Bác sĩ nguyễn văn bé hai bệnh viện thống nhất

Điều đặc biệt trong cuộc đời PGS.TS.BS Đỗ Kim Quế là cái gì cũng đến sớm. Ông được biết đến với kỳ tích 16 tuổi vào đại học, 22 tuổi tốt nghiệp ĐH Y dược, 30 tuổi nhận bằng tiến sĩ và 40 tuổi được phong hàm phó giáo sư. Đây là người trẻ nhất của ngành y nhận vinh dự này tại thời điểm đó.

Nụ cười đôn hậu, khuôn mặt hiền từ, cách ăn nói giản dị, PGS.TS.BS Đỗ Kim Quế khiến người đối diện ít nghĩ anh là Phó Giám đốc của một bệnh viện lớn. Và càng ít ai ngờ rằng, người bác sĩ này còn sở hữu những "kỷ lục" của ngành y khoa Việt Nam.

PGS.TS.BS Đỗ Kim Quế - Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất [TP.HCM]. Ảnh: Kim Vân

Nghề chọn người

Là một trong số 10 sinh viên xuất sắc nhất khóa 1982-1988 của Trường Đại học Y dược TP.HCM, sinh viên Đỗ Kim Quế là người trẻ nhất từ trước đến nay nhận bằng tốt nghiệp bác sĩ y khoa ở tuổi 22, thay vì đúng tuổi là 24 tuổi. Sở dĩ có "kỷ lục" này là do Quế học "nhảy cóc" hai lớp hồi nhỏ nên thi đậu đại học cũng sớm, lúc anh mới 16 tuổi.

Chia sẻ với phóng viên SK&ĐS, PGS.TS.BS Đỗ Kim Quế cho hay, anh là một trong những người được cầm dao mổ từ rất sớm, khi mới chỉ là sinh viên y khoa năm thứ 3 đi thực tập tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Anh thích đi làm lâm sàng, thích đi phụ mổ, khâu vết thương, thích được thăm khám bệnh nhân… Chính thái độ nghiêm túc, cầu thị, chịu khó của chàng sinh viên trẻ khiến các bác sĩ đàn anh yêu quý và hướng dẫn tận tình.

Không nhiều người biết rằng, do học Toán, Lý, Hóa, nguyện vọng trước đó của bác sĩ Quế là nộp hồ sơ vào khoa Điện tử, ĐH Bách khoa chứ không phải là ĐH Y dược TP.HCM. Tuy nhiên, phút cuối cùng, anh đã đổi nguyện vọng.

"Tôi vẫn nói với mọi người là nghề chọn người chứ không phải là người chọn nghề. Tôi vốn là người đam mê kỹ thuật nên nộp hồ sơ vào Đại học Bách khoa. Vậy nhưng, phút cuối tôi thay đổi nguyện vọng. Vốn dĩ vì ông ngoại của tôi là một thầy thuốc đông y có tiếng ở Hà Nội và hồi nhỏ tôi hay ngồi xem ông khám bệnh, kê toa. Ông tôi rất thương yêu bệnh nhân. Hình ảnh ông lương y hiền từ bốc thuốc chữa bệnh cho người dân đã theo tôi mãi tuổi thơ để rồi cuối cùng tôi chọn ngành y, tiếp tục công việc của ông", bác sĩ Quế trải lòng.

Và rồi, ngay từ năm đầu tiên đại học chàng sinh viên y dược đã lẽo đẽo theo đoàn sinh viên thực tập của chị gái [BS.CKII Đỗ Thị Ngọc Diệp - nguyên Chủ tịch Hội Dinh dưỡng và Thực phẩm TP.HCM, lúc đó cũng là sinh viên ngành y] thực tập tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Rồi suốt năm tháng sinh viên miệt mài, anh lăn lộn theo học phụ mổ. Những kinh nghiệm từ thực tế và từ các bậc đàn anh chị trong nghề đã giúp anh Quế có bề dày kinh nghiệm hơn các sinh viên cùng lứa, được tin tưởng giao mổ chính khi vừa tốt nghiệp đại học.

