Vùng đất nằm 2 bên xích đạo gọi là gì

Ở khu vực Nam Mỹ có một quốc gia “đậm chất thơ” đó là Ecuador. Sẽ có bạn đọc thắc mắc mà hỏi rằng “cái chất thơ đó là gì?”. Vâng, bạn hãy chịu khó đến đây để được chứng kiến những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn ở con sông Grapura, nơi là một trong những con sóng đầu nguồn của sông Amazon, ngắm những ngọn núi lửa vẫn phủ tuyết vào giữa mùa hè, được “giẫm chân lên đường xích đạo” và được sống với những người Inca vẫn còn đầy vẻ hoang sơ... thì có khi bạn trở thành thi sĩ đấy.

Từ Venezuela, đoàn chúng tôi đi máy bay của Hãng Hàng không Vianca [Colombia] để tới Quito, thủ đô của Ecuador. Nhưng dù quãng đường không dài [chỉ khoảng hơn 2.000km], chúng tôi vẫn phải chuyển máy bay ở sân bay Bogota của Colombia.

Quả cầu đánh dấu đường xích đạo ở tỉnh Imbabura [Ecuador].

Thủ tục chuyển máy bay ở đây thật nhiêu khê, đặc biệt là công tác kiểm tra an ninh. Dù là khách Transis, nhưng chúng tôi vẫn phải  qua hai lần kiểm tra. Lần thứ nhất phải đưa tất cả hành lý xách tay qua cổng từ và lần thứ hai, trước khi vào phòng chờ lại bị kiểm tra lần nữa. Lần này, các nhân viên an ninh yêu cầu mọi người phải mở hành lý ra và kiểm tra kỹ từ máy tính, máy ảnh đến quần áo.

Nhưng thế chưa hết, nhân viên an ninh còn dùng cả chó nghiệp vụ để dò tìm ma túy trong hành lý. Cũng phải thôi, Colombia là đất nước mà nạn buôn bán ma túy đã hoành hành hàng chục năm rồi.

Nếu như ở Venezuela đầy sôi động, nhộm nhoạm thì Quito lại êm ả, bình yên và thơ mộng đến lạ thường. Thủ đô Quito nằm trên độ cao hơn 3.000m, cho nên vào tháng 8 mà nhiệt độ ban đêm xuống tới 100, còn ban ngày cũng chỉ hơn 200. Người cao huyết áp hoặc có tiền sử về các bệnh phổi, tim mạch sẽ cảm thấy đau đầu, mệt mỏi, khó thở khi lần đầu đến Quito.

Sáng chủ nhật, thành phố vắng lặng như Hà Nội vào ngày mùng Một tết, nhưng thi thoảng lại thấy có những tốp cảnh sát, quân đội, mang vũ khí đi tuần. Mà ở đây lạ thật, công sở nào, khách sạn nào, siêu thị nào cũng thấy  nhân viên bảo vệ mang vũ khí, mặc dù thủ đô Quito nổi tiếng là bình yên.

Cũng trong những ngày này, vùng đất Nam Mỹ đang có những biến động chính trị lớn.

Tổng thống Bolivia cáo buộc Mỹ xúi giục các phe phái đối lập gây bạo loạn ở quốc gia này và thẳng tay đuổi đại sứ Mỹ về nước. Venezuela cũng ủng hộ Bolivia và cũng đuổi đại sứ Mỹ về; còn Honduras thì phản ứng bằng cách không nhận quốc thư của tân đại sứ Mỹ... Chưa hết, Nga đưa hai máy bay ném bom chiến lược tới Venezuela để cùng quân đội tập trận. Như vậy là khu vực vốn được gọi là “sân sau” của Mỹ chưa bao giờ mất an toàn như lúc này.

Trong lúc một số quốc gia ở Nam Mỹ “nổi giận” với sự “thọc gậy bánh xe” của Mỹ thì có một quốc gia vẫn đang im lặng, mặc dù nước này  có mối thù cũng truyền kiếp với Mỹ - đó là Ecuador.

Cũng lại phải nói  một chút về đất nước này để bạn đọc hiểu thêm sự phức tạp chính trị và đặc biệt là vai trò của Mỹ.

