9 mối quan hệ lớn văn kiện đại hội 12 năm 2024

(TUAG)- Đại hội XIII có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đại hội diễn ra vào thời điểm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện thực hiện thắng lợi nhiều chủ trương, mục tiêu và nhiệm vụ được xác định trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; trải qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, trong đó có 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020. Đại hội có nhiệm vụ kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII gắn với đánh giá tổng quát tiến trình đổi mới, quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ 5, 10 năm tới và tầm nhìn đến năm 2045.

Riêng về thực hiện Cương lĩnh: Năm 2011, lần đầu tiên, trong Cương lĩnh (bổ sung, phát triển) Đảng ta đã khẳng định: "Từ nay đến giữa thế kỷ XXI, toàn Đảng, toàn dân ta phải ra sức phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa". Trong toàn bộ quá trình đó phải đặc biệt chú trọng nắm vững và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn: Quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ;... Không phiến diện, cực đoan, duy ý chí". Đại hội XII của Đảng điều chỉnh mối quan hệ "giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa" thành mối quan hệ "giữa tuân theo các quy luật của thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa" và bổ sung mối quan hệ "giữa Nhà nước và thị trường"; Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII đã phát triển thành mối quan hệ "giữa Nhà nước, thị trường và xã hội".

Đến nay sự nhận thức về mối quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển của Đảng ta ngày càng đầy đủ và sâu sắc hơn theo nguyên tắc: Đổi mới là động lực, là phương thức - Ổn định là điều kiện - Phát triển là mục tiêu. Phải lấy mục tiêu để định hướng đổi mới và ổn định. Vì vậy, trong quá trình thực hiện Cương lĩnh, một mặt Đảng lãnh đạo để thực hiện có hiệu quả hơn từng thành tố đổi mới, ổn định và phát triển; mặt khác, đã chú trọng hơn lãnh đạo giải quyết đồng bộ, hài hòa hơn giữa các thành tố này.

Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII đã nêu: Tiếp tục nắm vững và xử lý tốt các quan hệ lớn: Quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường; giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ; giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội. Dự thảo còn nhấn mạnh: Trong nhận thức và giải quyết các quan hệ lớn, cần chú trọng hơn đến bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp; phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữ vững độc lập, tự chủ và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Quá trình thảo luận, đóng góp cho nội dung các văn kiện trình Đại hội XIII, mỗi đảng viên và cán bộ cần nghiên cứu sâu sắc cơ sở lý luận của từng vấn đề gắn với liên hệ thực tế tình hình của địa phương, đơn vị mình công tác và sinh hoạt nhằm có được ý kiến góp phần tổng kết thực tiễn, bổ sung, hoàn chỉnh các văn kiện để nó thật sự là trí tuệ của toàn Đảng./.

(3) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam (Xuất bản lần thứ hai), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr. 26

Đổi mới ở nước ta, xét trên bình diện lý luận, liên quan đến chủ trương, đường lối và các quyết sách chiến lược của Đảng, bắt đầu từ Đại hội VI (tháng 12-1986). Trên bình diện thực tiễn, đổi mới đã trải qua một chặng đường hơn 30 năm, sáu kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc, từ Đại hội VI đến Đại hội XI của Đảng. Đại hội XII của Đảng (tháng 01-2016) mang dấu ấn lịch sử đặc biệt, tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua hơn 30 năm đổi mới, thông qua những quyết định trọng đại, đẩy mạnh hội nhập quốc tế sâu rộng để thực hiện phát triển nhanh và bền vững, sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Đại hội XII của Đảng kế thừa các Đại hội trước đó trong thời đổi mới, không ngừng tìm tòi và phát triển lý luận, quyết tâm vượt qua “những điểm nghẽn” của phát triển bằng những đột phá để phát triển.

Đại hội XII của Đảng được dẫn dắt bởi những định hướng tư tưởng chính trị lớn: “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Đổi mới”, thể hiện trí tuệ, ý chí, trách nhiệm và bản lĩnh của một Đảng cách mạng chân chính do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, trải qua lịch sử quang vinh hơn 86 năm và đã liên tục cầm quyền hơn bảy thập kỷ, trong đó có hơn 30 năm đổi mới, với đội ngũ hơn 4,5 triệu đảng viên đại diện cho trên 90 triệu người dân tin tưởng, ủng hộ và đặt nhiều kỳ vọng.

Đại hội XII của Đảng với sự chuẩn bị công phu, cẩn trọng, nêu cao trách nhiệm cao cả và thiêng liêng của Đảng trước dân tộc và nhân dân trong công tác xây dựng Văn kiện và chuẩn bị nhân sự. Diễn trình của Đại hội XII, từ phiên họp trù bị đến thảo luận, tham luận và thông qua Nghị quyết cũng như bầu cử Ban lãnh đạo cấp cao của Đảng với kết quả và thành công tốt đẹp, được toàn Đảng, toàn dân vui mừng, phấn khởi, tin tưởng và kỳ vọng... đã tỏ rõ sự trưởng thành, sự phát triển dân chủ trong Đảng, sự thực hành tập trung dân chủ - một nguyên tắc chính trị cốt tử của Đảng Cộng sản. Đại hội XII của Đảng là sự tái hiện sinh động tinh thần và dũng khí của Đại hội VI - đại hội khai sinh của đổi mới, để 30 năm sau, Đại hội XII của Đảng mang tầm vóc và ý nghĩa của sự mở đầu cho một thời kỳ phát triển mới của đất nước, có thể ví như cuộc đổi mới lần thứ hai của Việt Nam trong lịch sử hiện đại, ở thời đương đại. Cũng như Đại hội VI, Đại hội XII của Đảng ghi tiếp một mốc son chói lọi trong lịch sử biên niên của Đảng ta. Bên thềm Đại hội VI, nước ta lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng từ giữa thập kỷ 80 của thế kỷ XX. Cuộc khủng hoảng này của Việt Nam nằm trong tính phổ biến của khủng hoảng ở tất cả các nước xã hội chủ nghĩa cùng theo mô hình Xôviết, khủng hoảng về mô hình phát triển của chủ nghĩa xã hội hiện thực thế giới - mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp và bình quân, vắng bóng kinh tế thị trường với quy luật thị trường và các quan hệ thị trường, lại phát triển đơn trị, tuyến tính, chỉ quan hệ trong một hệ thống (Xôviết), dường như không có quan hệ với phần còn lại của thế giới phương Tây tư bản chủ nghĩa - nơi có tiềm lực dồi dào về khoa học - công nghệ và trình độ phát triển cao về kinh tế và quản lý theo nhà nước pháp quyền. Đây là cuộc khủng hoảng do thiếu động lực nội tại từ bên trong để phát triển, lại chịu tác động tiêu cực từ những khuyết tật có trong thể chế, nhất là những hạn chế về dân chủ, những suy thoái, biến dạng xảy ra trong Đảng cầm quyền, xuất hiện tình trạng tha hóa về sở hữu (trong kinh tế) và tha hóa về quyền lực (chính trị) với các dấu hiệu kéo dài - chậm phát hiện - chậm sửa chữa và đã sửa chữa một cách sai lầm trong quá trình cải tổ. Do đó, khủng hoảng trong hệ thống xã hội chủ nghĩa không những là phổ biến mà còn trầm trọng, kết cục là, xảy ra khủng hoảng chính trị, rối loạn, đổ vỡ như một sự tự hủy, do mất phương hướng chính trị ở thời điểm bước ngoặt.

