Nuôi gì năm 2023

Khó khăn vì COVID-19

2021 vẫn tiếp tục là một năm khó với ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam khi dịch bệnh COVID-19 có dấu hiệu bùng phát trở lại tại nhiều vùng chăn nuôi gia cầm như Bắc Giang, Hải Dương… Nhiều nơi cho học sinh nghỉ học sớm. Một số nhà máy có công nhân nhiễm COVID-19 khiến sản xuất cầm chừng. Việc tiêu thụ sản phẩm gia cầm được dự tính sẽ thuận lợi vào khoảng từ tháng 5/2021 nhưng đột ngột ảnh hưởng và có thể để lại nhiều hệ lụy khó khăn cho người nuôi. Trong khi đó, do giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi trên thị trường thế giới tăng cao, nên giá đầu vào trong nước cũng tăng đột biến.

Tại thủ phủ chăn nuôi Ðồng Nai, khoảng nửa năm trở lại đây, giá các loại thức ăn chăn nuôi tăng 3 - 5 lần, có loại tăng 6 - 7 lần so trước đó.

Lãnh đạo Cục Chăn nuôi cho biết, trong tháng 4/2021, giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng 2,7 - 3,3% so quý I/2021, lên mức 10.995 đồng/kg đối với thức ăn cho gà thịt lông trắng. Dự báo, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm sẽ tăng đến ngưỡng 20%. Trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh thì giá bán gia cầm lại rất thấp. Giá gà thịt lông màu ngắn ngày hiện chỉ đạt mức giá trung bình 31.000 đồng/kg, gà thịt 21.800 - 25.000 đồng/kg. Tiêu thụ sản phẩm gà khó khăn dẫn tới người chăn nuôi có dấu hiệu “tạm ngưng” tăng đàn. Lượng sản xuất tiêu thụ con giống trong quý I/2021 giảm 50% so quý IV/2020.

Việc khống chế dịch bệnh COVID-19 có ý nghĩa quan trọng tới tâm lý người nuôi. Cục Chăn nuôi cho biết, trong quý I/2021, giá gà giống nhóm gà thịt lông màu tại miền Bắc và miền Trung giảm 12 - 20% so quý IV/2020, nhưng tại thị trường miền Nam giá vẫn tăng 21 - 40%.  Rõ ràng, ảnh hưởng dịch COVID-19 xảy ra ở một số tỉnh thành miền Bắc, nhất là tại Hải Dương hồi đầu năm đã tác động tới giá cả gia cầm.

Bài toán đầu ra

Việc ngành chăn nuôi gia cầm ảnh hưởng vì COVID-19 là điều có thể khẳng định, song công bằng mà nói thì dịch bệnh thế kỷ tác động tới mọi ngành kinh tế, mọi sản phẩm chăn nuôi chứ không riêng gì ngành gia cầm. Trong khi ngành thủy sản hay chăn nuôi heo vẫn tiếp tục phát triển cả quy mô lẫn sản lượng và giá cả thì ngành chăn nuôi gia cầm lại gặp khó về đầu ra. Nhiều chuyên gia cho rằng, ngành chăn nuôi đang phát triển quá nhanh và rất dễ tổn thương khi “cung vượt cầu”. 

Năm 2010, tổng đàn gia cầm là 100 triệu con, đến năm 2020 đã tăng lên đến 530 triệu con. Sản lượng thịt gia cầm từ 600.000 tấn đã tăng lên 1,4 triệu tấn. Sản lượng trứng cũng tăng từ 6 tỷ quả lên đến trên 14 tỷ quả. Ngành gia cầm thu hút được vốn đầu tư, nhân lực, tạo ra sản phẩm chất lượng, song dường như một số doanh nghiệp, một số vùng chăn nuôi đã không tính đến sự “bão hòa” trên thị trường.

Ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam hiện chủ yếu tiêu thụ nội địa. Mặc dù tiêu thụ sản phẩm gia cầm tăng theo đầu người, nhưng dân số Việt Nam lại tăng không đáng kể. Theo phân tích của Tổng cục Thống kê, trong vòng 30 năm qua, mức sinh của Việt Nam đã giảm gần một nửa. Tổng tỷ suất sinh [TFR] giảm từ 3,80 con/phụ nữ vào năm 1989 xuống còn 2,09 con/phụ nữ vào năm 2019. Tổng điều tra cũng cho thấy, dân số Việt Nam đang già hóa với tốc độ nhanh chưa từng thấy. Cả nước có 11,4 triệu người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên, chiếm 11,86% tổng dân số, và chỉ số già hóa tăng từ 35,9% vào năm 2009 lên 48,8% vào năm 2019. Việc phát triển ngành chăn nuôi gia cầm sẽ cần phải được tính toán khoa học về đầu ra.

