Phạm Báo Yến Mùi cỏ cháy

(HNM) - "Mùi cỏ cháy" là một trong hai phim truyện nhựa mới nhất (cùng với "Tâm hồn mẹ") tham dự Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17 tại Phú Yên. Nhà thiết kế mỹ thuật Phạm Quốc Trung (giải Bông sen Vàng dành cho họa sĩ thiết kế mỹ thuật trong phim "Đừng đốt" - LHP Việt Nam lần thứ 16) chia sẻ với Hànộimới chuyện hậu trường của "Mùi cỏ cháy" và những nỗi niềm của người làm thiết kế mỹ thuật ở Việt Nam.

- Hình như anh có duyên với việc thiết kế mỹ thuật cho những bộ phim về đề tài chiến tranh?

- Có lẽ duyên số khiến tôi làm nhiều phim chiến tranh, chứ không phải chuyên làm phim chiến tranh. Trước "Mùi cỏ cháy", "Đừng đốt", tôi đã  thiết kế mỹ thuật cho những phim đề tài chiến tranh chống Mỹ như "Người đàn bà mộng du", "Chớp mắt cùng số phận"… Và sắp tới là một phim mới "Nếu như còn được sống".

- Thưa anh, bối cảnh chính của "Mùi cỏ cháy" là Thành cổ Quảng Trị và bờ sông Thạch Hãn đã được xây dựng thế nào?

- Một trong những vấn đề nan giải của "Mùi cỏ cháy" là tìm ra một mặt bằng để dựng lại không khí chiến tranh ở Thành cổ Quảng Trị và bờ sông Thạch Hãn. 
Đây là một bộ phim chiến tranh quy mô lớn, không thể dựng lại bối cảnh giống hệt như Thành cổ Quảng Trị nhưng phải làm sao toát lên sự khốc liệt thường trực trong 81 ngày đêm máu lửa ấy. Sau nhiều ngày tìm kiếm, chúng tôi dừng chân ở Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô - Hà Nội). Rất may là đã tìm được hồ nước, nơi sĩ quan lục quân luyện tập cho xe lội nước vượt sông. Dòng sông này phải đánh quả nổ liên tục, nên nếu là hồ nuôi thủy sản thì rất khó thực hiện.

- Trong điều kiện của một nền điện ảnh "không trường quay" như ở nước ta, câu chuyện xây dựng bối cảnh của "Mùi có cháy" hẳn cũng có nhiều tình huống đáng nhớ?

- Họa sĩ thiết kế ở Việt Nam phải làm từ con số không chứ không có điều kiện thuận lợi như nhiều nước khác. Không nói đâu xa, như Trung Quốc có rất nhiều trường quay để thực hiện những cảnh phim về lịch sử cận đại và trên nền bối cảnh có sẵn đó, họa sĩ thì chỉ cần gia cố thêm... Tất nhiên, thực hiện những việc khó khăn cũng mang lại cho mình cảm hứng và động lực nhất định. Và tôi, mặc dù làm phim chiến tranh không ít, có đôi chút tư liệu, vốn sống, kinh nghiệm, nhưng khi chưa tìm được bối cảnh thì gần như mất ăn mất ngủ.

Bối cảnh Thành cổ Quảng Trị được dựng trên gò đất cao giữa cánh đồng mênh mông, không bóng cây. Lúc dựng thì nắng chói chang, anh em chỉ dám làm từ 5h30 sáng cho đến 10h, sau đó tiếp tục từ 15h đến 17h. Nhiều khi dựng cảnh xong thì gặp mưa giông, lốc xoáy, phải dựng lại. Vì điều kiện kinh phí, chúng tôi phải kết hợp giữa những vật liệu sử dụng lâu dài với vật liệu xốp, gỗ dán nhằm tạo hiệu quả và để giảm chi phí… Vẫn biết điều kiện làm phim ở nước ta là thế, nhưng có lẽ không nhiều phim gặp phải tình huống dựng bối cảnh khắc nghiệt như vậy.

