Các tiêu chí so sánh hai đơn vị năm 2024

IELTS Writing Task 1 là bài thi yêu cầu thí sinh viết bài báo cáo về một biểu đồ trong khoảng 150 từ. Các dạng biểu đồ xuất hiện trong đề bao gồm: Dạng biểu đồ đường, biểu đồ cột, biểu đồ bảng, biểu đồ tròn, bản đồ hay quy trình. Để làm tốt bài thi IELTS Writing Task 1, bên cạnh sự đa dạng về từ vựng và các cấu trúc ngữ pháp, người học còn cần thể hiện được khả năng nhóm thông tin và chia đoạn hợp trong bài làm.

Dựa trên Band Descriptors do British Council cung cấp, việc chia đoạn ảnh hưởng đến cả hai tiêu chí của bài viết: Tiêu chí Task Achievement và tiêu chí Coherence - Cohesion. Trong bài viết này, tác giả sẽ tổng hợp các phương pháp chia đoạn văn cho dạng biểu đồ so sánh trong bài thi, cùng với đó đưa ra các đánh giá giúp người đọc có thể lựa chọn cách chia đoạn phù hợp khi làm bài.

Key takeaways

  • Các phương pháp chia đoạn dựa vào tiêu chí và đối tượng.
  • Chia đoạn theo tiêu chí tập trung vào so sánh các tiêu chí của cùng một đối tượng hoặc số liệu của các đối tượng trong cùng một tiêu chí.
  • Chia đoạn theo đối tượng tập trung vào so sánh các số liệu của các tiêu chí trong cùng một đối tượng hoặc số liệu của các đối tượng với nhau.
  • Lựa chọn cách chia đoạn thân bài phụ thuộc vào đặc điểm của dữ liệu và yêu cầu của đề bài.
  • Cần tạo ra các so sánh có giá trị nội dung để tăng điểm cho bài viết và đảm bảo tính logic và liên kết giữa các đoạn.

Các phương pháp chia đoạn thân bài phổ biến trong IELTS Writing Task 1 dạng biểu đồ so sánh

Cấu trúc chia đoạn thân bài chung

Trong biểu đồ so sánh xuất hiện trong đề thi IELTS Writing Task 1, người học có thể thấy thường xuất hiện hai yếu tố: Tiêu chí và đối tượng. Người học có thể đặt sự so sánh giữa các tiêu chí của cùng một đối tượng; hoặc so sánh số liệu của các đối tượng trong cùng một tiêu chí.

Ví dụ với các đề bài dưới đây, người học có thể dễ dàng xác định được hai yếu tố nói trên.

1. Dạng biểu đồ cột:

Ví dụ: The bar chart below shows the amount of money invested in each category from five organisations.

Đối tượng: Organization A, B, C, D, E.

Tiêu chí: The amount of money invested in Machinery, Building, Staff Training và Research.

2. Dạng biểu đồ bảng:

Ví dụ: The table below gives information on consumer spending on different items in five different countries in 2002.

Đối tượng: Các quốc gia Ireland, Italy, Spain, Sweden, Turkey.

Tiêu chí: Phần trăm chi tiêu cho Food/Drinks/Tobacco, Clothing/Footwear, Leisure/Education.

Để có thể biết được biểu đồ nào thì thích hợp với cách chia đoạn nào, người học cần xác định các đặc điểm nổi bật nhất của biểu đồ, bằng cách trả lời các câu hỏi sau:

  • Xét theo từng tiêu chí đánh giá thì tiêu chí nào có số liệu lớn nhất? Nhỏ nhất?
  • Xét theo từng đối tượng [participant] thì đối tượng nào có số liệu lớn nhất? Nhỏ nhất?
  • Nhóm đối tượng nào có những điểm tương đồng/khác biệt với nhau?
  • Nhóm tiêu chí nào có những điểm tương đồng/khác biệt với nhau?

Thông thường, khi làm các dạng bài miêu tả biểu đồ so sánh, người học thường có xu hướng chia đôi bộ dữ liệu trong đề để miêu tả trong hai đoạn thân bài. Tiếp theo trong bài viết, tác giả giới thiệu và phân tích thêm hai cách chia đoạn thân bài IELTS Writing Task 1 dạng bài so sánh: Chia đoạn theo tiêu chí và Chia đoạn theo đối tượng.

