Phóng sự tài liệu là gì

"Phóng sự truyền hình - Phim tài liệu truyền hình" sẽ cung cấp đến các bạn lý thuyết về phim tài liệu truyền hình, trong đó trình bày về định nghĩa, chức năng, các thể loại của phim tài liệu cũng như cách sản xuất phim tài liệu truyền hình. Mời các bạn cùng tham khảo.

Nhà báo Vũ Quang: Nhà báo Dư Hồng Quảng, Đài Phát thanh và Truyền hình Phú Thọ có bài viết bàn về chi tiết trong phóng sự và phim tài liệu truyền hình với những phân tích khá sâu và những chi tiết khá hay trong các tác phẩm truyền hình. Tuy nhiên trong khuôn khổ bài viết tác giả chưa đề cập đến những chi tiết  trong tác phẩm truyền hình như: tiếng động hiện trường, âm thanh, lời bình, câu hỏi phỏng vấn… thậm chí là một kỹ sảo. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết ” Chi tiết trong tác phẩm phóng sự truyền hình” [Bài đã đăng Tạp chí Lý luận chính trị & truyền thông tháng 3/2014 và Tạp chí Văn nghệ đất Tổ ].  

Nhà báo Dư Hồng Quảng [ áo trắng đứng giữa]

Trong báo cáo gửi Trưởng Ban giám khảo phim phóng sự tại Liên hoan truyền hình toàn quốc [Vinh, Nghệ An- 2012], tôi có nêu vấn đề: người ta không thể ăn được “khái niệm hoa quả” mà chỉ có thể ăn được các loại quả cụ thể. Ớt cay, cam ngọt, chanh chua,… đó là hương vị của đời thực, dễ dàng cảm nhận được. Thế nhưng, có không ít nhà báo muốn ép khán giả phải nếm những ý tưởng to tát và trừu tượng. Tác phẩm của họ có thể chính xác về số liệu và đầy đủ về tư liệu nhưng thiếu đi một điều quan trọng nhất của phóng sự là phải hay. Phóng sự truyền hình hay bởi xây dựng bằng những chi tiết hay. Không có chi tiết hay đồng nghĩa với việc ép khán giả ăn các khái niệm trừu tượng, xơ cứng, nhạt nhẽo và vô vị.
Trong phạm vi bài viết này, thông qua việc cảm nhận một số chi tiết tiêu biểu trong tác phẩm báo chí, tác giả có chú trọng tìm hiểu chi tiết trong các tác phẩm phóng sự, tài liệu đạt Huy chương vàng tại Liên hoan truyền hình toàn quốc những năm gần đây để rút ra bài học nghề nghiệp với mong muốn góp phần chia sẻ kinh nghiệm nghiệp vụ cùng các đồng nghiệp.
1. Chi tiết là gì?
Ngay từ thời cổ đại, con người đã thông qua quan sát tỷ mỉ từng chi tiết để đoán định. Binh pháp Tôn Tử cho rằng “nhiều cây lay động tất có người; lùm cỏ có nhiều chướng ngại tất đáng ngờ; chim bỗng cất cánh bay tất có người mai phục” [Binh pháp Tôn Tử trong cuộc sống hiện đại, Nxb. Thanh Niên, H. 2012].
Trong cuộc sống thường ngày, có người nói một câu khiến ta nhớ suốt đời, nhưng có khi nghe vài tiếng đồng hồ truyền đạt, chẳng biết người trên diễn đàn đang nói gì. Bạn có thể xem rất nhiều rồi quên cũng rất nhiều. Nhưng có những chi tiết trong phim chỉ xem một lần là nhớ mãi. Chi tiết, đó là những cái mỏ neo diệu kỳ níu giữ tác phẩm trụ vững với mưa gió thời gian. Vậy chi tiết là gì? Theo Từ điển Tiếng Việt, chi tiết là phần rất nhỏ, điểm nhỏ trong nội dung của sự vật, hiện tượng. Trong đời sống sản xuất, ta gặp chi tiết máy móc. Trong bản tin thời sự hàng ngày hay có câu “sau đây là nội dung chi tiết”.
