Chiến tranh Nga và Ukraine ảnh hưởng kinh tế

Đã hơn 3 tháng, kể từ ngày Tổng thống Nga Putin tuyên bố triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt đối với Ukraine (24.02.2022), chiến sự hiện vẫn diễn ra hết sức căng thẳng và có nguy cơ trở thành ngòi nổ cho Chiến tranh thế giới lần thứ III. Dưới góc nhìn của Tổng Giám đốc Hội đồng Đối ngoại Nga về các vấn đề quốc tế (RIAC) - Andrey Kortunov, cuộc xung đột đang gây hệ lụy nặng nề không chỉ cho các bên trực tiếp tham chiến mà còn cho cả nền kinh tế toàn cầu trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang để lại hậu quả nghiêm trọng.

1. Khủng hoảng chồng khủng hoảng, xung đột quân sự Nga-Ukraine khiến kinh tế thế giới tiếp tục chao đảo

Tốc độ tăng trưởng kinh tế suy giảm

Sau cú sốc của đại dịch Covid-19, kinh tế thế giới chưa kịp phục hồi thì xung đột quân sự Nga-Ukraine bùng nổ đe dọa xảy ra một cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ. Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), các sự kiện diễn ra từ ngày 24.02.2022 khi Nga tiến hành một chiến dịch quân sự đặc biệt đối với Ukraine đến nay, đã trở thành một trong những tác nhân chính cản trở sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu sau khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra. IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2022 của 143 quốc gia, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu là 86%.

Theo Andrey Kortunov, các chiến lược gia về kinh tế cũng đã điều chỉnh dự báo chung về sự phát triển của nền kinh tế thế giới trong năm 2022 theo chiều hướng giảm - từ 3,6% xuống còn 2,6%. Việc giảm tốc độ tăng trưởng năm 2022 cũng ảnh hưởng đến các năm tiếp theo. Cụ thể năm 2023, mức tăng trưởng dự báo sẽ giảm 0,2%; giá dầu mỏ, thực phẩm và phân bón sẽ tăng mạnh; việc tái cấu trúc chuỗi vận tải biển và hậu cần quốc tế cũng như những gián đoạn mới xuất hiện trong hệ thống thanh toán toàn cầu có thể khiến nền kinh tế toàn cầu năm 2022 thiệt hại khoảng 1.000 tỷ USD, tương đương 1% GDP toàn cầu.

Ước tính gần đây của Ngân hàng Thế giới (WB), GDP của Ukraine năm 2022 sẽ giảm 45,1% trong khi GDP của Nga sẽ giảm 11,2%.

Thâm hụt ngân sách, nợ công và lạm phát gia tăng

Thâm hụt ngân sách sẽ tiếp tục trầm trọng do nhiều nguyên nhân, nhất là việc tăng chi tiêu quốc phòng ở nhiều nước sẽ dẫn đến việc gia tăng nợ công ở những quốc gia này. Đặc biệt, trong bối cảnh chiến sự ở Ukraine ngày càng dữ dội, Mỹ và các nước phương Tây tăng cường viện trợ vũ khí, trang thiết bị quân sự cho Ukraine khiến chi tiêu quốc phòng của các nước này tăng vọt. Chỉ riêng Mỹ đã cam kết viện trợ cho Ukraine lên đến hơn 40 tỷ USD, trong đó có bản là viện trợ vũ khí và các phương tiện chiến tranh.

Thâm hụt ngân sách cùng sự gia tăng nợ công dẫn đến nguy cơ lạm phát bùng nổ. Andrey Kortunov dự báo, lạm phát toàn cầu, vốn đã tăng nhanh trong 30 tháng qua, có khả năng sẽ tăng thêm 2-3% (lên 5,7% đối với các nền kinh tế phát triển và 8,7% đối với các nền kinh tế đang phát triển) trong năm 2022 và được dự báo có thể tăng thêm từ 1,5-2% năm 2023.

Gián đoạn thương mại và chuỗi cung ứng sản xuất, đe dọa an ninh lương thực và an ninh năng lượng toàn cầu

Cuộc khủng hoảng đã gây gián đoạn đáng kể cho thương mại thế giới và chuỗi cung ứng sản xuất, đe dọa gây ra những hậu quả khó lường về kinh tế-xã hội, nhất là an ninh năng lượng và an ninh lương thực.