Chia đoạn thân bài theo tiêu chí

Khi chia thân bài trong bài IELTS Writing Task 1 Dạng biểu đồ so sánh theo tiêu chí, người học có thể áp dụng thêm điều kiện “tương đồng” về dữ liệu. Như vậy, các trường hợp có thể xảy ra như sau:

Trường hợp 1: Các tiêu chí mà ở đó đối tượng A hơn đối tượng B vào một đoạn; các tiêu chí mà ở đó B hơn A vào đoạn còn lại.

Ví dụ: The chart below shows the percentages of males and females with higher education qualifications in five countries in 2001.

Người đọc thực hiện nhận xét tổng quan về tiêu chí và đối tượng trong bài:

  • Đối tượng: Females, Males
  • Tiêu chí: The percentage of males/females with higher education qualifications in Japan, US, Switzerland, Britain and Germany

Khi phân tích kĩ số liệu để chia đoạn văn, người học có thể nhận thấy:

  • Ở Japan, Switzerland và Britain: Số liệu của Males lớn hơn Females
  • Ở hai nước còn lại: Số liệu của Females lớn hơn Males

Từ phần nhận xét trên, người học có thể chia thân bài của bài viết thành hai đoạn văn như sau:

  • Đoạn 1: Miêu tả số liệu ở Japan, Switzerland và Britain; so sánh giữa số liệu của Females và Males
  • Đoạn 2: Miêu tả số liệu ở US và Germany; so sánh giữa số liệu của Females và Males

Trường hợp 2: Các tiêu chí có số liệu lớn vào một đoạn; các tiêu chí có số liệu nhỏ vào đoạn còn lại.

Ví dụ: The table below illustrates how much money a single person and a couple in Australia need for a comfortable lifestyle after they retire.

Người đọc thực hiện nhận xét tổng quan về tiêu chí và đối tượng trong bài:

  • Đối tượng: A retired single person, A retired couple
  • Tiêu chí: Expense on Housing, Leisure, Health, Transport, Clothing, Food, Others and Total expense

Khi phân tích kĩ số liệu để chia đoạn văn, người học có thể nhận thấy:

  • Số liệu của đối tượng “A retired couple” lớn hơn đối tượng “A retired single person” ở mọi tiêu chí
  • Số liệu của cả hai đối tượng ở bốn tiêu chí đầu: Housing, Leisure, Health và Transport đều lớn
  • Số liệu của cả hai đối tượng ở ba tiêu chi sau: Clothing, Food, Others đều nhỏ

Từ phần nhận xét trên, người học có thể chia thân bài của bài viết thành hai đoạn văn như sau:

  • Đoạn 1: Miêu tả và so sánh số liệu ở tiêu chí Housing, Leisure, Health và Transport của hai đối tượng
  • Đoạn 2: Miêu tả số liệu ở tiêu chí Clothing, Food, Others của hai đối tượng

Chia đoạn thân bài theo đối tượng

Khi đoạn thân bài bài viết được chia theo đối tượng, người viết sẽ tập trung đặt sự so sánh giữa số liệu các tiêu chí trong cùng một đối tượng đó, và có thể chọn lọc so sánh giữa số liệu của các cặp đối tượng trong cùng tiêu chí. Một số trường hợp chia đoạn có thể xảy ra như sau:

Trường hợp 1: Các đối tượng có đặc điểm chung về dữ liệu được xếp vào một đoạn.

Ví dụ:

Người đọc thực hiện nhận xét tổng quan về tiêu chí và đối tượng trong bài:

  • Đối tượng: India, Sweden, Morocco, và Vietnam
  • Tiêu chí: 4 sources of energy: Fossil fuel, Hydro Power, Nuclear power

Khi phân tích kĩ số liệu để chia đoạn văn, người học có thể nhận thấy:

  • India và Sweden có điểm chung: Hai quốc gia sử dụng 3 nguồn năng lượng
  • Vietnam và Morocco có điểm chung: Hai quốc gia chỉ sử dụng 2 nguồn năng lượng là Fossil Fuel
  • Có thể khai thác điểm khác biệt về tỉ trọng các nguồn năng lượng giữa India và Sweden
  • Có thể khai thác điểm khác biệt về tỉ trọng các nguồn năng lượng giữa Vietnam và Morocco

Từ phần nhận xét trên, người học có thể chia thân bài của bài viết thành hai đoạn văn như sau:

  • Đoạn 1: Miêu tả và so sánh số liệu thuộc về hai đối tượng India và Sweden
  • Đoạn 2: Miêu tả và so sánh số liệu thuộc về hai đối tượng Vietnam và Morocco

Trường hợp 2: Các đối tượng có số liệu lớn được xếp vào một đoạn, các đối tượng có số liệu nhỏ được xếp vào một đoạn.