Ecuador - tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là Xích đạo.  Sở dĩ gọi như vậy bởi vì quốc gia này có đường xích đạo vắt ngang qua đây chính là điểm thu hút khách du lịch mạnh nhất. Ecuador còn nằm ở đầu nguồn sông Amazon và có diện tích bằng hơn 2/3 Việt Nam ta, nhưng dân số chỉ chưa đến 13 triệu người. Tài nguyên thiên nhiên rất phong phú. Dầu mỏ là thứ quan trọng nhất trong ngành công nghiệp và nước này từng đứng thứ hai ở khu vực Nam Mỹ về xuất khẩu dầu, còn nông nghiệp thì Ecuador là nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu chuối [chuối của Ecuador  quả to, đẹp, nhưng không có hương thơm, ăn không ngọt bằng chuối tiêu của ta].

Dầu mỏ đã mang lại một nguồn ngoại tệ đáng kể cho Ecuador, nhưng đáng tiếc là phần lớn đã chảy vào túi các nhà tài phiệt. Các công ty dầu mỏ xâu xé đất nước này suốt từ năm 1960 cho đến khi  ông  Jaime Roldos lên làm tổng thống. Để khai thác dầu, các công ty dầu lửa đã tàn phá các cánh rừng nguyên sinh, các vùng đất màu mỡ của Ecuador không hề thương tiếc.

Đi từ thủ đô Quito đến tỉnh Immabura, bạn sẽ thấy những khu vực rộng lớn chỉ còn cây dại và xương rồng, những triền núi trắng phếch... đó là hậu quả để lại của các mỏ dầu. Chưa hết, các công ty dầu lửa [mà chủ yếu là từ Mỹ] còn đẩy một số tộc người bản xứ đến ngưỡng cửa diệt vong.

Vào năm 1972, đường ống dẫn dầu từ khu vực các mỏ dầu trên khu vực núi Andes hoàn thành. Dầu mỏ được rót thẳng ra một số cảng phía đông bờ biển nước này khiến Ecuador “bốc” lên nhanh chóng. Nhưng cũng vào thời điểm này, chính quyền Ecuador bị các sát thủ kinh tế [Economic Hit Man - EHM] thao túng.

Hai tổ chức phi chính phủ là Viện Ngôn ngữ mùa hè và Đoàn quân Hòa bình đã làm mưa làm gió ở Ecuador. Chúng ăn tiền của các công ty dầu lửa để tiến hành mua chuộc thủ lĩnh của các bộ tộc rồi mua đất với giá rẻ mạt nhằm phục vụ cho mở rộng diện tích thăm dò dầu lửa. Chúng tiến hành hàng loạt các vụ hối lộ cho quan chức Ecuador dưới nhiều  hình thức khác nhau như nâng lương, biếu quà, đưa con cái các quan chức đi học ở Mỹ...  Và bên cạnh đó là các vụ ám sát, tống tiền, dọa dẫm đối với những người chúng không thể mua được. Chúng vẽ ra vô vàn dự án để phục vụ cho tầng lớp người giàu... 

Trong tác phẩm “Lời thú tội của một sát thủ kinh tế”, John Perkins, một tay EHM lừng danh, từng làm điêu đứng Indonesia, Iran, Arập Xêút, Panama và Ecuador đã thú nhận: “...Hệ thống này [cách làm này]  đã thành công rực rỡ. Theo thời gian Ecuador càng rơi sâu vào cái bẫy. Chúng tôi đã có được đất nước này. Cũng giống như một tay bố già mafia có trong tay con người tội nghiệp mà đám cưới của con gái ông ta và công việc làm ăn nhỏ lẻ của ông ta do chính hắn tài trợ... Chỉ trong vòng ba thập niên, tỉ lệ nghèo đói chính thức ở quốc gia này tăng từ 50 lên 70%, thất nghiệp tăng từ 15 lên 70%; nợ công từ 240 triệu [năm 1968] tăng lên 16 tỉ USD [vào năm 1998]; tỉ lệ nguồn lực quốc gia dành cho những người nghèo giảm từ 20 xuống 6%. Và ngày nay, Ecuador phải dành gần 50% ngân sách quốc gia để trả nợ...”.

Vào năm 1979, đất nước Ecuador như được hồi sinh khi Roldos được bầu làm tổng thống theo thể thức dân chủ. Ông là người Nam Mỹ đầu tiên chống lại chính sách toàn cầu hóa do Mỹ áp đặt lên khu vực Nam Mỹ. Ông áp dụng một loạt các chính sách mới nhằm kiểm soát nguồn lợi nhuận khổng lồ của các công ty dầu lửa và hy vọng sẽ làm thay đổi được cuộc sống nghèo đói của 2/3 số dân Ecuador... 

