Theo sách Sáng thế, ai là người đầu tiên trong nho

Sáng thế ký\ Genesis. La Genèse.

Tên sách thứ nhứt nầy trong Cựu Ước bằng tiếng Hy-lạp là Genesis tức "gốc tích" thế gian, từ bản Septante, nhưng người Hê-bơ-rơ gọi bằng hai chữ đặt ở đầu sách là Bereshith, tức "ban đầu." Sáng thế ký là một sách rất quan trọng, như Tấn sĩ Bullinger nói: "Sáng thế ký có hột giống của cả Kinh Thánh, và rất cần thiết để giúp chúng ta hiểu mỗi phần trong Kinh Thánh. Sáng thế ký là nền tảng để gây dựng sự khải thị của Chúa. Chẳng những là nền tảng của mỗi lẽ thật, song cùng nhập vào và dự phần trong những sự soi dẫn sau; thật là sợi ngang và sợi dọc của Kinh Thánh."

I. Chứng cớ là thật.-- A. Mặt trái. Người công kích Sáng thế ký thường dựa vào nguyên lý chung mà nói rằng: (1) Chẳng có dân tộc nào có thể biết ai thật là người sáng lập. Xin đáp: lịch sử Y-sơ-ra-ên là độc nhứt không thể lấy lịch sử dân tộc khác mà so sánh được, vì Y-sơ-ra-ên là tuyển dân của Đức Chúa Trời. (2) Cả cuộc đời Áp-ra-ham được ghi lại, dường như ông luôn bị thử thách và phải chờ đợi mãi, mà trung tâm của sự thử rèn đó là lời Đức Chúa Trới hứa sẽ ban một con trai cho ông làm kẻ kế tự. Theo tâm lý học, một người không thể chịu nổi sự thử thách như vậy. Xin đáp: trong lịch sử tôn giáo Chúa ta thấy nhiều người cũng chịu thử thách dài lâu như vậy như Phao-lô, Luther, v.v.. (3) Có một khoảng lâu giữa những biến động xảy ra và thời được ghi chép trong Sáng thế ký, nên có lẽ chỉ là chuyện hoang đường hoặc ngụ ngôn được coi là thật. Xin đáp: Giữa các dân tộc, trải qua mấy ngàn năm, truyện hoang đường hoặc ngụ ngôn, như về người Hy-lạp và La-mã xưa, cũng không vì đó mà được công nhận là sự thật. Vả lại, các đấng tiên tri nhận biết những lời chép trong Sáng thế ký như về Nước lụt hoặc sự hũy phá hai thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ là có thật (Sáng Thế Ký 19:1- so A-mốt 4:11; Ê-sai 1:9; 3:9; Ô-sê 11:8); về Áp-ra-ham là một vĩ nhân (Ê-sai 29:22; 41:8; 51:1; Mi-chê 7:20; Giê-rê-mi 33:26; Ê-xê-chiên 33:24, v.v.); về Y-sác, (A-mốt 7:9, 16; Giê-rê-mi 33:26); về Gia-cốp (Ô-sê 12:3; A-mốt 9:8; Giê-rê-mi 33:26; A-mốt 5:6, 15). Các tiên tri đó không nghi ngờ gì, song coi những người và biến động đó là thật. (4) Khi Y-sơ-ra-ên vào xứ Ca-na-an, nơi đây có những nơi cao để thờ tà thần, và vì muốn mượn cớ dùng nơi đó để thờ Chân thần thì Y-sơ-ra-ên bày vẽ ra lịch sử để tỏ ra các tổ tiên mình khi xưa đã thờ Ngài trong các nơi cao đó trước, như vậy mình cũng có phép làm theo. Xin đáp: Nếu thật vậy, làm thế nào cắt nghĩa lịch sử về Giô-sép ở xứ Ai-cập? Vả lại, trong Sáng thế ký chưa chép về sự thờ Chúa trong một nơi nào mãi, song chép về Ngài hiện đến cùng các tổ phụ thế nào, và các tổ phụ dựng bàn thờ cho Ngài trong một vài nơi như Bê-tên, Bê-e-Sê-ba, v.v.. Số các nơi lập bàn thờ đó ít ỏi so với các nơi cao thờ tà thần lúc Y-sơ-ra-ên vào xứ Ca-na-an là dường nào! Bởi thế, các lời công kích trên lại càng bày tỏ rõ ràng những truyện chép trong Sáng thế ký không phải là bịa đặt ra bởi người ta bèn là những sự thật đã xảy ra.