Ví dụ: The table below gives information about salaries of secondary/high school teachers in five countries in 2009.

Người đọc thực hiện nhận xét tổng quan về tiêu chí và đối tượng trong bài:

  • Đối tượng: Australia, Denmark, Luxembourg, Korea và Japan
  • Tiêu chí: Starting Salary, Salary per year, Maximum Salary, Years taken to reach top salary

Khi phân tích kĩ số liệu để chia đoạn văn, người học có thể nhận thấy:

  • Số liệu nhỏ ở cả 4 tiêu chí thuộc về 2 đối tượng Australia và Denmark
  • Số liệu lớn hơn ở cả 4 tiêu chí thuộc về 3 đối tượng còn lại
  • Đối tượng Luxembourg có số liệu lớn nhất ở 3 tiêu chí Starting Salary, Salary per year, Maximum Salary

Từ phần nhận xét trên, người học có thể chia thân bài của bài viết thành hai đoạn văn như sau:

  • Đoạn 1: Miêu tả và so sánh số liệu thuộc về hai đối tượng Australia và Denmark
  • Đoạn 2: Miêu tả và so sánh số liệu thuộc về ba đối tượng Luxembourg, Korea và Japan

Tìm hiểu thêm:

  • Cách chia đoạn thân bài IELTS Writing Task 1 có yếu tố xu hướng
  • Sắp xếp thông tin trong đoạn thân bài trong dạng bài Map IELTS Writing Task 1

Đánh giá các phương pháp được sử dụng

Chia đoạn thân bài thông thường

Cách chia đoạn thân bài này tuy tiết kiệm thời gian phân tích đề nhưng không thể hiện được khả năng xử lý số liệu cũng như nhóm thông tin; với những đề bài có bộ dữ liệu lớn sẽ khiến bài làm của thí sinh dài dòng và thiếu mạch lạc. Trong một số trường hợp, người viết thương chỉ tập trung vào cung cấp số liệu mà không đặt ra được nhiều sự so sánh.

Chia đoạn thân bài theo tiêu chí

Cách chia đoạn thân bài theo tiêu chí phù hợp nhất để miêu tả dữ liệu trong dạng bài Biểu đồ tĩnh có ít đối tượng. Bên cạnh đó, người học cũng có thể áp dụng cách chia đoạn thân bài này với đề bài có nhiều đối tượng và tiêu chí với điều kiện dữ liệu ở các tiêu chí không có quá nhiều sự chênh lệch hoặc khác biệt. Với cách chia thân bài này, người viết có thể đặt sự so sánh về hai đối tượng trong cùng một tiêu chí để đưa ra các nhận xét phù hợp.

Với những dạng bài nhiều đối tượng, nhiều tiêu chí và có nhiều sự khác biệt trong số liệu, việc chia đoạn thân bài theo tiêu chí khiến người viết bài dễ bị rối, không thể nhóm số liệu để miêu tả và đặt sự so sánh giữa các số liệu cho hợp lý, gây ảnh hưởng tới tiêu chí mạch lạc trong bài làm.

Chia đoạn thân bài theo đối tượng

Cách chia đoạn thân bài theo đối tượng có tính ứng dụng cao trong nhiều dạng bài biểu đồ so sánh. Cách chia này sẽ được thực hiện tối ưu nhất trong đề bài mà số liệu ở các tiêu chí của mỗi đối tượng có sự đa dạng nhưng giữa các đối tượng có sự tương đồng/khác biệt, hoặc mỗi tiêu chí được đo lường bằng một đơn vị khác nhau.