Đã hơn 25 năm trôi qua kể từ khi xảy ra chính biến ở Cộng hòa dân chủ Đức, Liên Xô và hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu nhưng bài học có tính “bi kịch lịch sử” này vẫn còn nguyên ý nghĩa thời sự, với giá trị cảnh báo và cảnh tỉnh các nước xã hội chủ nghĩa còn lại, trong đó có Việt Nam.

Điều đáng đề cập về đổi mới ở Việt Nam chính là ở chỗ, đổi mới đã trở thành sự kiện nổi bật ở nước ta vào nửa sau thập kỷ 1980. Đó không chỉ là sự kiện chính trị, gắn với đường lối, quyết sách của Đảng cầm quyền; mà còn là bước ngoặt chuyển mình của mô hình kinh tế và chính sách, cơ chế quản lý. Đổi mới còn là tâm trạng xã hội, tâm lý xã hội có hiệu ứng hết sức rộng lớn đối với người dân, với cộng đồng xã hội, ở mọi cấp độ, từng người, từng nhà, hộ dân và gia đình, ở địa phương, cơ sở đến cả nước.

Đổi mới đã trở thành tiếng nói cửa miệng, hàng ngày của người dân, bởi nó là sự hối thúc của chính đời sống: “Đổi mới hay là chết?”, “Tồn tại hay không tồn tại?”, “Hãy tự cứu lấy mình trước khi trời cứu”. Từ đó, lan rộng và thấm sâu vào mọi quan hệ trong đời sống, đổi mới đã định hình một từ vựng của chính trị học, của khoa học chính trị. Chính đổi mới đã sinh ra, đã đòi hỏi sự xuất hiện và phát triển khoa học này. Tư duy xã hội bắt đầu làm quen với thuật ngữ: dân chủ hóa, dân chủ và hệ thống chính trị, sau đó là nhà nước pháp quyền, là phản biện xã hội, là kiểm soát quyền lực như chúng ta thường nhắc đến hiện nay.

Để thấy rõ tầm vóc của Đại hội VI và đổi mới như một cuộc cách mạng, một quá trình cải biến cách mạng sâu xa, toàn diện và triệt để - nó liên quan tới việc nhận thức và giải quyết các mối quan hệ lớn một cách tất yếu trong đổi mới và phát triển, cần đặc biệt chú ý tới các đặc điểm của đổi mới. Một trong những đặc điểm đó là: đổi mới ở Việt Nam là sự kết hợp giữa đổi mới từ dưới lên (ở cơ sở, nhất là địa bàn nông thôn) với đổi mới từ trên xuống (ở Trung ương, đầu não của các quyết định chính trị). Sự kết hợp này, bao quát hai lĩnh vực trọng yếu kinh tế và chính trị, kết hợp cả hai nhu cầu bức xúc ở hai chủ thể: nhu cầu phải thay đổi hoàn cảnh sống của người dân và nhu cầu phải thay đổi tư duy và phương thức lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước. Nó diễn ra đúng lúc, kịp thời, đã chín muồi, không thể chậm trễ. Chính sự cộng hưởng và tạo nên đồng thuận đến mức lý tưởng này giữa từ dưới lên với từ trên xuống mà đổi mới ra đời như một sự đón kịp thời cơ để cộng đồng trách nhiệm cùng vượt qua thách thức.

Đây thực sự là kết hợp giữa Ý Đảng với Lòng Dân và trở thành Phép Nước. Đó là cơ sở xã hội sâu xa để nhận biết sức sống và triển vọng tốt đẹp của đổi mới. Cùng với điều đó, đổi mới được dẫn dắt bởi đường lối đúng, có nguyên tắc, có bước đi thích hợp, lại nhận được sự ủng hộ, tán thành, mong đợi từ lâu của nhân dân nên Việt Nam đã giải quyết thành công cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội, luôn giữ được ổn định, không để xảy ra khủng hoảng chính trị, nhờ đó đổi mới thúc đẩy sự phát triển chứ không rơi vào phản phát triển. Thành công ấy là thành công trong lãnh đạo của Đảng mà cũng là nhờ sức sáng tạo, từ công sức của nhân dân.

Đại hội VI của Đảng đã mở đầu, khai sinh cho đổi mới, tạo lập ổn định, hướng tới phát triển cả thế và lực của Việt Nam. Đại hội VI của Đảng công khai tinh thần tự phê phán, dũng cảm đối mặt với sai lầm, kiên quyết sửa chữa, nêu cao bài học lớn: dựa vào dân, dân là gốc của nước, nước lấy dân làm gốc, nhấn mạnh cả bài học phải tôn trọng quy luật khách quan, rằng: sáng tạo phù hợp với quy luật thì thắng lợi; giáo điều, tả khuynh, duy ý chí, coi thường và vi phạm quy luật thì thất bại.