B. Mặt phải.-- (1) Ý nghĩa đời sống cá nhân của mỗi tổ phụ chép trong Sáng thế ký liên quan tới sự mở mang lịch sử nước Đức Chúa Trời chép sau trong Kinh Thánh. Những đoạn mô tả cách ăn ở, sinh hoạt của họ, những lời tỏ ra họ chưa định cư mãi mãi một nơi nào, đều làm chứng Sáng thế ký là thật. Các sách tiên tri, cả Tân Ước, và chính Chúa Jêsus cũng tự nhiên coi như thế. (2) Môi-se là người Chúa nhờ lập Luật pháp chắc không cần phải bịa đặt ra những truyện chép trong Sáng thế ký vì điều đó chỉ làm hại danh dự của mình mà thôi. Chính Môi-se xưng nhận rằng công việc mình đang làm là nhờ những lời Chúa đã hứa với các tổ phụ, vì vậy Môi-se có thể được dân sự chú ý và tin cậy (Xuất Ê-díp-tô 2:24; 3:6, 13; 4:5; 6:3-8; 15:2; 32:13; 33:1). (3) Trong Sáng thế ký không có câu nào xen vào có thể nói là thuộc đời sau chép. (4) Những lần chép về Đức Chúa Trời hiện ra và về sự thờ phượng Ngài suốt từ Sáng thế ký đến Xuất Ê-díp-tô ký, tỏ rõ càng về sau có sự mở mang hơn. (5) Ngày nay các nhà khảo cổ đã minh chứng Sáng thế ký đoạn 14 chép mọi điều thuộc về Kết-rô-Lao-me và Mên-chi-xê-đéc, với các tên, chính trị và niên hiệu, đều thuận hiệp với thời đó. Đoạn 42 chép tình hình tôn giáo, và lịch sử Giô-sép tại xứ Ai-cập tỏ ra Môi-se nhờ những sự từng biết của mình mà chép rất đúng. (6 Trong Sáng thế ký không thấy có chép gì phản đối hay trái với những sự biết chắc chắn của các khoa: niên biểu học, sử học, khảo cổ học, vật lý học, địa dư học, hay ngôn ngữ học. Khi các nhà khoa học biết rằng mục đích của sách Sáng thế ký chỉ chép về tôn giáo thì lấy làm lạ. Hai nhà khoa học rất trứ danh Reinke và Von Barr, xác chứng rằng Môi-se chép về cuộc tạo thành vũ trụ trong Sáng thế ký tỏ ra mình là một nhà khoa học thông sáng, trổi hơn hết. Ngày nay địa chất học tìm được rất nhiều chứng cứ tỏ ra truyện Nước lụt chép trong Sáng thế ký là đúng sự thật. (7) Ngôn ngữ học cũng làm chứng Sáng thế ký đoạn 10 chép đúng về Ba-bên và Ni-ni-ve, và người ta từ Ba-bên đến A-sy-ri mà ở. Về chiếc tàu Nô-ê, một người Hòa-lan trong thế kỷ thứ XVII đã đóng một tàu theo kích thước ghi chép trong Sáng Thế Ký 6:15 và thấy là rất thuận. (8) Khi tra xét hai truyện chép về cuộc Sáng tạo và Nước lụt trong Sáng thế ký và chuyện hoang đường của Ba-by-lôn về hai việc đó, thì thấy chuyện chép trong Sáng thế ký bày tỏ luân lý và tâm tính của Chân thần độc nhất; trái lại, những chuyện hoang đường của Ba-by-lôn thì đầy dẫy những sự dị đoan và tà thần, làm mất vẻ đạo đức. Những truyện hoang đường của các dân tộc khác về cuộc Sáng tạo và Nước lụt, cho thấy có khi lấy từ truyện người Do-thái như đã chép trong Sáng thế ký. Thật ra, cứ so Sáng thế ký với các sách thái cổ khác, thì bắt buộc phải công nhận Sáng thế ký là thật và chính Đức Chúa Trời soi dẫn tác giả chép ra.

