hiệp định sẽ dẫn chúng ta đến một vị trí quốc tế ngày càng vững vàng, đó là một thắng lợi chính trị lớn lao”[8].

     Gần 75 năm đã trôi qua, những bài học kinh nghiệm và ý nghĩa lịch sử to lớn của Hiệp định Sơ bộ (06/3/1946) mãi còn nguyên giá trị. Đó là bài học về phát huy sức mạnh của chính quyền nhân dân, bài học về phân hóa và lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù, biết tận dụng đúng thời cơ cách mạng, biết nhân nhượng đúng lúc, nhân nhượng có nguyên tắc, luôn đặt lợi ích dân tộc, chủ quyền quốc gia lên trên hết,…Thấm nhuần quan điểm của V.I.Lênnin: “Nếu có lợi cho cách mạng, thì dù có phải thỏa hiệp với bọn kẻ cướp, chúng ta cũng thỏa hiệp”, Hiệp định Sơ bộ đã thể hiện sự mềm dẻo, linh hoạt, chủ động, sáng suốt trong đường lối ngoại giao của Đảng thời kì 1945-1946, xứng đáng là “một mẫu mực tuyệt vời của sách lược Lênin-nít về lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ địch về sự nhân nhượng có nguyên tắc”.[9]

[1] Nguyễn Quang Ngọc (Chủ biên), Tiến trình Lịch sử cách mạng Việt Nam, Nxb Giáo dục, H.2006, tr.305

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2011, tập 8, tr.43-44

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2000, tập 8, tr.160

[4] Hồ Chí Minh với công tác ngoại giao, Nxb Chính trị quốc gia, H.2010, tr.103

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2000, tập 8, tr.46

[6] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2000, Tập 12, tr. 23

[7] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2011, Tập 4, tr. 228

[8] Philippe Devillers, Tài liệu lưu trữ chiến tranh 1944-1947, Nxb Tp. Hồ Chí Minh, 1993, tr. 218

[9] Lê Duẩn, Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới, Nxb Sự thật, H.1979, tr. 31

Chính trong lúc chính quyền cách mạng non trẻ ở thế ngàn cân treo sợi tóc, thù trong giặc ngoài, khó khăn trăm bề đó, ngoại giao Việt Nam dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Bác Hồ, đã đóng vai trò tiên phong, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ và củng cố chính quyền cách mạng, chuẩn bị lực lượng cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đối với công tác đối ngoại trong giai đoạn hiện nay, những bài học lịch sử quý báu của giai đoạn đấu tranh ngoại giao thời kỳ tiền kháng chiến vẫn còn nguyên giá trị.

Sức mạnh của ngoại giao trong thế “ngàn cân treo sợi tóc”

Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước hết sức khó khăn, phức tạp. Ngay khi Chiến tranh thế giới lần thứ hai còn chưa kết thúc, các cường quốc đã bàn cách sắp xếp lại thế giới và phân chia vùng ảnh hưởng. Các nước nhỏ, các dân tộc thuộc địa mới giành được độc lập, nhưng tiềm lực kinh tế, quân sự còn rất yếu ớt và do đó trở thành đối tượng của các thỏa hiệp, cạnh tranh giữa các nước lớn. Việt Nam đã bị cuốn vào vòng xoáy đó. Thách thức nghiêm trọng đối với cách mạng Việt Nam trong thời điểm này là phải đối phó cùng lúc với nhiều thế lực quân sự đối địch của các nước lớn có mặt tại Việt Nam.