Nhờ đó, trong tiến trình đổi mới, Việt Nam đã đạt được những bước ngoặt lớn: Ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, ra khỏi tình trạng nước lạc hậu, kém phát triển, trở thành nước đang phát triển; mở cửa, chủ động hội nhập quốc tế, tự giải phóng mình ra khỏi sự trì trệ, tình thế biệt lập, khép kín trong “ốc đảo” để cùng tồn tại và phát triển với cộng đồng thế giới, dù phải chấp nhận cạnh tranh, đấu tranh trong hợp tác song phương, đa phương, trong thế ứng xử với đối tác và đối tượng.

Sau hơn 30 năm, Đại hội XII của Đảng mang nhiều nét tương đồng về bối cảnh, tình hình, về thời cơ, thách thức đặt ra với Đảng, với nhân dân, với những dằn vặt, lo âu về vận Đảng, vận nước trong thời kỳ phát triển mới.

Âm hưởng của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI - một Nghị quyết lịch sử về “những vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay” đã thấm sâu vào Đại hội XII của Đảng.

Chủ đề Đại hội XII của Đảng mang ý nghĩa nổi bật của một thông điệp phát triển, đặt lên hàng đầu vấn đề “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh”, đây cũng là nhiệm vụ hàng đầu trong các nhiệm vụ trọng tâm của khóa XII. Đại hội lần này nêu cao quyết tâm chính trị, trách nhiệm chính trị của Đảng trước vận mệnh dân tộc, giữ vững môi trường hòa bình để phát triển, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Đây là điều thiêng liêng, hệ trọng bởi phát triển đất nước đã trở thành lợi ích cốt lõi của quốc gia, muốn tăng cường tiềm lực quốc gia phải ra sức phát triển kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế thành công, phải tăng cường quản lý xã hội, thực hiện đồng bộ đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, phát huy cao độ động lực của lòng yêu nước và sức mạnh toàn dân tộc cùng với dân chủ xã hội chủ nghĩa, muốn phát triển nhanh và bền vững phải sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Bởi những quyết sách lớn đó mà Đại hội XII của Đảng là sự mở đầu cho chặng đường phấn đấu rất cao, mới mẻ, phức tạp trong thời kỳ phát triển mới mà chúng ta có thể coi là công cuộc đổi mới lần thứ hai với những động lực mới, những đột phá mới, nhận thức và xử lý những mối quan hệ lớn, phản ánh quy luật của đổi mới và phát triển của Việt Nam.

Đại hội XII của Đảng còn nêu cao dũng khí của một Đảng cách mạng, thẳng thắn nêu rõ sự thật trên một số mặt: việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI chưa đạt yêu cầu, cũng như do dự báo kém, giản đơn và chủ quan mà mục tiêu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại là không thể thực hiện được. Nhìn thẳng vào sự thật, Đảng ta đã chỉ rõ tại Đại hội XII: “Đảng ta chưa thực sự trong sạch, vững mạnh”[1].

Cũng vì thế, lần đầu tiên trong các Văn kiện Đại hội thời kỳ đổi mới, Đại hội XII của Đảng đã đề cập sâu sắc, toàn diện nội dung xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đồng thời chú trọng xây dựng Đảng về đạo đức và văn hóa, trong đó có vấn đề cốt lõi, trọng yếu là học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn liền xây dựng Đảng với chỉnh đốn Đảng trước yêu cầu mới.

Nếu Đại hội VI của Đảng khởi đầu công cuộc đổi mới lần thứ nhất đã nhấn mạnh đổi mới kinh tế, tìm lối thoát cho khủng hoảng thì Đại hội XII của Đảng, chú trọng đặc biệt và nổi bật đổi mới chính trị, thể chế và hệ thống chính trị, với điểm nhấn là xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sự không tách rời với đổi mới kinh tế. Đại hội VI của Đảng chú trọng tạo lập ổn định để đổi mới và phát triển thì sau hơn 30 năm, Đại hội XII của Đảng hướng nỗ lực vào phát triển bền vững và hiện đại hóa, đổi mới phải mạnh mẽ, hội nhập phải sâu rộng, để phát triển nhanh và bền vững.

Những đường hướng tư duy và tư tưởng trên cho thấy, Đảng ta chú trọng vào tính hệ thống - chỉnh thể và do đó, trong hoạt động thực tiễn, tất yếu phải thông qua các mối quan hệ, giải quyết các mối quan hệ đó trong tư duy và hành động, là hiện thực hóa, thực tiễn hóa lý luận để hoạt động của chủ thể và các chủ thể trở nên chủ động, tự giác, sáng tạo, hiệu quả. Đó cũng là làm cho quy luật của đổi mới và phát triển được thực hiện, thông qua các mối quan hệ, nội dung các mối quan hệ, điều kiện vật chất và tinh thần cần thiết để giải quyết các mối quan hệ đó.

Yêu cầu đặt ra không chỉ nhằm vào nhận thức mà quan trọng hơn còn phải thực hiện nó thông qua mô hình, chính sách, cơ chế, phương thức tác động trong lãnh đạo, điều hành quản lý, tạo lập môi trường và các điều kiện cho phát triển, nhất là phát triển bền vững. Phải nhận diện nó từ hoạt động, tổ chức thiết chế, bộ máy và thể chế, cơ chế và chính sách, nguồn lực và phương thức phân bổ nguồn lực. Mọi nguồn lực, vật chất cũng như tinh thần đều xoay quanh và quy tụ vào con người, vào nguồn nhân lực chất lượng cao, vào đầu tư, phát triển, phát huy nguồn lực con người - nguồn vốn quan trọng và quyết định nhất trong tổng lượng vốn xã hội của phát triển.

Trên quan điểm tổng hợp và hệ thống, những tương tác của các mối quan hệ đó, thông qua con người - mục tiêu và động lực của đổi mới, chủ thể của phát triển và sáng tạo lịch sử - đó là văn hóa, là nguồn lực nội sinh do văn hóa sáng tạo ra.