II. Căn nguyên và tác giả.-- Sáng thế ký đứng đầu Kinh Thánh có liên quan với các sách theo sau, vì có hột giống tiên tri làm nền tảng của mọi lời tiên tri chép suốt cả Kinh Thánh; lời tiên tri đến hết sách Khải Huyền được ứng nghiệm trọn vẹn trong cây sự sống được hoàn lại, nước sự sống, và sự thông công với Đức Chúa Trời trong thế gian mới đã được giải cứu khỏi sự rủa sả. Astruc, một bác sĩ người Bỉ, xuất bản sách 1753 S.C.) nói rằng theo lối dùng các danh Đức Chúa Trời khác nhau trong Sáng thế ký, nhứt là Ê-lô-him và Giê-hô-va, thì dường như vốn có 12 bản viết hoặc ký ức mà Môi-se đã dựa vào đó để chép. Từ năm đó trở đi, nhiều học sĩ đã hết sức tìm hiểu về vấn đề nầy song không được kết quả gì chắc chắn. Những danh Đức Chúa Trời trong Sáng thế ký là El, lối viết tắt Ê-lô-him; Elion "Chí cao" (Sáng chỉ dùng trong 14:18; El Elion cũng dùng trong Thi-thiên với Ê-lô-him và Giê-hô-va). Ê-lô-him chỉ về số nhiều để chỉ sự trổi hơn và oai nghiêm; Ê-lô-him là danh gồm lại trong chính Ngài những thuộc tánh mà người ngoại đạo đặt cho các tà thần riêng. Giê-hô-va là danh chỉ về Đức Chúa Trời Độc nhứt, là Đấng lập giao ước với dân Ngài, nên thường dùng trong các đoạn có liên quan với giao ước đó. Có lẽ Môi-se, nhờ Đức Chúa Trời soi dẫn, có dùng đến những bản viết hoặc ký ức đó, nhứt là những biểu kê về Gia phổ. Song độc giả phải công nhận rằng Sáng thế ký là một sách có mục đích và đại ý liên lạc chặt chẽ, hiệp nhất với nhau suốt cả sách. Cũng phải công nhận lối dùng danh Đức Chúa Trời của tác giả dầu không phải một cách quyết đoán, song vẫn rất thuận hiệp với tài liệu và rất chính xác nữa.

Có nhiều chứng cớ tỏ ra Môi-se chắc chắn là tác giả của sách Sáng thế ký. Khi xét sách Sáng thế ký ta thấy các sự việc xảy ra trong các đời được ghi lại một cách tỉ mỉ rõ ràng, và được lưu truyền từ đời thái cổ. Có học sĩ nói vì có chép đến "Si-lô" trong Sáng Thế Ký 49:10, nên chắc đó là chứng cớ Sáng thế ký chép sau thời lập Đền tạm tại Si-lô. Song bản quốc văn tỏ rõ "Shioh" đó chỉ về Đấng Mê-si, chứ không phải chỉ về việc Đền tạm dời đến Si-lô. Học sĩ đó cũng lấy Sáng Thế Ký 12:6; 13:7; 22:2; 36:31; 13:18; 23:2; 14:14 mà cho rằng: dường như lúc chép Sáng thế ký không có thổ dân Ca-na-an trong xứ đó nữa, v.v, vì những câu đó thật thuộc thời sau đời Môi-se. Nhưng xét rõ thì biết ngay trong đời Áp-ra-ham, dân Ca-na-an còn trong xứ mình, chưa bị đuổi đi. Theo Sáng Thế Ký 10:6, 15; 9:25 thì Áp-ra-ham đến xứ đó thấy người Ca-na-an còn ở. Còn mấy câu khác nữa, song không có gì để tỏ ra sách Sáng thế ký chép sau đời Môi-se. Như đã nói trên, những sự việc được ghi lại trong Sáng thế ký chứng tỏ rằng tác giả nhờ sự từng trải và sự từng biết mà chép ra, điều đó cho thấy chỉ có Môi-se mới có thể chép như vậy. Như giám mục Brown viết: "Rất đáng nghi ngờ, nếu tác giả sách Sáng thế ký là người đồng thời vớISa lại có thể chép lịch sử các tổ phụ giống mình cách trung tín, chơn thật, và đơn sơ, đúng về những tiểu tiết như trong Sáng thế ký gọi là sách thứ nhứt của Môi-se."

Tóm tắt.-- Sáng thế ký có phải chép theo những lời truyền khẩu, như thi sĩ Milton trong sách "Le Paradis perdu" mô tả thiên sứ Gáp-ri-ên thuật cho A-đam những điều lạ lùng về công cuộc sáng tạo không? Ấy chỉ là giả thuyết; nhưng chắc Chúa có dạy cho A-đam biết những sự đó, và thủy tổ nói với Mê-tu-sê-la, rồi truyền tụng đến đời Nô-ê, Áp-ra-ham, Y-sác, Giô-sép, Môi-se. Bất cứ là cách nào, Công vụ 7:37, 38 chép rõ căn nguyên và tác giả của Sáng thế ký: tức Môi-se nhận từ Đức Chúa Trời, và ra đời tại núi Si-na-i! Tiến sĩ A-đam Clark viết: "Truyện chép trong Sáng thế ký là đơn sơ, chân thật, thống nhất với nhau, ghi đúng những niên hiệu, các tiểu sử được trình bày rõ ràng, đúng về những tiểu tiết, tinh sạch về đạo đức, và ý định tốt lành, đến nỗi bày tỏ cách đầy đủ căn nguyên sách nầy không phải từ thế gian mà có được!"

