Kinh nghiệm học tập ở Bách Khoa

Sau 5 năm khám phá vẻ đẹp của Toán, Dinh và Dương đều lựa chọn tiếp tục theo học chương trình Thạc sĩ Toán Tin tại Bách khoa để theo đuổi chuyên sâu đam mê Toán của mình.

Bí quyết học giỏi: Tự học

"Trong những năm học cấp 3, tôi đã đem lòng yêu thích môn Toán, đặc biệt, tôi thích tìm hiểu những ứng dụng của môn toán trong thực tế." Nguyễn Thị Dinh chia sẻ khi được hỏi về lý do chọn viện Toán ứng dụng và Tin học - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội để theo học đại học.

Kinh nghiệm học tập ở Bách Khoa

Nguyễn Thị Dinh.

Cô gái lớp Toán Tin K61 cho biết không gặp phải quá nhiều khó khăn trong quá trình học tập tại Bách khoa. Với Dinh, khó khăn lớn nhất là việc phải làm quen với cuộc sống xa gia đình và tự chăm sóc bản thân.

Con gái học kĩ thuật nói chung hay chuyên ngành Toán Tin nói riêng sẽ vất vả hơn so với con gái học các ngành kinh tế hay xã hội, đặc biệt là sự mất cân bằng nam - nữ khiến các cô gái chọn ngành kĩ thuật thường cảm thấy lạc lõng.

Tuy nhiên Dinh được bạn bè nhận xét là một người hài hước, dễ nói chuyện, thông minh và luôn sẵn sàng trong mọi cuộc chơi. Vì vậy nên Dinh không gặp khó khăn mấy trong việc hòa nhập với môi trường đại học có nhiều nam sinh.

"Thực ra lớp tôi cũng có rất nhiều bạn nữ, chiếm đến 1/3 sĩ số của lớp. Các bạn nam trong lớp rất tình cảm và ga lăng, thường tổ chức nhiều chương trình kỷ niệm tặng quà cho các bạn nữ vào những ngày lễ như 8-3, 20-10,…" - Dinh cảm thấy vui và tự hào khi là thành viên của lớp có các bạn trai cực kỳ tâm lý.

Khi chia sẻ về bí quyết để đạt được kết quả học tập, Dinh khiêm tốn: "Đối với tôi, tự học chính là bí quyết quan trọng nhất. Tôi luôn cố gắng đi học đầy đủ và nghe giảng, vì hiểu bài ngay trên giảng đường giúp tôi rút ngắn thời gian tự học."

Bên cạnh đó, Dinh có một nhóm bạn thân luôn cùng nhau làm các bài tập lớn, làm việc nhóm, gắn bó nhau không chỉ trong quá trình học tập mà còn rất nhiều các hoạt động tập thể.

Điều này khiến cho cô gái làm việc nhóm hiệu quả hơn và kết quả đạt được cũng cao hơn. Dinh cho biết, nhóm bạn của Dinh gồm 12 người, hầu hết đều ra trường bằng giỏi và tìm cho mình được một công việc như mong ước.

"Điểm tôi yêu thích nhất ở Bách khoa Hà Nội là các thầy cô ở trường, đặc biệt là các thầy cô ở Viện Toán ứng dụng và Tin học. Các thầy cô không những giỏi chuyên môn mà còn rất yêu quý và gần gũi với sinh viên. Khoảng thời gian học tập tại trường giúp tôi từ một cô gái yếu đuối cảm thấy ngày một mạnh mẽ, chịu được nhiều áp lực hơn trong công việc và cuộc sống." - Dinh tự hào kể.

Trong các thầy cô Dinh đã được học, cô gái gửi lời cảm ơn và biết ơn nhiều nhất tới PGS.TS Nguyễn Thị Thu Thủy - cô giáo hướng dẫn đồ án cho Dinh trong suốt quá trình học tập. "Cô rất ân cần, luôn kiên nhẫn và nhiệt tình cho dù tôi còn có nhiều thiếu sót."

Sau khi kết thúc chương trình học, Dinh đã tiếp tục đăng ký chương trình Thạc sĩ tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội: "Tôi tin Bách khoa sẽ là môi trường rèn luyện tốt, là cái nôi để tôi tiếp tục theo đuổi niềm đam mê của mình."

Dấu ấn "Góc học tập Sami"

Bách khoa Hà Nội là cái đích mà chàng trai Hà Nội Lương Tùng Dương, lớp Toán Tin K61 hướng đến từ hồi học cấp 3.

"Bách khoa Hà Nội là một thương hiệu lâu đời, là ngôi trường kỹ thuật thuộc TOP đầu cả nước. Và tôi biết rằng muốn nắm lấy tương lai, thì đây chính là ngôi trường mình cần phải đến học."

Kinh nghiệm học tập ở Bách Khoa

Lương Tùng Dương.

