Giáo trình xử lý ra hoa cây có múi

Xử lí ra hoa đồng loạt, ra hoa, đậu quả trái vụ là một kĩ thuật không thể thiếu khi trồng cây ăn trái có múi như cam, quýt, bưởi da xanh… Việc này giúp cho năng suất ổn định, giúp cho việc chăm sóc được thuận tiện hơn.

Sau một thời gian khô hạn kéo dài, nếu được tưới nước hoặc gặp mưa thì cây sẽ ra đọt non và hoa.

Kĩ thuật xử lý ra hoa cho cây có múi

Do đó phương pháp Xử lí ra hoa thường là tạo ra sự khô hạn nhân tạo, khi đủ thời gian yêu cầu thì tưới nước trở lại, kết hợp phun các loại thuốc kích thích mầm  hoa, kích thích đậu quả cho cây.

Cụ thể về  phương pháp này như thế nào thì hãy cùng Vườn Sài Gòn tìm hiểu qua bài viết này nhé!

1. Sau thu hoạch

– Bón phân phục hồi và tưới nước: bón khoảng 200g Urê + 100g DAP +20- 30 kg phân bò ủ hoai[hoặc 10 kg phân hữu cơ vi sinh đầu trâu] cho cây từ 4-5 tuổi và tưới nước đều đặn cho cây.

– Tỉa cành & vệ sinh vườn: Cắt tỉa đoạn cành đã mang trái [khoảng 10-15cm], cành già, cành sâu bệnh, cành nằm bên trong tán, quét vôi hoặc dung dịch Bordeauxe ở gốc, phun thuốc trừ sâu bệnh.

2. Bón phân đón ra hoa, tạo mầm hoa

Trước khi cây ra hoa khoảng 4-5 tuần, tiến hành bón mỗi gốc 300g phân DAP + 50g phân Kali..  Nên bón sớm trước khi cây ra mầm, nếu để cây ra mầm mới bón, cây sẽ ra nhiều lá ít hoa hơn.

Bón phân đón ra hoa, tạo mầm hoa

3. Tiến hành xiết nước tạo khô hạn

– Xiết nước: rút khô nước trong mương và ngưng tưới để tạo “sốc”cho cây. Thời gian 15-20 ngày, tùy theo tuổi cây, thời tiết chi phối, chỉ nên xiết đến khi cây vừa “xào lá” – “cuốn lá kèn” [lá héo rũ vào buổi chiều và không tươi lại vào sáng hôm sau] sau đó tưới nước trở lại, tưới đẫm mỗi ngày 1 lần, trong 3 ngày đầu tiên, sau đó tưới dãn dần ra. Chỉ nên xiết nước khi cây trên 3 năm tuổi để không làm cây kiệt quệ, mất sức.

– Sau khi xiết, cho nước lại vào trong mương cách mặt đất 20-30cm trong vòng 12 giờ, sau đó rút bớt nước ra cách mặt liếp 50 –60cm để không làm bộ rễ cây bị thiệt hại, gây mất sức cho cây.

Tiến hành xiết nước tạo khô hạn

– Cách tưới nước cho cây sau khi tạo khô hạn:

+ Tưới lại: 2-3 lần mỗi ngày, liên tục đến ngày thứ tư kết hợp bón phân [tuỳ theo sinh trưởng của cây], lượng phân từ 0,3-0,5 kg phân NPK 20-20-15 và 0,1 kg phân urê/cây.

– Sau khi bón phân tưới mỗi ngày 1 lần.

– Khoảng 7-15 ngày sau cây ra hoa, lúc này cần lượng nước vừa phải, ngày tưới ngày nghỉ [nếu tưới nhiều cây sẽ ra đọt]. Giai đoạn này có thể phun thêm Phân bón ĐẦU TRÂU Kali trắng KNO3 13-0-46.

[nồng độ 0,5-1%].

4. Phun thuốc kích thích ra hoa đồng loạt

– Sau khi tưới nước 2-3 ngày, cây bắt đầu hồi phục, lá tươi trở lại tiến hành phun NPK Kích Ra Hoa 3.35.25 + TE AC. Phun sương đều 2 mặt lá, phun 2 lần, mỗi lần cách nhau 7 ngày. Nên phun vào sáng sớm hoặc chiều mát.

– Sau khi tưới lại khoảng 7-10 ngày, cây sẽ ra đọt non và hoa. Lúc này tưới nước 2-4 ngày/ 1 lần tùy theo tình hình thời tiết

– Riêng đối với cây bưởi: Cũng tiến hành như trên nhưng thời gian xiết nước khoảng 3-4 tuần là được. Bưởi thường ra nhiều đợt hoa hơn các giống cây có múi khác. Nên tưới nước, xử lý ra hoa tập trung thành 2-3 đợt, tiện cho việc chăm sóc.

