Nhàn cư vi bất tiện là gì

Giới trẻ hiện nay vẫn thường nói: "Nhàn rỗi sinh nông nổi". Cái nông nổi ấy chính là sự bất thiện, bất lương mà dân gian đã đúc rút từ xưa. Từ chuyện bờ vách có tai (nhàn rỗi chuyên đi hóng chuyện) rồi tam sao thất bản đến hành vi phạm tội nghiêm trọng, có nguyên nhân từ chính sự vô công rồi nghề của con người...

  • Vô công rồi nghề, bài bạc tràn lan


Khi Nguyễn Trãi nói: "Công danh đã hợp về nhàn", nghĩa là ông đã đặt mình ra ngoài vòng cương tỏa của công danh, không còn vướng bận với thế sự nữa. Cũng vậy, Nguyễn Bỉnh Khiêm lui về Bạch Vân am, lấy nhàn làm phương cách để di dưỡng tinh thần: "Một mai một cuốc một cần câu/ Thơ thẩn dầu ai vui thú nào/…/ Thu ăn măng trúc đông ăn giá/ Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao…".

Cái nhàn tản của bậc trí nhân, nằm trong tư tưởng Lão Trang, lấy điền viên sơn dã làm vui thú, bầu bạn cùng thơ túi rượu vò, giữ tiết tháo sạch trong của kẻ sĩ trước thời loạn lạc, nhiễu nhương, ô trọc. Công thành thân thoái, đời đục ta trong, "Nhàn một ngày là tiên một ngày" là lựa chọn phổ biến trong ứng xử của các bậc cao sĩ xưa kia.

Nhiều năm trước đây, khi có dịp dạy tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam cho một vị doanh nhân Hàn Quốc, tôi khá ngượng khi nghe ông hỏi: "Tại sao người Việt Nam rỗi thế? Họ hay ngồi ở quán cà phê, trà đá, vỉa hè trong giờ hành chính, thời gian lẽ ra đang phải làm việc trong cơ quan, nhà máy, công xưởng…". Tôi phải gượng giải thích cho ông rằng, họ ngồi đấy có khi cũng là đang làm việc rồi. Bởi lẽ, rất có thể họ đang gặp gỡ đối tác, bàn công chuyện làm ăn.

Nhưng, bỏ qua phương diện chính đáng ấy, sự thực có rất nhiều người la cà quán xá, vỉa hè, công viên, trà đá, bia hơi, phần lớn là do họ không có việc gì để làm. Để giết thời gian, người ta tụ tập, rủ rê nhau, buôn chuyện, đàm tiếu - hay như ngôn ngữ hiện đại là chém gió. Ai đó có thể phản biện rằng, đây là một sắc thái văn hóa bản địa, khi những dấu vết của sinh hoạt cộng đồng, gắn với không gian chợ búa, bến sông, gốc đa, giếng nước, sân đình… để kết nối con người trong môi trường sinh thái nông nghiệp.

Nhưng, hãy nghĩ mà xem, ngay tại những nơi lưu dấu nếp sinh hoạt cộng đồng ấy, người ta nói gì, làm gì. Ôi thôi, thượng vàng hạ cám, từ chuyện chính trị tận trời Tây cách nửa vòng trái đất đến chuyện con Hành nhà bà Hạ tự nhiên lại ễnh bụng lên, thằng Du con nhà ông Côn xăm trổ đầy mình mà cái đũng quần lúc nào cũng cứ nồng nỗng…

Nhàn cư vi bất tiện là gì

Đại khái là không thiếu chuyện gì trong lúc các nhàn khách chém gió. Cái nghiêm trọng hơn là nhàn rỗi, không có việc gì làm, không làm việc gì, ăn bám, ăn sẵn, lười biếng, vô công rồi nghề… khiến người ta toan tính và làm những việc xấu, bất nhân, thất đức, thiếu lương thiện, gây hại đến cộng đồng, xã hội. Dân gian vẫn nói: "Nhàn cư vi bất thiện chính là chỗ ấy".

Buôn chuyện, chém gió trong lúc nhàn rỗi có mặt xấu của nó không? Xin thưa là có. Đừng tưởng chỉ là lời nói cho vui, vô hại, những đàm tiếu, rỉ tai, thêu dệt, nói xấu sau lưng, lông gà vỏ tỏi… ấy vậy mà ảnh hưởng không nhỏ đến các cá nhân và cộng đồng có liên quan. Thông thường, qua miệng lưỡi những kẻ nhàn rỗi, câu chuyện được thêm mắm dặm muối, biến báo đi, khiến bản chất sự việc không còn như nó vốn có.

Từ cái đuôi mắt ươn ướt của con bé phòng X, cái hấp háy của tay thủ quỹ chả mấy lúc mà thành một vụ trai trên gái dưới. Thế rồi, "đã nghe gì chưa, đi nhà nghỉ với nhau đấy, mà vợ hắn ghen lắm, đâu như đã, giời ạ, cái ngữ ấy á, à mà này, ghê không…". Ai bảo đấy là những chuyện vô thưởng vô phạt? Rất có thể, cô nọ anh kia đã phải chịu điều tiếng mà mình không có, từ đấy bị săm soi, bị lườm nguýt, dè bỉu, thậm chí là bị gạt ra khỏi các hội nhóm trong cộng đồng của họ.

