Lãnh đạo thanh hóa tập trung chống lũ lụt

Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, địa phương có hệ thống đê điều lớn, toàn tỉnh có 1.008 km đê sông, đê biển, trong đó đê từ cấp III đến cấp I dài 315 km, đê dưới cấp III dài 693 km. Toàn bộ hệ thống đê bảo vệ cho 17 huyện, thị, thành phố với 450 xã, trong đó có 296 xã có đê đi qua.

Do lịch sử hình thành, tôn tạo và phát triển hệ thống đê điều gắn liền với quá trình hình thành phát triển của đất nước nên chất lượng đê cũng tồn tại nhiều vấn đề chưa đảm bảo cho công tác phòng chống lũ: Nhiều đoạn đê được đắp trên nền đất yếu sình lầy, thân đê được đắp bằng nhiều loại đất không đồng chất, địa chất thân và nền đê yếu, nhiều đoạn đê cao trên 5 m nên khi có mưa lũ dễ xảy ra sạt trượt; trong thân đê cũng ẩn chứa nhiều ẩn họa như tổ mối, hang cầy cáo,... Trong những năm gần đây, được sự quan tâm của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh đầu tư kinh phí tu bổ, nâng cấp hệ thống đê điều nhưng vẫn chưa đáp ứng được so với yêu cầu thực tế; hiện còn nhiều đoạn đê kè yếu ách cần được tu bổ, nâng cấp để đảm bảo yêu cầu phòng chống lụt bão.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, hàng năm các cấp, các ngành đã tích cực tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc công tác chuẩn bị phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”, cụ thể: trước mùa mưa lũ hàng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình đê điều trước lũ. Qua kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình, Sở đã có văn bản đề nghị các địa phương tổ chức huy động lực lượng, vật tư xử lý các đoạn đê, kè, cống yếu ách; xác định các vị trí xung yếu để xây dựng, phê duyệt phương án bảo vệ trọng điểm và triển khai công tác chuẩn bị “4 tại chỗ” theo phương án được duyệt. Năm 2017, đã xây dựng 33 phương án bảo vệ trọng điểm xung yếu về đê điều, gồm 1 trọng điểm loại I, 15 trọng điểm loại II và 17 trọng điểm loại III.

Về bộ máy chỉ huy, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn từ tỉnh đến huyện, xã và các cụm, các trọng điểm được kiện toàn; phân giao nhiệm vụ, quy định trách nhiệm cụ thể cho từng bộ phận, từng thành viên.

Về chuẩn bị vật tư dự trữ, ngoài vật tư dự trữ của nhà nước trên địa bàn, trước mùa mưa lũ hàng năm, UBND các huyện, thị xã, thành phố có đê đã tổ chức kiểm kê, phân loại số lượng vật tư dự trữ Phòng chống lụt bão hiện có, đồng thời căn cứ chỉ tiêu giao vật tư của tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố đã giao chỉ tiêu chuẩn bị bổ sung vật tư dự trữ phòng chống lụt bão cho các xã, phường, thị trấn.

Về tổ chức tập huấn cho lực lượng canh đê, xung kích, các huyện có đê đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ xử lý đê giờ đầu cho lực lượng canh đê, xung kích với số lượng khoảng 5.000 người/năm [chủ yếu là lực lượng nòng cốt] để lực lượng này về tiếp tục hướng dẫn, nhân rộng cho lực lượng ở cơ sở.

Về phương án huy động lực lượng, ngoài lực lượng của các địa phương, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã ký kết hiệp đồng với các đơn vị của Bộ Quốc phòng và Quân khu đóng quân trên địa bàn tỉnh sẵn sàng tham gia công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Các ngành Công an, Biên phòng đã có kế hoạch huy động lực lượng của ngành tham gia công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Về phương án huy động phương tiện, ngoài phương tiện của các địa phương, Sở Giao thông vận tải đã có phương án bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện ứng cứu khi cầu, đường có sự cố hư hỏng để đảm bảo thông suốt các tuyến giao thông chính, quan trọng; có phương án huy động phương tiện, thiết bị của các đơn vị vận tải đường thủy, các Công ty cổ phần vận tải ô tô, vận tải hành khách sẵn sàng tham gia công tác phòng, chống thiên tai khi có yêu cầu của tỉnh.