Trong những điểm mới về lý luận hay lý luận “được làm mới” ở Đại hội XII của Đảng, có thể khẳng định, lý luận về động lực và hệ động lực của phát triển, lý luận về các mối quan hệ lớn, về quy luật và phản ánh quy luật của đổi mới và phát triển thực sự là những điểm mới có giá trị.

Nếu quy luật là khách quan, các mối quan hệ phản ánh quy luật cũng là khách quan, nhận thức đúng và xử lý tốt các mối quan hệ đó cũng là đòi hỏi khách quan của phát triển thì để giải quyết các nhiệm vụ, yêu cầu đó lại không thể không thông qua chủ thể người, con người và tổ chức, thông qua nỗ lực chủ quan của chủ thể sáng tạo.

Nhìn nhận vấn đề từ nhiều chiều như vậy để thấy, nhận thức và giải quyết các mối quan hệ lớn trong đổi mới, trong phát triển thể hiện quy luật của đổi mới và phát triển đòi hỏi Đảng ta phải không ngừng nâng cao tiềm lực trí tuệ, tư tưởng của mình. Yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng trong thời kỳ phát triển mới đòi hỏi Đảng ta càng phải chú trọng khoa học hóa, hiện đại hóa sự lãnh đạo của mình. Sức mạnh của khoa học, của tư duy lý luận bảo đảm cho Đảng ta nâng cao năng lực sáng tạo, xây dựng và phát triển lý luận đổi mới, lý luận xây dựng chủ nghĩa xã hội, lý luận xây dựng Đảng cầm quyền. Đột phá lý luận sẽ góp phần quan trọng để Đảng ta ngang tầm nhiệm vụ, lãnh đạo thành công sự nghiệp đổi mới.

2. Sự hình thành và phát triển nhận thức lý luận của Đảng về các mối quan hệ lớn trong thực tiễn đổi mới

Quan hệ và các mối quan hệ tồn tại ngay trong đời sống của con người và xã hội. Hoạt động thực tiễn của con người, cá nhân và cộng đồng được thể hiện qua các mối quan hệ. Đó chính là sự tương tác, sự phản ánh, tác động, chi phối và chế ước lẫn nhau, trong thời gian và không gian, giữa chủ thể và khách thể, giữa con người và thế giới đối tượng. Hoạt động của con người để tồn tại và phát triển, để tự biểu hiện và tự khẳng định những năng lực sáng tạo của mình, nhờ đó mà con người trở thành chủ thể và mang sức mạnh nhân tính, sức mạnh thuộc về “bản chất người” như C.Mác nói, chỉ có thể được thực hiện bởi quan hệ và thông qua các mối quan hệ. Đó là những quan hệ có tính thực tiễn, tính lịch sử, biến đổi và phát triển với sự can dự của nhân tố điều kiện. Những quan hệ đó là khách quan mà chủ quan con người có thể và cần phải nhận thức, nhận thức từ thực tiễn và hướng đích tới thực tiễn bằng hoạt động, trước hết và chủ yếu bằng lao động. Quan hệ ở trong thực tiễn không phải là cái được sản sinh ra từ những đầu óc tư biện, chủ quan với những suy lý trừu tượng.

Con người không ngừng nhận biết, khám phá thế giới và cải biến thế giới, đồng thời cũng không ngừng tự nhận thức, tự khám phá chính bản thân mình.

Cũng như mọi sự vật, hiện tượng trong thế giới đối tượng và chủ thể đều vận động, biến đổi, quan hệ cũng thường xuyên ở trong trạng thái “động” chứ không “tĩnh”, được nhận biết trong tính biện chứng chứ không siêu hình. Chính vì vậy, quan hệ như vật dẫn, là đường truyền dẫn của những tương tác giữa chủ thể với đối tượng, khách thể và ngược lại.

Thế giới vốn đa dạng, phong phú và sự vận động, phát triển của thế giới từ giới tự nhiên đến xã hội - lịch sử, đặc biệt là đời sống xã hội - lịch sử của con người, do chính hoạt động của con người mà thành cũng vô cùng phong phú, đa dạng, phức tạp bởi vô số các mối quan hệ, liên hệ tác động, thẩm thấu lẫn nhau.

Nhận ra sự phát triển như một quá trình và là một xu hướng, xu thế khách quan chính từ những quan hệ của phát triển. Lịch sử của nhận thức, lịch sử của tư duy chẳng qua chỉ là sự phản ánh lịch sử của đối tượng với những tập hợp lớn các mối quan hệ gắn liền với nó.

Lịch sử nhận thức luận là sự phản ánh lịch sử bản thể luận trong triết học từ hàng nghìn năm nay và hiện nay, mọi khoa học đều như vậy.

Từ khi con người và loài người biết đến triết học và không ngừng phát triển tư duy triết học của mình, ở mọi thời đại, vấn đề cơ bản của triết học, của mọi nền triết học đều chỉ là vấn đề về mối quan hệ giữa tồn tại và tư duy, giữa vật chất và ý thức. Từ đối tượng đến nội dung và phương pháp, triết học như một hệ thống các mối quan hệ. Chỉ nói riêng triết học Mác, từ chủ nghĩa duy vật biện chứng, phép biện chứng duy vật đến chủ nghĩa duy vật lịch sử, để nhận thức nó, chúng ta phải nhận thức bao nhiêu mối quan hệ: vật chất và ý thức, tự nhiên và xã hội, biện chứng và siêu hình, duy vật và duy tâm, thống nhất và mâu thuẫn, thống nhất và đấu tranh của hai mặt đối lập, lượng - chất, chung - riêng, bản chất - hiện tượng, tất nhiên - ngẫu nhiên, lực lượng sản xuất - quan hệ sản xuất, cá nhân - xã hội, tồn tại xã hội - ý thức xã hội...

