So sánh kích thức su 35 và f16 năm 2024

Tạp chí Mỹ Forbes đã viết về viễn cảnh xảy ra một cuộc đối đầu giữa 2 chiếc máy bay chiến đấu kinh điển của hai trường phái Mỹ và Liên Xô trên bầu trời Ukraine vào những ngày sắp tới, khi Ukraine chuẩn bị nhận được lô tiêm kích hạng nhẹ đa năng F-16 Fighting Falcon của Mỹ, do Không quân Hà Lan cung cấp.

Trước đó, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte lưu ý rằng, nước ông sẵn sàng chuyển giao cho Không quân Ukraine 18 trong số 42 máy bay chiến đấu F-16 đầu tiên dành cho Kiev và lô máy bay này được dự kiến chuyển đến Ukraine ngay trong những ngày cuối năm 2023.

Theo tạp chí Mỹ, rất có thể trong những tháng đầu năm tới, tiêm kích F-16 Fighting Falcon (“Chim ưng chiến đấu”, hay “Ưng chiến”) và chiến đấu cơ hiện đại nhất của Nga hiện nay là Su-35S Flanker-E (“Kẻ tấn công sườn”) có thể đối đầu với nhau trên không phận khu vực Chiến dịch Tác chiến Đặc biệt.

Điều quan trọng cần lưu ý là F-16AM Block 20 MLU của Hà Lan được trang bị tên lửa không đối không dòng AMRAAM, gồm AIM-120B với tầm bắn 80 km và AIM-120C-5 với tầm bắn 100 km.

Trong trường hợp này, người ta cho rằng các hệ thống radar AN/APG-66(V)2 lỗi thời sẽ được sử dụng trên chiếc máy bay Mỹ.

Nhờ đó, máy bay chiến đấu thế hệ 4++ Su-35S của Nga với tên lửa tầm xa Vympel R-37M URVB, có khả năng hoạt động ở khoảng cách lên tới 400 km, cũng như R-77-1 (RVV-SD) 180km, sẽ có thể giành ưu thế trên không và đánh bại máy bay phương Tây trong chiến đấu tầm xa.

Tuy nhiên, giới chuyên gia quân sự Nga cũng nhắc nhở rằng, Lực lượng Hàng không-Vũ trụ Nga (VKS) không nên mất cảnh giác trước những trận chiến sắp tới với máy bay chiến đấu Mỹ, dù đó là những chiếc F-16 đời đầu đã lỗi thời.

Rất có thể những chiếc F-16 này có thể được nâng cấp để trang bị tên lửa tác chiến đối không tầm xa AIM-120C-7 và AIM-120D, có khả năng nhắm mục tiêu vào máy bay chiến thuật Nga từ khoảng cách 120-160km ở chế độ HOJ (Home-On-Jam), nếu máy bay Nga sử dụng thiết bị gây nhiễu.

Phương pháp này sử dụng để tấn công mục tiêu nhằm thẳng vào các hệ thống tác chiến điện tử trên máy bay đối phương, trong điều kiện phát hiện ra một nguồn gây nhiễu radar quá mạnh khiến hệ thống radar trên máy bay không thể tìm và theo dõi mục tiêu một cách bình thường

Ở chế độ này, hệ thống điều khiển hỏa lực của máy bay sẽ dẫn hướng vũ khí theo nguồn gây nhiễu mà phi công xác định là của máy bay địch gây ra, ví dụ như khi máy bay Su-35S Nga vận hành hệ thống tác chiến điện tử Khibiny, nó có thể bị máy bay F-16 tấn công vào nguồn phát nhiễu của Khibiny.

Do đó, trong trường hợp Ukraine đã có chiến đấu cơ F-16, Nga cần trang bị cho những chiếc Su-35S của mình các tên lửa không đối không siêu xa Vympel R-37M có tầm bắn phóng xa tới 400km và tăng cường giám sát không phận bằng máy bay Chỉ huy-Cảnh báo sớm (AWACS).

Nếu phát hiện F-16 Ukraine bay lên, chiến đấu cơ Nga không cần phải chờ đợi để giao tranh trên không với nó mà cách tốt nhất là Nga chỉ cần sử dụng chỉ thị mục tiêu từ AWACS, rồi phóng tên lửa R-37M tiêu diệt mục tiêu, trước khi chiếc F-16 tới tầm hiệu quả sử dụng vũ khí.

Trả lời phỏng vấn đài RBK-Ukraine ngày 21.7, khi được hỏi Moscow có máy bay ngang khả năng với chiến đấu cơ F-16 của Mỹ mà Kyiv dự kiến sẽ nhận được hay không, phát ngôn viên Yury Ignat nói: "[Nga] có Su-35, một trong những máy bay tốt nhất".

Ông Ignat cho biết máy bay Su-35 "có công nghệ và vũ khí cao cấp", như hỏa tiễn R-37 với "tầm bắn xa hơn tên lửa không đối không AIM-120 AMRAAM" của Mỹ.

Ông Ignat nói thêm "ưu thế chính của loại máy bay này là radar, một hệ thống xác định và ngắm mục tiêu có thể đồng thời theo dõi và nhắm vào hàng loạt mục tiêu trên không". Ngoài ra, Su-35 cũng sở hữu các phương tiện bảo vệ và thiết bị chiến tranh điện tử, nhưng vẫn có thể bị bắn hạ.

Ông Ignat nhấn mạnh Su-35 là một đối thủ nặng ký, nhưng máy bay F-16 cũng không phải một đối thủ dễ đối phó vì đã trải qua quá trình hiện đại hóa tương tự.

Chiến đấu cơ Su-35 được biên chế vào quân đội Nga vào giữa những năm 2010, là tiêm kích thế hệ 4++, có thể tấn công các mục tiêu trên không lẫn trên mặt đất. Trong khi đó, F-16 là chiến đấu cơ đa năng thế hệ thứ 4, đã hoạt động từ thập niên 1970 và được cải tiến qua nhiều năm.

Kyiv đã thúc giục các đồng minh nước ngoài cung cấp các máy bay F-16 trong nhiều tháng và đặt hy vọng chiến đấu cơ này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc yểm trợ trên không cho quân đội Ukraine và bảo vệ không phận nước này.

Phương Tây chưa thống nhất về đào tạo phi công Ukraine lái F-16

Cố vấn An ninh Mỹ Jake Sullivan hôm 21.7 cho biết Mỹ đang "đẩy nhanh" tiến độ chuyển giao F-16 cho Ukraine. Một ngày trước đó, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby nói với Fox News rằng F-16 có thể sẽ được đưa đến Ukraine trước cuối năm nay. Nhưng ông vẫn thận trọng đánh giá "chỉ một mình F-16 sẽ không đủ để giúp xoay chuyển tình thế" ở Ukraine.

Những phát ngôn này đánh dấu sự thay đổi đáng chú ý từ phía Mỹ. Chỉ một tuần trước đó, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley cho rằng "sẽ mất nhiều năm" để huấn luyện phi công Ukraine lái máy bay F-16, cũng "thực hiện các hoạt động bảo trì và giải trí" cần thiết, cũng như "tạo ra mức hỗ trợ tài chính" để Kyiv có thể sánh ngang với Moscow trên không.

Dù chưa có F-16, Ukraine và 11 nước khác đã lập một kế hoạch để huấn luyện phi công, nhân viên bảo dưỡng và hỗ trợ để vận hành F-16.

Vào tháng 6.2023, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo các máy bay F-16 sẽ "bốc cháy" nếu được giao cho Ukraine, tương tự như những gì đã xảy ra với xe tăng và nhiều loại vũ khí khác mà phương Tây cung cấp.