Truyền thống trong chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta là gì

QPTD -Thứ Ba, 06/09/2011, 22:20 [GMT+7]

Kế thừa và phát triển những giá trị truyền thống chống ngoại xâm trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc hiện nay

Trong quá trình dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam thường xuyên phải đối phó với nhiều kẻ thù xâm lược có tiềm lực quân sự mạnh. Nhưng bằng tài thao lược của bộ thống soái; phát huy cao độ lòng dũng cảm, trí thông minh, sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, chúng ta đã chiến thắng các thế lực xâm lược hung bạo, bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Quá trình chống ngoại xâm của dân tộc đã hun đúc, xây đắp nên nhiều giá trị truyền thống quý báu, trở thành sức mạnh tiềm tàng của dân tộc. Có thể khái quát một số vấn đề nổi bật trong truyền thống đó: Một là, để đánh thắng các thế lực xâm lược, dù trong thời bình, chúng ta vẫn luôn chú trọng "dựng nước phải đi đôi với giữ nước"; hết sức chăm lo “quốc phú, binh cường”, tạo được cái thế “yên ngoài, ổn trong”, nhằm ngăn ngừa chiến tranh để xây dựng đất nước. Hai là, trong thời chiến phải "tận dân vi binh", "cử quốc nghênh địch". Để chiến thắng kẻ địch đông và mạnh, không chỉ riêng quân đội đánh giặc, mà toàn dân phải tham gia bằng mọi phương thức; không chỉ đánh giặc trên lĩnh vực quân sự mà trên tất cả các mặt trận: kinh tế, chính trị, ngoại giao…; không chỉ thắng chúng riêng bằng con người, mà phải bằng cả hình sông, thế núi; bằng tất cả sức mạnh của đất nước, của dân tộc. Ba là, phải xây dựng được thế trận phòng thủ đất nước và thế trận đánh giặc, trước hết là dựa vào lòng dân. Tư tưởng "chúng chí thành thành", "sức dân mạnh như nước", "nới sức dân làm kế sâu rễ, bền gốc",… phải được quán triệt, vận dụng sáng tạo trong mọi điều kiện, hoàn cảnh của đất nước. Bốn là, phải xây dựng được lực lượng vũ trang [LLVT] có quân số và cơ cấu phù hợp, quân đội tinh, không cần đông: "quí hồ tinh, bất quí hồ đa"…

Bài học từ truyền thống lịch sử chống giặc ngoại xâm được thể hiện xuyên suốt qua các thời kỳ lịch sử: thời Lý, đó là chính sách "ngụ binh ư nông"; thời Trần, là tư tưởng “chúng chí thành thành”, xây dựng thế trận phòng thủ đất nước và thế trận đánh giặc, trước hết là dựa vào lòng dân, được Trần Hưng Đạo lựa chọn, thực hiện rất hiệu quả. Với quan điểm “sức dân mạnh như nước”, "chở thuyền và lật thuyền cũng là dân", Nguyễn Trãi đã dâng kế sách giúp Lê Lợi lãnh đạo nghĩa quân Lam Sơn quét sạch giặc Minh ra khỏi bờ cõi nước ta. Trong lịch sử nước ta, hai triều đại Trần, Hồ kế tiếp nhau đã nêu hai bài học về dựa vào dân hay dựa vào thành trì, quân quan để giữ nước. Hồ Quý Ly tuy vẫn biết "lòng dân là một sức mạnh cực lớn", nhưng do chính sách chứa đựng nhiều yếu tố xa dân, nên khi đất nước bị xâm lược, dù có hệ thống thành trì vững chắc, quân sĩ đông, nhưng rốt cuộc phải cam chịu thất bại…

Những giá trị truyền thống trên đây được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa, phát triển lên một bước mới hết sức phong phú, độc đáo; nhờ đó, chúng ta đã làm nên những chiến công hiển hách "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu": Cách mạng Tháng Tám thành công; kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ thắng lợi, thống nhất Tổ quốc.

Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay đang đứng trước những thời cơ và thách thức mới. Công cuộc bảo vệ Tổ quốc đang đặt ra những yêu cầu mới trong việc kế thừa và phát triển những giá trị truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc; đặc biệt là những kinh nghiệm lịch sử quý báu về xây dựng và vận hành thế trận chiến tranh nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Việc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân [QPTD] vững chắc luôn là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và là một trong những nội dung cơ bản của đường lối quân sự-quốc phòng của Đảng và Nhà nước. Tư tưởng của cha ông ta trước đây, cũng như đường lối của Đảng ta hiện nay đều có quan điểm chung, đó là: "Nước lấy dân làm gốc. Trong công cuộc kháng chiến kiến quốc, lực lượng chính là ở dân… Gốc có vững cây mới bền. Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân"1.

Trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, yêu cầu đặt ra đối với cấp uỷ, chính quyền các cấp là phải luôn coi trọng và lấy xây dựng “thế trận lòng dân” làm cơ sở để phát huy sức mạnh của nền QPTD. Thời bình, khi xây dựng thế trận QPTD phải xác định rõ: thế trận mà chúng ta xây dựng không phải chỉ để "chờ" đối phó với chiến tranh; mà thế trận đó được xây dựng phù hợp với mục tiêu xây dựng, bảo vệ đất nước đã được xác định và ngày càng được củng cố, phát triển, đủ sức làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn và mọi cuộc tiến công xâm lược của các thế lực thù địch. Khi chiến tranh xảy ra, tất cả các cơ sở, tiền đề đã được chuẩn bị sẵn trong thời bình, sẽ chuyển thành sức mạnh vật chất và phát huy hiệu quả, tạo sức mạnh tổng hợp đánh thắng kẻ thù xâm lược.

Thực tiễn chỉ ra rằng, quần chúng sẵn sàng đưa tài sản và tính mệnh của mình ra bảo vệ chế độ xã hội của họ và đang hoạt động vì họ. Chính vì vậy, để xây dựng được nền quốc phòng vững mạnh, chúng ta cần quán triệt sâu sắc quan điểm cơ bản của Đảng về xây dựng nền QPTD; đó là nền quốc phòng của dân, do dân và vì dân. Quá trình đó phải làm cho toàn quân, toàn dân nhận thức rõ: thế trận quốc phòng bảo vệ Tổ quốc XHCN là thế trận toàn dân, mỗi người dân đều có vai trò quan trọng trong công cuộc bảo vệ đất nước; họ phải được chuẩn bị tốt về tư tưởng, được tổ chức chặt chẽ, được huấn luyện phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Thế trận QPTD còn là thế trận toàn diện, tích hợp được sức mạnh từ tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, như kinh tế, chính trị, khoa học-công nghệ, văn hoá, đối ngoại, quân sự… kết hợp với sức mạnh tổng hợp của cả nước; mỗi lĩnh vực đó trở thành một "binh chủng", liên kết chặt chẽ với nhau hợp thành một khối thống nhất trong thế trận chung của cả nước. Thế trận đó phải là thế trận vững chắc và linh hoạt. Trong xu thế toàn cầu hoá kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế, việc xây dựng thế trận QPTD phải đáp ứng yêu cầu ít tốn kém nhưng hiệu quả cao; ưu tiên phát triển kinh tế-xã hội, nhưng phải hết sức quan tâm đầu tư xây dựng các nhà máy, công trình có tính lưỡng dụng, vừa phục vụ tốt cho kinh tế vừa đảm bảo cho quốc phòng-an ninh. Quan điểm kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng của Đảng cần được quán triệt sâu sắc và vận dụng có hiệu quả hơn trong các chương trình đầu tư phát triển kinh tế, nhất là trong thời kỳ đẩy mạnh hội nhập kinh tế hiện nay.Trong xây dựng thế trận, phải lấy phòng ngừa, ngăn chặn là chính, đồng thời sẵn sàng triển khai sức mạnh tại chỗ để giải quyết khi cần thiết; lấy xây dựng LLVT vững mạnh làm nòng cốt, đồng thời hỗ trợ cho nhân dân đấu tranh chính trị; thường xuyên nắm chắc tình hình, xử lý nhanh gọn, kịp thời, không để các thế lực thù địch trong nước tập hợp lực lượng, móc nối với bên ngoài, mở rộng hoạt động chống đối.

Quá trình xây dựng thế trận QPTD phải gắn bó chặt chẽ với xây dựng thế trận an ninh nhân dân [ANND]. Thế trận QPTD và thế trận ANND không chỉ là thế trận của LLVT mà là thế trận của toàn dân, thế trận kết hợp chặt chẽ giữa lao động sản xuất với sẵn sàng chiến đấu, thế trận bảo đảm "địch đến là đánh được, địch đi là sản xuất". Xây dựng thế trận QPTD gắn với thế trận ANND là xây dựng và củng cố thế trận lòng dân gắn với thế trận và lực lượng của quân sự, an ninh, nhằm giữ vững ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội trên từng địa phương, cơ sở; đẩy nhanh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, phòng, chống "Diễn biến hoà bình", bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch. Xây dựng thế trận ANND không những phải vô hiệu hoá hoạt động của các đối tượng đang ráo riết chống phá, mà còn phải xử lý các vấn đề phức tạp làm phương hại đến an ninh quốc gia trong xu thế toàn cầu hoá kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế. Thế trận ANND cần được bố trí, triển khai toàn diện trên từng địa bàn theo ý đồ chiến lược được xác định, đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ của cuộc đấu tranh trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội; đồng thời gắn chặt với thế trận QPTD, để vừa chống "giặc ngoài", vừa chống "thù trong" đạt hiệu quả. Thế trận ANND cần được phát triển cả bề rộng và chiều sâu, được tổ chức chặt chẽ trong các lực lượng; kết hợp tốt các biện pháp quản lý nhà nước về luật pháp với các biện pháp nghiệp vụ chuyên sâu. Thực hiện tốt phương châm: vừa chủ động phòng ngừa, vừa tích cực tiến công làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và bọn tội phạm.