Trong lĩnh vực báo chí, theo GS,TS. Tạ Ngọc Tấn trong cuốn “Tác phẩm báo chí” [Nxb. Giáo dục, H. 1995] thì chi tiết là những bộ phận nhỏ nhất của sự kiện. Chi tiết có thể là một hành vi, lời nói, cử chỉ của con người hay một trạng thái cụ thể của hoàn cảnh diễn ra sự kiện. Thông qua chi tiết, nhà báo mô tả, phản ánh sự kiện. Chi tiết là một trong những yếu tố thuộc nội dung của tác phẩm báo chí [gồm sự kiện, chi tiết, đề tài, vấn đề, chính kiến, tư tưởng]. Chi tiết đóng vai trò rất quan trọng trong việc khẳng định, làm rõ tư tưởng, chủ đề của tác phẩm báo chí; là bằng chứng để công chúng tiếp nhận đặt niềm tin vào báo chí. Bởi vì chi tiết là cái khách quan đầu tiên để tạo thành khách quan chung của toàn bộ sự kiện.
Khách quan là đòi hỏi đặt ra đối với thông tin của báo chí hiện đại. Theo cuốn MediaNet handbook do Hội đồng Anh và Thông tấn xã Việt Nam phối hợp ấn hành năm 2005 thì nhiệm vụ của nhà báo là cung cấp thông tin cho khán giả chứ không phải “giáo dục” khán giả [inform the audience, not “educate” the audience]. Khán giả cần thông tin khách quan [objectivity], công bằng[fairness] và cân bằng[balance]. Là một phần của sự kiện khách quan, chi tiết có sức thuyết phục, tạo niềm tin cho người tiếp nhận thông tin [chi tiết khác hẳn với nhận định, chính kiến vốn bị chi phối bởi tình cảm, mục đích, thái độ, lập trường, quan điểm của nhà báo] và vì thế, biết lựa chọn và sử dụng chi tiết một cách tinh tế góp phần quan trọng tạo nên sự khác biệt, ghi dấu sự thành công của tác giả. Nhiều bạn đọc mến mộ các cây viết phóng sự Đỗ Doãn Hoàng, Huỳnh Dũng Nhân… bởi vẫn câu chuyện ấy, đề tài ấy, nhưng họ khác biệt với các nhà báo khác ở việc chọn lựa và sử dụng chi tiết đắc địa, khiến tác phẩm của họ “đóng đinh” vào tâm trí và tình cảm của độc giả. Ngay trong bản tin thời sự truyền hình VTV1 mỗi buổi tối hiện nay, trong bạt ngàn thông tin sự kiện, người xem vẫn nhớ nữ phóng viên trẻ Nguyễn Ngân với các chi tiết thú vị trong sêri phóng sự ngoài Trường Sa, với những câu chuyện đời thường cảm động như những mảnh đời vỉa hè hay 6 chị em học sinh người Hmông dựng lán dựng lều khát khao học chữ…
Theo TS. Hà Huy Phượng [Học viện Báo chí và Tuyên truyền], chi tiết là điểm tựa của sự kiện, là linh hồn của tác phẩm báo chí. Nó có khả năng gây ấn tượng trong lòng công chúng. Với các chi tiết được biểu đạt bằng hình ảnh, âm thanh, ký tự được chọn lựa và sắp đặt có chủ đích, nhà báo gửi gắm vào tác phẩm những ý đồ, tư tưởng, xúc cảm của mình. Theo đó, chi tiết chính là những nhịp cầu để người đọc cảm nhận thực tiễn đời sống như nó vốn có. Chi tiết rất phong phú, đa dạng. Mỗi sự kiện bao gồm nhiều chi tiết. Trong mỗi chi tiết lại có hàng loạt các chi tiết nhỏ; thậm chí có những chi tiết rất đặc biệt, gây ấn tượng mạnh cho người tiếp nhận.
Một trong những tác phẩm truyền hình có chi tiết đáng nhớ là phim phóng sự tài liệu “Mặn hơn muối ” của đạo diễn Chu Hòa. Đến nay tôi đã quên rất nhiều nhưng còn nhớ rõ chi tiết hình ảnh mồ hôi trên áo người làm muối. Dưới nắng hè chói chang, gió biển ào ạt, mồ hôi chưa kịp ướt đã se lại, kết đọng thành những vệt trắng loang lổ trên lưng áo diêm dân. Chi tiết ấy lặp lại nhiều lần. Phải chăng muối mặn còn vì có pha trộn trong đó mồ hôi nước mắt của người làm muối ? Ơn người làm ra hạt muối có thể sẽ sâu sắc hơn khi bạn xem lại phim “Mặn hơn muối ”, một phim có khá nhiều chi tiết đáng xem, xem rồi thì khó quên.