Phun thuốc kích thích ra hoa đồng loạt

5. Xử lý tăng đậu quả

Muốn thụ phấn tốt, hoa đậu nhiều, hạn chế rụng trái non phải chăm sóc cây cho sung sức và phun thuốc hổ trợ ra hoa [cần nhất là Bo kết hợp với Canxi giúp hoa thụ phấn tốt ].Các bạn có thể phun Nano Bo-Canxi.

Rễ cây có múi yếu, hay bị sốc nên khi cây đang ra hoa đậu trái thì không bón phân. Chỉ bón lại khi cây đang nuôi trái và nên bón làm nhiều lần.

Khoanh cành để hạn chế sự rụng quả: trong quá trình phát triển của quả, cây cam sẽ có các đợt phát lộc, khi phát lộc thì cây sẽ tự rụng quả để dành dinh dưỡng cho phát triển lộc non, vì vậy cần phải khoanh cành vào giai đoạn cây phát lộc để hạn chế rụng quả.

Hoa đang nở rộ thì hạn chế phun thuốc cho cây, tưới nước giữ ẩm thường xuyên  nhưng không phun lên hoa đang nở rộ.

6. Chống rụng quả

Có 2 đợt rụng trái sinh lý trên cây

Đợt rụng lần thứ nhất, xuất hiện khi trái còn nhỏ, khoảng 3 tuần sau khi đậu. Đặc trưng của đợt rụng trái này là trái mang theo cả cuống.

Đợt rụng trái thứ 2 khi có đường kính trái khoảng 3cm, đặc trưng là trái rụng không cuống.

Hiện tượng rụng trái trên cây có múi là tất yếu. Biện pháp kỹ thuật quan trọng là bón thúc, khoảng 100-200g phân NPK 20- 20- 15 / cây.

Chú ý: Khi gặp mưa nhiều, trái bị vàng, rụng nhiều phần lớn là do cây nhiều trái, thiếu dinh dưỡng lại bị “sốc nước”.

Cách khắc phục: tưới nước thường xuyên, bón gốc đầy đủ và phun thuốc dưỡng trái.

Chống rụng quả

7. Nuôi trái

Thời kỳ trái nhỏ đến 4-5 tháng: thời kỳ này trái lớn chậm, có nhiều đợt rụng

sinh lý nên cần chăm sóc kỹ:

+ Bón phân: bón ít khoảng 100g NPK [20- 20- 15] /cây, 15 ngày/lần và tưới đều đặn.

+ Phun trên lá: phân dưỡng trái có Ca, phun sương đều tán cây, 10 ngày /1 lần để nuôi trái, hạn chế hiện tượng rụng trái, khi trái đang lớn. Nên cộng thêm thuốc Diệt nhện đỏ để hạn chế bệnh da cám trên vỏ trái ví dụ như thuốc trừ sâu Bihopper, dầu khoáng Enspray 99EC

Thời kỳ trái lớn: Thời kỳ này trái bắt đầu”da lươn”,vỏ trái sần lên, nung phân cho trái mau lớn mà ít sợ nứt trái nên bón phân và phun bổ sung trên lá:

– Bón phân: khoảng 200g NPK 20- 20- 15 + 50g KCl / cây. 15 ngày / lần và tưới đều đặn.

– Phun trên lá: dưỡng trái có Ca, phun sương đều tán cây 10 ngày /1 lần, kết hợp thuốc trừ sâu, nhện.

Nuôi trái

8. Đón và dưỡng đọt non

Sau khi ra hoa khoảng 4-6 tháng, cây có ra 1 đợt đọt non, nhất là khi ta thúc phân, nước cho trái phát triển. Cần bảo vệ đợt cành non này vì đó là những cành lá cung cấp dinh dưỡng nuôi trái và là cành mẹ qua năm sau sẽ cho các cành mang trái.

Khi thấy cây bắt đầu nhú đọt non thì bón thêm phân gốc cho cây và phun dưỡng lá giúp cây ra đọt non đồng loạt. Khi đọt non đang phát triển, phun thuốc trừ sâu vẽ bùa, nhện như Pesieu, Bihopper cho cây.

Đón và dưỡng đọt non

Trên đây là kĩ thuật để xử lí cho cây ra hoa, áp dụng trên cây có múi, đặc biệt là cam, chanh, bưởi, các bạn hãy tham khảo và áp dụng nhé. Chúc các bạn có một khu vườn thật nhiều cây ăn trái sai trĩu quả.

Chủ Đề