Viện Nghiên Cứu Ứng dụng phong thủy

Ra mắt Viện Nghiên cứu ứng dụng kiến trúc phong thủy

Phạm Quý

08:00 14/03/2017

Ngày 13/3 tại Hà Nội, đã diễn ra buổi Lễ ra mắt Viện Nghiên cứu ứng dụng kiến trúc phong thủy (trực thuộc Hội Nghiên cứu Khoa học về Đông Nam Á Việt Nam) với sự góp mặt của nhiều nhà khoa học đầu ngành trong cả nước.

Lễ ra mắt của Lãnh đạo Viện Nghiên cứu Ứng dụng Kiến trúc Phong thủy khóa đầu tiên.

Viện Nghiên cứu ứng dụng kiến trúc phong thủy (tên viết tắt bằng tiếng Anh là AFSA), tiền thân là Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Kiến trúc phong thủy, được thành lập theo Quyết định số 01-2017/QĐ-TWH ngày 3/1/2017 của Chủ tịch TƯ Hội Nghiên cứu khoa học về Đông Nam Á Việt Nam.

Viện có chức năng nghiên cứu các trường phái, quan điểm về kiến trúc xây dựng và việc xây dựng các trường phái trong lĩnh vực kiến trúc phong thủy.

Bên cạnh đó, Viện còn có nhiệm vụ nghiên cứu mối quan hệ đặc biệt giữa kiến trúc và xây dựng đối với môi trường sinh thái - đặc biệt trong thiết kế cảnh quan; bồi dưỡng chuyên môn trong các lĩnh vực nghiên cứu cũng như các kiến thức cơ bản của văn hóa cổ Phương Đông liên quan đến lĩnh vực kiến trúc phong thủy; xuất bản ấn phẩm các công trình nghiên cứu, các tác phẩm khoa học về lĩnh vực kiến trúc phong thủy, văn hóa Phương Đông...

Trong tương lại gần, Viện sẽ ra mắt tạp chí nhằm phổ biến thông tin hoạt động, phổ biến kiến thức khoa học về văn hóa phương Đông và Kiến trúc Phong thủy nhằm đẩy lùi tệ nạn mê tín đị đoan.

Với sự đóng góp cùng với vốn kiến thức sâu rộng của các nhà khoa học, tạp chí hi vọng sẽ nhận được nhiều sự quan tâm đóng góp của các nhà nghiên cứu văn hóa phương Đông và bạn đọc trên toàn quốc.

Kết thúc buổi lễ, BTC đã tiến hành công bố bộ máy lãnh đạo của Viện. Qua đó, ông Hoàng Thăng Long sẽ giữ chức Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng kiến trúc phong thủy khóa đầu tiên.

Chủ đề: Ứng dụng khoa học ra mắt kiến trúc phong thủy Viện Nghiên cứu

ĐẠI CƯƠNG VỀ PHONG THỦY

Theo từ điển Hán Việt thì Phong là gió và Thủy là nước, đó là một điều rất dễ hiểu. Nếu chỉ hiểu Phong Thủy như vậy thì quá đơn giản, nhưng để đưa ra một định nghĩa đầy đủ về Phong Thủy thì lại không dễ một chút nào.

Có thể nói có bao nhiêu trường phái Phong Thủy, thậm chí có bao nhiêu Nhà Phong Thủy thì có bấy nhiêu định nghĩa khác nhau. Tuy nhiên định nghĩa về Phong Thủy được nhiều người chấp nhận nhất có thể tóm lược như sau: “Phong Thủy là khoa học chuyên nghiên cứu về môi trường sinh thái và ảnh hưởng của nó tới đời sống con người”. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng định nghĩa trên đúng như chưa đủ, vì vậy trước khi bàn về Phong Thủy và ứng dụng nó trong Kiến trúc và Xây dựng, rất cần phải đưa ra một định nghĩa mới có thể làm rõ được bản chất của Phong Thủy, để từ đó đưa ra các định hướng nghiên cứu và ứng dụng đúng đắn và phù hợp với hoàn cảnh và các điều kiện của Việt Nam. 