Với việc sản lượng gia cầm của Việt Nam nằm trong top 10 thế giới, đồng thời với việc mở cửa thị trường, sản phẩm gia cầm nhập khẩu ồ ạt cũng khiến cho tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa gặp muôn vàn khó khăn. Hiện, có khoảng 2.000 công ty của 24 quốc gia và vùng lãnh thổ được công nhận đủ điều kiện xuất khẩu thịt và sản phẩm động vật vào Việt Nam. Trong đó, Mỹ có 479 công ty, Pháp 172, Nhật Bản 152, Australia 130, Italy 121 và Brazil 86 công ty…

Ðột phá xuất khẩu

Cùng với duy trì thị trường trong nước, các doanh nghiệp chăn nuôi gia cầm Việt Nam cũng đang tìm kiếm cơ hội để mở rộng tại thị trường nước ngoài. Xuất khẩu gà vốn là điểm mạnh của khu vực Ðông Nam Á. Xuất khẩu thịt gà chế biến, thịt gà mát và thịt gà đông lạnh của Thái Lan năm 2020 đạt 945.000 tấn, trị giá 3,5 tỷ USD. Dự báo xuất khẩu thịt gà của Thái Lan năm 2021 sẽ tăng 1%. Châu Âu là một trong những thị trường quan trọng của Thái Lan.

Trong vài năm gần đây, nhiều doanh nghiệp và các nhà đầu tư đã đổ một nguồn vốn lớn vào vùng nuôi và công nghệ chế biến gà để đón đầu hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và châu Âu. Mới đây, Công ty Bel Gà khánh thành Nhà máy ấp trứng với vốn đầu tư 200 tỷ đồng để phục vụ xuất khẩu sang châu Âu. Theo đánh giá của các chuyên gia châu Âu, giá thành nuôi gà của Việt Nam hiện ngang bằng với Thái Lan và một số nơi giá thành thấp hơn Thái Lan, mở ra triển vọng xuất khẩu từ Việt Nam vào châu Âu.

Với khoảng 500 triệu dân đang có nhu cầu lớn về sử dụng thịt gà, với lộ trình thuế nhập khẩu giảm về 0%, không bị áp quota theo Hiệp định FTA Việt Nam - EU, Việt Nam có nhiều cơ hội để xuất khẩu sản phẩm gà chế biến sẵn sang thị trường này. Hiện, có 3 nước xuất khẩu thịt gà vào thị trường EU là Brazil, Thái Lan và Ukraine.

Tháng 12/2020, Tổ hợp nhà máy CPV FOOD Bình Phước [Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam] được khánh thành và đi vào hoạt động giai đoạn 1. Với tổng vốn đầu tư lên đến 250 triệu USD, công suất giai đoạn 1 là 50 triệu con gà/năm và đến năm 2023 nâng lên 100 triệu con gà/năm, đây là tổ hợp chăn nuôi chế biến thịt gà xuất khẩu lớn nhất Ðông Nam Á tính đến thời điểm hiện tại. CPV FOOD tính toán thị trường chủ lực là Nhật Bản, dự kiến chiếm 45% lượng thịt gà xuất khẩu của công ty; Châu Âu 35%; Châu Á 10%; Trung Ðông 10%.

Các chuyên gia cho rằng, những khó khăn của ngành gia cầm Việt Nam chỉ là tạm thời, với tiềm lực sản lượng chăn nuôi thủy cầm đứng thứ 2 thế giới, chăn nuôi gà đứng thứ 10 thế giới, cùng với việc huy động vốn đầu tư từ các công ty chăn nuôi gia cầm hàng đầu thế giới, việc xuất khẩu sản phẩm gia cầm của Việt Nam sẽ có những bước đột phá trong thời gian tới.

>> Nguyên Quyền Cục trưởng Cục Chăn Nguyễn Xuân Dương cho rằng: “Thời gian tới, để bảo đảm việc phát triển đàn gia cầm bền vững, cần rà soát lại quy mô đàn, tránh tình trạng mất cân đối cung cầu ảnh hưởng đến thị trường, giá sản phẩm và thu nhập của người chăn nuôi. Hiện nay quy mô đàn gia cầm quá lớn, có thể giữ ở mức như năm 2020 nhưng chú trọng tăng năng suất và chất lượng”.

Nguyễn Anh

Chủ Đề