    Chi tiết cá phơi trên tàu của Cảnh sát biển Việt Nam- tháng 6- 2014 trên vùng biển Hoàng Sa                                                 

2. Thế nào là chi tiết hay ?
TS. Đỗ Chí Nghĩa [Học viện Báo chí và Tuyên truyền] cho rằng, chi tiết hay là chi tiết tiêu biểu, phục vụ chủ đề và lột tả bản chất vấn đề. Chi tiết hay phải được biểu đạt bằng ngôn từ phù hợp, dung dị, không đao to búa lớn và được đặt đúng bối cảnh. Đến đây, tôi nhớ lại cảnh một vùng quê làm ngói Hương Canh [Vĩnh Phúc] trong những năm 90. Ăng ten máy thu hình mọc san sát trên nền hình xám xịt của đất, của ngói, của bụi, của khói. Không hề có màu xanh cây lá. Những cây hồng xiêm, cây nhãn lá cháy khô vì khói lò gạch, lò ngói. Những hình ảnh đó được dẫn dắt bởi lời bình: “Ở vùng quê này, không cây gì mọc được ngoài cây ăng-ten”. Không cần phải là một học viên cao học, không cần phải là một phóng viên, chỉ là một bạn xem truyền hình bình thường, cũng có thể hiểu rằng, thời điểm đó, ở những vùng quê người đông, ruộng ít, chỉ nơi nào có làng nghề mới khá giả, dân mới có nhiều ti vi đến thế. Chi tiết này là tiêu biểu phục vụ chủ đề của phim. Ngày đó người ta chưa nói nhiều đến ô nhiễm môi trường làng nghề, nhưng vấn nạn ô nhiễm đã gióng lên hồi chuông cảnh báo. Theo phong tục xưa, người có công được thờ làm thành hoàng của làng. Từ những chi tiết sinh động, phim phóng sự này nêu ý tưởng độc đáo: ai giải quyết được mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế với ô nhiễm môi trường ở Hương Canh sẽ được tôn làm thành hoàng của làng. 20 năm qua, tôi chưa quên chi tiết nhỏ đó trong phim “Đi tìm thành hoàng” [Huy chương Vàng- Liên hoan truyền hình toàn quốc 1993]. Có lẽ sau 20 năm nữa, câu chuyện này vẫn sẽ còn thời sự.
Khi được giao làm phóng sự “Chuyện vỉa hè ”, tôi đã làm một cách hồn nhiên, chưa biết gì đến khái niệm chi tiết. Chuyện là cột điện vốn trồng ở mép đường, nhưng khi mở rộng đường lên gấp đôi, cột điện bỗng nhiên mọc giữa đường. Dự án đường nhựa không biết việc của dự án đường dây, và sự nhùng nhằng này kéo dài thêm tai nạn và những hệ lụy. Tình trạng này không chỉ riêng ở Tp. Việt Trì mà còn là chuyện ở một số địa phương. Chi tiết hàng cột điện chình ình giữa lòng đường được kèm lời bình “cột điện cao to là thế, ai cũng nhìn thấy, ngày nào cũng nhìn thấy mà còn khó giải quyết, huống chi những chuyện không nhìn thấy ?!”. Sau phóng sự thứ 7, đúng chiều 30 Tết thì hàng cột điện giữa lòng đường Trần Phú được nhổ bỏ. Để hưởng ứng chiến dịch ATGT, lãnh đạo Đài yêu cầu tôi biên tập loạt phóng sự dự thi toàn quốc đoạt Huy chương Vàng và được VTV chọn phát sóng.
Phim phóng sự và phim tài liệu có những điểm gần gũi nhau và sự thành công của chúng đều nhờ có những ý tưởng mới mẻ, sâu sắc, bút pháp đậm chất văn học và đặc biệt là những chi tiết đắt giá. Có thể nói, người khai sáng phim tài liệu cho tôi là NSND Trần Văn Thủy. Chỉ với vài buổi nói chuyện về nghề tại Đài PTTH Phú Thọ, vị đạo diễn có nghề này đã phân tích những chi tiết đắt của phim, bối cảnh ghi hình từng chi tiết, động viên anh em tôi dám một ngày thử sức làm phim tài liệu. Nói là dám thử làm, bởi Đài PTTH Phú Thọ đã từng làm nhiều cái gọi là “phim tài liệu”. Nhưng sau khi xem “Hà Nội trong mắt ai”, “Chuyện tử tế”, “Có một làng quê ”… của đạo diễn Trần Văn Thủy, chúng tôi sợ không dám gọi các tác phẩm của mình là “phim tài liệu” nữa. Bạn thử gõ từ khóa tìm kiếm trên Youtube sẽ cho thấy mỗi chi tiết trong những bộ phim rất cũ này vẫn còn tươi rói tình đời, tình người. “Chuyện tử tế” kể về thân phận người dân dưới đáy xã hội, nhưng họ lại là những người tử tế. Xem phim, khó quên chi tiết những bà mẹ già nháo nhác chui qua hàng rào ga Hàng Cỏ đối lập với cảnh