III. Đại ý và mục đích.-- Sách Sáng thế ký (kèm theo với những đoạn đầu sách Xuất Ai-cập) mô tả những bước dẫn đến sự thiết lập Thần quyền. Ấy là một phần chương trình của trước giả để trình bày cho ta biết sự việc Đức Chúa Trời sửa soạn thế gian cách nào, hầu để tỏ ra ý nghĩa của sự kêu gọi Áp-ra-ham và tánh chất của Thần quyền trên người Do-thái. Trước giả mở đầu với cuộc sáng tạo thế gian, vì Đức Chúa Trời đã dựng nên thế gian cũng là một với việc Đức Chúa Trời tỏ mình Ngài cho các tổ phụ. Như vậy, sách Sáng thế ký có tinh cách đặc biệt và phổ thông, nói về Đức Chúa Trời là Chúa của cả loài người. Song như lời tiểu dẫn cho lịch sử dân Do-thái, sách để quyền lợi chung phụ thuộc vào quyền lợi của một quốc gia. Có năm người làm cột trụ, hay nói cho đúng hơn là có năm cái nền, mà trên các nền đó công trình kiến thiết được đặt lên: A-đam, Nô-ê, Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp.

I. A-đam.-- Cuộc sáng tạo thế gian, và buổi sớm nhứt về lịch sử loài người (1:1--3:1-). Dầu vậy, thời gian này chưa có sự phân chia các chi họ loài người.

II. Nô-ê.-- Lịch sử của dòng dõi A-đam đến sự chết của Nô-ê (4:1--9:1-). Tại đây ta có: (1) Dòng của Ca-in tẻ tách ra. (2) Lịch sử theo dòng dõi Sết, mà các dòng dõi người được chép trong gia-phổ, không hề đứt quãng mãi cho đến đời Nô-ê. (3) lịch sử của chính Nô-ê (6:1--9) tiếp nối cho đến khi người chết.

III. Áp-ra-ham.-- Dòng dõi của Nô-ê cho đến khi Áp-ra-ham qua đời (10:1--25:18). Tại đây, ta có:

(1) Dân cư ở khắp thế gian bởi dòng dõi ba con trai của Nô-ê sinh ra (11:1-9). (2) Dòng dõi Sem tiếp nối (11:10-32) cho đến tận Tha-rê và Áp-ra-ham. Tại đây, biểu kê về gia phổ đứt quãng. (3) Áp-ra-ham, con của Tha-rê là người được ơn Chúa chọn (12:1--25:18).Vì Tha-rê có hai con trai khác nữa: Na-cô và Ha-ran (11:27), nên ở đây có thêm vào vài điều về hai chi họ đó. Có nói đến Lót (con trai của Ha-ran) di cư với Áp-ra-ham đến xứ Ca-na-an, cũng nói Lót là cha của Mô-áp và Am-môn (19:37, 38) là những dân tộc mà sau nầy có liên quan với dòng dõi Áp-ra-ham. Na-cô vẫn ở lại xứ Mê-sô-bô-ta-mi, dòng dõi của người có kể ra cách vắn tắt (22:20-24), la vì cớ Rê-be-ca là người sau này làm vợ Y-sác. Về con của Áp-ra-ham có những chi nhánh tẻ tách ra, trước nhứt là dòng dõi bởi Ích-ma-ên (21:9, v.v.), và kế đến các con của Kê-tu-ra, những điều chép về gia phổ của hai chi nhánh đó dường như chép chung với nhau (25:1-6 và 25:12-18). Đến cuối đời Áp-ra-ham, dòng chính của lịch sử Y-sơ-ra-ên phát xuất ra trong gia tộc Y-sác.

IV. Y-sác.-- Đời của Y-sác (25:19-35:29) là một đời ẩn dật và không có biến động nào. Song trong vòng các con của Y-sác có sự chia rẽ, cuối cùng để lại chỗ cho lịch sử về dòng dõi được lựa chọn. Cả đến khi gia đình của Na-cô có ở đó, như trong đoạn 29, ta cũng thấy những chi tiết đó dường như thêm vào sự cần thiết để chiếu sáng trên cuộc đời của Gia-cốp.

