Quan điểm, chính sách tôn giáo của đảng và nhà nước ta hiện nay.

TS. Nguyễn Xuân Hậu

Trường Chính trị tỉnh Kiên Giang

Tóm tắt:

Những nhận thức mới về tôn giáo và chính sách tôn giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay tiếp tục được bổ sung, phát triển trên cơ sở tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân; là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân và cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Với những quan điểm trọng yếu đó, đời sống tôn giáo ở Việt Nam ngày càng ổn định, đồng bào tôn giáo nêu cao ý thức chung trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước xã hội chủ nghĩa.

Từ khóa:Đổi mới nhận thức, tôn giáo, chính sách tôn giáo, Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trải qua 35 năm đổi mới đất nước, Đảng và Nhà nước ta vừa kế thừa, phát triển, bổ sung quan điểm về tôn giáo được xuất phát từ thực tiễn cách mạng Việt Nam, từ bối cảnh quốc tế và phát triển lý luận mácxít; quá trình đổi mới về quan điểm, nhận thức đối với tôn giáo, chính sách tôn giáo, công tác tôn giáo không ngừng hoàn thiện, đồng bào các tôn giáo là nguồn lực quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

1. Đổi mới nhận thực về tôn giáo và chính sách tôn giáo trong thời kỳ đổi mới ở nước ta

Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 16/10/1990 của Bộ Chính trị khoá VI về Tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới là dấu mốc mở đầu cho bước ngoặt phát triển nhận thức về tôn giáo. Nghị quyết này có hai luận điểm mang tính đột phá là: Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân và tôn giáo có những giá trị văn hoá, đạo đức phù hợp với chế độ mới. Nghị quyết này, đã nhìn nhận tôn giáo như một thực tại xã hội, là nhu cầu của một bộ phận quần chúng và hoàn toàn có thể đồng hành với Chủ nghĩa xã hội, là điều rất đặc biệt và biến chuyển lớn trong nhận thức về tôn giáo ở nước ta so với trước.

Tiếp sau Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 16/10/1990, tư duy đổi mới về tôn giáo của Đảng ta tiếp tục phát triển với các văn kiện như Chỉ thị 37-CT/TW ngày 2/7/1998 của Bộ Chính trị về công tác tôn giáo trong tình hình mới; Hội nghị TW 7 [Khoá IX], Nghị quyết 25 ngày 12/3/2003, vấn đề tôn giáo được đưa ra bàn bạc, quyết định ở cấp Ban Chấp hành Trung ương, trong khoảng thời gian từ năm 1990 đến năm 2003, đã có 13 văn kiện về các vấn đề tôn giáo [gồm 2 nghị quyết, 2 chỉ thị, 9 thông báo]. Từ đó, nhận thức về vấn đề tôn giáo của cán bộ, đảng viên và nhân dân đã có bước tiến khá dài, có nhiều quan điểm mới hơn đối với việc nhận thức về tôn giáo và công tác tôn giáo.

Nhận thức về tôn giáo được đổi mới, đã làm cho chính sách tôn giáo ở nước ta có sự chuyển biến lớn.Từ năm 1991, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản riêng về tôn giáo, tín ngưỡng. Trong đó, Nghị định số 59/HĐBT ngày 21/3/1991 của Hội đồng Bộ trưởng Quy định về các hoạt động tôn giáo, quy định nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về tôn giáo: Ban Tôn giáo của Chính phủ. Tiếp sau đã ban hành nhiều văn bản về chính sách tôn giáo như: Nghị định 26 ngày 19/4/1999 của Chính phủ Về các hoạt động tôn giáo; Quyết định số 125/2003 ngày 18/6/2003 của Thủ tướng Chính phủ Về việc phê duyệt chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị TW 7 [khoá IX về công tác tôn giáo],... Đặc biệt, tháng 7/2004, ban hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Nghị định của Chính phủ [3/2005] Hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo; sau đó là Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, số 2/2016/QH14, thông qua tại kỳ họp thứ 2 ngày 18 tháng 11 năm 2016 [Quốc hội khóa XIV] và được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/1/2018.

