Tốc độ tăng trưởng ngành ngân hàng

Ảnh minh họa. [Ảnh: CTV/Vietnam+]

Lạc quan vào triển vọng phục hồi kinh tế, nhiều ngân hàng đang đặt mục tiêu tăng trưởng ít nhất 20%-30% trong năm nay chủ yếu dựa vào mảng bán lẻ, cho vay cá nhân, cho vay bất động sản.

Bứt phá ngay từ đầu năm

Theo các tổ chức tài chính nước ngoài, kinh tế Việt Nam có một khởi đầu tốt đẹp cho năm 2022 nhờ tiêu dùng trong nước phục hồi và các điều kiện bên ngoài khởi sắc.

Báo cáo mới công bố của HSBC cho biết sau khi giảm gần 4% trong năm 2021, doanh thu bán lẻ đã tăng 1,3% trong tháng 1/2022 so với cùng kỳ năm trước. HSBC cũng đánh giá động lực tăng trưởng chính của Việt Nam là sản xuất đã bắt đầu chứng kiến những bước phục hồi mạnh mẽ khi tình hình thiếu hụt lao động tiếp tục được cải thiện.

[Triển vọng và thách thức của kinh tế Việt Nam trong năm 2022]

Chuyên gia Ngân hàng Standard Chartered cũng nhận định nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022, bắt đầu từ cuối quý 1. Tốc độ tăng trưởng dự kiến sẽ đạt 6,7% trong năm 2022 và 7% trong năm 2023. Triển vọng trung hạn của Việt Nam duy trì tích cực. Việt Nam sẽ tiếp tục là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và là một điểm đến được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Hoạt động đầu tư vào Việt Nam dự kiến sẽ phục hồi trong năm nay sau một thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Bà Michele Wee, Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, nhấn mạnh: "Dù chúng ta đang sống chung với dịch COVID-19 nhưng kinh tế Việt Nam đang trong quá trình phục hồi. Trong một cuộc khảo sát do Standard Chartered thực hiện gần đây, các khách hàng đều cho rằng Việt Nam có rất nhiều tiềm năng tăng trưởng và thu hút đầu tư. Việt Nam cũng đang đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong hoạt động thương mại quốc tế và chuỗi cung ứng toàn cầu."

Báo cáo về ngành ngân hàng mới đây của Công ty chứng khoán Rồng Việt [VDSC] cũng lạc quan đánh giá năm 2022, các chương trình phục hồi nền kinh tế sẽ tác động tích cực lên ngành ngân hàng.

“Các gói hỗ trợ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo niềm tin doanh nghiệp, cải thiện lưu thông và dòng tiền đồng thời giảm tổn thất tín dụng với mức độ tùy thuộc vào quy mô, tiến độ và hiệu quả của gói kích thích và đà phục hồi. Khi điều kiện kinh doanh được cải thiện sẽ hạn chế rủi ro tín dụng của nền kinh tế. Từ đó thúc đẩy cung-cầu về tín dụng,” VDSC nhận định.

Thực tế đã chứng minh cho nhận định lạc quan trên là hoàn toàn có cơ sở khi tính đến ngày 28/1/2022, dư nợ tín dụng tăng khoảng 2,74% so cuối năm 2021, cao hơn nhiều mức tăng 0,53% của tháng 1/2021 và tương đương lượng tín dụng được bơm ra trong tháng Một đạt gần 286.000 tỷ đồng. Đây là mức tăng theo tháng mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây.

“Dư nợ tín dụng bứt phá ngay từ những ngày đầu năm cho thấy khả năng phục hồi của doanh nghiệp sau khi nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường mới khá tích cực. Nhất là tại các địa phương kiểm soát dịch bệnh, doanh nghiệp trên địa bàn phục hồi nhanh,” một chuyên gia ngân hàng nhìn nhận.

Kỳ vọng vào tín dụng bán lẻ

Kinh tế phục hồi sẽ mở ra cho các ngân hàng nhiều dư địa tăng trưởng, trong đó mảng tăng trưởng đột phá được nhiều ngân hàng kỳ vọng là tín dụng bán lẻ.