Ngay sau khi tốt nghiệp, anh Đỗ Kim Quế được phân về khoa Phẫu thuật lồng ngực tim mạch Bệnh viện Chợ Rẫy. Đây là niềm mơ ước của nhiều bác sĩ trẻ khi ấy vì khoa Phẫu thuật tim mạch nổi tiếng quy tụ nhiều tiến sĩ, được dẫn dắt bởi hai nhà khoa học là GS.TS Nguyễn Khánh Dư và GS.TS Nguyễn Đoàn Hồng.

"Tôi may mắn được 2 người thầy lớn truyền dạy không chỉ chuyên môn mà cả y đức. Tôi đã chịu ảnh hưởng nhiều từ họ", bác sĩ Quế nói.

PGS.TS.BS Đỗ Kim Quế thăm khám cho bệnh nhân được ghép thận vào tháng 4/2023. Ảnh: Kim Vân

Bắt đầu từ con số 0

Năm 2003, sau nhiều thuyết phục, nhận lời mời của Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất lúc bấy giờ là GS.TS Nguyễn Mạnh Phan, bác sĩ Đỗ Kim Quế đã tạm biệt Khoa phẫu thuật Lồng ngực tim mạch Bệnh viện Chợ Rẫy về Khoa ngoại, Bệnh viện Thống Nhất công tác.

"Từ Bệnh viện Chợ Rẫy có bệnh nhân đông, cơ sở vật chất tốt, được mời sang Bệnh viện Thống Nhất điều trị mổ cho cán bộ, bản thân lúc đó tôi rất phân vân bởi lúc đó Bệnh viện Thống Nhất phẫu thuật lồng ngực tim mạch là số 0. Tôi phải bắt đầu từ đầu. Đó là đi hội chẩn các bệnh viện, đưa bệnh nhân về cho bệnh viện, rồi lại huấn luyện, đào tạo các y bác sĩ để xây dựng ngành ngoại khoa của BV Thống Nhất", bác sĩ Quế nhớ lại.

Tháng 11/2003, Bệnh viện Thống Nhất thực hiện ca phẫu thuật tim đầu tiên, trở thành bệnh viện thứ ba tại TP.HCM làm chủ được kỹ thuật này.

Tròn 20 năm gắn bó thăng trầm với Bệnh viện Thống Nhất, bác sĩ Quế cùng đồng nghiệp đã thực hiện được tất cả kỹ thuật cao của tim mạch như: Phẫu thuật mạch vành không dùng tuần hoàn ngoài cơ thể [triển khai từ rất sớm, năm 2004]; Phẫu thuật ít xâm lấn [năm 2005]; Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành; thay van 2 lá, thay van động mạch chủ; Phẫu thuật phình động mạch chủ ngực; Phẫu thuật tim ít xâm lấn [năm 2018]... Và cũng chính bác sĩ Quế là một trong số bác sĩ trực tiếp tham gia ca ghép thận đầu tiên ở Bệnh viện Thống Nhất vào tháng 6/2022.

Biết ơn bệnh nhân - những 'người thầy lớn nhất'

Gần 40 năm thâm niên trong ngành giải phẫu lồng ngực - tim mạch, bác sĩ Quế đã phẫu thuật, cứu chữa cho hàng chục ngàn bệnh nhân, trong đó rất nhiều bệnh nhân vượt qua lằn ranh sinh tử. Anh được mọi người ưu ái đặt cho biệt danh bác sĩ có "bàn tay vàng trong làng phẫu thuật".

Thế nhưng, BS Quế luôn khiêm tốn và tâm niệm anh không chỉ biết ơn những người thầy đáng kính đã hướng dẫn chỉ bảo tận tình cho mình, tôi còn biết ơn bệnh nhân - những người thầy đặc biệt, những người thầy lớn nhất giúp anh hoàn thành tốt nhất sứ mệnh của một người thầy thuốc.

"Bệnh nhân là người thầy lớn của tôi. Chính bệnh nhân là người tin tưởng tôi, giao tính mạng của họ cho tôi khám bệnh và điều trị. Với một người bệnh, tôi học từ họ cách chẩn đoán và điều trị hết bệnh. Khi điều trị hết bệnh cho người bệnh thì tôi cảm thấy mình học được thêm bài học và kể cả với những trường hợp điều trị không thành công, đây cũng là bài học lớn cho tôi", PGS.TS.BS Đỗ Kim Quế chia sẻ.