Cũng như vậy, trong đời sống xã hội, có biết bao mối quan hệ phải nhận thức và xử lý mà đây thường là những mối quan hệ lớn như kinh tế và chính trị, Đảng và Nhà nước, dân chủ và pháp luật, truyền thống và hiện đại, cơ cấu kinh tế và cơ cấu xã hội, thể chế và chính sách, tăng trưởng và phát triển... Các mối quan hệ đan xen nhau rất phức tạp trong cấu trúc tổ chức, trong quy mô và cấp độ, trong hệ thống - chỉnh thể mà cũng có trong các phân hệ (vừa là một tiểu hệ thống lại vừa là một hệ thống có tính độc lập tương đối). Đây là vấn đề liên quan tới hoạt động quản lý và tư duy về phát triển mà chủ thể phải nhận thức và xử lý trong thực tiễn.

C.Mác đã từng đưa ra định nghĩa kinh điển về bản chất con người trong Luận cương về Phoiơbắc (năm 1845) mà Ph.Ăngghen đánh giá là “một phác thảo thiên tài về thế giới quan mới”. “Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội”[2]. “Quan hệ xã hội” trong tư duy của C.Mác, không chỉ là “xã hội” mà còn là “tự nhiên”, là biện chứng giữa “xã hội - tự nhiên” với “tự nhiên - xã hội”, bởi con người là một thực thể song trùng, và con người không chỉ là sản phẩm của hoàn cảnh mà còn tác động lại hoàn cảnh của chính mình.

Tóm lại, hoạt động dựa trên các mối quan hệ vừa làm cho các quan hệ biến đổi lại vừa làm nảy sinh các mối quan hệ mới.

Nhận thức và giải quyết các mối quan hệ là đòi hỏi tất yếu của hoạt động và phát triển, với con người là chủ thể. Đó cũng là con đường thực tiễn của nhận thức chân lý.

Từ thế kỷ XVIII, nhà khai sáng vĩ đại người Pháp, J.Rousseau, tác giả của Khế ước xã hội nổi tiếng, đóng góp một cách xứng đáng vào việc xây dựng học thuyết dân chủ và nhà nước pháp quyền đã phát hiện ra một nghịch lý rằng, con người và loài người đã làm nên bao điều kỳ diệu, đã tích lũy cho mình bao nhiêu tri thức, vậy mà, có một thứ tri thức cần thiết nhất, thì con người lại tỏ ra thiếu hụt và kém cỏi nhất, đó là tri thức (sự hiểu biết) về chính mình. Rõ ràng, tự nhận thức về mình, tự ý thức về cái bản ngã của mình trở nên rất cần thiết, mãi mãi cần thiết đối với con người ở mọi thời đại lịch sử. Loại tri thức này càng có được những khám phá mới mẻ, sâu sắc và hiện đại bao nhiêu thì càng tăng cường xung lực từ nội sinh của chủ thể bấy nhiêu để cho sự hiểu biết và cải biến ngoại giới, hoàn cảnh của con người thấm nhuần bản chất nhân tính, các giá trị và ý nghĩa nhân văn. Về thực chất, đây là sự hài hòa của phát triển. Hài hòa là một quy luật mà phản ánh quy luật ấy chính là các mối quan hệ làm nên sự hài hòa trong phát triển.

Có thể mượn ý tưởng nêu trên ở J.Rousseau để đi tới một nhận xét, trong hoạt động thực tiễn, con người đã từng biết đến và đã từng phải giải quyết rất nhiều mối quan hệ, vậy mà dường như trong tư duy lý luận, trong nghiên cứu lý luận, chúng ta đã chưa đặt phạm trù “quan hệ” với tư cách là đối tượng nghiên cứu đúng mức, đúng tầm. Đã đến lúc phải coi phạm trù “quan hệ” như một phạm trù triết học, phải nghiên cứu nó như một nghiên cứu triết học, đặc biệt là triết học xã hội và triết học chính trị, trên cả bình diện lôgích và lịch sử, lý luận và thực tiễn. Thực tiễn đổi mới của Việt Nam và tư duy lý luận của Đảng hơn 30 năm qua vừa đặt ra lại vừa thúc đẩy nghiên cứu và tổng kết thực tiễn vấn đề quan trọng này, như một quá trình nỗ lực của chủ thể tư duy, bằng đổi mới tư duy để “chạm” vào chân lý.

Nhìn lại chặng đường hơn 30 năm đổi mới (1986-2016), có thể nhận rõ sự hình thành và phát triển nhận thức lý luận của Đảng ta, từ đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế đến đổi mới mô hình phát triển, đổi mới phương thức và cơ chế quản lý, từng bước tìm tòi để bổ sung và hoàn chỉnh hệ mục tiêu của đổi mới, nỗ lực tìm câu trả lời lý luận từ thực tiễn về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, về dân chủ và Nhà nước pháp quyền, về đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, cho đến khi nhận ra yêu cầu phải đồng bộ giữa đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị, trước hết là hệ thống chính trị, ý thức về giữ vững độc lập, tự chủ với chủ động hội nhập quốc tế, giữa kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, giữa yêu cầu xây dựng chủ nghĩa xã hội gắn liền với bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, giữa đổi mới với mở cửa và hội nhập, từ hội nhập kinh tế quốc tế đến hội nhập quốc tế...

Từ những nội dung trên, từng bước một, Đảng ta trải qua tổng kết lý luận - thực tiễn qua 20 năm và 30 năm đổi mới để định hình hệ thống các quan điểm về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong điều kiện và hoàn cảnh lịch sử đặc thù của Việt Nam, quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa.

Vấn đề nhận thức và giải quyết các mối quan hệ lớn trong đổi mới của Việt Nam nằm trong tổng kết các vấn đề lý luận nêu trên. Tư duy lý luận của Đảng về các mối quan hệ lớn không phải hình thành ngay từ đầu mà từng bước nhận thức rõ hơn trong tiến trình đổi mới.