chỗ khác có người xe đưa xe đón nhộn nhịp và tấp nập. Chi tiết đó kèm theo lời bình: chúng ta đối xử với nhân dân như thế hình như cũng chưa được tử tế thì phải ? Rồi chi tiết tiếng đàn ghi ta của nghệ sỹ mù Văn Vượng đoạn mở đầu, và nhất là cảnh kết thúc phim “Hà Nội trong mắt ai ”, chi tiết có sức gợi một cách ám ảnh làm người xem suy tư về số phận con người: không ít người có tài, có công thì số phận lại hẩm hiu. Ám ảnh của phim là thông điệp làm sao hậu thế không đi vào những vết xe đổ của quá khứ, để người hiền tài có thể gửi tâm huyết của mình “viết lên trời xanh” như ngọn tháp bút “tả thanh thiên” dựng hiên ngang bên hồ Hoàn Kiếm.
Đạo diễn Trần Văn Thủy cho rằng đúng và đủ là tiêu chí của các công trình nghiên cứu khoa học. Hấp dẫn là tiêu chí đầu tiên của phim truyền hình. Phim tài liệu muốn hấp dẫn, phải bằng chi tiết của đời thực đánh động vào thần kinh của xã hội đương đại, khiến người xem tự soi lại mình, rằng ta đang sống như thế nào, ta phải làm gì để có thể sống tốt hơn, lương thiện hơn, tử tế hơn. Con người vẫn khao khát về lẽ sống, về lẽ phải, chuyện trị nước, yên dân. Làm phim tài liệu không phải để nói bằng được những điều mình nghĩ, mà phải nói được những bức xúc của số đông, đụng chạm đến điều gì sâu thẳm của nỗi đau thân phận con người, khiến người ta suy nghĩ, ám ảnh. Ám ảnh làm nên hồn cốt phim tài liệu. Không có ám ảnh, không có phim tài liệu. Điều này không có gì to tát khi ta nhớ lại một chi tiết nhẹ nhàng mà thấm thía trong phim “Có một làng quê” của Trần Văn Thủy. Tác giả kể ngày nhỏ có chuyện gì không biết, lại hỏi một người vú nuôi gọi là thím Nhuận: “… Bà thuộc lòng những chuyện thơ dài hết đêm này đến đêm khác. Tôi buồn vui, khóc cười theo lời kể của thím. Rồi một hôm tôi hỏi thím:- “Đi hết làng ta thì đến làng nào hả thím” ? Thím trả lời “-Đi hết làng ta, thì đến làng An Lạc”. – “Đi hết làng An Lạc thì đến làng nào” ? “- Đi hết làng An Lạc thì đến làng An Nhân, rồi đến làng An Đạo”. – “Đi hết làng An Đạo thì đến làng nào” ? -”Đi hết làng An Đạo thì đến biển”. Tôi cảm phục khôn cùng vì sự hiểu biết rộng lớn của thím. Rồi tôi hỏi tiếp:- “Đi hết biển thì đến đâu” ? Thím im lặng. Từ khi có trí khôn, chưa bao giờ tôi thấy thím buồn đến thế. – “Đi hết biển đến đâu thì thím không biết ”. Thím tôi qua đời khi tôi ở nước ngoài. Bà không có con, phần mộ của bà thực là ảm đạm. Một lần, bên mộ thím, tôi nói với thím rằng: Thím ơi! Cháu thương thím vì đến lúc chết thím cũng không biết đi hết biển là đến đâu. Bây giờ cháu biết rồi thím ạ ! Nếu đi hết biển, qua các đại dương và các châu lục, đi mãi, đi mãi thì cuối cùng lại trở về quê mình, làng mình thím ạ. Cháu sẽ dành dụm để xây cho thím một ngôi mộ đàng hoàng. Thím cho phép cháu đề lên mộ chí mấy hàng như thế này: “Nơi đây yên nghỉ thím tôi, bà già nhà quê mù chữ, người thày đầu tiên của tôi “.
Chi tiết nhỏ trên đây có sức lay động vì nó có hàm lượng thông tin mới, tạo hứng thú bất ngờ. Bà già nhà quê mù chữ lại chính là người dạy dỗ, bồi đắp nhân cách như người thầy đầu đời của Nghệ sĩ Nhân dân Trần Văn Thủy. Trước khi xem đến chi tiết độc đáo để ở cuối đoạn này, cả một đoạn đối thoại trước đó gồm toàn những chi tiết bình thường [thậm chí là tẻ nhạt]. Nhưng sự bình thường ấy tôn lên cái khác thường, cái phi thường. Núi cao bởi có đất bồi. Chỉ có hòa mình với nhân dân, được nhân dân chắt chiu chăm sóc mới nảy nở nghệ thuật đích thực, nghệ thuật vì dân. Mấy lời thủ thỉ nhỏ bé của đạo diễn với bà vú nuôi của mình cũng là lời nhắn nhủ, mong muốn về một thái độ, một sự tri ân nhân dân của những người có học, có quyền, giàu có và sang trọng. Đây là thủ pháp giấu chi tiết hay để cuối cùng tạo bùng nổ trong nhận thức, tình cảm.

