Theo Hồ Chí Minh Nhà nước phải đặc biệt khuyến khích hướng dẫn giúp đỡ thành phần kinh tế nào

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát triển kinh tế nhiều thành phần trong thời kỳ quá độ lên CNXH

                            PGS.TS. Vũ Văn Phúc

Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương

Trong tác phẩm "Thường thức chính trị" viết năm 1953, Hồ Chí Minh đã nêu rõ bản chất của chế độ công hữu XHCN. Cũng trong tác phẩm này Người đã nêu rõ bản chất của từng thành phần kinh tế ở Việt Nam. Người viết: "Hiện nay, kinh tế nước ta có những thành phần như sau: - Kinh tế địa chủ phong kiến bóc lột địa tô. - Kinh tế quốc doanh, có tính chấtCNXH. Vì tài sản các xí nghiệp ấy là của chung của nhân dân, của Nhà nước, chứ không phải của riêng. Trong các xí nghiệp quốc doanh thì xưởng trưởng, công trình sư và công nhân đều có quyền tham gia quản lý, đều là chủ nhân. Việc sản xuất thì do sự lãnh đạo thống nhất của Chính phủ nhân dân. - Các hợp tác xã tiêu thụ và hợp tác xã cung cấp, có tính chất nửaCNXH. Nhân dân góp nhau để mua những thứ mình cần dùng, hoặc để bán những thứ mình sản xuất không phải kinh qua các người con buôn, không bị họ bóc lột. Các hội đổi công ở nông thôn, cũng là một loại hợp tác xã. - Kinh tế cá nhân của nông dân và của thủ công nghệ, họ thường tự túc, ít có gì bán và cũng ít khi mua gì. Đó là một thứ kinh tế lạc hậu. - Kinh tế tư bản của tư nhân. Họ bóc lột công nhân, nhưng đồng thời họ cũng góp phần vào xây dựng kinh tế. - Kinh tế tư bản quốc gia là Nhà nước hùn vốn với tư nhân để kinh doanh và do Nhà nước lãnh đạo. Trong loại này, tư bản của tư nhân là CNTB. Tư bản của Nhà nước là CNXH"1 .

Chính sách đối xử với mỗi thành phần khác nhau tùy thuộc vào bản chất, xu hướng phát triển và ích lợi của chúng đối với nền kinh tế. Điều này thể hiện sự sáng tạo trong vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin trong dấu tranh giai cấp vào điều kiện đặc thù của Việt Nam. Người viết:

"Cách mạng tức là giai cấp tiến bộ đánh đổ giai cấp phản tiến bộ. Những giai cấp ủng hộ và tham gia cách mạng tức là động lực cách mạng. Theo tính chất cách mạng của mỗi nước mà quyết định động lực cách mạng bao gồm những giai cấp nào. Tính chất cách mạng của ta là cách mạng dân chủ mới, cho nên động lực cách mạng gồm có những giai cấp: công nhân, nông dân, tiểu tư sản. Trong một thời kỳ và một trình độ nhất định, giai cấp tư sản dân tộc cũng là động lực cách mạng.

Vì bị đế quốc và phong kiến áp bức bóc lột tàn tệ, cho nên giai cấp công, nông, tiểu tư sản nhiệt liệt mong muốn đánh đổ chúng. Tư sản dân tộc cũng bị đế quốc và phong kiến áp bức ngăn trở, cho nên họ cũng có thể đứng về phe cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động, bốn giai cấp ấy đoàn kết thành mặt trận thống nhất, đánh đế quốc và phong kiến đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi. Tuy vậy, trong công việc sản xuất, địa vị của mỗi giai cấp khác nhau, cho nên đặc tính của mỗi giai cấp cũng khác nhau. Đặc tính khác nhau cho nên vai trò cách mạng cũng khác nhau"2.