Với Dương, Viện Toán Ứng dụng và Tin học không chỉ có mỗi "Toán" mà còn có cả "ứng dụng". Dương chọn trước cho mình "ứng dụng" rồi mới áp dụng vào "Toán". Đây chính là cách học tập mà Dương vô cùng tâm đắc để đạt được kết quả học tập cao.

Trong suốt quá trình học tập, Dương gặp phải khá nhiều stress, từ việc chậm báo cáo, không hiểu bài, đến thi điểm kém,… Mỗi lúc gặp phải các vấn đề căng thẳng, áp lực, gia đình và bạn bè luôn là những chỗ dựa vững chắc cho cậu.

Khi kể về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong chặng đường là sinh viên, Dương hào hứng kể về câu chuyện thành lập nhóm "Góc học tập Sami" - tổ chức phát triển từ Ban học tập và NCKH của Liên chi Đoàn viện.

Sami chính là viết tắt của Viện Toán ứng dụng và Tin học, nhóm được lập ra với mục đích chia sẻ những hiểu biết về học tập cũng như đời sống sinh viên cho các em tân sinh viên của viện, giúp các em đỡ bỡ ngỡ trong những ngày đầu bước vào cánh cửa đại học.

Nhắc đến "Góc học tập Sami ", chàng trai kể về những ngày đầu tiên thành lập, những buổi học mà gần 20 con người cùng chen lấn vào một phòng học chưa đến 20m2. Thậm chí, có những ngày 37-38 độ và không điều hòa, nhưng mọi người vẫn có mặt rất đông đủ. "Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn về tài chính cũng như nhân lực, nhưng chúng tôi rất vui vì được các bạn tân sinh viên đón nhận.", Dương tự hào.

Trong quá trình học tập, với Dương, cô Nguyễn Thị Bạch Kim là người truyền cảm hứng, hướng dẫn các kiến thức, cũng như cách thức nghiên cứu khoa học cho cậu. "Tôi đã chọn và đi theo định hướng tối ưu sau khi học môn "Các phương pháp tối ưu" do cô giảng dạy." - Dương chia sẻ.

"Kỷ niệm mình nhớ nhất về cô Bạch Kim là về một lần họp báo cáo đồ án của hai cô trò. Là một buổi chiều đẹp trời, khi lịch hẹn là 18h nhưng 17h59 mình vẫn đang xếp hàng chờ gửi xe vì nhà xe giờ tan tầm rất đông." Dương kể lại, lần báo cáo đó đã diễn ra muộn gần 10 phút so với lịch hẹn và cũng lần đầu tiên cô giúp mình hiểu về việc chuyên nghiệp trong tác phong làm việc.

Nhờ sự chỉ bảo và hướng dẫn của cô Bạch Kim, Dương ngày càng trưởng thành và chững chạc hơn. Hiện tại, Dương đang đăng ký theo học chương trình Thạc sĩ Toán Tin tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, đồng thời thực tập tại công ty để có thể tích lũy những kinh nghiệm làm việc thực tế.

*Tiêu đề do Dân Việt đặt lại

Lê Doãn Thục Anh (dantri.com.vn)

Tối 16/10, Hội Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội phối hợp FPT Software tổ chức tọa đàm trực tuyến Kỹ năng học tập ở đại học cho tân sinh viên.

Tại sự kiện, kỹ sư Trương Tuấn Vũ, thủ khoa đầu ra năm 2021 trường Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ nhiều bí quyết, từ học tập, thi cử cho đến chiến lược giành học bổng.

Theo Vũ, lượng kiến thức ở đại học rất lớn, cần cố gắng học và hiểu bài ngay trên lớp. Bí quyết là nên dành ít nhất 30 phút chuẩn bị trước nội dung bài giảng. Với cách làm này, sinh viên có thể tiếp thu trên 80% nội dung bài học. Tận dụng thời gian hỏi luôn giảng viên các vấn đề còn thắc mắc cũng là điều cần thiết để đạt mục tiêu hiểu bài ngay trên lớp.

Vũ cho rằng, khi đã làm được như vậy, việc tự học ở nhà sẽ trở nên nhẹ nhàng, đỡ mất thời gian. "Có thể nói, 30 phút chuẩn bị bài vở trước khi đến lớp có giá trị bằng 3 tiếng các bạn cố lấp lỗ hổng", Vũ nói.

Trương Tuấn Vũ, thủ khoa đầu ra năm 2021 trường Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ tại tọa đàm tối 16/10. Ảnh: Chụp màn hình

Quảng cáo

Theo kinh nghiệm của thủ khoa, sau khoảng 2-3 tuần, nhiều sinh viên trở nên rối bời bởi kiến thức ngày càng nhiều, môn học dồn dập. Để giải quyết tình trạng này, mỗi người phải tự hệ thống kiến thức. Cách thủ khoa Đại học Bách khoa Hà Nội từng làm là viết công thức, tóm tắt nội dung mỗi môn trên các tập giấy. Bằng cách này, Vũ nắm bắt kiến thức chính của môn học tốt hơn, nhờ đó quá trình ôn tập nhanh, hiệu quả hơn.