- Đại hội VI của Đảng (tháng 12-1986) mở đầu công cuộc đổi mới, Đảng ta đặt vấn đề đổi mới toàn diện các lĩnh vực, nhưng trước hết phải đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế. Đổi mới là quyết sách, tìm lối thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng nên một vấn đề bức xúc và hệ trọng đặt ra lúc đó là phải ổn định chính trị, đó là tiền đề để đổi mới hướng tới phát triển chứ không rơi vào mất ổn định và rối loạn. Song, muốn ổn định, quan trọng nhất là ổn định lòng dân, để an dân, thì phải lo an sinh, cải thiện đời sống nhân dân trong tình hình “lạm phát phi mã” (744%), kinh tế suy thoái “đã chạm đáy” nên phải nỗ lực bằng mọi cách làm cho “sản xuất bung ra”, áp dụng cơ chế, chính sách khoán như một thử nghiệm có tính đột phá, đem lại lợi ích thiết thân, thường nhật để nhân dân ủng hộ đổi mới. Từ các mối quan hệ này mà động lực lợi ích bộc lộ ra trực tiếp. Sâu xa hơn, nó mở đầu cho việc thực hiện tư tưởng giải phóng lực lượng sản xuất, sức sản xuất, giải phóng mọi tiềm năng xã hội để phát triển. Như vậy, Đại hội VI của Đảng đã xác lập một tư tưởng lớn được biểu hiện qua mối quan hệ Ổn định - Đổi mới - Phát triển, Đổi mới - Giải phóng - Phát triển. Từ thực tiễn đổi mới, hình thành nên triết lý của đổi mới và cũng được biểu đạt bằng quan hệ: Giải phóng - Sáng tạo - Phát triển.

Cũng từ thực tiễn đổi mới mà Đảng ta phải nỗ lực nhận thức và giải quyết mối quan hệ có tầm vĩ mô và chiến lược, đó là quan hệ giữa thời cơ, vận hội phát triển với thách thức và nguy cơ trong phát triển để có phương pháp, phương châm hành động: tận dụng, đón kịp thời cơ và vượt qua thách thức, phòng tránh nguy cơ. Đại hội VI của Đảng cũng đặt cơ sở ban đầu cho việc giải quyết mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị, với yêu cầu phải giải quyết là tính đồng bộ được hiểu theo tinh thần biện chứng, không đồng nhất giản đơn nó với “đồng thời”, tính đến cả trình tự “trước sau”, cân nhắc cả bước đi, tính ưu tiên, “trước hết phải đổi mới kinh tế” thành công, có hiệu quả bước đầu để có điều kiện cải thiện đời sống dân cư, làm cơ sở cho đổi mới chính trị, không nôn nóng, chủ quan, không phiêu lưu, phải thận trọng nhưng không vì thế mà chậm trễ, càng không bảo thủ, trì trệ.

Đáng lưu ý là, Đại hội VI của Đảng đặt vấn đề thực hiện dân chủ hóa toàn diện các lĩnh vực đời sống, chú trọng trước hết dân chủ hóa kinh tế, dân chủ hóa chính trị, đó là quan hệ cốt lõi, trọng yếu để xây dựng dân chủ.

- Đến Hội nghị Trung ương 6 khóa VI (tháng 3-1989), lần đầu tiên, Đảng ta sử dụng thuật ngữ hệ thống chính trị và dân chủ xã hội chủ nghĩa thay cho khái niệm “làm chủ tập thể”, “chế độ làm chủ tập thể” thời kỳ trước đổi mới, nhất là trong Văn kiện Đại hội IV của Đảng (năm 1976). Đến Đại hội VII và Đại hội VIII sau đó, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của Đảng (năm 1991) và trong các Văn kiện Đại hội thời kỳ đổi mới, khái niệm “Nhà nước chuyên chính vô sản” đã được thay thế bởi “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân” với quan niệm mới, nội dung mới. Trong Cương lĩnh năm 1991, nhất là Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 được thông qua tại Đại hội XI (năm 2011), Đảng ta đã trình bày rõ ràng, đầy đủ lý luận dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền và hệ thống chính trị theo tư tưởng Dân chủ - Pháp quyền - Nhân nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

- Nhận thức và giải quyết các mối quan hệ trong đổi mới và phát triển, sự hình thành và phát triển tư duy lý luận của Đảng là sự vận dụng phép biện chứng duy vật của triết học Mác và chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung, đặc biệt là tư duy biện chứng và thực hành phép biện chứng rất đặc sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thực tiễn đổi mới ở Việt Nam, từ những vấn đề chung, tổng quát đến những vấn đề riêng, cụ thể trong từng lĩnh vực.

Về những vấn đề chung, ở tầm quan điểm và nguyên tắc, Đảng ta đã làm rõ mối quan hệ giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong lý tưởng, mục tiêu để kiên định con đường phát triển của Việt Nam, để giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là trong điều kiện phát triển mạnh mẽ kinh tế thị trường, mở cửa và hội nhập, đồng thời sớm phát hiện những nguy cơ phải chủ động phòng tránh, trong đó có nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa. Quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng và chính sách ngoại giao của Nhà nước, đúng đắn, nhất quán, linh hoạt và mềm dẻo thể hiện qua việc thực hiện hợp tác song phương và đa phương, đa phương hóa, đa dạng hóa, hợp tác và cạnh tranh, hợp tác và đấu tranh trong thế giới toàn cầu hóa, trong quan hệ vừa phụ thuộc vừa tùy thuộc lẫn nhau giữa các nước. Đảng ta cũng nhận thức rõ quan hệ giữa các mục tiêu của đổi mới và đặc trưng tổng quát của chủ nghĩa xã hội, quan hệ giữa các đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà Đảng và nhân dân ta xây dựng với các phương hướng xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta trong thời kỳ quá độ, quan hệ giữa tăng trưởng với phát triển và phát triển bền vững dựa trên các tác động kinh tế - xã hội và môi trường. Giải quyết các mối quan hệ này trong phát triển bền vững ở nước ta còn phải tính đến tác động trực tiếp của chính trị, tác động sâu xa của văn hóa, bởi thực chất của phát triển bền vững là phát triển bền vững con người.

Tổng kết 20 năm đổi mới (1986-2006) ở Đại hội X và 25 năm đổi mới (1986-2011) ở Đại hội XI, Đảng ta nhấn mạnh: phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội.