Đối với an ninh lương thực: Nga và Ukraine chiếm hơn một nửa tổng kim ngạch nhập khẩu lúa mì của 36 quốc gia. Vì giá lúa mì có liên quan mật thiết đến giá các loại lương thực khác như gạo và ngô, nên hầu như không có gì ngạc nhiên khi giá lương thực thế giới nói chung vào tháng 3.2022 cao hơn một phần ba so với một năm trước đó. Nga và Belarus chiếm khoảng 20% kim ngạch xuất khẩu phân bón khoáng chất và bất cứ sự gián đoạn nào về nguồn cung từ các nước này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến năng suất nông nghiệp ở châu Phi, Trung Đông và thậm chí là cả Mỹ Latinh.

Bên cạnh đó, là quốc gia xuất khẩu lúa mì lớn trên thế giới, Ấn Độ lại ban hành lệnh cấm xuất khẩu càng khiến nguồn cung hạn chế, giá cả leo thang. Vấn đề lương thực thế giới đứng trước nguy cơ mất an ninh nghiêm trọng.

Đối với an ninh năng lượng: Với đòn trừng phạt của phương Tây khiến nguồn cung dầu mỏ của thế giới bị suy giảm mạnh. Bởi Nga là nhà cung cấp dầu mỏ lớn trên thế giới, chiếm đến 40% nguồn cung năng lượng cho châu Âu. Chỉ sau khi chiến sự xảy ra ít ngày, đầu tháng 3.2022, giá dầu thế giới đạt mức 130 USD/thùng. Đây là lần thứ 3 trong lịch sử giá dầu thế giới vượt ngưỡng 100 USD/thùng (lần gần đây nhất vào năm 2013). Theo tính toán của IMF, nếu cứ tăng thêm 10 USD/thùng, thì tăng trưởng kinh tế toàn cầu mỗi năm sẽ giảm thêm 0,5%.

Xung đột ở châu Âu đã trở thành chất xúc tác làm trầm trọng thêm các cuộc khủng hoảng ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới. Theo Andrey Kortunov, yếu tố này có thể ảnh hưởng tới quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ về việc tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở miền Bắc Iraq, gián tiếp góp phần làm trầm trọng thêm tình hình ở Nagorno-Karabakh và khuyến khích nhà lãnh đạo Triều Tiên nối lại các vụ thử tên lửa. Chỉ tính từ đầu năm 2022 đến nay, Triều Tiên đã tiến hành gần 20 lần các vụ thử tên lửa. Tuy nhiên, mối quan tâm được cho lớn hơn cả là hậu quả về kinh tế mà cuộc xung đột ở châu Âu có thể gây ra cho các khu vực bất ổn thường xuyên có sự hiện diện chính trị và quân sự đáng kể của Nga, chẳng hạn như Trung Đông và Bắc Phi, cũng như các quốc gia có nền kinh tế mong manh dễ vỡ khác ở châu Phi.

2. Cơ cấu tài chính, tiền tệ thế giới sẽ có những biến đổi mang tính bước ngoặt

Đóng băng tài sản của nước khác (khi sử dụng đồng USD trong giao dịch quốc tế) – đòn trừng phạt của Mỹ và phương Tây

Để trừng phạt Nga, ngày 26.02.2022, các nước phương Tây đã đưa Nga ra khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu (SWIFT) trong gói các biện pháp trừng phạt thứ 3. Trong tuyên bố, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) cho biết: Biện pháp trừng phạt mới với sự nhất trí của Mỹ, Pháp, Canada, Italy, Anh và Ủy ban châu Âu bao gồm việc hạn chế khả năng hỗ trợ đồng Rouble của Ngân hàng Trung ương Nga. Bên cạnh đó, những cá nhân và thể chế tại Nga và các nước ủng hộ Moskva trong cuộc xung đột với Ukraine cũng bị đưa vào tầm ngắm của lệnh trừng phạt.

Bên cạnh đó, Mỹ và phương Tây còn tiến hành đóng băng những tài sản hợp pháp và nguồn tài chính của Nga. Ngày 25.5.2022, Ủy viên Tư pháp Liên minh châu Âu (EU) Didier Reynders tiết lộ, khoảng 23 tỷ Euro (~24,5 tỷ USD) tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga đã bị Liên minh đóng băng, chiếm khoảng 1/10 trong tổng số tài sản của Nga trên toàn cầu. Trong khi Mỹ được cho là đã đóng băng 100 tỷ USD của Ngân hàng Trung ương Nga.