Khái niệm mới về Phong Thủy có thể diễn tả như sau:

“Phong Thủy là một môn Khoa học Tổng hợp, nó tích hợp rất nhiều kiến thức của các môn khoa học như: Kinh dịch, địa lí, vũ trụ, toán học, vật lí, hóa học, lịch sử, sinh học, tin học... để nghiên cứu về môi trường sinh thái và môi trường tâm linh phục vụ cho đời sống của con người trên trái đất này’’. 

Bản chất của định nghĩa trên không có gì mới. Sở dĩ chúng tôi gọi là mới vì một thời gian khá dài, do những hạn chế nhất định về thế giới quan khoa học mà chúng ta né tránh vấn đề tâm linh, coi nó như là một cái gì đó phản khoa học, nhiều khi bị chụp mũ là duy tâm, nên mọi người đều tránh nói đến nó.

Ngày nay trong công cuộc đổi mới Đảng và Nhà nước đã có những chính sách cởi mở hơn, điều đó nó cho phép các nhà khoa học được tự do nghiên cứu, kể cả các lĩnh vực mà ngày trước bị cấm.

Nếu chúng ta thống nhất một định nghĩa mới về Phong Thủy như vậy, thì cũng cần một phương pháp nghiên cứu mới cho phù hợp.  Chúng tôi mạnh dạn đưa ra một phương pháp mới tạm gọi là “Phương pháp Vật - Tâm biện chứng”. Phương pháp này là sự kết hợp giữa duy vật, duy tâm với phép biện chứng khoa học. Bởi vì tiên đề vật chất có trước hay tinh thần có trước đến giờ phút này vẫn chưa chứng minh được, nó vẫn tồn tại độc lập với chúng ta. Vậy nếu chúng ta công nhận nó như công nhận một điểm ở ngoài đường thẳng có thể vẽ được vô số đường vuông góc thay vì một đường vuông góc duy nhất và chúng ta đã có một môn hình học mang tên nhà toán học vĩ đại người Nga Nikolai Lobasepxki (còn gọi là Hình học phi Euclid), mở ra một không gian nhiều chiều trong vũ trụ.

 Có thể lấy một ví dụ trong thời đại kĩ thuật số để minh họa cho quan điểm trên. Khi thiết kế ra Computer và phần mềm thì loài người luôn nghiên cứu, cải tiến để phần cứng là chiếc máy tính ngày càng hiện đại, có dung lượng lớn, tốc độ cao, nhưng không chú trọng phát triển phần mềm là phần không nhìn thấy thì việc sử dụng cũng chẳng có mấy ý nghĩa. Điều ấy tương đương với việc thiết kế Kiến trúc - Xây dựng, tức là mới thiết kế được phần cứng, điều mà ai cũng có thể nhìn thấy được. Nhưng còn phần mềm, đó là cách ứng xử của con người  với con người, như vợ và chồng, con cái với cha mẹ, con người với môi trường thiên nhiên, như vấn đề xử lí rác thải, sử dụng các nguồn năng lượng...  là cuộc sống tâm linh trong cái vỏ Kiến trúc đó như thế nào, là một vấn đề rất lớn cần nghiên cứu và ứng dụng.  Có câu: “Tâm không tốt thì Phong Thủy cũng vô dụng”. Vì vậy cần phải xây dựng một “Văn hóa Phong Thủy’’ cho người Việt Nam, hi vọng chúng ta sẽ có một “Khoa học Phong Thủy Việt Nam” vừa hiện đại vừa đậm đà bản sắc dân tộc.  

Nếu tạm thời thống nhất được định nghĩa và phương pháp nghiên cứu mới về Phong Thủy, thì cần thống nhất một số thuật ngữ nữa về mặt khoa học. Như đã trình bày ở trên, Phong Thủy là một môn Khoa học Tổng hợp thì “Khoa học Phong Thủy’’ nặng về mặt lí thuyết, để nghiên cứu nó chúng ta phải kết hợp nhiều phương pháp, phải xây dựng được một hệ thống các khái niệm, các nguyên lí, sử dụng các phương pháp toán học như: Xác suất - Thống kê, lí thuyết tập mờ, xây dựng các mô hình toán, viết các phương trình toán - lí. Áp dụng các phương pháp vật lí, hóa học, sinh học, thiên văn, vũ trụ, kể cả ứng dụng tin học, những thành tựu của khoa học và công nghệ trong thời kì cách mạng công nghiệp 4.0. 