Đến Đại hội XII, khi đổi mới tròn 30 năm (1986-2016), Đảng ta khẳng định lại quan điểm này và có những bổ sung, phát triển mới, gắn liền kinh tế với xã hội, văn hóa với con người đồng thời định vị rõ rệt vai trò của quốc phòng, an ninh, thể hiện ở các luận đề sau đây:

“Phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội; bảo đảm quốc phòng và an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên”[3]. Xây dựng chủ nghĩa xã hội gắn liền với bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, coi đó là một quy luật, dựng nước đi liền với giữ nước, Đảng ta nhận thức rõ: lợi ích dân tộc là tối cao, độc lập, thống nhất, giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia là thiêng liêng...

Trên những lĩnh vực cụ thể, nhìn từ các mối quan hệ, tư duy lý luận của Đảng qua các kỳ Đại hội cũng đã có những phát triển mới.

Trong kinh tế, Đại hội VI của Đảng thực hiện bước chuyển từ kinh tế kế hoạch, hiện vật sang sản xuất hàng hóa, kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, áp dụng cơ chế thị trường, làm năng động hóa nền kinh tế. Đến Đại hội VII và Đại hội VIII của Đảng đã từng bước nhận thức về kinh tế thị trường; Đại hội IX của Đảng đã nhận thức rõ nền kinh tế thị trường nhiều thành phần kinh tế đều nằm trong cơ cấu thống nhất của nền kinh tế quốc dân, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; Đại hội X của Đảng đã đề cập tới định hướng xã hội chủ nghĩa là bảo đảm chính trị cho sự phát triển kinh tế thị trường; Đại hội XI của Đảng, nhất là trong quá trình tổng kết 20 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, đã làm rõ mối quan hệ giữa kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, đến Đại hội XII của Đảng, từ tổng kết thực tiễn 30 năm đổi mới, khi nước ta đã ra khỏi tình trạng nước kém phát triển, trở thành nước đang phát triển đã đạt được sự luận chứng đầy đủ, rõ ràng hơn cả về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó nhấn mạnh tính phổ biến và tính đặc thù, khẳng định đó là nền kinh tế phải vận hành theo các quy luật thị trường, phải là một nền kinh tế thị trường hiện đại, có năng lực hội nhập quốc tế, dựa trên động lực của khoa học - công nghệ, thị trường có vai trò quyết định thu hút và phân bổ các nguồn lực, thực hiện mục tiêu xã hội, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền và do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Đại hội XII của Đảng khẳng định quyền tài sản của người sản xuất kinh doanh, sự bình đẳng trong cạnh tranh và trước pháp luật của các chủ thể, khẳng định động lực quan trọng của kinh tế tư nhân, đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, tái cấu trúc nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Trong những nhận thức lý luận đó, thể hiện hàng loạt mối quan hệ giữa kinh tế với xã hội, kinh tế với chính trị, chính sách, cơ chế và thể chế cũng như động lực, nguồn lực và phương thức phân bổ nguồn lực.

Trong chính trị, rõ nhất là quan hệ giữa dân chủ với pháp luật, pháp chế và kỷ cương, giữa Đảng với Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể trong hệ thống chính trị, giữa thực hiện dân chủ với giám sát, phản biện xã hội, cải cách thể chế, xác lập cơ chế và chế tài để kiểm soát quyền lực và chống tham nhũng. Đặc biệt là, Đại hội XII của Đảng đã có những phát triển mới về xây dựng Đảng với nội dung toàn diện các mặt: chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức, chú trọng xây dựng văn hóa trong Đảng, trong Nhà nước và hệ thống chính trị nói chung.

Gắn liền xây dựng với chỉnh đốn, tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, làm cho Đảng ngang tầm nhiệm vụ.

Đại hội XII của Đảng lần đầu tiên nhấn mạnh đầy đủ hơn cả về đổi mới chính trị mà then chốt là xây dựng Đảng. Cũng lần đầu tiên, một trù tính quan trọng có ý nghĩa đột phá được nêu lên trên cả hai bình diện thực tiễn chính trị và lý luận chính trị:

+ Về thực tiễn, nghiên cứu thí điểm hợp nhất một số cơ quan Đảng và Nhà nước thành một tổ chức, với những cơ quan tương đồng về chức năng, nhiệm vụ.

+ Về lý luận, Đảng yêu cầu đẩy mạnh nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn để làm rõ một hệ vấn đề, một tập hợp các quan hệ: quan niệm về cầm quyền, nội dung và mục đích cầm quyền, mô hình và phương thức cầm quyền, thực hiện dân chủ trong điều kiện một Đảng cầm quyền, nguy cơ phải phòng tránh khi Đảng đã cầm quyền.

Trong những quan hệ nêu trên, vấn đề cốt lõi về mặt thể chế và phương thức là giải quyết mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước và phương thức Đảng lãnh đạo Nhà nước để thực hiện vai trò cầm quyền. Về mặt xã hội, cơ sở xã hội của Đảng là quan hệ giữa Đảng với dân, sao cho Đảng không xa dân và dân trực tiếp xây dựng Đảng.

Giải quyết được những quan hệ xung yếu đó, Đảng sẽ vượt qua được sự suy thoái, suy yếu làm suy giảm niềm tin của dân và dân thực sự có vai trò, có tác động và ảnh hưởng tới sự vững mạnh của Đảng. Ngoài ra, Văn kiện Đại hội XII của Đảng còn thể hiện những nội dung phong phú trên các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, văn hóa và con người, quản lý và quản trị xã hội, thấm nhuần các mối quan hệ, đặc biệt là các mối quan hệ lớn phản ánh quy luật của đổi mới và phát triển ở Việt Nam. Hệ thống hóa các mối quan hệ lớn đó được trực tiếp đặt ra từ khi Đảng ta tiến hành tổng kết 20 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991 (1991-2011), hình thành Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 được thông qua tại Đại hội XI của Đảng (năm 2011). Đảng ta xác định trong Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011, tám mối quan hệ lớn. Đó là:

(1) Quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển;

(2) Giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị;

(3) Giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa;

(4) Giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa;

(5) Giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội;

(6) Giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa;

(7) Giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế;

(8) Giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ[4].