Đề xuất cho thí sinh về cách chia đoạn thân bài

Cần có sự tương thích giữa Overview và cách chia đoạn thân bài

Trước khi viết bài thi IELTS Writing Task 1, người viết cần xác định được cách chia đoạn văn hoàn chỉnh để có thể viết đoạn Overview tương ứng. Phần Overview trong IELTS Writing Task 1 thường chứa những thông tin tổng quan, mang tính nổi bật và sẽ là định hướng nội dung cho hai đoạn văn thân bài phía sau. Khi người viết chọn chia đoạn thân bài theo tiêu chí, người đọc cần phác họa được chênh lệch nổi bật giữa các đối tượng ở phần overview.

Xem thêm: Cách viết Overview các dạng biểu đồ Xu hướng và Comparison trong IELTS Writing Task 1.

Một số đề bài có thể chia đoạn thân bài theo nhiều cách

Khi luyện viết bài thi IELTS Writing task 1 dạng biểu đồ so sánh, người học không nên nhớ máy móc cách chia đoạn thân bài vì không có quy định về cách chia đoạn đúng hay sai cho mỗi đề bài. Thay vào đó, người đọc cần linh hoạt trong việc xử lý dữ liệu để nhóm thông tin cho hai đoạn thân bài.

Ví dụ: The bar chart shows the types of media that people of different age groups used to get daily news in one country in 2011. Summarize the information by selecting and reporting the main features, and make comparisons where relevant.

Đề bài cung cấp số liệu cho 3 tiêu chí: Phần trăm người dùng Micro Blogging, Radio và Social Network với 5 đối tượng phân chia theo độ tuổi từ 10 - 65+.

  • Phân tích biểu đồ theo tiêu chí: Số liệu lớn nhất thay đổi theo độ tuổi. Số liệu cuả 2 tiêu chí Radio và Social Networks có xu hướng đối nghịch nhau với nhóm tuổi tăng dần; số liệu của tiêu chí Micro Blogging luôn thấp nhất ở tất cả đối tượng.
  • Phân tích biểu đồ theo đối tượng: Hai nhóm tuổi đầu tiên có bộ dữ liệu khá tương đồng về phần trăm lớn ở Social Network, ba nhóm tuổi sau có bộ dữ liệu tương đồng về phần trăm lớn ở Radio và phần trăm thấp ở Social Network.

Từ hai hướng phân tích trên, người viết có thể chia đoạn thân bài theo hai cách.

  • Chia đoạn thân bài theo tiêu chí: Đoạn 1 miêu tả và so sánh số liệu của hai đối tượng: Nhóm tuổi 10-17 và nhóm tuổi 18-29; Đoạn 2 miêu tả và so sánh số liệu của các nhóm tuổi còn lại.
  • Chia đoạn thân bài theo đối tượng: Đoạn 1 miêu tả và so sánh số liệu thuộc tiêu chí Radio và Social Network; Đoạn 2 miêu tả và so sánh số liệu thuộc tiêu chí Micro Blogging.

Lựa chọn cách chia đoạn giúp đa dạng hóa được các cấu trúc so sánh sử dụng trong bài

Trong dạng bài biểu đồ so sánh, người viết nên lựa chọn cách chia đoạn thân bài để có thể tạo ra nhiều sự so sánh có giá trị nội dung trong bài. Điều này sẽ thể hiện được khả năng xử lý số liệu và nhóm thông tin của người viết, là một trong những yếu tố giúp tăng điểm tiêu chí Coherence and Cohesion của bài viết.

Ví dụ: The table below gives information on consumer spending on different items in five different countries in 2002.

Với đề bài trên có 3 tiêu chí và 5 đối tượng, người đọc có thể thực hiện phân tích, đánh giá số liệu để đưa ra cách chia đoạn:

  • Phân tích biểu đồ theo tiêu chí: Số liệu lớn nhất ở Food/Drinks/Tobacco
    • Điểm tương đồng giữa các tiêu chí: Ở cả 5 quốc gia, phần trăm chi tiêu luôn lớn nhất ở hạng mục Food/Drink/Tobacco, thấp hơn ở Clothing/Footwear và thấp nhất ở Leisure/Education.
  • Phân tích biểu đồ theo đối tượng: Số liệu lớn nhất ở Turkey [Tổng phần trăm số liệu lớn nhất]
    • Điểm tương đồng, khác biệt giữa các đối tượng: Ireland và Turkey có bộ số liệu lớn nhất, 3 nước còn lại có bộ dữ liệu gần bằng nhau, tuy nhiên số liệu cho từng tiêu chí có nhiều sự khác biệt.