Chi tiết Chơi bóng bàn trên tàu Cảnh sát biển Việt Nam tại vùng biển Hoàng Sa [ Ảnh của phóng viên CNN Euan McKirdy]

Lý thuyết thì nhiều lắm, nhưng hãy cố gắng nhìn cuộc sống bằng con mắt của đời thường, đó là một bài học làm phim đạo diễn Trần Văn Thủy chia sẻ với chúng tôi. Trước khi muốn làm cái gì to tát, hãy làm tốt những việc nhỏ. Trước khi răn dạy người ta thành ông nọ bà kia, trước hết phải dạy được họ cách làm người bình thường, người tử tế. Đó là một chi tiết trong bộ phim tài liệu kinh điển “Chuyện tử tế ”. Sau này, chương trình “Những gương mặt đời thường” của Đài Phát thanh và Tuyền hình Phú Thọ đã ra đời từ ý tưởng này. Rồi đến phim tài liệu “Thêm một ” chúng tôi cũng mở đầu bằng hình ảnh người nhặt rác chợ Việt Trì, bàn tay lấm lem cầm điện thoại di động. Cách đây mươi năm, di động còn là hàng xa xỉ. Cũng như chiếc xe máy trị giá bằng cả một tòa nhà. Vậy mà nông dân Phú Thọ bây giờ nhiều người đi làm đồng bằng xe máy, người nhặt rác cũng dùng điện thoại di động. Vì sao được như vậy, vì có cạnh tranh. Vì sao đến nay, điện lực và xăng dầu và một số lĩnh vực nữa vẫn còn biểu hiện độc quyền, từ các chi tiết của đời sống thường nhật, bộ phim dần dần lý giải rồi khái quát vấn đề, tạo bất ngờ lý thú cho người xem.