 Tuy nhiên, các nguyên lí cơ bản của phong thủy đã tồn tại hàng nghìn năm và được thực tế chứng minh là đúng, thì chúng ta nên giữ như một dạng Tiên đề toán học, làm nền tảng cho các nghiên cứu sau này, tạm gọi là Phong Thủy truyền thống:

1. Nguyên lý cân bằng Âm - Dương.

2. Nguyên lý  tương sinh tương khắc của ngũ hành: Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ.

3. Nguyên lý  tam tài Thiên - Địa - Nhân (Trời - Đất - Người ).

Nếu chúng ta thay đổi các nguyên lý cơ bản đó thì chúng ta đã chuyển sang một hệ quy chiếu khác, một phong thủy khác, không còn là Phong Thủy truyền thống nữa. 

Để nhiên cứu lý thuyết thì chúng ta có nhiều cách nhưng cơ bản  có mấy phương pháp sau:

1. Nghiên cứu thuần túy lý thuyết, đó là vận dụng các nguyên lý của Phong Thủy kết hợp với các phương pháp logic và các  khoa học cơ bản với  các điều kiện biên... để giải quyết một bài toán nào đấy phát sinh trong cuộc sống.

2. Nghiên cứu thực nghiệm trong phòng thí nghiệm, mô phỏng trên máy tính hoặc trong thực tế, để tìm ra kết quả mong muốn.

3. Nghiên cứu tổng kết, kết hợp giữa lý thuyết và khảo sát thực tế để đưa ra các kết luận...   

Còn “Thuật Phong Thủy” là việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu về Phong Thủy vào cuộc sống. Vì thế thuật phong thủy mang nhiều ý nghĩa thực hành.

 Ví dụ có thể dùng gương bát quái để chống lại các dòng khí xấu, hoặc trồng cây xanh để hóa giải những vị trí đất ít sinh khí… Ngày nay Kỹ thuật phong thủy đã tiến bộ rất nhanh và trong một phạm vi rộng nó sẽ phát triển thành “Công nghệ phong thủy’’ để đáp ứng được sự phát triển như vũ bão của ngành Kiến trúc - Xây dựng. 

ỨNG DỤNG PHONG THỦY TRONG KIẾN TRÚC - XÂY DỰNG 

Phần lớn các nghiên cứu và ứng dụng Phong Thủy là trong lĩnh vực Kiến trúc - Xây dựng. Như đã nói ở trên, mục tiêu của Phong Thủy là nghiên cứu môi trường sinh thái để phục vụ cho cuộc sống của con người.  Vì vậy ngôi nhà để ở là mối quan tâm hàng đầu của mọi người dân.  Việc thiết kế công năng trong ngôi nhà phụ thuộc rất nhiều vào vị trí và diện tích khuôn viên đất, với quan điểm nhất vị - nhị hướng, các kiến trúc sư rất khó bố trí hướng cổng và cửa cho ngôi nhà, vừa phải đảm bảo công năng kiến trúc vừa phù hợp phong thủy với chủ nhà. Rồi việc bố trí các phòng với nhiều chức năng khác nhau, như phòng khách, phòng ngủ, phòng bếp và đặc biệt là bàn thờ một yêu cầu không thể thiếu trong ngôi nhà của người Việt Nam, điều này các nguyên lí thiết kế nhà ở của các nước phương Tây không có. Vì vậy xuất hiện “Thuật phong thủy’’ để giải quyết mâu thuẫn giữa các nguyên lí của Phong Thủy với thực trạng của mảnh đất.

Ngày nay, đất nước ta đang phát triển nền kinh tế, các văn phòng làm việc của các công ty, các doanh nghiệp mọc lên rất nhiều ở các đô thị. Từ đó xuất hiện một nhu cầu là “Phong Thủy Văn phòng‘’.

Một số nước ở Đông Nam Á như  Trung Quốc, Singapore, đặc biệt ở Hồng Công (Trung Quốc) và Đài Loan (Trung Quốc) các nhà phong thủy đã tham gia thiết kế phong thủy cho các Văn phòng, các Nhà hàng hay Khách sạn, đã đem lại những kết quả rất tích cực về mặt kinh doanh cho các doanh nghiệp.   