Nguy cơ tháo lui trong dự trữ tài sản bằng đồng USD

Trước thực tế tài sản của các nước được dự trữ bằng đồng USD khi có biến động về chính trị được Mỹ và phương Tây sử dụng như một trong những biện pháp trừng phạt hữu hiệu, khiến nhiều quốc gia sẽ thay đổi và đồng USD đứng trước nguy cơ mất uy tín trong giỏ tiền thế giới. Mặc dù hiện tất cả các bên tham gia có vai trò chủ đạo trên thị trường tiền tệ thế giới đều không quan tâm đến việc nhanh chóng từ bỏ đồng USD, nhưng hầu hết các chuyên gia tài chính đều nhất trí rằng cuộc khủng hoảng liên quan đến Ukraine và đặc biệt là các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với các ngân hàng quan trọng của Nga sẽ khiến vai trò của đồng USD trong hệ thống tài chính toàn cầu sẽ sụt giảm. Nhiều khả năng vào cuối thập kỷ này, tỷ trọng của đồng USD trong dự trữ ngoại hối toàn cầu, đang ở mức khoảng 12.000 tỷ USD, sẽ giảm hơn một nửa. Hiện đồng tiền của Mỹ chiếm 59% dự trữ ngoại hối toàn cầu, ít hơn 12% so với năm 1999, khi đồng tiền chung châu Âu ra mắt thị trường tiền tệ thế giới. Việc tìm kiếm cách thức củng cố chủ quyền và giảm thiểu sự phụ thuộc của các quốc gia vào các thế lực bên ngoài trong lĩnh vực an ninh và phát triển sẽ tiếp diễn. Các hệ thống thanh toán quốc tế mới sẽ xuất hiện, đồng USD với tư cách là đồng tiền dự trữ chính sẽ dần thoái trào, các nền tảng công nghệ quốc gia sẽ ra đời, nhiều nỗ lực thay thế nhập khẩu sẽ được thực hiện.

Thúc đẩy Nga-Trung và các quốc gia đối địch với Mỹ và phương Tây liên kết với nhau chặt chẽ hơn, nhất là trên lĩnh vực kinh tế, quân sự

Các biện pháp của những đòn trừng phạt được Mỹ và phương Tây áp dụng đối với Nga sẽ là bài học cho những quốc gia được xem là đối địch với Mỹ. Họ sẽ cảm thấy không an toàn nếu trong trường hợp bị Mỹ và phương Tây cô lập, cấm vận và trừng phạt. Chính vì vậy, như một lẽ đương nhiên của sự sinh tồn, các quốc gia này tất sẽ có xu hướng liên kết chặt chẽ với nhau hơn tạo sức mạnh cộng sinh để cùng tồn tại. Lợi bất cập hại, đòn trừng phạt vào Nga sẽ vô tình giúp đối thủ của mình có được bài học xương máu và có thêm động lực sát cánh cùng nhau, nhất là trên lĩnh vực kinh tế, quân sự.

3. Thay cho lời kết

Trước thực trạng của bức tranh kinh tế thế giới, những người bi quan tin rằng tình trạng gián đoạn kinh tế trong thời gian gần đây là điều không thể đảo ngược và cuộc khủng hoảng chỉ đẩy nhanh xu hướng phi toàn cầu hoá và phân mảnh, chia nhỏ nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, những người lạc quan lại cho rằng, mặc dù cuộc khủng hoảng đang gây xáo trộn đáng kể thị trường năng lượng, lương thực, thực phẩm toàn cầu, cũng như tài chính quốc tế, nhưng các hệ thống thương mại, đầu tư và tài chính toàn cầu hiện nay có khả năng tự điều chỉnh và sẽ phục hồi. Do đó, khả năng tự điều chỉnh có thể ngăn thế giới rơi vào một cuộc suy thoái khác mà có thể dẫn tới tình trạng thiếu lương thực thường xuyên hay việc đồng USD mất đi vai trò là đồng tiền chính trong dự trữ quốc tế.

Để khắc phục khủng hoảng kinh tế, giải pháp được cho là toàn diện hơn cả là Nga và Ukraine phải tiến hành đàm phán, chấm dứt xung đột và phương Tây xóa bỏ toàn bộ hay chí ít là một phần lệnh cấm vận, trừng phạt Nga, nhất là về năng lượng và lương thực. Bởi Nga là nhà cung cấp năng lượng lớn nhất cho châu Âu và đóng vai trò nhà cung cấp lúa mì lớn góp phần bảo đảm an ninh lương thực cho thế giới. Tuy nhiên, những người lạc quan nhất cũng không thể tin tưởng và kỳ vọng vào viễn cảnh nói trên. Bức tranh kinh tế thế giới hồi phục chỉ hiện rõ khi cuộc xung đột quân sự qua đi, sắc màu lạc quan hay bi quan còn phụ thuộc vào ý chí và hành động của mọi quốc gia, nhất là mức độ thiện chí của quan hệ giữa những cường quốc trên thế giới.

Nguyễn Đình Thiện