Lãnh đạo Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế [VIB] cho biết trong 5 năm qua, mảng ngân hàng bán lẻ đã tăng trưởng 30 lần về lợi nhuận. Năm 2022, ngân hàng này tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng cao mảng bán lẻ. VIB cũng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 5 năm tới là trên 30%/năm.

Trong khi đó, lãnh đạo Ngân hàng Thương mại cổ Việt Nam Thịnh Vượng [VPBank] cũng lạc quan cho rằng năm 2022, tất cả phân khúc chiến lược của ngân hàng này sẽ quay lại "đường ray" tăng trưởng, như tín dụng tiêu dùng, doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Tăng trưởng tín dụng từ năm 2018-2022. Đơn vị: %

Đặc biệt, vế bán lẻ, mảng cho vay bất động sản ngày càng được nhiều ngân hàng coi trọng. Dù Ngân hàng Nhà nước chủ trương siết chặt tín dụng đầu cơ bất động sản, song lại khuyến khích tín dụng bất động sản phục vụ đời sống. Tuy chưa đưa ra kế hoạch tăng trưởng cụ thể cho năm 2022, song lãnh đạo VPBank cho hay ngân hàng đã đưa ra kịch bản tăng trưởng cao và kịch bản tăng trưởng hợp lý. Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trung bình 5 năm tới có thể lên đến 30%-35%.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng Hải [MSB] cho biết trong năm 2022, bên cạnh mảng tín dụng tập trung vào bán lẻ và doanh nghiệp vừa và nhỏ, ngân hàng sẽ tiếp tục thúc đẩy các mảng hoạt động thu phí, đẩy mạnh số hóa các dịch vụ của ngân hàng để góp phần tăng trưởng mạnh tiền gửi không kỳ hạn [CASA], giảm chi phí vốn và giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập [CIR].

Ngân hàng này đặt mục tiêu 2022 đạt quy mô tài sản 233.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 6.800 tỷ đồng, tín dụng tăng 20%-25% tùy vào phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu kiểm soát ở mức dưới 1,5%.

Để hỗ trợ nền kinh tế đạt được mục tiêu tăng trưởng 6%-6,5% trong năm 2022, Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng ở mức 14% nhưng sẽ được linh hoạt tùy diễn biến thực tế.

Tiến sỹ Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, đánh giá Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% là hoàn toàn có thể đạt được trong năm 2022, thậm chí có thể cao hơn nhưng điều có ý nghĩa ở đây không chỉ ở con số mà là thông điệp điều hành chính sách linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước.

“Điều đó cho thấy ngân hàng trung ương tiếp tục duy trì sự mềm dẻo trong điều hành chính sách, vừa gắn với mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, vừa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế,” ông Thành nhấn mạnh.

Dù vậy, lãnh đạo một số ngân hàng cũng thừa nhận vẫn còn những rủi ro tiềm ẩn như lạm phát quay lại, sự phục hồi của một số ngành vẫn chậm… song nhìn chung, triển vọng tăng trưởng kinh tế năm nay sáng sủa hơn năm trước. Ngân hàng là một trong các ngành được kỳ vọng tăng trưởng tốt nhất năm nay./.

Thúy Hà [Vietnam+]

Các ngân hàng đang đẩy mạnh số hóa, đặt mục tiêu tăng trưởng cao mảng bán lẻ.

Đầy tự tin

Bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng nhóm phân tích dữ liệu, Khối dịch vụ Thông tin Tài chính FiinGroup: 4 yếu tố cho tăng trưởng

Kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của ngành ngân hàng đạt 20-25% trong năm 2022, ngành ngân hàng dự kiến sẽ tăng trưởng vượt trội hơn so với khối doanh nghiệp phi tài chính. Đây là điểm khác biệt so với năm 2021. Các ngân hàng sẽ tăng trưởng tốt nhờ 4 yếu tố: Thứ nhất, tín dụng tăng trưởng do nỗ lực kích thích kinh tế của Chính phủ. Thứ hai, biên lợi nhuận [NIM] có thể tiếp tục duy trì tốt ngay kể cả khi lãi suất huy động tăng, do một số ngân hàng không còn phải hỗ trợ lãi suất như trong năm 2021 nữa. Thứ ba, thu nhập từ phí sẽ hồi phục trở lại khi kinh tế hồi phục. Thứ tư, một số ngân hàng trong năm 2021 đã phải trích lập dự phòng trước thời hạn Thông tư 03, năm nay sẽ không phải trích lập nữa nên có cơ hội hoàn nhập trở lại.

Ông Đào Phúc Tường, CFA- Chuyên gia tài chính: Định giá đang cao

Nhóm các ngân hàng vẫn là ngành có tốc độ tăng trưởng cao trên thị trường so với các ngành khác. Tuy nhiên, định giá cổ phiếu ngân hàng hiện đang cao. Vì thế, điểm mấu chốt chính là mùa đại hội đồng cổ đông đang tới gần sẽ là "điểm bản lề" thu hút sự chú ý của thị trường hơn với cổ phiếu ngân hàng.

Hương Dịu [ghi]

Kết thúc năm 2021, “bức tranh” lợi nhuận của ngành ngân hàng vô cùng khả quan, khi tổng lợi nhuận sau thuế của 27 ngân hàng niêm yết tăng tới hơn 30% so với năm 2020, phần lớn nhờ vào thu nhập lãi ròng và thu nhập phí tăng cao hơn.

Chính vì thế, theo các chuyên gia, “bức tranh” lợi nhuận này sẽ tiếp tục “sáng sủa” hơn trong năm 2022. Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng [MBKE], ngoài động lực tăng trưởng tín dụng mạnh hơn do cầu tín dụng lớn hậu đại dịch, thu nhập từ phí của ngân hàng năm 2022 dự kiến tăng mạnh 30-40%, trong khi biên lợi nhuận [NIM] duy trì được ổn định. Theo đó, các ngân hàng sẽ duy trì tăng trưởng lợi nhuận trung bình 25% trong năm 2022, trong đó 6 tháng cuối năm sẽ là giai đoạn tăng tốc mạnh mẽ khi việc trích lập dự phòng có thể giảm bớt nhờ môi trường hoạt động được cải thiện.

Tương tự, SSI Research ước tính tăng trưởng lợi nhuận trước thuế trung bình của các ngân hàng năm 2022 là 21% so với năm 2021, cao hơn mức tăng trưởng 13% của 96 công ty trong phạm vi nghiên cứu của SSI. Ước tính này không bao gồm thu nhập bất thường tiềm năng từ phí phân phối bảo hiểm độc quyền qua ngân hàng [bancassurance] hoặc thoái vốn công ty con của VietinBank, HDBank, Techcombank, MB... SSI Research còn cho rằng, các ngân hàng thương mại cổ phần [TMCP] có vốn nhà nước ước tính tăng trưởng lợi nhuận ở mức 19%, trong khi các ngân hàng TMCP khác có thể đạt mức tăng trưởng tới 22% so với năm 2021 do triển vọng tăng trưởng tín dụng tươi sáng hơn. Bên cạnh đó, trong nửa đầu năm 2022, tăng trưởng lợi nhuận sẽ ở mức khiêm tốn và chỉ thật sự bứt phá mạnh hơn từ quý 2 với VietinBank, Vietcombank, MB và từ quý 3 với các ngân hàng khác.

Báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán BSC cũng đánh giá, năm 2022, nhu cầu tín dụng sẽ tiếp tục ở mức cao khoảng 140%. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng của ngành ngân hàng sẽ đạt mức 22,2% nhờ kinh tế phục hồi sau dịch và mức nền lợi nhuận thấp hơn trong năm 2021.

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông [OCB] cho biết, dịch bệnh năm 2022 vẫn còn nhiều phức tạp nhưng nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam không còn lệnh phong tỏa, giúp hoạt động xuất khẩu của Việt Nam được duy trì. Cùng với đó, năm 2022, Chính phủ có kế hoạch tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, kích thích cho khu vực kinh tế tư nhân… điều này sẽ giúp sức mua tăng trở lại, tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh của các ngân hàng phát triển.

Ngân hàng “sống khỏe” nhờ đâu?

Tín dụng được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trở lại, nhưng lâu nay, các ngân hàng đều đã dần chuyển hướng chiến lược để mảng bán lẻ bứt phá, trở thành động lực tăng trưởng chính của các ngân hàng trong năm nay. Ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB cho biết, trong năm 2022, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 6.800 tỷ đồng, tăng khoảng 33%. Để đạt được kết quả này, bên cạnh mảng tín dụng tập trung vào bán lẻ và SME, MSB sẽ tiếp tục thúc đẩy các mảng hoạt động thu phí, đẩy mạnh số hóa các dịch vụ của ngân hàng để góp phần tăng trưởng mạnh tiền gửi không kỳ hạn [CASA], giảm chi phí vốn và giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập [CIR].

Đồng quan điểm, lãnh đạo VPBank cũng chia sẻ, mảng bán lẻ và vay tiêu dùng tăng tốc trở lại trong quý 4/2021 đã đóng góp nhiều hơn vào kết quả kinh doanh năm 2021, cùng với chiến lược chuyển đổi số hiệu quả sẽ giúp ngân hàng tiếp tục tăng trưởng cao trong năm 2022 cũng như những năm tới. Theo đó, ngân hàng này đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trung bình 5 năm tới có thể lên đến 30-35%.

Cũng lạc quan về lợi nhuận, lãnh đạo VIB cho biết, ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ trong chặng đường tiếp theo với tăng trưởng kép về lợi nhuận đạt trên 30%/năm. Theo bà Trần Thu Hương, Giám đốc Chiến lược kiêm Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ VIB, trong 5 năm qua, mảng ngân hàng bán lẻ của VIB đã tăng trưởng 30 lần về lợi nhuận. Năm 2022, VIB tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng cao mảng bán lẻ, trong đó đặt mục tiêu tiên phong về các sản phẩm cá nhân hóa để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, hướng đến với phân khúc khách hàng trẻ sẽ chiếm khoảng 85% danh mục khách hàng trong 5 năm nữa.

Ngoài ra, theo nhiều dự báo, trong năm 2022, thu nhập từ dịch vụ thanh toán sẽ phục hồi cùng với việc nối lại thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại. Trong khi đó, thị trường bán chéo bảo hiểm qua ngân hàng [bancassurance] được dự báo sẽ tiếp tục sôi động. Chẳng hạn như VietinBank sẽ hoàn tất hợp đồng với Manulife, Techcombank và VPBank tiếp tục đàm phán lại hợp đồng với Manulife và AIA. HDBank và LienVietPostBank sẽ có thể ký một hợp đồng bancassurance độc quyền mới…

Theo các chuyên gia của BSC, việc tập trung bán lẻ sẽ tiếp tục là mũi nhọn trong năm 2022 của nhiều ngân hàng do quy mô cho vay trên khách hàng thấp giúp ngân hàng giảm thiểu rủi ro tập trung và NIM cao hơn so với các khách hàng lớn. Điều này sẽ khiến cuộc cạnh tranh về thị phần CASA sẽ tương đối khốc liệt khi các “ông lớn” đồng loạt giảm phí dịch vụ hồi cuối năm 2021. Một số ngân hàng có lợi thế về tỷ lệ CASA cao với tỷ lệ cao hơn 30% sẽ có chi phí vốn thấp, từ đó giúp gia tăng hiệu quả về cho vay.

Theo vị Tổng giám đốc của OCB, triển vọng kinh doanh của các ngân hàng cũng có sự phân hóa rõ rệt do mức độ cạnh tranh trong ngành dự báo tăng lên. Nhóm ngân hàng có hệ số an toàn vốn [CAR] cao và có mô hình hoạt động năng động sẽ tiếp tục được cấp mức hạn mức tăng trưởng [room] tín dụng cao hơn trung bình ngành.

Tuy nhiên, nói về tác động của nợ xấu, các chuyên gia nhận định, chất lượng tài sản được dự báo sẽ trong tầm kiểm soát khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức cao và đang được cải thiện. BSC cho rằng, dư nợ tái cơ cấu sẽ không quá ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các ngân hàng do tổng thu nhập của ngân hàng tạo ra ở mức cao giúp các ngân hàng đủ khả năng trích lập thêm mà không ảnh hưởng nhiều đến tăng trưởng và dự kiến các khoản nợ tái cơ cấu sẽ không tăng nhiều nhờ sự mở cửa lại của nền kinh tế.

Video liên quan

Chủ Đề