Theo Hồ Chí Minh, "Kinh tế quốc doanh là công. Nó là nền tảng và sức lãnh đạo của kinh tế dân chủ mới. Cho nên chúng ta phải ra sức phát triển nó và nhân dân ta phải ủng hộ nó. Đối với những người phá hoại nó, trộm cắp của công, khai gian lậu thuế, thì phải trừng trị". Tư bản dân tộc và kinh tế cá thể của nông dân "cũng là lực lượng cần thiết cho cuộc xây dựng kinh tế nước nhà. Cho nên Chính phủ cần giúp họ phát triển. Nhưng họ phải phục tùng sự lãnh đạo của kinh tế quốc gia, phải hợp với lợi ích của đại đa số nhân dân". "Chính phủ ngăn cấm họ bóc lột công nhân quá tay. Chính phủ phải bảo vệ lợi quyền của công nhân. Đồng thời, vì lợi ích lâu dài, anh chị em thợ cũng để cho chủ được số lợi hợp lý, không yêu cầu quá mức. Chủ và thợ đều tự giác tự động, tăng gia sản xuất lợi cả đôi bên". "Công nông giúp nhau. Công nhân ra sức sản xuất nông cụ và các thứ cần dùng khác, để cung cấp cho nông dân. Nông dân thì ra sức tăng gia sản xuất, để cung cấp lương thực và các thứ nguyên liệu cho công nhân. Do đó mà càng thắt chặt liên minh giữa công nông". Người chủ trương duy trì trao đổi hàng hóa với nước ngoài theo hướng: "Ta ra sức khai lâm thổ sản để bán cho các nước bạn và để mua những thứ ta cần dùng. Các nước bạn mua những thứ ta đưa ra và bán cho ta những hàng hóa ta chưa chế tạo được. Đó là chính sách mậu dịch, giúp đỡ lẫn nhau rất có lợi cho kinh tế ta" Người khẳng định: "Bốn chính sách ấy là mấu chốt để phát triển kinh tế của nước ta" 3.

Sinh thời Hồ Chí Minh rất quan tâm chỉ đạo phong trào hợp tác hóa vì nông dân chiếm đa số dân cư ở Việt Nam, nông nghiệp vẫn còn là chỗ dựa quan trọng của nền kinh tế, lien minh công – nông – trí thức là cơ sở xã hội của Đảng cộng sản và Nhà nước XHCN Việt Nam.

Vấn đề đầu tiên là thực hiện chủ trương "người cầy có ruộng". Hồ Chí Minh chỉ dạo sát sao công cuộc cải cách ruộng đất. Trong diễn văn khai mạc Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa II Hồ Chí Minh đã luận chứng rõ cơ sở của cải cách ruộng đất:

"Nền tảng của vấn đề dân tộc là vấn đề nông dân, vì nông dân là tối đại đa số trong dân tộc. Nền tảng của cách mạng dân chủ cũng là vấn đề nông dân, vì nông dân là lực lượng cách mạng đông nhất chống phong kiến, chống đế quốc. …Muốn kháng chiến hoàn toàn thắng lợi, dân chủ nhân dân thật thà thực hiện, thì phải thiết thực nâng cao quyền lợi kinh tế và chính trị của nông dân, phải chia ruộng đất cho nông dân. Cải cách ruộng đất sẽ giúp ta giải quyết nhiều vấn đề: Về quân sự, nông dân sẽ càng hăng hái tham gia bộ đội, để giữ làng giữ nước, giữ ruộng đất của mình. Đồng thời cải cách ruộng đất sẽ có ảnh hưởng to lớn giúp làm tan rã ngụy quân. Về kinh tế - tài chính, nông dân đủ ăn đủ mặc, tăng gia sản xuất được nhiều, thì nông nghiệp sẽ phát triển. Họ có tiền mua hàng hóa, thì thủ công nghiệp, thương nghiệp và công nghệ của giai cấp tiểu tư sản và tư sản dân tộc, cũng như công thương nghiệp quốc doanh sẽ được phát triển. Nông dân hăng hái đóng thuế nông nghiệp thì tài chính của Nhà nước được dồi dào. Về chính trị, khi nông dân đã nắm ưu thế kinh tế và chính trị trong làng, nhân dân dân chủ chuyên chính sẽ được thực hiện rộng khắp và chắc chắn. Về văn hóa, "có thực mới vực được đạo", kinh nghiệm các nước bạn cho chúng ta thấy rằng: khi nông dân đã có ruộng cày, đã đủ cơm ăn, áo mặc thì văn hóa nhân dân phát triển rất nhanh"4 .