Các văn bản nói trên đã thể chế hoá các quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của quần chúng và quy định các hoạt động của các tổ chức tôn giáo được rõ ràng, cụ thể hơn bởi các quy định, nghị định, chỉ thị, thông tư và Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo. Sự đổi mới nhận thức tôn giáo và chính sách tôn giáo đã đem lại hiệu quả to lớn trong việc góp phần quyết định tạo ra sự ổn định, sinh hoạt tôn giáo ngày càng phát triển lành mạnh.

2. Đổi mới nhận thức về tôn giáo, chính sách tôn giáo ở nước ta trong tình hình mới hiện nay

Tiếp tục quá trình đổi mới nhận thức về tôn giáo, chính sách tôn giáo, Đảng và Nhà nước ta cũng đã có nhiều nhận thức mới về tôn giáo trong tình hình mới hiện nay. Cụ thể:

- Phương hướng đổi mới về tôn giáo, chính sách tôn giáo:Hoạt động tôn giáo và chính sách tôn giáo trong giai đoạn mới phải tăng cường đoàn kết đồng bào các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

- Xác định tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân tiến đến của mọi người:Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyên tự do, tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật của mọi người [1]. Các tôn giáo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, bình đẳng trước pháp luật.

- Thực hiện nhất quán chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc:Đoàn kết đồng bào theo các tôn giáo khác nhau; đoàn kết đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo. Giữ gìn và phát huy những giá trị tích cực của truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh những người có công với Tổ quốc và Nhân dân. Nghiêm cấm sự phân biệt đối xử với công dân vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời, nghiêm cấm lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động mê tín dị đoan, hoạt động trái pháp luật và chính sách của Nhà nước, kích động chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, gây rối, xâm phạm an ninh quốc gia.

- Nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng:Thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh là điểm tương đồng để gắn bó đồng bào các tôn giáo với sự nghiệp chung. Mọi công dân không phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo đều có quyền và nghĩa vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác vận động quần chúng phải động viên đồng bào nêu cao tinh thần yêu nước, ý thức bảo vệ độc lập và thống nhất của Tổ quốc; thông qua việc thực hiện tốt các chính sách kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, đảm bảo lợi ích vật chất và tinh thần của nhân dân, trong đó có đồng bào tôn giáo.

- Công tác tôn giáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị:Công tác tôn giáo có liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, các cấp, các ngành, các địa bàn. Làm tốt công tác tôn giáo là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo. Tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác tôn giáo có trách nhiệm trực tiếp, cần được củng cố và kiện toàn. Công tác quản lý nhà nước đối với tôn giáo và đấu tranh lợi dụng tôn giáo để chống đối chế độ chỉ thành công nếu làm tốt công tác vận động quần chúng. Quan điểm này đã khẳng định tính chất khách quan và quan trọng của công tác tôn giáo, đồng thời đòi hỏi mỗi tổ chức cấu thành hệ thống chính trị phải xác định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ, chức năng cụ thể của mình trong công tác tôn giáo.

- Vấn đề theo đạo và truyền đạo:Mọi tín đồ đều có quyền tự do hành đạo tại gia đình và cơ sở thờ tự hợp pháp theo quy định của pháp luật. Các tổ chức tôn giáo được Nhà nước thừa nhận được hoạt động theo pháp luật và được pháp luật bảo hộ, được hoạt động tôn giáo, mở trường đào tạo chức sắc, nhà tu hành, xuất bản kinh sách, giữ gìn, sửa chữa, xây dựng cơ sở thờ tự tôn giáo theo đúng quy định của pháp luật. Việc theo đạo, truyền đạo cũng như mọi hoạt động tôn giáo khác đều phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; không được lợi dụng tôn giáo tuyên truyền tà đạo, hoạt động mê tín dị đoan, không ép buộc người dân theo đạo. Nghiêm cấm các tổ chức truyền đạo, người truyền đạo và các cách thức truyền đạo trái phép, vi phạm các quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Qua các kỳ Đại hội từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII đến Đại hội XII, Đảng ta luôn khẳng định phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tôn giáo và thực hiện đại đoàn kết dân tộc. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, lần đầu tiên Đảng ta đề cập trực tiếp các nội dung về tôn giáo và công tác tôn giáo một cách toàn diện, có trọng điểm với dung lượng nhiều nhất so với các kỳ đại hội trước đó. Trong 10 văn bản trình bày ở 02 tập của văn kiện, có 04 văn bản đề cập trực tiếp các nội dung liên quan đến tôn giáo, trong đó nhấn mạnh: Phát huy các nhân tố tích cực, nhân văn trong các tôn giáo, tín ngưỡng. Phê phán và ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, mê tín, dị đoan; Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống tốt đời, đẹp đạo, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định của pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự phát triển đất nước. Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc [1]. Trên cơ sở nhận thức mới về tôn giáo, chính sách tôn giáo của Đảng ta, Nhà nước đã ban hành các chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ta có những điểm cơ bản sau:

Một là,tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người. Mọi người đều bình đẳng về nghĩa vụ và quyền lợi trước pháp luật, không phân biệt người theo đạo và không theo đạo, cũng như giữa các tôn giáo khác nhau. Điều 16, Hiến pháp năm 2013 ghi rõ: 1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. 2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo. 3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tôn giáo để vi phạm pháp luật.

Hai là,đoàn kết gắn bó đồng bào theo các tôn giáo và không theo tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân. Mọi cá nhân và tổ chức hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; có nghĩa vụ bảo vệ lợi ích của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; giữ gìn độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia.

Ba là,những hoạt động tôn giáo ích nước, lợi dân, phù hợp với nguyện vọng và lợi ích chính đáng, hợp pháp của tín đồ được đảm bảo, những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo được tôn trọng và khuyến khích phát huy.

Bốn là,mọi hành vi lợi dụng tôn giáo để làm mất trật tự an toàn xã hội, phương hại đến nền độc lập dân tộc, phá hoại chính sách đoàn kết toàn dân, chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, gây tổn hại các giá trị đạo đức, lối sống, văn hóa dân tộc, ngăn cản tín đồ, chức sắc các tôn giáo thực hiện nghĩa vụ công dân, đều bị xử lý theo pháp luật. Hoạt động mê tín dị phải bị phê phán, loại bỏ.

Quốc hội khóa XIV nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo văn bản pháp lý cao nhất ở Việt Nam thể hiện sự đổi mới nhận thức đối với tín ngưỡng, tôn giáo làm cơ sở trực tiếp cho công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo. Hiện nay, Nhà nước đã công nhận và cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo cho 43 tổ chức, thuộc 16 tôn giáo với hơn 27 triệu tín đồ, chiếm khoảng 28% dân số cả nước, trên 55.000 chức sắc, gần 150.000 chức việc, gần 30.000 cơ sở thờ tự [4]. 16 tôn giáo gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Hồi giáo, Tôn giáo BahaI, Tịnh độ Cư sỹ Phật hội, Cơ đốc Phục lâm, Phật giáo Tứ Ân Hiếu nghĩa, Minh Sư đạo, Minh lý đạo - Tam Tông Miếu, Bà-la-môn giáo, Mặc môn, Phật giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn, Bửu Sơn Kỳ Hương [6]. Điều đó khẳng định nhất quán quan điểm tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; bảo đảm nhu cầu theo tôn giáo và không theo tôn giáo của nhân dân. Công tác tôn giáo, chính sách tôn giáo ở Việt Nam có nhiều điểm đổi mới, tiến bộ và tích cực hơn. Đó cũng là yếu tố nhằm phát huy các nguồn lực của các tôn giáo trong mục tiêu chung của đất nước Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

Tài liệu tham khảo:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam,Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021

2. Ban Tôn giáo Chính phủ,Những văn bản của Đảng và Nhà nước đối với tôn giáo, Tài liệu lưu trữ, Hà Nội, 1998

3. Ban Tôn giáo Chính phủ,Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2017

4. Ban Tôn giáo Chính phủ,Công tác tôn giáo 2021, Nhà xuất bản Tôn giáo, Hà Nội, 2021

5. Nguyễn Hồng Dương,Tiếp tục đổi mới chính sách về tôn giáo ở Việt Nam, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2014

6. Bộ Nội vụ,Danh mục các tổ chức tôn giáo, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo tính đến tháng 12/2020[Kèm theo Công văn số 6955/BNV-TGCP ngày 28/12/2020 của Bộ Nội vụ

7. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014

8. Nguyễn Thanh Xuân,Tôn giáo và chính sách tôn giáo Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2015

Video liên quan

Chủ Đề