Về phương án đảm bảo hậu cần, đối với các vùng thường xuyên bị chia cắt khi có mưa lũ, tỉnh yêu cầu cấp huyện phải chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nước uống đảm bảo đủ cứu trợ trong thời gian 5 ngày; cấp xã đảm bảo đủ trong thời gian 3 ngày; các hộ đảm bảo đủ trong 3 ngày. Ngoài ra, Sở Công thương đã dự trữ về lương thực và một số mặt hàng thiết yếu khác phục vụ cho nhân dân các huyện miền núi và các vùng thường xảy ra thiên tai bão, lụt trong mùa mưa bão.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão yêu cầu lực lượng quản lý đê thường xuyên bám tuyến, bám địa bàn được phân công, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm. Tất cả các vụ vi phạm xảy ra đều được lực lượng quản lý đê phát hiện ngay từ khi mới phát sinh, phối hợp cùng chính quyền địa phương kiên trì vận động, thuyết phục các hộ vi phạm tự giác tháo dỡ, giải toả, hoàn trả nguyên trạng cho công trình đê điều. Trường hợp những vụ vi phạm kéo dài, quy mô lớn thì báo cáo và tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo giải quyết. Đối với các trường hợp phức tạp, huyện, xã không tự giải quyết được, một mặt phân công lãnh đạo phụ trách địa bàn trực tiếp xuống phối hợp với các huyện kiểm tra bàn biện pháp xử lý, mặt khác tham mưu cho ngành, cho tỉnh chỉ đạo xử lý. Vì vậy, tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều đã được hạn chế đáng kể, những vụ việc nghiêm trọng có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn đê điều ít xảy ra và khi xảy ra được tập trung ngăn chặn xử lý dứt điểm.

Hàng năm, các cấp, các ngành đều tổ chức thực hiện nghiêm túc, chu đáo công tác chuẩn bị phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”, đặc biệt là chuẩn bị vật tư dự trữ Phòng chống lụt bão nên hầu hết các sự cố đê điều đều được phát hiện kịp thời và xử lý ngay từ giờ đầu đảm bảo an toàn cho công trình đê điều.

Từ thực tiễn công tác ứng phó, đảm bảo an toàn đê điều trong những năm qua, đặc biệt là trong các đợt bão, mưa lũ vừa qua, theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Thanh Hoá, công tác chỉ huy điều hành phải quyết liệt, khẩn trương; phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm của từng cán bộ lãnh đạo từ tỉnh đến cơ sở; phát huy tinh thần đoàn kết của nhân dân, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để cùng triển khai đối phó. Ngoài ý thức chủ động của quần chúng nhân dân, tinh thần trách nhiệm, vai trò chỉ đạo điều hành của các đồng chí lãnh đạo chính quyền địa phương, đặc biệt ở cấp huyện, xã phải rất khẩn trương, kiên quyết, linh hoạt, thì hậu quả do mưa lũ gây ra sẽ được hạn chế đến mức thấp nhất. Đây là một trong những khâu then chốt, có tính chất quyết định đến công tác phòng, chống thiên tai nói chung, công tác Phòng chống lụt bão nói riêng.

Công tác dự báo, cảnh báo và tuyên truyền, phổ biến kiến thức về thiên tai và cách phòng tránh cho các cấp chính quyền và người dân đóng vai trò hết sức quan trọng nhằm cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin về thiên tai, lụt bão cho công tác chỉ đạo phòng, chống thiên tai, nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân đảm bảo cho người dân chủ động phòng tránh, đối phó hiệu quả với thiên tai.

Thực hiện phương châm phòng là chính, do vậy công tác chuẩn bị đối phó với thiên tai là khâu hết sức quan trọng. Trong công tác chuẩn bị phòng, chống thiên tai các cơ quan chức năng phải tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện ở cơ sở. Nhiệm vụ công tác này phải được làm thường xuyên, liên tục, toàn diện, nghiêm túc.

Trong công tác hộ đê phải quyết liệt, xử lý các sự cố ngay từ giờ đầu, trong đó vai trò của chính quyền thôn, xã và nhân dân địa phương hết sức quan trọng. Thực tế các trận lũ lụt lớn vừa qua cho thấy, khi lũ lên cao uy hiếp nghiêm trọng các tuyến đê, việc tuần tra canh gác trên các tuyến đê được thực hiện thường xuyên và liên tục, phát hiện kịp thời và xử lý quyết liệt các sự cố xảy ra ngay từ giờ đầu nên đã đảm bảo an toàn hệ thống đê.

Chủ Đề