Quyết định xử lý kỷ luật luật sư

Theo Luật Luật sư, công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ đại học luật, đã được đào tạo nghề luật sư, đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư, có sức khoẻ bảo đảm hành nghề luật sư thì có thể trở thành luật sư.

Luật Luật sư quy định người muốn được hành nghề luật sư phải có Chứng chỉ hành nghề luật sư và gia nhập một Đoàn luật sư. Quy định này nhằm bảo đảm tính chuyên nghiệp của nghề luật sư, phòng ngừa tình trạng những người không có đủ tiêu chuẩn, điều kiện vẫn thực hiện dịch vụ pháp lý như luật sư, góp phần bảo vệ lợi ích của cá nhân, tổ chức và xã hội, tăng cường quản lý về hành nghề luật sư.

Nguyên tắc hành nghề luật sư là tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; Tuân theo quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam; Độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan; Sử dụng các biện pháp hợp pháp để bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng; Chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động nghề nghiệp luật sư.

Vậy, khi có vi phạm và tranh chấp thì luật sư sẽ bị kỷ luật hoặc giải quyết như thế nào ?

Căn cứ theo Điều 85 của Luật Luật sư số 65/2006/QH11 ngày 29 tháng 6 năm 2006, được sửa đổi, bổ sung bởi Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư số 20/2012/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2012 (gọi tắt là Luật Luật sư năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2012), quy định Luật sư vi phạm quy định của Luật Luật sư, Điều lệ, quy Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam và quy định khác của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong các hình thức kỷ luật sau đây:

a) Khiển trách;

b) Cảnh cáo;

c) Tạm đình chỉ tư cách thành viên Đoàn luật sư từ sáu tháng đến hai mươi bốn tháng;

d) Xoá tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn luật sư.

Việc xem xét quyết định kỷ luật luật sư thuộc thẩm quyền của Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư theo đề nghị của Hội đồng khen thưởng, kỷ luật của Đoàn luật sư.

Trong trường hợp luật sư bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xoá tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn luật sư thì Đoàn luật sư phải thông báo bằng văn bản với Sở Tư pháp và đề nghị Bộ Tư pháp thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư, đề nghị Liên đoàn Luật sư Việt Nam thu hồi Thẻ luật sư.

Căn cứ theo Điều 86 của Luật Luật sư số 65/2006/QH11 ngày 29 tháng 6 năm 2006, được sửa đổi, bổ sung bởi Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư số 20/2012/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2012 (gọi tắt là Luật Luật sư năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2012), quy định Luật sư có quyền khiếu nại quyết định kỷ luật của Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư đối với mình.

Ban thường vụ Liên đoàn luật sư Việt Namcó thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật của Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư.

Trong trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Ban thường vụ Liên đoàn luật sư Việt Nam đối với hình thức kỷ luật là Tạm đình chỉ tư cách thành viên Đoàn luật sư từ sáu tháng đến hai mươi bốn tháng, luật sư có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Thời hạn giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng Bộ Tư pháp là ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại.

Căn cứ theo Điều 87 của Luật Luật sư số 65/2006/QH11 ngày 29 tháng 6 năm 2006, được sửa đổi, bổ sung bởi Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư số 20/2012/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2012 (gọi tắt là Luật Luật sư năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2012), quy định Cá nhân, tổ chức có quyền khiếu nại đối với quyết định, hành vi của Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Ban thường vụ Liên đoàn luật sư Việt Namcó thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi của Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư.

Trong trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Ban thường vụ Liên đoàn luật sư Việt Nam đối với việc Đoàn luật sư không đề nghị Bộ Tư pháp cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư, từ chối việc gia nhập Đoàn luật sư, cá nhân có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Thời hạn giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng Bộ Tư pháp là ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại.

Cá nhân, tổ chức có quyền khiếu nại đối với quyết định, hành vi của các cơ quan của Liên đoàn luật sư Việt Nam khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Ban thường vụ Liên đoàn luật sư Việt Nam có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi của các cơ quan của Liên đoàn luật sư Việt Nam.

Căn cứ theo Điều 88 của Luật Luật sư số 65/2006/QH11 ngày 29 tháng 6 năm 2006, được sửa đổi, bổ sung bởi Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư số 20/2012/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2012 (gọi tắt là Luật Luật sư năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2012), quy định trong trường hợp giữa khách hàng và luật sư, tổ chức hành nghề luật sư có tranh chấp liên quan đến hoạt động hành nghề luật sư thì Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư có trách nhiệm hoà giải tranh chấp đó.