Luật bình đẳng giới 2023

Thứ ba - 26/04/2022 10:31

Sáng 25/4, tại tỉnh Hà Nam, Ủy ban Xã hội đã tổ chức Hội thảo khu vực phía Bắc về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy chủ trì hội thảo.


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy phát biểu khai mạc hội thảo

Tham dự hội thảo có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam Phạm Hùng Thắng, thành viên Ủy ban Xã hội, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố phía Bắc và đại diện các bộ, ngành, hiệp hội, chuyên gia trong và ngoài nước.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy nhấn mạnh, bình đẳng giới là quyền con người cơ bản, vừa là mục tiêu quốc gia vừa là yếu tố góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và là thước đo quan trọng để đánh giá sự tiến bộ và phát triển của xã hội. Đây cũng là một trong 17 mục tiêu phát triển bền vững, nếu không đạt được các chỉ tiêu về bình đẳng giới, Việt Nam sẽ không thực hiện được các mục tiêu phát triển bền vững đã cam kết vào năm 2030.

Các đại biểu tham dự hội thảo

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, hơn 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới, Việt Nam đã được nhiều tiến bộ liên quan tới bình đẳng giới. Báo cáo về Bình đẳng giới ở Việt Nam năm 2021 cho thấy, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 – 2030 đã đề ra các mục tiêu khả thi, trong đó có các mục tiêu mới như: giảm tỷ lệ sinh ở tuổi vị thành niên, tăng sự tham gia của phụ nữ trong giáo dục dạy nghề, tăng mục tiêu giáo dục cho trẻ em trai và trẻ em gái dân tộc thiểu số cũng như các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng thiểu số tính dục [LGBT] được đánh giá là rất phù hợp và tiến bộ. Số lượng các văn bản quy phạm pháp luật được tiến hành thẩm tra lồng ghép giới đã tăng lên theo các nhiệm kỳ Quốc hội. Trong đó, riêng nhiệm kỳ Khóa XIV là 56 luật và 1 pháp lệnh; trong 2 kỳ họp đầu tiên của Quốc hội Khóa XV là 6 luật. Chất lượng lồng ghép giới trong các văn bản pháp luật cũng ngày càng cao hơn, bảo đảm tính khả thi, làm rõ trách nhiệm và nguồn lực,… thể hiện qua việc không chỉ bổ sung các quy định mang tính nguyên tắc chung mà nhiều luật đã quy định các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới.

TS. Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, cho biết, nhìn chung phụ nữ Việt Nam được hưởng bình đẳng theo luật pháp, tham gia lực lượng lao động và tiếp cận các cơ hội kinh tế với tỷ lệ tương đối cao, sức khỏe và giáo dục ngày càng được cải thiện. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội ở Việt Nam là 30,26% trong khi đó trung bình toàn cầu là 25,5% [tính đến ngày 1.6.2021]. Tuy nhiên, TS. Khuất Thu Hồng nhấn mạnh, việc thu hẹp khoảng cách giới giờ đây phải vượt ra ngoài các chỉ tiêu cơ bản để giải quyết các rào cản và định kiến đang ngăn cản sự tiến bộ của phụ nữ. Xếp hạng toàn cầu của Việt Nam ở hai chỉ số giới cho thấy bình đẳng giới ở nước ta không được cải thiện, thậm chí đi xuống ở một số lĩnh vực. Nguyên nhân chính là do chiến lược phát triển vĩ mô chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của bình đẳng giới. Thúc đẩy bình đẳng giới chưa thực sự được coi là vấn đề ưu tiên của tất cả các bộ, ngành mà vẫn coi đó là trách nhiệm của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; đồng thời, cũng chưa có sự đầu tư đúng mực cho các nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới.

Quang cảnh hội thảo

Nhằm tăng cường thực hiện các cam kết về bình đẳng giới, tại hội thảo, các đại biểu khuyến nghị, trước hết, cần huy động và mở rộng đầy đủ nguồn tài chính công để thực hiện tất cả các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 – 2030, cùng với việc ban hành các cơ chế cụ thể như lập ngân sách có trách nhiệm giới để bảo đảm phân bổ nguồn lực đầy đủ, đi đôi với công tác thực thi pháp luật, thực hiện và giám sát các chính sách và chương trình. Bên cạnh đó, thu hẹp khoảng cách trong số liệu thống kê về giới, bao gồm việc phân tách dữ liệu theo giới tính, độ tuổi, dân tộc và tình trạng khuyết tật. Các đại biểu cũng cho rằng, cần tận dụng cơ hội sửa đổi các Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bảo hiểm xã hội để giải quyết khoảng cách giới và các lĩnh vực cần tiếp tục cải cách để bình đẳng giới thực chất và bền vững hơn nữa trong thời gian tới. 

[Theo Báo Đại biểu Nhân dân]

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

  • Đang truy cập2
  • Hôm nay16
  • Tháng hiện tại17,411
  • Tổng lượt truy cập256,169

Chủ Đề