Với những nhận xét trên, để đảm bảo được tính liên kết và mạch lạc trong bài làm, người viết nên lựa chọn chia đoạn theo tiêu chí thay vì chia đoạn theo đối tượng để có thể dễ dàng nhóm các số liệu tương đồng [tránh việc cung cấp hết số liệu sẽ làm bài viết dài dòng], mà vẫn có thể khai thác hết các cấu trúc so sánh. Như vậy, cách chia đoạn được gợi ý như sau:

In 2002, around 30% of people’s spending in Ireland and Turkey was on food, drinks, and tobacco. Meanwhile, the figures for Spain, Italy, and Sweden were significantly lower, averaging around 17%. Expenditures on clothing and footwear averaged around 6% in all countries except for Italy, which accounted for 9%.

Leisure and education made up the smallest proportion of people’s spending in all countries out of the three categories, with the highest figure being just over 4% in Turkey. The proportion of people’s spending on leisure and education in Sweden and Italy was just over 3%, while the figures for Ireland and Spain averaged around 2%.

Một số dấu hiệu để nhận biết nhanh cách chia đoạn thân bài

  • Nhận biết thông qua dạng biểu đồ.

Người đọc có thể phát hiện nhanh cách chia đoạn thân bài thông qua dạng biểu đồ trong đề bài. Với những dạng đề bài Biểu đồ cột [Bar chart] có nhiều tiêu chí và ít [2-3] đối tượng, cách chia thân bài theo tiêu chí thường là cách được áp dụng.

Với dạng biểu đồ bảng có nhiều đối tượng và nhiều tiêu chí, người học nên đánh giá số liệu trước khi lựa chọn cách chia đoạn thân bài. Nếu giữa các đối tượng có đặc điểm chung về số liệu ở các tiêu chí, và số liệu của mỗi đối tượng có những điểm tương đồng/khác biệt để nhóm thông tin, người học nên lựa chọn cách chia đoạn thân bài theo tiêu chí.

Với một số đề bài đặc biệt, người học cần nhận ra và khai thác đặc điểm này để chia đoạn thân bài.

Ví dụ: The table below shows information about age, average income per person and population below poverty line in three states in USA.

Người học có thể dễ dàng nhận thấy nếu chia đoạn thân bài theo đối tượng, sẽ không thể sử dụng các cấu trúc so sánh giữa các tiêu chí trong cùng một đối tượng. Thay vào đó, người viết nên thử cách chia đoạn thân bài theo tiêu chí, sẽ giúp thí sinh thể hiện được sự so sánh giữa các đối tượng.

  • Đánh giá tương quan dung lượng các đoạn văn.

Một dấu hiệu khác giúp thí sinh lựa chọn được cách chia đoạn phù hợp là thông qua dung lượng đoạn văn. Thông thường, với cách chia đoạn phù hợp cùng cách nhóm thông tin hợp lý, người học có thể viết được hai đoạn văn thân bài với dung lượng khá tương đương. Như đã nói ở trên, người học có thể phát hiện được nhiều cách chia đoạn thân bài cho một đề bài cụ thể. Sau đó, người học có thể thử mường tượng và phác họa ra dung lượng của các đoạn văn theo mỗi cách chia đoạn để lựa chọn ra cách tối ưu nhất.

Tổng kết

Trong bài viết trên, người viết đã giới thiệu và phân tích một số cách chia đoạn thân bài được ứng dụng trong bài thi IELTS Writing Task 1 Dạng biểu đồ so sánh. Bài viết cũng đã đưa ra những đánh giá về mỗi phương pháp chia đoạn thân bài, cùng với đó là những khuyến nghị cách thực hiện và dấu hiệu nhận biết nhanh cách chia thân bài phù hợp. Tác giả hi vọng bài viết sẽ giúp giảm bớt các khó khăn của thí sinh IELTS và người đọc trong việc phân tích đề bài và nhóm thông tin trong bài thi IELTS Writing Task 1.

Chủ Đề