Bộ phim này có một đặc điểm là lớp người tham gia chiến trận ở Thành cổ Quảng Trị đa số thuộc tầng lớp sinh viên, nhạy cảm, yêu đời, có học thức. Cảm nhận về cuộc sống, chiến tranh, tình yêu… qua họ được thể hiện một cách tinh tế, có chiều sâu. Bởi thế, họa sĩ thiết kế phải tìm cho ra những chi tiết phục vụ tốt nhất cho ý đồ kịch bản. Không đơn giản đâu, như chuyện tìm những con vật cho phim đã lắm chuyện rồi. Khởi quay vào mùa đông 2011 nên không ở đâu có cóc, anh em phải tìm kiếm, nhờ vả khắp nơi. Rồi khi cần con ve sầu thì phải nhờ bạn bè vào được Trường ĐH Nông nghiệp lấy tiêu bản ve về…

- Họa sĩ thiết kế dường như là một công việc khá lặng lẽ?

- Trong một khuôn hình, tất cả những gì ngoài diễn viên đều thuộc trách nhiệm của họa sĩ thiết kế. Đó là người nắm giữ đầu mối của các tổ phục trang, đạo cụ, dựng cảnh, hóa trang… Cùng với anh em, họa sĩ thiết kế cũng phải xắn tay mà lo từ cái nhỏ nhất như cây kim, cuộn chỉ, con tem… Phải giám sát toàn bộ, từ độ cũ của mảnh vải đến những đạo cụ "độc"… Có những đạo cụ quan trọng không kém gì nhân vật. Ví dụ, với phim "Đừng đốt" là chiếc đèn dầu làm bằng vỏ đạn mà chị Trâm đã sử dụng. Rồi là cuốn nhật ký (ở ba thời điểm: lúc mới viết, lúc nó được nhặt lên trong đổ nát, rồi nó trở lại sau mấy chục năm với vết tích chiến tranh, thời gian…). Đạo diễn Đặng Nhật Minh rất cầu kỳ, ông gửi cả hình ảnh cuốn nhật ký cho Fred xem trước khi quay.

- Vẫn biết điều kiện thực hiện bối cảnh rất khó khăn, song khán giả Việt Nam nhiều khi bức xúc với những chi tiết giả lộ liễu trong bối cảnh?

- Những sơ suất xảy ra chủ yếu ở phim truyền hình, làm vội. Có một sự thật trong nghề thiết kế mỹ thuật, là đôi khi có những bối cảnh được đầu tư nhiều tiền của, công sức nhưng chỉ cần một vài chi tiết không thật là phá hỏng toàn bộ cảm xúc của phim… Vì vậy, làm công việc này phải không ngừng thận trọng. Có những cuộc tìm kiếm tưởng như vô ích, nhưng nó rèn cho mình sự nghiêm túc. Anh em đạo cụ từng phải lặn lội vất vả mới tìm được loại máy phóng ảnh cỡ lớn dùng cho quân đội Mỹ năm 1970 (phim "Đừng đốt") trong nhà kho một nhà dân. Kỹ lưỡng là vậy, công sức bỏ ra là vậy nhưng có khi người xem không để ý đâu. Công sức tìm kiếm cái đó không kém gì cải tạo xây dựng một phòng làm việc ở căn cứ quân sự.

- Bối cảnh trong phim bao giờ cũng là làm giả, nhưng làm thế nào để nó thật nhất với người xem?

- Trước hết, anh làm về đề tài gì thì phải thể hiện bối cảnh cuộc sống, sinh hoạt, trang phục thời điểm đó một cách trung thực, nhất là về lịch sử, chiến tranh. Tuy nhiên, cái trung thực ấy phải được nâng lên về thẩm mỹ. Nghĩa là phải lựa chọn chi tiết để tạo ra cái đẹp. Đẹp, không có nghĩa là phải sang trọng, mà là khả năng gợi cảm xúc. Vài cái liếp ở bờ giếng là thật, nhưng có khi không đẹp, nếu nhấn thêm một vài màu sắc như viên gạch đỏ, khoai lang nước… có khi được bức tranh nông thôn.

- Anh nghĩ gì về việc áp dụng công nghệ hiện đại vào dựng bối cảnh trong điện ảnh nước ta?

- Thiết kế mỹ thuật rất cần công nghệ hiện đại. Nhưng cần hơn cả là ở con mắt nhìn của người họa sĩ.

- Xin cảm ơn anh!