V. Gia-cốp.-- Lịch sử của Gia-cốp và Giô-sép (36:1). Tại đây, sau khi Y-sác qua đời, ta có:

(1) Dòng dõi Ê-sau (36:1-) sau đó trong sách không nói thêm nữa. (2) Lịch sử của các tổ phụ, cứ tiếp nối cho đến sự chết của Giô-sép (37:1--50:1-). Có thể thấy rõ một chương trình đặc biệt đã được chuẩn bị sẵn và mục đích chính chẳng bao giờ quên được: Sự liên lạc của Đức Chúa Trời đối với Y-sơ-ra-ên là điều chiếm chỗ lớn nhứt trong trí tác giả. Lịch sử của dòng dõi được lựa chọn, là những con kế tự của lời hứa và kẻ giữ lời phán của Đức Chúa Trời, lịch sử đó cắt nghĩa sự quan hệ giữa Đức Chúa Trời va loài người. Bởi ánh sáng lịch sử đó, mọi sự khác cũng được sáng tỏ ra. Ta thấy trong lịch sử nầy những gia đình khác, ngoài dòng dõi của Gia-cốp, thì chỉ nói đến cách vắn tắt. Chắc chắn, ta có thể nói rằng suốt cả sách Sáng thế ký la một chương trình có hệ thống.

Như vậy, ta thấy Sáng thế ký là một lịch sử tôn giáo, bỏ qua những tiểu tiết không cần thiết về các dân tộc khác, để tập trung ý trên căn nguyên của dân tộc mà từ đó Đấng Cứu chuộc đã hứa sẽ ra. Bởi thế, Sáng thế ký chỉ chép biểu kê gia phổ các dân tộc, nhưng thuật rất kỹ về các tổ phụ tin kính thuộc gia phổ Đấng Cứu thế, vì điều đó còn quan trọng hơn việc chép lại về sự dấy lên và suy đồi của các đế quốc hùng mạnh. Sáng thế ký đã chọn những tiểu tiết của lịch sử các tổ phụ mà chép để làm thí dụ về các nguyên lý thuộc linh, và bày tỏ ra mục đích tốt lành của Đức Chúa Trời về sự cứu chuộc loài người.

IX. Phân tích.-- Xin gợi ý về ba lối phân tích sách nầy:

1. Sáng thế ký có thể chia làm ba phần lớn: (1) Lịch sử vũ trụ, bày tỏ sự liên quan của Đức Chúa Trời đối với vũ trụ, và đưa lịch sử loài người vào (1:1-2:3). (2) Phác họa về lịch sử loài người trước Áp-ra-ham, sự liên hệ giữa Đức Chúa Trời với loài người, và việc đưa lịch sử của tuyển dân vào (2:4-11:26); (3) Lịch sử dân sự của giao ước cho đến thời xuống Ai-cập (11:27-50:1-). Phần lớn thứ hai có bao gồm sự dựng nên cả loài người và địa vị như vốn có (2:4-25), sự sa ngã (3:1-), sự tiến triển về tội lỗi (4:1-15), nòi giống thế gian (4:16-24), dòng giống tin kính (4:25-5:32), thêm sự gian ác (6:1-8), nước lụt (6:9-9:17), lập lại dân cư ở khắp thế gian (9:18-10:32), sự xây cất tháp Ba-bên (11:1-9), và dòng giống Sem lúc mới nảy mầm (11:10-26). Phần lớn thứ ba đó gồm lại lịch sử ban đầu của Áp-ra-ham, sự kêu gọi và sự trú ngụ tại Ca-na-an (11:27-25:10), đời sống của Y-sác từ sự chết của cha, cho đến khi khởi hành xuống xứ Mê-sô-bô-ta-mi (25:11-27:40), còn đời sống của Gia-cốp từ khi qua xứ Mê-sô-bô-ta-mi cho đến khi Y-sác qua đời (27:41-35:29), dòng dõi của Ê-sau (36:1-) lịch sử của Giô-sép đến khi người bị bán xuống xứ Ai-cập (37:1-), tội lỗi và sự xấu hổ của Do-thái (38:1-), Giô-sép ở trong xứ Ai-cập (39:1--45:1-), Gia-cốp và cả nhà với Giô-sép tại xứ Ai-cập (46:1--49:1-), sự chết của Gia-cốp và Giô-sép (50:1-).

2. Đây là lối phân tích thứ hai: Trước giả Sáng thế ký, sau lời tiểu dẫn (1:1--2:3), đã chép gồm cả truyện trong 10 phần liên tiếp nhau, mỗi phần bắt đầu với câu: "Nầy là dòng dõi của..." Xem 2:4-4:26; 5:1-6:8; 6:9-9:29; 10:1-11:9; 11:10-26; 11:27-25:11; 25:12-18; 25:19-35:29; 36:1-37:1; 37:2-50:26.

3. Đây là lối phân tích thứ ba: "Ban đầu" là chìa khóa của 9 phần lớn.