Bên cạnh giặc ngoại xâm còn là giặc đói và giặc dốt. Chính sách lấy chiến tranh nuôi chiến tranh và sự vơ vét bóc lột của phát-xít Nhật và thực dân Pháp đã làm cho nền kinh tế Việt Nam bị kiệt quệ, ngân khố trống rỗng, hơn hai triệu người chết đói, 95% số dân Việt Nam không biết chữ. Lực lượng vũ trang cách mạng của ta lúc Tổng khởi nghĩa chỉ có khoảng năm nghìn người, đến tháng 10-1945 phát triển lên thành 50 nghìn người, nhưng trang bị rất thiếu thốn, một bộ phận khá lớn vẫn dùng mã tấu, gậy tầm vông. (1) Chính trong thời điểm vô vàn khó khăn đó, ngoại giao đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta sử dụng như một vũ khí sắc bén để thực hiện thành công nhiệm vụ chiến lược là bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ chính quyền nhân dân, phục vụ kháng chiến, kiến quốc. Trước hết, ngoại giao Việt Nam đã vận dụng nhuần nhuyễn phương châm "dĩ bất biến, ứng vạn biến". Sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ cuộc đấu tranh ngoại giao của ta trong giai đoạn này là: “Đối với Pháp, độc lập về chính trị, nhân nhượng về kinh tế”. (2) Thông qua các biện pháp ngoại giao, Chính phủ ta đã ký kết với thực dân Pháp hai văn kiện hết sức quan trọng là Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3-1946 và Tạm ước 14-9-1946. Ta nhân nhượng với Pháp một số điều kiện để kéo dài thời gian hòa hoãn, củng cố và chuẩn bị lực lượng, nhưng không thỏa hiệp các vấn đề nguyên tắc về độc lập và thống nhất quốc gia.

Thứ hai, phương châm hòa hiếu, “thêm bạn bớt thù” đã hình thành và trở thành nguyên tắc của ngoại giao Việt Nam. Ngoại giao đã triển khai hàng loạt biện pháp để thực hiện mục tiêu quan trọng đó. Chính phủ đã triệt để khai thác cam kết của các nước Đồng minh nêu ra trong chiến tranh, đặc biệt là quyền độc lập, tự quyết và bình đẳng giữa các dân tộc. Chính phủ ta cũng kịp thời ra tuyên bố làm rõ chính sách ngoại giao để tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế. Một tháng sau khi Việt Nam tuyên bố độc lập và nhân dịp một phái bộ quan trọng của Đồng minh đến Hà Nội, ngày 3-10-1945, Bộ Ngoại giao Chính phủ lâm thời đã ra Thông cáo về chính sách đối ngoại của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bản Thông cáo đồng thời khẳng định mục tiêu phấn đấu cho nền “độc lập hoàn toàn và vĩnh viễn” của Việt Nam. Tóm tắt chính sách đối ngoại của Việt Nam, Bác Hồ khẳng định: Việt Nam chủ trương “làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”.(3) Thứ ba, ngoại giao giai đoạn này đã khôn khéo, tận dụng mâu thuẫn trong nội bộ đối phương, kiềm chế và hòa hoãn với Tưởng, tập trung chống thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta. Trong hoàn cảnh phải đấu tranh chống lại nhiều đối thủ mạnh, việc hiểu rõ các mâu thuẫn và lợi dụng mâu thuẫn trong nội bộ các đối thủ và giữa các đối thủ là vấn đề có ý nghĩa chiến lược đối với cách mạng nước ta lúc đó.

Trong giai đoạn lịch sử đặc biệt này, ngoại giao Việt Nam hết sức vinh dự và cũng vô cùng may mắn khi được Chủ tịch Hồ Chí Minh, “một nhà ngoại giao lỗi lạc cả về trí tuệ và nhân cách”,(4) trực tiếp lãnh đạo, dìu dắt, trực tiếp tham gia. Người đã dẫn đầu đoàn đàm phán sang Pháp để tìm kiếm cơ hội vãn hồi hòa bình, trực tiếp đàm phán hai thỏa ước với thực dân Pháp và đấu tranh vận động dư luận Pháp ngay trên đất Pháp.

Tài ngoại giao của Người còn thể hiện ở việc nhìn nhận đúng thời cơ và việc sáng suốt đưa ra những quyết sách kịp thời. Để tránh cuộc xung đột mở rộng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nắm bắt khoảnh khắc lịch sử, kịp thời ký bản Hiệp định sơ bộ chiều ngày 6-3-1946 theo những điều kiện có lợi nhất có thể được với Việt Nam, phù hợp tình hình trong nước và quốc tế cũng như tương quan lực lượng lúc bấy giờ. Với việc ký Hiệp định sơ bộ, chúng ta đã biến thỏa thuận tay đôi giữa Pháp - Tưởng thành thỏa thuận tay ba, sử dụng điều khoản thay quân của Hiệp ước Hoa - Pháp thành thời cơ để đẩy 20 vạn quân Tưởng ra khỏi Việt Nam, loại trừ cho cách mạng một kẻ địch nguy hiểm là quân đội Tưởng và các nhóm tay sai của chúng.