Vấn đề có ý nghĩa quyết định sự thành bại của công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là phải tập trung xây dựng cơ sở chính trị vững chắc ở tất cả các địa phương, cơ sở. Việc xây dựng cơ sở chính trị thực chất là nhằm mục đích tăng cường sự lãnh đạo của tổ chức đảng, hiệu lực quản lý của chính quyền và phát huy trách nhiệm của hệ thống chính trị, phù hợp với lợi ích của quần chúng. Sự tham gia của LLVT trong xây dựng, củng cố cấp uỷ, chính quyền, các đoàn thể chính trị thông qua các chương trình phối hợp hành động, như: tổ chức các hội nghị định kỳ bàn về công tác quân sự, quốc phòng; phối hợp với các tỉnh bạn để xây dựng cơ sở chính trị; phối hợp hành quân dã ngoại với làm công tác dân vận; nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn của cán bộ các tổ chức, đoàn thể về quốc phòng-an ninh… là một trong những khâu trực tiếp quyết định tới sự vững chắc của nền tảng chính trị ở cơ sở, gắn với phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội trên từng địa bàn. Các LLVT nhân dân, xuất phát từ chức năng chủ yếu của mình, phải góp phần chăm lo củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng-an ninh, thông qua công tác vận động và tổ chức nhân dân tham gia xây dựng khu vực phòng thủ, thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự địa phương, tuyển quân, thực hiện hậu cần nhân dân, làm tốt chính sách hậu phương quân đội... Đặc biệt, thông qua thực hiện tốt công tác xây dựng cơ sở chính trị vững chắc ở các địa phương mà mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với dân, giữa nhân dân với các LLVT được củng cố, tăng cường.

Xây dựng các tổ chức đảng gắn với xây dựng chính quyền các cấp và hệ thống chính trị vững mạnh, chăm lo đời sống nhân dân và nâng cao dân trí là nhân tố cơ bản, quyết định trong xây dựng các LLVT nhân dân vững mạnh, đủ sức hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ, sẵn sàng đánh thắng mọi cuộc chiến tranh xâm lược. Xây dựng tổ chức đảng các cấp thực sự trong sạch, vững mạnh chính là xây dựng hạt nhân lãnh đạo cuộc đấu tranh chống âm mưu "diễn biến hoà bình", bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, cũng như chuẩn bị tiềm lực mọi mặt để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ chính trị; tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước của bộ máy chính quyền các cấp đáp ứng yêu cầu đặt ra. Thực hiện tốt việc đổi mới nâng cao chất lượng hệ thống chính trị, gắn với phát huy quyền dân chủ của nhân dân có ý nghĩa quyết định trong xây dựng nền QPTD. Quan tâm chăm lo đời sống nhân dân và nâng cao dân trí là nhân tố cốt lõi để xây dựng "thế trận lòng dân", làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng một thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc để đánh thắng chiến tranh xâm lược kiểu mới của địch.

Những giá trị truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta đã chứng tỏ sức sống và tính ưu việt của mình qua các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và mọi thế lực thù địch. Trong giai đoạn hiện nay, những giá trị ấy nhất thiết phải được nâng lên một trình độ mới, trên cơ sở Học thuyết quân sự Mác - Lê-nin, tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, kịp thời tổng kết thực tiễn quân sự của đất nước, tiếp thu có chọn lọc khoa học quân sự tiên tiến trên thế giới, vận dụng sáng tạo vào nước ta để xây dựng nền QPTD, xây dựng LLVT nhân dân vững mạnh, sẵn sàng đánh thắng mọi cuộc chiến tranh xâm lược, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Thượng tá, ThS. Nguyễn Văn Hùng

Học viện Phòng không-Không quân

__________

1- Hồ Chí Minh - Toàn tập, Nxb.CTQG, H. 1995, tập 5, tr.409-410.

Video liên quan

Chủ Đề