A. Sáng thế ký là một lịch sử thượng cổ gồm lại một khoảng trên 2000 năm (1:1--11:9). (1) Ban đầu của thế gian vật chất (1:1-25). a) Câu 1:1 nói về sự tạo thành như vốn có. b) Ê-sai 45:18 nói Đức Chúa Trời không dựng nên thế gian như thấy trong câu 1:2. c) Xem 2Phi-e-rơ 3:5, 6. d) Sáu ngày chép là sáu ngày lập lại. (2) Ban đầu của loài người (1:26-2:1-) a) Người được dựng nên không phải bởi sự tiến hóa. b) Người được đặt vào trong vườn Ê-đen. Nghĩa tên nầy theo tiếng Accadian (A-cát, 10:10) là hoang vu, vì Ê-đen vốn như thế. (3) Ban đầu của tội lỗi loài người (3:1-7). a) Đổi sai lời Chúa, người nữ bớt và thêm vào lời Ngài. b) Người nữ "thấy, " "hái ăn, " và "trao cho." (4) Ban đầu những Khải thị về sự cứu chuộc (3:8-24). a) Lời hứa thứ nhứt về Đấng Cứu chuộc, là khởi đầu những sự khải thị sau. b) Lần thứ hai chép về các thần Chê-ru-bin (Xuất Ê-díp-tô 25:20) thì không thấy có gươm vì có huyết. (5) Ban đầu của gia đình loài người (4:1-15). a) Gia đình thứ nhứt. b) Sự cãi lẫy thứ nhứt trong gia đình là về tôn giáo. c) Nên chú ý 4:7 chép "tội lỗi rình đợi trước cửa" như một con thú dữ. (6) Ban đầu của sự văn minh vô đạo (4:16-9:1-.) a) Thành thứ nhứt được xây dựng, và sự sống nơi thành thị do từ một kẻ giết người. b) Nên chú ý 4:23 và 26.

(7) Ban đầu của các dân tộc trên thế gian (10:1-).

a) Phần nầy rất quan trọng.

b) Tại đây, ta có nguồn gốc của các dân tộc.

(8) Ban đầu của sự lộn xộn tiếng nói (11:1-).

a) Lần thứ nhứt loài người thử được hiệp một ngoài Đức Chúa Trời. b) Sự thử tại tháp Ba-bên để cho loài người hiệp một sẽ diễn lại bởi Antichrist. Xem Khải Huyền 17:1-.

B. Lịch sử các Tổ phụ trên 300 năm.

(9) Ban đầu của nòi giống Hê-bơ-rơ (12:1--50:1-).

a) Phần nầy chép tiểu sử các tổ phụ.

b) Tiểu sử của Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp.

V. Sứ mạng của sách.--

(1) Ấy là loài người trong mọi sự thất bại có thể nhờ sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời.

(2) Người cần phải nhận biết sự yếu đuối và sự thiếu thốn của chính mình trước khi tình nguyện chọn Đức Chúa Trời.

(3) Trong Sáng thế ký ta thấy con người thất bại:

a) Ở giữa một nơi toàn hảo (Ê-đen).

b) Dưới sự cai trị của lương tâm (từ sự Sa ngã đến Nước lụt).

c) Dưới sự cai trị của các Tổ phụ (từ Nô-ê đến Giô-sép). Chú ý: sách bắt đầu chép Đức Chúa Trời và cuối cùng chép về một quan tài.

(4) Trong sự thất bại, con người có thể nhờ ân điển và quyền năng của Chúa. "Nơi nào tội lỗi đã gia thêm thì ân điển lại càng dự dật hơn nữa" (Rô-ma 5:20).

Tiến sĩ Scofield chú thích về Sáng thế ký như sau nầy:

Sáng thế ký là một sách của những sự ban đầu. Sách không những chỉ thuật sự khởi đầu của trời và đất, cây cỏ, thú vật và loài người, song cũng chép về những sự thiết lập và những sự quan hệ của loài người. Về hình bóng, sách nói về sự sanh lại, trời đất mới, tại đó trước kia hết thảy đều là vô hình và đổ nát. Với Sáng thế ký, bắt đầu trình bày một cách tuần tự sự khải thị của chính Đức Chúa Trời được hoàn thành ở trong Đấng Christ. Có ba tên của Đức Chúa Trời: Ê-lô-him, Giê-hô-va, và Adonai, và năm tên phức hợp quan trọng nhứt được ghi chép trong Sáng thế ký.

Vấn đề tội lỗi có liên quan đến địa vị của loài người ở trên đất, sự liên hệ của con người với Đức Chúa Trời, và sự giải quyết vấn đề đó, bày tỏ phần cốt yếu ở đây. Về tám giao ước lớn làm điều kiện cho sự sống của loài người và sự cứu chuộc của Chúa, trong đó bốn giao ước về vườn Ê-đen, với A-đam, Nô-ê và Áp-ra-ham đều ở trong sách nầy; và đó là những giao ước nền tảng, còn bốn giao ước khác với Môi-se, Pha-lê-tin, Đa-vít và các Giao ước Mới, được thuật lại cốt để thêm chi tiết.

Sáng thế ký cũng được đưa vào trong sự thiết lập Tân Ước, trong đó trích lục trên 60 lần trong 17 sách. Bởi đó, theo ý sâu nhiệm, cội rễ của mọi sự khải thị về sau, đã được đâm rất sâu trong Sáng thế ký, ai muốn thật hiểu thì phải khởi sự từ sách nầy.

Sự soi dẫn để viết sách Sáng thế ký có tính cách như là một khải thị của Đức Chúa Trời, có lời chứng là thật của lịch sử và của Đấng Christ (Ma-thi-ơ 19:4-6; 24:37-39; Mác 10:4-9; Lu-ca 11:49-51; 17:26-29, 32; Giăng 1:51; 7:21-23; 8:44, 56).

Sáng thế ký chia làm năm phần chính: (I) Cuộc tạo thành (1:1-2:25). (II) Sự sa ngã và sự cứu chuộc (3:1-4:7). (III) Các dòng dõi khác nhau, Ca-in và Sết cho đến Nước lụt (4:8-7:24). (IV) Nước lụt cho đến Ba-bên (8:1-11:9). (V) Từ sự kêu gọi Áp-ra-ham cho đến sự chết của Giô-sép (11:10-50:26).

Sáng Thế Ký 23:4.-- So Sáng Thế Ký 33:19; 50:13; Giô-suê 24:32; Công vụ 7:15, 16. Người ta tưởng rằng có sự khác nhau trong các câu nầy. Song điều đó sẽ không còn nữa, nếu ta giả định cách tự nhiên rằng: trong khoảng thời gian 80 năm trước, lúc Áp-ra-ham mua mộ địa cho gia đình trên đất của dân họ Hếch (Sáng Thế Ký 23:4, 20) và lúc Gia-cốp mua đất đó (Sáng Thế Ký 33:19), thì "con cháu Hê-mô" (Công vụ 7:15, 16) đã lấy lại đồng ruộng, trong đó có hang đá Mặc-bê-la làm mộ địa. Nếu quyết định rằng đó là sản nghiệp xưa của tổ phụ để lại, thì Gia-cốp mua đồng ruộng đó lại lần nữa. Hếch là tổ tông chung của con cháu Hêmô.

Sáng Thế Ký 46:26.So với câu 27. Người ta tưởng là có sự đối nghịch nhau. "Các người đến xứ Ai-cập với Gia-cốp" là 66 người (câu 26). "Các người thuộc về nhà Gia-cốp đi đến Ê-díp-tô" (câu 27), tức là hết cả chi họ Gia-cốp là 70 người, tức là gồm 66 người đi cùng Gia-cốp cộng với Giô-sép và hai con người, đã ở trong Ai-cập, là 69 người, với chính Gia-cốp là 70 người. So Công vụ 7:14 ở đó gồm lại cả vợ các con Gia-cốp.


Page 2

San-chê-ríp\ Sennacherib. Sanchérib (thần mặt trăng Sin đã thêm số anh em).

Là con trai và là kẻ kế tự vua Sa-gôn. Xem bài Sa-gôn. Tên người ở trong nguyên bản đọc là Tsinakki-irib, nghĩa là "Sin (hoặc mặt trăng) đã thêm các anh em, " một điều chỉ rằng người không phải là con đầu lòng của cha mình.

San-chê-ríp lên ngôi năm 702 T.C., người cố gắng dẹp tan cuộc nổi loạn của Ba-by-lôn mà người đã xâm chiếm với một đạo binh lớn. Mê-rô-đác Ba-la-đan liều mình chiến trận, song bị thua và đuổi khỏi xứ. Năm thứ III (700 S.C.), San-chê-ríp trở tay về hướng Tây, sửa phạt Si-đôn, nhận lễ vật của Ty-rơ, Aradus cùng mấy thành khác của dân Phê-ni-xi, cũng như của Ê-đôm và Ách-đốt, vây và chiếm thành Ách-ca-lôn, khai chiến với Ai-cập, là xứ hãy còn thuộc Ê-thi-ô-bi, cướp lấy thành Líp-na và La-ki, trên địa giới Ai-cập, và có lẽ đã ký kết một giao ước với quân thù của chính mình, cuối cùng đem quân đánh Ê-xê-chia, vua Giu-đa. Vào lúc đó "San-chê-ríp, vua A-sy-ri, đến các thành kiên cố của Giu-đa và hãm lấy nó" (2Các vua 18:13). Chắc trong bài tường thuật người để lại về trận đánh với "Hiskiah" trong năm thứ III là chiến trận với vua Ê-xê-chia tóm tắt tại trong bốn câu (13-16). Trong năm sau (699 T.C.), San-chê-ríp xâm chiếm Ba-by-lôn lần thứ hai. Ê-xê-chia cũng đã nổi loạn lần nữa, xin Ai-cập binh vực. Bởi đó, đáng lẽ vây Giê-ru-sa-lem, thì vua A-sy-ri từ đó đi sang Ai-cập một lần nữa, hãm đánh La-ki và Líp-na, song dường như không chiếm được, nên sai các sứ giả từ nơi đó đến cùng Ê-xê-chia (2Các vua 18:17); và khi sứ giả đó trở về nói Giu-đa không phục, thì liền viết một thơ ngăm đe Ê-xê-chia (2Các vua 19:14). Tiệt-ha-ca vội vàng xin Ai-cập giúp đỡ, thình lình có một biến động xảy ra, và biến động này đã cứu cả Ai-cập và Do-thái khỏi sự nguy hiểm. Một đêm kia, đạo binh hùng mạnh A-sy-ri không còn nữa, 185.000 người, tất cả đều bị chết, có thể bởi dịch lệ, hoặc bởi sự bày tỏ quyền năng oai nghi của Chúa qua thiên sứ hủy diệt (2Các vua 19:35). Trại quân tan vỡ ngay; vua chạy trốn. San-chê-ríp về tới kinh đô mình bình an, và không bị ngăn trở bởi tai vạ đã xảy đến cho đạo binh mình, vua liền sửa soạn những cuộc chiến tranh khác, nhưng dường như từ đó vua có cẩn thận tránh xa xứ Pha-lê-tin. Trong năm thứ V San-chê-ríp tiến quân đánh Arménie và Mê-đi, sau đó, từ năm thứ VI đến thứ VIII người khai chiến với Susiana, và Ba-by-lôn. Từ lúc đó, niên sử không có chép nữa. San-chê-ríp cai trị 22 năm, và có Ê-sạt-ha-đôn nối ngôi, năm 680 T.C..

San-chê-ríp là vua oai nghi nhứt của người A-sy-ri. Dường như San-chê-ríp là người thứ nhứt đóng đô cai trị mãi mãi tại Ni-ni-ve; là nơi người đã sửa sang và trang hoàng bằng những nhà nguy nga. Công việc lớn nhứt của người là cho xây dựng lâu đài tráng lệ Kouyunjik rộng độ 8 mẫu. Về sự chết của San-chê-ríp, chúng ta không biết gì hơn ngoài lời chép vắn tắt trong Kinh Thánh: "Một ngày kia, người thờ lạy trong chùa Nít-róc, thần của mình, thì con trai người là A-tra-mê-léc và Sa-rết-se, giết người bằng gươm đoạn chúng nó trốn trong xứ A-ra-rát" (2Các vua 19:37; Ê-sai 37:38).

Tiến sĩ Scofield chú thích về San-chê-ríp.

Ê-sai 32:2.-- Xem bài trước.


Page 3

San-ba-lát\ Sanballat. Samballat.

Là người Mô-áp ở Hô-rôn (Nê-hê-mi 2:10, 19; 13:28). Dường như người có quyền cai quản trên "đạo quân tại Sa-ma-ri" trong đời vua Ạt-ta-xét-xe (Nê-hê-mi 4:2). Người luôn luôn phản đối với Nê-hê-mi từ khi Nê-hê-mi đến xứ Giu-đê. Tô-bi-gia, người Am-môn và Ghê-sem, người A-rạp (2:19; 4:7; 6:1-) cũng kết liên với người. Con gái của San-ba-lát lấy cháu của thầy tế lễ thượng phẩm Ê-li-a-síp, con Giô-gia-đa; vì cớ đó, Nê-hê-mi đuổi người khỏi chức tế lễ. Tô-bi-gia đã làm thông gia với Ê-li-a-síp như thế, nên coi Ê-li-a-síp đồng tình với phe ngụy Sa-ma-ri để chống trả chương trình cải cách của Nê-hê-mi. Truyện Josèphe kể về San-ba-lát 100 năm sau dưới đời vua Alexandre le Grand dường như không có thật trong lịch sử.