Người thầy lớn nhất của người thầy thuốc là người bệnh. Tôi luôn biết ơn và tôn trọng người bệnh - những người đã trao sức khỏe, tính mạng của họ cho tôi để điều trị. Do vậy, là bác sĩ đã làm phải hết lòng với bệnh nhân".

Trong số rất nhiều những 'người thầy đặc biệt' ấy, bác sĩ Quế chia sẻ, anh ấn tượng với một nữ bệnh nhân quê ở Tiền Giang. Đây là bệnh nhân bị dị dạng tĩnh mạch trên đầu, có hoàn cảnh rất khó khăn. Anh biết bệnh nhân này từ thời còn là sinh viên đi phụ mổ ở bên Bệnh viện Chợ Rẫy [từ khi bệnh nhân mới hơn 40 tuổi đến giờ đã 80 tuổi - PV].

Hơn 30 năm qua, bác sĩ Quế đã nhiều lần mổ cho bệnh nhân, có những lúc tưởng bệnh nhân không qua khỏi do còn bị ung thư vậy mà bệnh nhân đã chiến thắng bệnh tật. Cách đây mấy ngày, bệnh nhân đã đến viện khám và quay lại cảm ơn bác sĩ Quế. "Tôi đã phẫu thuật nhiều lần cho bệnh nhân, từ can thiệp nội mạch, dị dạng động mạch, đến giờ u mạch máu của bệnh nhân đã ổn định", bác sĩ Quế kể lại.

Ngoài bệnh nhân trên, PGS.TS Đỗ Kim Quế nhớ đến một trường hợp bệnh nhân quê ở Bình Định, vừa hôm qua gọi điện cho bác sĩ cảm ơn. Anh kể, bệnh nhân này có hoàn cảnh khó khăn, bị bệnh van tim. Do không có tiền mổ tim, bác sĩ Quế đã cùng phòng Công tác Xã hội của Bệnh viện Thống Nhất kêu gọi các nhà hảo tâm để giúp đỡ. Sau khi mổ tim xong, do có bảo hiểm y tế, bệnh nhân chỉ phải đóng tiền viện phí hơn 10 triệu, số tiền còn lại hơn một trăm triệu của các mạnh thường quân tài trợ, bệnh nhân được nhận lại. Trở về quê nhà, bệnh nhân dùng số tiền tài trợ dư mổ tim để sửa nhà.

Thông tin bệnh nhân đi bệnh viện mổ tim hết bệnh, về quê lại còn dư tiền sửa nhà lan ra cả vùng quê khiến nhiều người cùng quê bệnh nhân sau đó vào Bệnh viện Thống Nhất tìm gặp bác Quế để giúp "vừa chữa bệnh vừa làm được nhà" khiến bác sĩ "dở khóc dở cười".

Và xuyên suốt trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, BS Đỗ Kim Quế luôn đau đáu nỗi trăn trở với nghề, trong số đó là vấn đề đào tạo ra thế hệ bác sĩ lành nghề kế tiếp để tiếp nối sự nghiệp cứu chữa bệnh nhân cho mai sau.

"Vấn đề con người vẫn là quan trọng nhất, nó quyết định tất cả. Đối với ngành y, việc đào tạo ra được một bác sĩ giỏi, có trình độ chuyên môn tốt, đặc biệt là có y đức rất quan trọng. Có như vậy mới thực hiện được sứ mệnh của người thấy thuốc", bác sĩ Quế tâm huyết nói.

Ông ngoại năm xưa hết lòng vì bệnh nhân, bác sĩ Đỗ Kim Quế cũng theo truyền thống đó. Hàng ngày, anh vẫn tâm huyết miệt mài với công việc không chỉ truyền niềm đam mê ngành y đến các sinh viên, thầy thuốc trẻ mà luôn nhắn nhủ họ rèn thêm đạo đức, biết đau với nỗi đau người bệnh. Và điều quan trọng nhất, hạnh phúc nhất đối với người thầy thuốc ưu tú này là giúp đỡ và cứu chữa được nhiều bệnh nhân, 'kéo' họ ra khỏi tuyệt vọng giữa những cơn đau, dìu họ qua bệnh tật hiểm nghèo để đem lại nụ cười hạnh phúc, để những sự sống được hồi sinh...

Chủ Đề