Bên cạnh Bác Hồ, nền ngoại giao Việt Nam trong thời kỳ đó còn có sự tham gia của các đồng chí: Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Phan Anh, Hoàng Minh Giám và nhiều đồng chí khác. Với tấm lòng yêu nước nồng nàn và nhiệt tình cách mạng tràn đầy, thế hệ các nhà cách mạng ấy đã trực tiếp tham gia công tác đối ngoại bằng cách phát huy trí tuệ của mình, cùng góp sức với Trung ương Đảng và Bác Hồ sáng suốt nhận định tình hình, đề ra những chủ trương hết sức đúng đắn, triển khai chính sách ngoại giao, góp phần làm nên những thành tích ngoại giao vẻ vang.

Vận dụng những bài học kinh nghiệm ngoại giao giai đoạn 1945-1946 trong thời kỳ hiện nay

70 năm kể từ ngày “ai có gươm dùng gươm, ai có súng dùng súng” nghe theo tiếng gọi của Đảng, của Bác Hồ, trường kỳ kháng chiến đến thắng lợi, và nhất là sau 30 năm Đổi mới, thế và lực của đất nước ta đã mạnh hơn trước. Kinh tế liên tục tăng trưởng và gắn kết với kinh tế khu vực và thế giới; chính trị - xã hội ổn định; quan hệ đối ngoại được triển khai rộng khắp, đa tầng nấc; vị thế và uy tín Việt Nam trong khu vực và quốc tế không ngừng nâng cao. Nước ta đang có nhiều thuận lợi để đưa quan hệ hợp tác với các đối tác đi vào chiều sâu, hiệu quả cả trên các kênh song phương và đa phương. Đặc biệt, nước ta đã xây dựng quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện với cả năm nước thường trực Hội đồng Bảo an LHQ.

Tuy nhiên, các thách thức đa chiều do tình hình thế giới diễn biến phức tạp đã và đang tác động trực tiếp đến môi trường an ninh - phát triển của nước ta. Trên thế giới và ở khu vực, xung đột vũ trang, tranh chấp tài nguyên, chủ quyền lãnh thổ, biển đảo, xung đột sắc tộc, tôn giáo, hoạt động can thiệp, lật đổ, ly khai, khủng bố tiếp tục gia tăng. Cục diện thế giới đa cực ngày càng rõ nét, theo đó, các nước lớn vừa hợp tác, vừa đấu tranh, cạnh tranh kiềm chế lẫn nhau ngày càng gay gắt. Bên cạnh đó, các thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là thiên tai, khủng bố, an ninh mạng, ngày càng phức tạp hơn.

Đại hội XII của Đảng đã đề ra các nhiệm vụ đối ngoại trong giai đoạn hiện nay là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; nâng cao vị thế, uy tín của đất nước, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội ở khu vực và trên thế giới. (5) Trong bối cảnh hiện nay, để thực hiện những nhiệm vụ nêu trên, chúng ta cần vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm đối ngoại của giai đoạn 1945 - 1946.

Hơn 70 năm qua, dưới ánh sáng soi đường của Đảng, của Bác Hồ, ngoại giao Việt Nam đã lập nên nhiều thành tích vẻ vang. Bối cảnh ngày nay đã khác so với những ngày đầu lập nước, nhưng những bài học ngoại giao trong giai đoạn lịch sử trước ngày toàn quốc kháng chiến vẫn còn nguyên giá trị. 70 năm trước, ngoại giao khó khăn trăm bề nhưng vẫn tỏ rõ tính hiệu quả. Ngày nay, đối ngoại đã trở thành một mặt trận toàn diện và đang được hưởng các điều kiện bên trong và bên ngoài thuận lợi hơn nhiều. Đó là cơ sở để chúng ta có niềm tin rằng đối ngoại tiếp tục phát huy vai trò và sứ mệnh là mặt trận hàng đầu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.

TS ĐẶNG ĐÌNH QUÝ

Thứ trưởng Ngoại giao

(1) Bộ Ngoại giao, Ngoại giao Việt Nam 1945 - 2000, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội 2005, trang 46.

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: “Chỉ thị của Ban Chấp hành Trung ương về kháng chiến kiến quốc”, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 8, trang 27.

(3) Bộ Ngoại giao, Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn các nhà báo, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, (2015), trang 10. (4) Phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 (8-2016).

(5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII.