Làm thế nào để giúp đỡ người khuyết tật năm 2024

Theo số liệu thống kê, cả nước hiện có hơn 6 triệu người khuyết tật (chiếm khoảng 7% dân số). Những năm qua, mặc dù NKT đã không ngừng học tập, nỗ lực tìm công việc phù hợp để không trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội, tuy nhiên thực tế, hành trình tiếp cận việc làm của họ vẫn còn nhiều khó khăn.

Hiện nay chỉ có khoảng 50% NKT có việc làm ổn định, điều này đòi hỏi phải có những giải pháp về mặt chính sách và sự chung tay của toàn xã hội, giúp họ vượt qua sự tự ti để có thể chứng tỏ khả năng của mình.

Trước đây vốn là một người bình thường, chị Nguyễn Thị Hải ở phường Trần Hưng Đạo, TP Nam Định (Nam Định) đi làm công nhân cho một công ty may ở gần nhà. Tuy nhiên, căn bệnh viêm đa khớp hệ thống khiến chân chị suy yếu rồi liệt cả hai chân, việc đi lại gặp nhiều khó khăn.

Sau khi bị liệt, vượt qua mặc cảm, đi xin việc ở nhiều nơi không được nên chị đã vay mượn thêm vốn để mở cửa hàng tạp hóa nhỏ tại nhà. Khách đến mua tự lấy hàng rồi ra quầy thanh toán, còn người giao hàng cũng nhiệt tình giúp chị vận chuyển, xếp hàng lên giá. Chị Hải cho biết: “Sự sẻ chia của mọi người giúp tôi có thêm sức mạnh để vượt lên khó khăn. Cửa hàng tạp hóa nhỏ này đã giúp tôi có thu nhập nên cuộc sống cũng đỡ vất vả, không phải phụ thuộc vào người thân trong gia đình”.

Còn chị Bùi Thị Hiền, công nhân Công ty Cổ phần Kim khí Thăng Long (quận Long Biên, TP Hà Nội), trong một lần làm việc, không may bị tai nạn, máy dập nát 2/3 bàn tay phải và một nửa bàn tay trái. Sau những tháng ngày buồn bã, chị Hiền lấy lại niềm tin để trở lại Công ty với vị trí việc làm khác, phù hợp hơn với điều kiện sức khỏe. Chính sự tin cậy của lãnh đạo Công ty, sự đùm bọc của đồng nghiệp đã giúp chị Hiền có động lực tiếp tục được làm việc để lo cho bản thân.

Chị Hiền cho biết: “Tôi vẫn cảm thấy may mắn vì mình còn khả năng lao động và tiếp tục được Công ty nhận vào làm việc, không phải dựa dẫm vào người khác”.

Thực tế hiện nay có rất nhiều công ty, doanh nghiệp sẵn sàng nhận NKT vào làm việc, như Công ty TNHH thêu tranh ảnh cao cấp Hoàng Thị Khương (xã Quất Động, huyện Thường Tín, TP Hà Nội); Công ty TNHH Xã hội 3-12 (phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội), Công ty TNHH Duccest (khu đô thị mới Định Công, phường Định Công, TP Hà Nội)... NKT khi được những công ty này tuyển sẽ được học nghề, làm nghề may, thủ công mỹ nghệ, nhân viên kinh doanh, thợ thêu tranh, thợ may công nghiệp...

Hay như Công ty Taekwang Vina Industrial (Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) có khoảng 40.000 lao động, trong đó có 300 lao động khuyết tật đang làm việc. Công ty đã tạo cơ hội để tất cả người lao động có điều kiện phát huy tốt nhất khả năng làm việc và thế mạnh của bản thân.

Ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Taekwang Vina Industrial cho biết: “Với chủ trương chia sẻ với cộng đồng, nhiều năm nay, Công ty Taekwang Vina Industrial đã nhận những lao động khuyết tật vào làm việc. Tùy theo mức độ khuyết tật để chúng tôi sắp xếp công việc cho phù hợp, ví dụ như với những người không đi được, phải ngồi xe lăn thì chúng tôi sắp xếp chỉ làm việc nhẹ, đơn giản bằng tay và bố trí vị trí làm việc gần cửa để thuận tiện ra vào... qua đó giúp NKT cảm thấy mình vẫn có thể làm được những việc như người bình thường, tự tạo thu nhập cho bản thân để không trở thành là gánh nặng cho xã hội”.

Mặc dù trong những năm qua, Nhà nước và các công ty, doanh nghiệp có nhiều chính sách giúp đỡ NKT có việc làm để tự nuôi sống mình và đóng góp cho xã hội, tuy nhiên, cánh cửa việc làm không phải lúc nào cũng rộng mở, nhất là đối với những NKT ở nông thôn.

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Hồng Hà, Chủ tịch Hội NKT huyện Hoài Đức, TP Hà Nội, cho biết: “Thực tế hiện nay, NKT gặp nhiều khó khăn như trình độ học vấn thấp, tay nghề chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp, không có những thông tin đầy đủ về thị trường lao động, nên để tìm được việc làm rất khó khăn. Bản thân NKT cũng có những mặc cảm và luôn tự ti, không dám tiếp cận với những cơ hội việc làm. Cùng với đó, nhiều người sử dụng lao động chưa tin tưởng trao cho NKT niềm tin để họ làm tốt công việc của mình, từ đó dẫn đến NKT khó tiếp cận được với việc làm. Thời gian qua, chúng tôi luôn quan tâm kết nối với các doanh nghiệp, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm giúp NKT tiếp cận được các nguồn vốn vay để có thể tự tạo công ăn việc làm cho bản thân. Chỉ khi giúp họ có được “chiếc cần câu” thì chắc chắn NKT cũng sẽ lao động, đóng góp tích cực cho cộng đồng, xã hội”.

Trên toàn quốc, nhiều địa phương, đơn vị và nhà hảo tâm đã có những hoạt động hỗ trợ thiết thực, ý nghĩa, giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng

Xóa bỏ mọi rào cản

Một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, người khuyết tật chiếm 20% trong số những người có hoàn cảnh khó khăn ở các nước đang phát triển. Nhiều người khuyết tật vẫn phải đối mặt với các rào cản khi họ hòa nhập cộng đồng, phải đối mặt với sự phân biệt nhất là về các quyền cơ bản như lương thực, học vấn, nghề nghiệp hoặc tiếp cận với các dịch vụ y tế và sức khỏe sinh sản.

Làm thế nào để giúp đỡ người khuyết tật năm 2024

Sau 7 năm thành lập, Cơ sở tranh cát nghệ thuật Phi Long tại thành phố Phan Thiết (Bình Thuận) đã đào tạo thành nghề miễn phí cho gần 300 học viên là người khiếm thính, tàn tật đến từ các tỉnh, thành trong cả nước. Mạnh Linh - TTXVN

Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ người khuyết tật khá cao so với các nước trong khu vực. Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện cả nước có trên 6 triệu người khuyết tật, (chiếm 7,8% dân số), trong đó 75% người khuyết tật đang trong độ tuổi lao động, nhưng chỉ có 3% được đào tạo chuyên môn, hơn 4% có việc làm ổn định, còn hầu hết người khuyết tật phải sống dựa vào gia đình và cuộc sống rất khó khăn. Thống kê cũng ghi nhận, riêng số lượng trẻ em khuyết tật ở Việt Nam hiện có trên 60 vạn, trong đó chỉ có khoảng 25% được đi học. Vẫn còn xấp xỉ 1/3 số gia đình trẻ khuyết tật không có điều kiện chữa trị bệnh cho con.

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm cho biết, hiện nay đời sống người khuyết tật còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ người khuyết tật nghèo còn cao. Trẻ em khuyết tật chưa được đảm bảo các điều kiện đến trường. Số người khuyết tật còn sức khỏe được đào tạo nghề, có việc làm thu nhập ổn định còn ít… Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang chủ trì phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, các tổ chức xã hội đẩy mạnh thực hiện Đề án chăm sóc người khuyết tật giai đoạn 2012- 2020, trong đó đặc biệt ưu tiên thúc đẩy và hoàn thiện xây dựng hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Người khuyết tật; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội, bảo đảm thực hiện hiệu quả luật pháp, chính sách đối với người khuyết tật; nghiên cứu, quy hoạch, phát triển hạ tầng cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc, trợ giúp cho người khuyết tật…

Hỗ trợ cho tương lai

Tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập - Trẻ khuyết tật (Sở Giáo dục và Đào tạo) Tiền Giang, thầy Nguyễn Văn Đáng, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, mỗi tuần các vị phụ huynh đưa con em mình đến đây từ 2 đến 3 buổi, học - tập phục hồi các chức năng, tạo điều kiện để trẻ hòa nhập cộng đồng. Trẻ đến Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập - Trẻ khuyết tật Tiền Giang thường bị các khuyết tập bẩm sinh, khó khăn về nhìn, nghe, vận động hoặc các dạng khác do di chứng não ...

Để nhắc nhở toàn thế giới nhớ đến những người không may bị khuyết tật một phần thân thể, năm 1993, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã quyết định lấy ngày 3-12 hằng năm là Ngày Quốc tế Người khuyết tật. Đây cũng là một cách chia sẻ và đồng thời cũng là dịp để tôn vinh những người đã biết vượt qua nghịch cảnh để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.

Tại thành phố Hà Nội, những năm gần đây, các công trình cải tạo, xây mới chung cư, công trình công cộng đã cơ bản tuân thủ theo quy định “Quy chuẩn và tiêu chuẩn xây dựng công trình để đảm bảo cho người khuyết tật tiếp cận sử dụng”. Các sở, ngành liên quan, UBND quận, huyện đã tham gia ý kiến về thiết kế cơ sở, thẩm định các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn thành phố đảm bảo đúng quy định, đặc biệt lưu ý thiết kế đường dốc cho người khuyết tật sử dụng xe lăn, hệ thống thang máy cho người khuyết tật sử dụng.

Tại các quận, huyện: Hoàng Mai, Đông Anh, Gia Lâm, Phú Xuyên, Quốc Oai… đã thí điểm cải tạo lối vào nhà vệ sinh tại một số công trình công cộng; cải tạo đường tiếp cận xe lăn tại vỉa hè phố Đinh Tiên Hoàng, đường Kim Liên mới. Từ năm 2009-2013, thành phố đã có thêm 5.936 người khuyết tật được cấp thẻ đi xe buýt miễn phí, đưa tổng số người khuyết tật được cấp thẻ đi xe buýt miễn phí lên gần 20.000 người. Thành phố còn chỉ đạo các đơn vị tham gia vận tải công cộng cải tạo phương tiện vận chuyển hoặc bố trí thiết bị, công cụ và nhân viên để trợ giúp hành khách là người khuyết tật lên, xuống phương tiện giao thông thuận tiện.

Tạo điều kiện cho người khiếm thị vượt qua khó khăn, hòa nhập cộng đồng, Thừa Thiên - Huế đã và đang từng bước xây dựng, thực hiện chính sách nhằm giúp đỡ các em khiếm thị trong tỉnh được đến trường, được học nghề và làm việc như những người bình thường, vươn lên chiến thắng tật nguyền. Theo thống kê, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có gần 300 trẻ em khiếm thị trong độ tuổi học đường. Phần lớn gia đình các em đều thuộc diện đói nghèo, nhiều em không được đến trường, ít được học hành.

Ông Lê Văn Lộc, Chủ tịch Hội Người mù Thừa Thiên - Huế cho biết: Nhiều trẻ em khiếm thị cảm thấy tự ti trước xã hội. Vì vậy, bên cạnh việc chăm lo, hỗ trợ đời sống vật chất lẫn tinh thần cho người mù, trong đó có trẻ em, Hội đã tranh thủ mọi nguồn lực để tổ chức dạy chữ, xóa mù chữ, nâng cao dân trí, nhờ đó nhiều em đã tốt nghiệp bậc THPT và học lên cao hơn, có cuộc sống ổn định, hòa nhập cuộc sống cộng đồng.