Đầu năm 1981, ông đệ trình Quốc hội dự luật về “khí thải hydrocacbon” mà những nội dung cơ bản của dự luật này là nhằm thu về cho đất nước nhiều tiền hơn từ dầu lửa. Tất nhiên, dự luật này cũng sẽ làm vơi túi những ông chủ của các tập đoàn dầu lửa đa quốc gia. Các công ty dầu lửa phản ứng dữ dội bởi họ biết là nếu đạo luật này được thông qua thì hàng loạt các quốc gia khác sẽ noi gương mà làm theo. Họ đã chi tiền cho các nhân viên của Viện Ngôn ngữ mùa hè để bọn này đi khắp nơi vẽ ra hình ảnh Tổng thống Roldos như một tên độc tài, đồng thời xúi giục tầng lớp trung, thượng lưu  nổi loạn.

Tổng thống Roldos đã công khai vạch mặt Viện Ngôn ngữ mùa hè và tống cổ các nhân viên này ra khỏi Ecuador. Ông cũng mạnh mẽ tuyên bố là sẽ quốc hữu hóa ngành công nghiệp dầu mỏ, nếu như các công ty không chịu “nới hầu bao”. Nhưng hình như ông không biết rằng, đứng đằng sau các tổ chức phi chính phủ như Viện Ngôn ngữ mùa hè là CIA và tất nhiên, Mỹ không thể nào để cho một tổng thống lại đụng chạm đến quyền lợi của các công ty dầu mỏ...

Ngày 24/5/1981, chiếc máy bay trực thăng chở ông đã bị nổ tung. Báo chí khắp thế giới đưa tin “Một vụ mưu sát của CIA”... Nhưng báo chí Mỹ thì im thin thít.

Các đời tổng thống kế nhiệm sau này tuy không có được sự kiên quyết, mạnh mẽ như ông Roldos nhưng họ cũng đã làm thay đổi được phần nào nền kinh tế của Ecuador.

Tổng giám đốc Công ty dầu khí Ecuador giới thiệu với đồng chí Đinh La Thăng, Chủ tịch HĐQT Petro Việt Nam những nơi thăm dò dầu khí.

Trong những năm gần đây, Ecuador đã mở rộng hợp tác kinh tế với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Lần này, đoàn của Bộ Công thương Việt Nam do Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng dẫn đầu đã ký kết được nhiều thỏa thuận quan trọng, đặc biệt những thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực dầu khí. Với uy tín của mình, Petro Việt Nam đã được Công ty Dầu khí Ecuador chọn làm đối tác chiến lược và chắc chắn sẽ có những dự án lớn trong thời gian tới.

Đến Ecuador, không thể không tới  thăm khu du lịch nổi tiếng là ngọn núi lửa Imbabura thuộc tỉnh cùng tên. Đứng từ một quả núi ven xa lộ liên Mỹ nhìn sang, núi lửa Imbabura cao sừng sững và đỉnh núi ngập trong mây mù. Dưới chân núi là một hồ lớn nước xanh ngăn ngắt, dài hơn 2km và chỗ rộng nhất là gần 500m.

Trên mặt hồ, tịnh không có một con thuyền du lịch nào, không có một nhà hàng hay một khách sạn nào “tỏa bóng” xuống mặt hồ. Du khách đến đây chỉ được đi bộ trên những con đường mòn chạy len lỏi qua những hàng cây ven bờ hồ. Còn sau khi đi bộ mỏi chân, du khách sẽ đi về nghỉ ngơi ở  những khách sạn cách đó cả chục cây số. Chính vì vậy mà toàn bộ khu vực núi lửa và hồ vẫn giữ nguyên được như “cái thuở ban đầu... hoang sơ ấy”.

Để thu hút du khách, khi xe chúng tôi còn cách khu làng của người Inca 30 cây số, đã có hai cô gái Inca thấp, đậm, béo chút chít trong trang phục truyền  thống lên xe và họ hát những bài dân ca. Hai cô  gái hát rất say sưa và sau khi dứt tiếng hát thì các cô bắt đầu giới thiệu một số thứ hàng dệt may thủ công. Thật là khó cưỡng lại lời chào của các cô, hơn nữa, giá cả của những loại này cũng không cao cho nên ai cũng có thể mua vài thứ lặt vặt. Nhưng khi đến khu chợ bán hàng thủ công của người Inca, chúng tôi mới biết là đã mua hớ bởi giá đắt đến gấp rưỡi. 