Hồ Chí Minh đã huấn thị dân chúng rằng, quá trình cải tạo XHCN không dừng lại ở cải cách ruộng đất. Người viết: "dân cày có ruộng. Phải chăng đó là một CNCS, hoặc CNXH? Không phải.CNXH hoặc cộng sản là không có chế độ tư hữu. Trái lại "canh giả hữu kỳ điền" là làm cho hàng chục triệu dân cày thành tư hữu, đều có ruộng, đều có quyền sở hữu ruộng đất" 5. Đó mới chỉ là cách mạnh dân chủ tư sản. Dân cày có ruộng chỉ là một chính sách dân chủ. Cần phải tiếp tục làm cách mạng XHCN tức là đưa nông dân cá thể vào làm ăn tập thể, tức là vào hợp tác xã.

Hồ Chí Minh chủ trương tiến hành hợp tác hóa từng bước, nhấn mạnh nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, cùng có lợi trong thực hiện phong trào hợp tác hóa. Người viết: "Muốn cho tổ đổi công tốt, không được cưỡng ép ai, phải tổ chức từ nhỏ đến lớn, tổ chức rồi phải làm cho mọi người thấy đều có lợi, khác hẳn với khi chưa có tổ. Trong tổ, mỗi người phải được dân chủ bàn bạc, phân công rành rọt. Tóm lại, tổ đổi công phải có đủ 3 điều: - Không được cưỡng ép người ta vào. - Mỗi người trong tổ cùng có lợi. - Công việc phải bàn bạc dân chủ. Muốn người ta vào tổ thì phải chú ý: Người đã vào không nên khinh rẻ người chưa vào, trái lại còn phải giúp đỡ người ta, nếu người ta vào lại ra, mình vẫn phải giúp đỡ, không vì người ta ra mà hắt hủi lạnh nhạt, một khi giúp đỡ tốt người ta lại xin vào. Muốn thi đua kết quả, phải có tổ đổi công. Chỗ nào chưa có thì tổ chức, chỗ nào có rồi thì làm cho tốt, không cần làm to ngay, làm nhỏ và tiến dần nhưng ăn chắc"6 . Người coi trọng hợp tác hóa, coi đó là hình thức tổ chức để có thể phát triển nhanh nông nghiệp. Trong bài nói chuyện với lớp huấn luyện đào tạo cán bộ hợp tác xã nông nghiệp Người nhấn mạnh: "muốn tiến lên CNXH thì phải phát triển công nghiệp nhưng đồng thời cũng phải phát triển nông nghiệp, …. Muốn phát triển nông nghiệp thì trước hết phải xây dựng tốt phong trào đổi công ở khắp mọi nơi và trên cơ sở đó sẽ xây dựng hợp tác xã nông nghiệp từ thấp đến cao"7 .   

Trong bài phát biểu trước Quốc hội về sửa đổi Hiến pháp 1946, Hồ Chí Minh đã nêu khái quát lập trường gia cấp làm cơ sở cho chính sách đối xử với các thành phần kinh tế trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở miền Bắc Việt Nam như sau: "tăng cường không ngừng sự lãnh đạo của giai cấp công nhân đối với Nhà nước dân chủ nhân dân.  Liên minh công nông là nền tảng của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. … Giai cấp công nhân đoàn kết với những người thủ công và những người buôn bán nhỏ vì họ là người lao động và họ vui lòng đi vào con đường hợp tác hoá, họ tán thành và ủng hộ cách mạng XHCN…  Giai cấp công nhân đoàn kết chặt chẽ với giới trí thức để giúp họ phục vụ cách mạng, phục vụ CNXH.  Dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, giai cấp tư sản dân tộc Việt Nam đã ủng hộ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Từ ngày hoà bình lập lại, họ có đóng góp một phần trong công cuộc khôi phục kinh tế. Hiện nay, chúng ta có điều kiện để cải tạo họ theo con đường XHCN". Trên cơ sở lập trường đấu tranh giai cấp như vậy Hồ Chí Minh phác thảo đường lối kinh tế trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta như sau:  "Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tiến dần từ chế độ dân chủ nhân dân lên CNXH bằng cách phát triển và cải tạo nền kinh tế quốc dân theo CNXH, biến nền kinh tế lạc hậu thành một nền kinh tế XHCN với công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, khoa học và kỹ thuật tiên tiến". Cơ cấu sở hữu trong thời kỳ quá độ được Hồ Chí Minh xác định là: "  - Sở hữu của Nhà nước tức là của toàn dân.  - Sở hữu của hợp tác xã tức là sở hữu tập thể của nhân dân lao động.  - Sở hữu của người lao động riêng lẻ.  - Một ít tư liệu sản xuất thuộc sở hữu của nhà tư bản".  Người khẳng định, trong thời kỳ quá độ sẽ "xoá bỏ các hình thức sở hữu không XHCN, làm cho nền kinh tế gồm nhiều thành phần phức tạp trở nên một nền kinh tế thuần nhất, dựa trên chế độ sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể"8  .  Người cũng nhấn mạnh:

- Kinh tế quốc doanh là hình thức sở hữu của toàn dân, lãnh đạo nền kinh tế quốc dân và Nhà nước phải đảm bảo cho nó phát triển ưu tiên. Phải phát triển thành phần kinh tế quốc doanh để tạo nền tảng vật chất cho CNXH và thúc đẩy việc cải tạo XHCN.

- Kinh tế hợp tác xã là hình thức sở hữu tập thể của nhân dân lao động, Nhà nước đặc biệt khuyến khích, hướng dẫn và giúp đỡ cho nó phát triển. Hợp tác hoá nông nghiệp là khâu chính thúc đẩy công cuộc cải tạoXHCN ở miền Bắc. Hợp tác hoá nông nghiệp cần phải trải qua hình thức tổ đổi công và hợp tác xã sản xuất nông nghiệp. Cần phát triển từng bước vững chắc tổ đổi công và hợp tác xã thì hợp tác hoá nông nghiệp mới thành công.

- Đối với người làm nghề thủ công và lao động riêng lẻ khác, Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu về tư liệu sản xuất của họ, ra sức hướng dẫn và giúp đỡ họ cải tiến cách làm ăn, khuyến khích họ tổ chức hợp tác xã sản xuất theo nguyên tắc tự nguyện. 

- Đối với những nhà tư sản công thương, Nhà nước không xoá bỏ quyền sở hữu về TLSX và của cải khác của họ mà ra sức hướng dẫn họ hoạt động nhằm làm lợi cho quốc kế dân sinh, phù hợp với kế hoạch kinh tế của Nhà nước. Đồng thời Nhà nước khuyến khích và giúp đỡ họ cải tạo theo CNXH bằng hình thức công tư hợp doanh và những hình thức cải tạo khác 9.  

Mô hình thể chế hóa chế độ xã hội hóa TLSX được Hồ Chí Minh khẳng định là: "Nhà nước lãnh đạo hoạt động kinh tế theo một kế hoạch thống nhất. Nhà nước dùng cơ quan của mình và dựa vào công đoàn, hợp tác xã và các tổ chức khác của nhân dân lao động để xây dựng và thực hiện kế hoạch kinh tế" 10.

Chú thích:

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, phiên bản điện tử, Nxb CTQG Sự thật, H.2011, tập 8, tr266

          2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, phiên bản điện tử, Nxb CTQG Sự thật, H.2011, tập 8, tr255-tr256

         3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, phiên bản điện tử, Nxb CTQG Sự thật, H.2011, tập 8, tr267

         4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, phiên bản điện tử, Nxb CTQG Sự thật, H.2011, tập 8, tr33

         5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, phiên bản điện tử, Nxb CTQG Sự thật, H.2011, tập 8, tr254 – tr 255

         6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, phiên bản điện tử, Nxb CTQG Sự thật, H.2011, tập 10, tr280 – tr281

         7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, phiên bản điện tử, Nxb CTQG Sự thật, H.2011, tập 11, tr361

        8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, phiên bản điện tử, Nxb CTQG Sự thật, H.2011, tập 11, tr370 – tr 372

        9. Hồ Chí Minh: Toàn tập, phiên bản điện tử, Nxb CTQG Sự thật, H.2011, tập 11, tr 373

       10. Hồ Chí Minh: Toàn tập, phiên bản điện tử, Nxb CTQG Sự thật, H.2011, tập 11, tr374

Video liên quan

Chủ Đề