3. Chi tiết trong một số phóng sự đoạt giải Huy chương Vàng, Liên hoan truyền hình toàn quốc
Ba năm liên tục tham gia làm Giám khảo phóng sự Liên hoan Truyền hình toàn quốc tại Đà Nẵng [2011], Vinh [2012] và Giám khảo bình chọn phóng sự thời sự tại Đài Truyền hình Việt Nam [2013], tôi đã học thêm được cách sử dụng chi tiết tài tình của đồng nghiệp từ các đài trong toàn quốc. Đài PTTH Cần Thơ với phóng sự “Cò ơi! ” đã có chi tiết rất đắt khi đối lập cảnh những cánh cò chao nghiêng thơ mộng với cảnh chặt cổ cò chan chát tại các quán nhậu thịt cò. Đài PTTH Yên Bái kể chuyện đồng bào tin tưởng cán bộ dự án giảm nghèo, trong khi “Đợi trâu 30A”, họ đã vay tiền làm chuồng trại, vay tiền trồng cỏ. Lãi đến hạn phải trả mà trâu của dự án 30A chẳng thấy đâu. Cuối cùng, những người dân với khát vọng thoát nghèo, thật thà tin vào dự án tốt đẹp đã phải trốn vào rừng để trốn nợ. Trước câu hỏi của phóng viên về trách nhiệm của chính quyền, vị Phó chủ tịch huyện đã cười thành tiếng, thản nhiên, vô cảm. Nỗi khốn quẫn của dân hình như không có chút lay động nào đến đầu dây thần kinh của vị “đày tớ của nhân dân” này. Đang yên ổn bỗng trở thành con nợ, đôi mắt đờ đẫn vô hồn của anh nông dân vùng cao nhìn lên bầu trời chiều đầy mây khiến người xem không thể không suy nghĩ. Đó là chi tiết ám ảnh !
Nếu ở vùng cao Yên Bái là chuyện “nghèo thật” thì ở khúc ruột Miền Trung lại có chuyện “giàu ảo” cười ra nước mắt. Mở đầu phóng sự “Tiền tỷ ở non cao” của Đài PTTH Quảng Ngãi là chi tiết bàn chân đất của một người đàn ông đạp côn xe ô tô. Thu nhập chỉ vài trăm nghìn một tháng, nên xe hết xăng không nổ máy được. Tiền mua xe, hóa ra là do nhà nước đền bù thu hồi đất làm thủy điện. Trong buôn làng, nhiều nhà bỗng nhiên có trong tay hàng trăm triệu, nhưng không còn ruộng, không còn rẫy, chỉ biết ăn chơi. Trong phòng hát karaoke thấy những khuôn mặt trai làng đỏ gay vì rượu, lại có bà mẹ già răng đen địu con gân cổ hát theo nhạc mới xập xình. Những đồng tiền cuối cùng đang được đồng bào sử dụng theo cách ấy. Những gia đình đã tiêu hết tiền đền bù thì lâm vào khốn cùng, lần lượt gia nhập đội ngũ tái nghèo. Đoạn cuối phóng sự là cảnh già trẻ chia nhau từng mẩu sắn độn vì gạo đã cạn. Cái nghèo lần này sợ hơn trước bởi người dân không có mái nhà, không có ruộng rẫy, không công cụ sản xuất và “tiền tỷ” cũng đã không còn ở lại với “non cao”. Từ những chi tiết sinh động ấy, phóng sự “Tiền tỷ ở non cao” lên án việc làm thiếu trách nhiệm của cán bộ dự án đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

Chi tiết gà tươi, thực phẩm trên tàu của cảnh sát biển Việt Nam tại vùng biển Hoàng sa [Ảnh của phóng viên CNN Euan McKirdy] 

Chủ Đề