Nói sâu về các kỳ thi ở bậc đại học, Vũ khuyên sinh viên phải ôn tập có chiến lược thay vì nhồi nhét. Thực tế, nhiều sinh viên mua các bộ đề khi gần tới ngày thi với mục đích giải được càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, cựu sinh viên Viện Điện tử Viễn thông cho rằng, cần đặt mục tiêu chất lượng hơn số lượng. Tức là, thay vì giải nhiều đề, hãy giải kỹ từng đề bài, lặp lại nhiều lần.

"Chẳng hạn với môn Giải tích 2, mình cũng có nhiều bộ đề để ôn tập. Mình sẽ làm một lượt, lưu ý những câu không thể làm hoặc làm sai, sau đó lặp lại quy trình này, thậm chí đến lần thứ ba. Việc này giúp mình hiểu sâu nhiều dạng bài, nhờ đó tăng tốc độ và độ chính xác khi thi", Vũ kể.

Anh lưu ý sinh viên không nên thức khuya để ôn bài trước ngày thi hoặc cố gắng học dồn trước lúc thi. Những việc này không mang lại hiệu quả, trái lại gây áp lực và làm giảm phong độ trong phòng thi.

Vũ cũng chia sẻ bí quyết giành học bổng - niềm mơ ước của nhiều sinh viên. Với học bổng ở trường, sinh viên cần điểm tích luỹ GPA và điểm rèn luyện tốt. Nhưng với học bổng từ doanh nghiệp và các tổ chức, người học phải có mục tiêu rõ ràng để lọt vào "mắt xanh" đơn vị cấp học bổng.

Quảng cáo

Thông tin thường đến từ các trang web của trường, tổ chức, mạng xã hội hoặc những người từng giành học bổng. Với mỗi học bổng, ứng viên cần biết doanh nghiệp, tổ chức muốn hướng tới nhóm đối tượng nào. Biết được điều này, họ mới thể hiện tài năng, thành tích đúng trọng tâm mà đơn vị mong muốn tìm kiếm.

Cũng theo Vũ, cần phải tìm hiểu kỹ về sứ mệnh, tầm nhìn, mục tiêu của doanh nghiệp, tổ chức cấp học bổng. "Có lần mình xin học bổng từ công ty về nhiệt điện, mình đã tìm hiểu kỹ kiến thức về nhiệt điện và đơn vị này. Đến vòng phỏng vấn, mình trả lời rất tốt. Đôi khi CV của các bạn chưa đẹp lắm nhưng bạn đánh đúng trọng tâm thì sẽ thành công", Vũ nói.

Tại buổi tọa đàm, Vũ Thành Long, người từng giành học bổng xuất sắc của Đại học Công nghệ Queensland (Australia) cũng chia sẻ kinh nghiệm chi tiết.

Đầu tiên, người học cần tìm cho mình ngôi trường, đất nước phù hợp hoàn cảnh, điều kiện kinh tế gia đình; sau đó, bắt tay chuẩn bị CV theo các tiêu chí của đại học, chuẩn bị các chứng chỉ ngoại ngữ tốt nhất. Trong quá trình học tập, sinh viên phải duy trì GPA cao bởi đây là yếu tố quan trọng.

Theo Long, lợi ích của việc du học là mỗi ngày được du lịch, trải nghiệm những không gian, nền văn hoá mới. Sinh viên được học cách hoà nhập, mở rộng quan hệ, làm quen môi trường quốc tế. "Du học là cơ hội đi để biết, để học và trưởng thành. Các bạn hãy mạnh dạn. Khi đã có được học bổng thì đừng ngần ngại, hãy xách ba lô lên và đi", Long nói.

Nguyễn Trọng Hải, sinh viên năm tư ngành Kỹ thuật máy tính, trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Chụp màn hình

Trong khi đó, với vai trò Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ học tập trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Nguyễn Trọng Hải (sinh viên năm tư ngành Kỹ thuật máy tính) chia sẻ bí quyết cân đối việc học và tham gia hoạt động xã hội, làm thêm.

Hải cho rằng, ngoài việc học, sinh viên nên tham gia một câu lạc bộ hoặc các hoạt động xã hội. Việc này không chỉ nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm mà còn là điểm cộng cho sinh viên khi xin học bổng hoặc xin việc sau này.

Mỗi câu lạc bộ hoặc hoạt động đều có ưu, nhược điểm. Sinh viên phải cân đối, lựa chọn theo điểm mạnh và những mong muốn của bản thân. Chẳng hạn, với các câu lạc bộ chuyên môn, người học sẽ có thêm nhiều mối quan hệ, trau dồi kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, học thuật.

Làm thêm cũng là trải nghiệm thú vị, bổ ích thời sinh viên. Theo Hải, tân sinh viên có thể sắp xếp thời gian làm một cộng việc nào đó phù hợp để có thêm kỹ năng và thu nhập. Tuy nhiên, cần xác định việc học là quan trọng, cần được ưu tiên hàng đầu.