Một mâm cỗ bao nhiêu người?

Trước hết, chủ trương trên hoàn toàn đúng đắn khi thực tế, chuyện tiệc cưới đã thành nỗi khổ sở của cả khách mời lẫn gia chủ. Phía gia chủ mời người này không mời người khác cũng dễ sinh chuyện hiểu lầm về tình cảm, mối quan hệ và lo nhất là chuyện thừa thiếu cỗ. Phía khách mời thì từ lâu, chuyện đi dự cưới đã thành nỗi kinh hoàng với những khái niệm như “cơm bụi giá cao”, “nhận phiếu bé ngoan”, “trát đòi nợ”... Về kinh tế, trừ những đám cưới con ông cháu cha nhân việc cưới để đút lót, lấy lòng còn thì cả bên mời, bên dự đều “méo mặt” cả chỉ có cơ sở tổ chức tiệc cưới đứng giữa tha hồ chặt chém. Có thể nói chuyện cưới và tiệc cưới bây giờ không những không mang nếp sống văn minh mà thậm chí còn như một dạng tệ nạn.

Thay đổi một quan niệm cưới xin không lành mạnh là cần thiết, thế nhưng quy định quá cụ thể lại là điều bất cập. Căn cứ vào đâu để đưa ra con số 300 khách mời và 50 mâm khi chuyện mời cưới là chuyện của những mối quan hệ. Thực tế đời sống có gia đình có mối quan hệ rộng, hẹp, bạn bè nhiều ít khác nhau và con số mâm quy định trên là sự cào bằng mang tính áp đặt, duy lý. Không lẽ mọi cơ sở phục vụ cưới chỉ phục vụ 50 mâm, hợp đồng quá 50 mâm sẽ bị phạt? Rồi chuyện lách quy định liệu có xảy ra khi một “mâm” không phải 6 người mà là 10, 12, 15 thậm chí 20 người? Và những gia đình không đủ khách, không có điều kiện mời cho đủ 50 mâm liệu có phải cố cho đủ?

 Nếp sống văn minh trong việc tổ chức đám cưới thể hiện ở thái độ và quan niệm về đám cưới hiện nay.

Dùng biện pháp hành chính với con số cụ thể áp đặt để thay đổi một thói quen, quan niệm dù là không lành mạnh cũng là biện pháp thiếu tính khả thi. Thiết nghĩ, chủ trương trên cần bỏ số người cụ thể nhưng vận động quyết liệt bằng cách đưa về từng tổ khối phố, từng cơ quan thảo luận chuyện cưới xin hiện nay để thay vì chỉ thị là một dạng “hương ước” nội bộ mang tính tự nguyện xuất hiện.

 

Nội dung tuyên truyền, trên báo chí và thảo luận nên tập trung vào vấn đề “không mời cưới đại trà” kiểu như ở cơ quan thì mời theo danh sách sổ lương; thôn xóm, tổ dân phố cũng phải mời cho đủ mọi nhà! Biết đâu đám cưới tổ dân phố, làng xã ngoại thành chỉ 2, 3 chục mâm thôi thì sao và đám cưới ở khu vực cơ quan có khi chỉ 4 chục mâm. Thực tế hiện nay người mời cũng khổ và người được mời cũng chẳng vui vẻ gì khi một tuần, một tháng nhận vài ba thiệp cưới thì cuộc “vận động quyết liệt” sẽ thành cái cớ để người mời mời ít đi và người nhận thiệp có thể không đến mà không phải nêu ra muôn vàn lý do “con ốm, chồng vắng”, “bà cô bị thương”, “ở quê có việc đột xuất”...

Chuyện cưới ở đâu cũng chả nên quy định rõ như “không tổ chức cưới ở khách sạn 5 sao, khu du lịch cao cấp”. Gia chủ đám cưới biết phải cưới ở đâu hơn ai hết khi căn cứ vào khả năng tài chính của mình cũng như nhìn thấy khả năng tới dự của khách mời để chọn địa điểm. Không lẽ ông chủ khách sạn 5 sao, khu du lịch cao cấp khi tổ chức cưới cho con cháu mình phải thuê địa điểm khác để tổ chức tiệc cưới?

Chuyện “quà mừng” đám cưới mới là nỗi khổ tâm hiện nay của toàn xã hội. Xưa, khách mời mừng quà vật chất như chậu, khăn mặt, phích nước... nay mừng “phong bì” tiện gọn hơn rất nhiều. Nhưng “phong bì” bỗng thành thứ trả nợ thậm chí thành hối lộ. Phong bì cũng thành nạn khi có thể “trốn dự cưới” nhưng người được mời vẫn phải “gửi quà mừng” với giá trị mỏng hơn.

 

Nếu như có cuộc vận động để mọi thiếp cưới có thêm câu “gia đình chúng tôi xin từ chối quà, tiền mừng” và mọi đám cưới không có cái hộp trái tim đựng phong bì chắc chắn việc tổ chức đám cưới như hiện nay sẽ thay đổi hẳn, chả cần Thành ủy Hà Nội phải ra dự thảo chỉ thị cưới ở đâu, bao nhiêu mâm! Tất nhiên, người thực sự thân thiết, hay gặp gỡ thường xuyên sẽ có quà mừng tại nhà, tận tay có ý nghĩa hơn còn người “sơ sơ” chắc không thể thêm một lần đến nhà để mừng cưới là lý do sẽ giảm số khách mời có tính phô trương như hiện nay.

Nếp sống văn minh trong việc tổ chức đám cưới không hẳn nằm ở số người được mời, địa điểm tổ chức mà quan trọng hơn là THÁI ĐỘ, QUAN NIỆM về một đám cưới hiện nay trong tâm lý cộng đồng. Giải quyết về nhận thức mới là cách giải quyết tận gốc thay vì chỉ thị, quy định có tính hành chính, áp đặt bởi phản xạ chung có tính đám đông là “càng cấm càng cứ”!

Bên cạnh việc vận động quyết liệt, sâu rộng việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc tổ chức đám cưới, thiết nghĩ Thành phố Hà Nội, đặc biệt là Đoàn thanh niên cũng nên tìm tòi, sáng tạo và tổ chức ra những hình thức cưới giản dị, tiết kiệm, lành mạnh, có ý nghĩa để các bạn trẻ tham gia.

Khi đã có một quan niệm đúng đắn trong xã hội về đám cưới thì mọi việc như lợi dụng đám cưới để “gặt hái”, phô trương, xa hoa lãng phí sẽ trở thành lạc lõng và người dân hiểu và đánh giá từng đám cưới chính xác hơn ai hết.           

Chủ Đề