Ở Ecuador có một loại hàng thủ công được bán với giá khá rẻ, thậm chí rẻ đến bất ngờ, đó là  đồ da - do người Inca ở khu vực quanh núi lửa làm ra. Các loại hàng như túi xách, vali, ví, thắt lưng, khăn quàng... làm bằng da có giá rẻ đến lạ lùng, nếu so sánh thì chỉ bằng một nửa so với Hà Nội.

Đến khu núi lửa Imbabura mà không được thưởng thức món... thịt chuột rán thì quả là coi như... chưa đến.

Chuột đã được chế biến ở quán El Chozón [Ecuador].

Chuột được dùng làm thực phẩm ở đây không phải là loại chuột xám như chuột đồng, chuột cống của ta mà là loại chuột mà trước đây không ít người từng nuôi làm cảnh.  Đó là loại chuột lang màu nâu hoặc nâu vá trắng và có tên là Cuys. Người dân từ các vùng nông thôn  nuôi chuột rồi đem bán cho nhà hàng với giá trung bình là 6USD một con. Nhưng vào dịp cuối năm hay đầu năm mới  người Ecuador lại rất thích ăn thịt chuột thì giá chuột lúc đó có khi tăng gấp đôi.

Người ta làm thịt chuột cũng đơn giản là cắt tiết rồi dùng nước sôi làm sạch lông. Sau khi mổ lấy hết ruột gan, con chuột lang được đem ngâm vào một loại nước gia vị trong vòng một giờ rồi vớt ra để ráo nước... Rồi người ta cho vào một chảo dầu và đun trong khoảng 15 phút, thời gian đủ cho chín thịt, sau đó lại vớt ra.

Khi con chuột đã nguội, họ lại cho vào một chảo khác, nhưng có ít dầu hơn và người ta dùng chiếc chày gỗ ép con chuột xuống đáy chảo, cho đến khi con chuột ngả màu vàng nhạt còn xương thì cũng bị ròn... Khi vớt ra, con chuột nom hệt như một chú lợn con và được bày lên đĩa. Thịt chuột rán ăn kèm với rau và khoai tây rán cả vỏ. Mỗi xuất ăn là một chú chuột và có giá 10USD. 

Có nhiều điều để nói, để viết về Ecuador, nhưng ấn tượng nhất với tôi chính là trật tự giao thông ở quốc gia này. Dọc đường đi dài hàng trăm cây số, tuyệt nhiên không nhìn thấy bất cứ một chiếc ôtô nào chạy lấn đường và ngay cả những khi tắc đường, đoàn xe đỗ dài hàng cây số, nhưng không có một chiếc nào dám chạm bánh vào đường phân luồng. Ngay đoàn chúng tôi đi có xe cảnh sát dẫn, nhưng cũng không thể lấn sang đường của luồng xe đi ngược chiều. 

Hệ thống đường cao tốc ở Ecuador khá tốt và rất ít trạm thu phí, khoảng hơn 200km mới có một trạm. Mỗi trạm phục vụ cho 6  làn xe cho hai hướng đi, nhưng lại không cố định. Nếu hướng nào có đông xe, người ta chỉ cần nhấc những cọc tiêu bằng nhựa và điều chỉnh chút ít, thế là  đang từ ba luồng thành bốn  luồng...

Từ các đường nhỏ khi đi ra đường chính đều có con lươn giảm tốc. Xe chạy trên đường chính không phải giảm tốc độ khi qua các ngã ba... Nhưng xe từ đường nhỏ đi ra, buộc phải giảm tốc độ đến tối đa [thậm chí phải bò từng mét]... cho nên không thể nào gây tai nạn  cho xe đang chạy trên đường chính được.

Cách làm này khác hẳn với Việt Nam ta. Ngành giao thông của ta chẳng hiểu đi học ai, hay tự các chuyên gia giao thông nghĩ ra mà họ lại có  “sáng kiến vĩ đại” là làm gờ giảm tốc trên đường chính, [nhiều tuyến đường  làm vô tội vạ, vài trăm  mét lại bị nhảy tâng tâng trên các gờ giảm tốc] còn từ các đường ngang, ngõ tắt thì cứ việc vô tư phóng ra...

 Không hiểu các quan chức ngành giao thông Việt Nam đi ra nước ngoài cũng lắm nhưng có biết học cái hay của người ta hay không?

N.N.P.

Video liên quan

Chủ Đề