Đại hội XII của Đảng (năm 2016), khi đề cập tới các mối quan hệ lớn, Văn kiện Đại hội có điều chỉnh và bổ sung mới. Cụ thể là:

(1) Quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển;

(2) Giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị;

(3) Giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa;

(4) Giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất;

(5) Giữa Nhà nước và thị trường;

(6) Giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội;

(7) Giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa;

(8) Giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế;

(9) Giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ[5].

Như vậy, sau 30 năm đổi mới, chúng ta đã xác định chín mối quan hệ lớn.

Cùng với tám mối quan hệ lớn đã được nhận thức ở Đại hội XI, lần này, tại Đại hội XII, Đảng ta bổ sung thêm quan hệ giữa Nhà nước và thị trường.

Về quan hệ giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa, cũng có sự điều chỉnh rõ ràng và chặt chẽ hơn, nhấn mạnh đặc trưng nổi bật, phổ biến, tất yếu của kinh tế thị trường (dù thuộc loại hình nào, mô hình nào trong các loại kinh tế thị trường đang tồn tại ở tất cả các nước), đã là kinh tế thị trường thì phải vận động đầy đủ theo các quy luật của thị trường, do đó quan hệ giữa kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa là quan hệ giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa.

Diễn đạt mối quan hệ này, trong nội dung của nó cũng cho thấy sự thống nhất giữa khách quan và chủ quan, giữa tôn trọng quy luật khách quan với phát huy vai trò nhân tố chủ quan (sự lãnh đạo của Đảng bảo đảm cho định hướng xã hội chủ nghĩa đúng đắn).

Đảng ta đã nhấn mạnh, trong quá trình thực hiện các phương hướng xây dựng chủ nghĩa xã hội phải đặc biệt chú trọng nắm vững và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn,... nêu rõ yêu cầu không phiến diện, cực đoan, duy ý chí[6].

3. Giá trị lý luận và ý nghĩa thực tiễn của sự phát hiện các mối quan hệ lớn trong đổi mới

Việc nhận ra các mối quan hệ lớn trong thực tiễn đổi mới và vận dụng nó trong hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành của Đảng và Nhà nước cũng như trong hoạt động lao động sáng tạo của nhân dân có giá trị lý luận và ý nghĩa thực tiễn to lớn.

- Việc khẳng định các mối quan hệ lớn là nhận rõ, đây là các quan hệ cơ bản, tồn tại và có tác động, ảnh hưởng lâu dài tới mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Nó có mặt trong thực tiễn đổi mới, chi phối mọi hoạt động của các chủ thể, là căn cứ cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách sao cho phù hợp để thúc đẩy đổi mới nhằm đạt tới mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. “Độ lớn” của các mối quan hệ đã nêu thể hiện ở phạm vi, quy mô tác động và cả sức chi phối của nó tới tất cả các mối quan hệ cụ thể trong các lĩnh vực cụ thể của đời sống xã hội, của con người, của các tổ chức, các hoạt động từ đối nội tới đối ngoại, từ xây dựng đến bảo vệ, từ đổi mới tới phát triển và phát triển bền vững.

- Các mối quan hệ đó được xác định là phản ánh quy luật của đổi mới và phát triển ở nước ta. Hệ thống các mối quan hệ nêu trên có thể hình dung là những mặt, những phương diện biểu đạt nội dung của quy luật, hơn nữa trong chín mối quan hệ đó, có những quan hệ tự bản thân nó đã là quy luật, ví dụ: quan hệ giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất; giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Các mối quan hệ nổi bật và nổi trội chi phối các quan hệ, các tác động, ảnh hưởng khác, quy tụ vào hai nhân tố quan trọng nhất do đổi mới và hướng tới phát triển đặt ra, đó là: kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, thông qua vai trò của các chủ thể: Đảng - Nhà nước và Nhân dân.

- Các mối quan hệ lớn nếu được nhận thức đúng và giải quyết tốt trong thực tiễn sẽ đáp ứng yêu cầu về tính đồng bộ của đổi mới, nhất là đồng bộ giữa kinh tế và chính trị. Giải quyết các mối quan hệ này có vai trò đặc biệt quan trọng để thực hiện các phương hướng chủ yếu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta (tám phương hướng), để xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa Việt Nam với các đặc trưng cơ bản (tám đặc trưng) đã được xác định trong Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), lại tính đến đặc điểm và điều kiện của thời kỳ quá độ ở nước ta, do bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa.

- Nhận thức đúng và giải quyết tốt các mối quan hệ nêu trên còn góp phần thực hiện và thúc đẩy hệ động lực của đổi mới và phát triển, từ động lực tổng quát là đổi mới đến các động lực cụ thể - những nhân tố động lực như lợi ích, dân chủ, công bằng, đoàn kết, lòng yêu nước, văn hóa và con người.

Nói tóm lại, các mối quan hệ đó là những quan hệ đa chiều, đa lĩnh vực, tác động và chi phối lẫn nhau mà các chủ thể hoạt động phải nắm vững và vận dụng sáng tạo. Đó là yêu cầu về tư duy phát triển, tư duy biện chứng, là biện chứng của phát triển.

Phát hiện ra các mối quan hệ đó và giải quyết nó trong thực tiễn là một bước tiến lý luận - thực tiễn của Đảng, góp phần hình thành và phát triển lý luận của Đảng về chủ nghĩa xã hội và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.

GS.TS. Hoàng Chí Bảo*

Trích trong cuốn Vận dụng Nghị quyết Đại hội XII của Đảng vào nhiên cứu,

giảng dạy lý luận chính trị và báo chí truyền thông do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản


* Hội đồng Lý luận Trung ương.

[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr.197.

[2]. C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.3, tr.11.

[3]. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr.64.

[4]. Xem Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.72-73.