 Mở rộng ra khi xây dựng một đô thị, các yếu tố về môi trường như gió và nước được xem xét đầu tiên, kế đó là vấn đề giao thông rồi yếu tố về quân sự. Có thể thấy hầu hết Thủ đô của các nước trên thế giới đều nằm bên một dòng sông. Nguyên lí Tả Thanh long, hữu Bạch hổ, bên trái có sông bên phải có núi là kết quả của việc xây dựng này.    

Thuật phong thủy là sự kết hợp giữa kỹ thuật và nghệ thuật với yếu tố tâm linh.  Ở đây có sự kết hợp giữa Kiến trúc sư và Nhà phong thủy.

 Cần nói thêm là Nhà phong thủy có nhiều dạng. Nếu xét về góc độ học vấn thì có thể gọi nhóm này thuộc dạng “Nhà phong thủy học”. Tức các nhà khoa học có học vấn cao: Kỹ sư, Thạc sĩ, Tiến sĩ, Giáo sư... nghiên cứu về lí thuyết phong thủy. Nhóm thứ hai tạm gọi là “Thầy phong thủy”, dạng này bao gồm một số người tuy trình độ học vấn không cao, nhưng lại có những khả năng đặc biệt, ví dụ có thể nhìn thấy mạch nước ngầm, hoặc nhìn thấy long mạch... và nhóm thứ ba là nhóm đặc biệt, tạm gọi là các “Dị nhân”, họ vừa có trình độ cao vừa có khả năng đặc biệt, như Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, hay thầy Tả Ao...

    Thông thường các Nhà phong thủy không am hiểu nhiều về kiến trúc nên thường tư vấn cho chủ nhà dưới góc nhìn của phong thủy, và nhiều khi nảy sinh những bất cập, nếu đạt về nguyên lý kiến trúc thì lại không đạt yêu cầu về phong thủy, hoặc ngược lại. Điều ấy dẫn đến mâu thuẫn làm khó cho người thiết kế kiến trúc và ảnh hưởng tới tâm lý của gia chủ. 

  Từ thực tế đó đặt vấn đề cần phải dạy các kiến thức về Phong Thủy cho các KTS trong trường Đại học, để khi thiết kế các KTS biết kết hợp các nguyên lí của thiết kế kiến trúc với các nguyên lý của phong thủy. Thực ra có một số môn học rất gần với phong thủy đã được nghiên cứu và giảng dạy nhiều năm của hầu hết các trường đại học đào tạo về kiến trúc và xây dựng, đó là môn “Vật lý Kiến trúc”, “Thiết kế nội ngoại thất cho công trình và nhà ở”... 

Trường Đại học Xây dựng Hà Nội lần đầu tiên từ năm 2008 đã được phép dạy môn “Phong Thủy đại cương” cho  các lớp đào tạo ngắn hạn chuyên ngành “Kinh doanh Bất động sản”. Hiện đang đề xuất cho phép dạy sinh viên ngành Kiến trúc - Quy hoạch môn Phong Thủy, như một môn học bắt buộc trong chương trình đào tạo.

 Hiện tại Trường Đại học Duy Tân, Đà Nẵng đã giảng dạy môn Phong Thủy trong chương trình đào tạo Kiến trúc sư, đó là một dấu hiệu đáng mừng. 

Chúng tôi cho rằng việc học Phong Thủy là cần thiết cho mọi người có quan tâm đến môi trường sống của mình. Vì vậy Viện Nghiên cứu Kiến trúc Phong Thủy, ngoài việc nghiên cứu phong thủy và ứng dụng phong thủy trong việc tham gia thiết kế hoặc đánh giá tác động đến môi trường cho các dự án đầu tư xây dựng các khu công nghiệp, các khu nhà ở tái định cư hoặc các khu đô thị mới, đặc biệt các dự án về cầu và đường, các dự án thủy điện… thì nên mở các lớp ngắn hạn để giảng dạy những kiến thức cơ bản về phong thủy cho mọi người. Đáp ứng được nhu cầu cần thiết và chính đáng của xã hội.