Nghiêm trọng hơn, có thể ảnh hưởng xấu đến danh dự, uy tín, nhân phẩm, công danh sự nghiệp và hạnh phúc gia đình của người ta. Bên li cà phê, đĩa hạt dưa, cốc trà đá, trên bàn nhậu, những kẻ nhàn rỗi, tò mò, hiếu sự, lấy chuyện người khác làm mồi, mặc sức thêu dệt. Khoái cảm của kẻ vô công rồi nghề có thể đã làm tổn thương một con người, gây nên những xích mích, chia bè kết phái, mất đoàn kết trong cộng đồng. Việc ấy, chẳng bất thiện, bất lương, bất nghĩa, bất nhân là gì?

Nhàn cư vi bất thiện, ở khía cạnh chính yếu của nó, muốn nhấn mạnh đến những kẻ dư thừa thời gian, làm những việc không lương thiện, ảnh hưởng xấu đến xã hội. Kẻ không có việc làm, nhàn rỗi, túng thiếu thì sinh trộm cắp, cướp của giết người. Kẻ lười biếng, ăn sẵn, ăn bám, dựa dẫm, thừa thời gian thì nghĩ đến việc hưởng thụ, nhậu nhoẹt, ăn chơi trác táng, ma túy, mại dâm, lô đề, bài bạc… An ninh trật tự xã hội, an toàn của người dân, môi trường sinh hoạt cộng đồng lành mạnh, nét đẹp văn hóa, nền tảng văn minh tiến bộ… bị xuống cấp, bị đe dọa có nguyên do khá lớn từ những kẻ nhàn rỗi, bất lương như thế. Kẻ nhàn rỗi rất dễ bước chân vào con đường phạm tội bởi những nhu cầu đen tối sinh ra trong lúc không có việc gì làm, không biết làm gì, thừa thời gian, thiếu tiền bạc (có cả những kẻ nhàn rỗi, thừa tiền bạc và làm những việc bất lương).

Xét trên các bình diện rộng, nhàn cư vi bất thiện tạo nên áp lực, trở ngại, gánh nặng cho cộng đồng, xã hội, quốc gia, thậm chí là hệ sinh thái nhân văn toàn cầu. Nó làm suy yếu, kéo lùi tiến bộ xã hội, đẩy con người, cộng đồng, quốc gia vào các mối bận tâm ứng phó, giải quyết. Bộ máy hành chính công quyền, các lực lượng chức năng duy trì trật tự xã hội, các nỗ lực văn hóa, nhà tù, trại cải tạo, giáo dưỡng… phải chịu áp lực không nhỏ từ chính những kẻ nhàn rỗi sinh bất lương như thế. Theo cách hình dung của vật lý, thì công hao phí đã quá lớn khiến cho cỗ máy không thể tiến lên được.

Giới trẻ hiện nay vẫn thường nói: "Nhàn rỗi sinh nông nổi". Cái nông nổi ấy chính là sự bất thiện, bất lương mà dân gian đã đúc rút từ xưa. Từ chuyện bờ vách có tai (nhàn rỗi chuyên đi hóng chuyện) rồi tam sao thất bản đến hành vi phạm tội nghiêm trọng, có nguyên nhân từ chính sự vô công rồi nghề của con người.

Thử nghĩ xem, một người lao động bận rộn, tập trung thời gian, sức lực, trí tuệ của mình vào công việc, họ sẽ chẳng còn lúc nào mà để ý đến xung quanh nữa. Lao động, sử dụng thời gian có ích, đem lại cho con người thu nhập nuôi sống bản thân, gia đình và đóng góp cho xã hội. Quan trọng hơn nữa, từ xa xưa, ta hiểu rằng, xã hội loài người hình thành trong lao động.

Nhàn cư vi bất tiện là gì
Tiến sỹ Nguyễn Thanh Tâm ([email protected]).

Nhìn ở phía tích cực, chính trong lao động mà con người bước về phía ánh sáng để trở thành một quần thể ưu việt hơn phần còn lại của tự nhiên. Không hẳn là tuyệt đối, nhưng cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà trường liên tưởng về cái xấu, cái ác, sự bất lương, loài thú vật, ma quỷ lại gắn với bóng tối, sự ghê tởm, xa lánh, cần phải loại bỏ khỏi cộng đồng. Có nhiều con đường dẫn người ta đến sự bất lương, trong đó có sự nhàn rỗi.

Như thế, nhàn rỗi là một nguy cơ tiềm ẩn tai họa. Nó chắc hẳn là đồng minh của quỷ dữ nếu con người không vượt qua được những dụ dỗ từ bóng tối. Chúng ta không nói những người thất nghiệp sẽ trở thành kẻ bất lương, nhưng chúng ta có quyền nghĩ đến tình trạng thất nghiệp như là một mối đe dọa trực tiếp đến an sinh - an toàn xã hội. Kéo dài tình trạng thất nghiệp, túng quẫn, cùng cực, có thể là lý do để một con người trở thành kẻ bất lương.

Một câu chuyện rất đáng nêu ra ở đây đó là những kẻ có việc mà nhàn cư vi bất thiện. Đây cũng là một thực trạng khá nhức nhối trong đời sống hiện nay. Thật buồn cười và ấu trĩ khi ai đó nói rằng, việc nhàn mà lương cao. Cái gì cũng có giá của nó, miếng pho mát miễn phí chỉ có trong chiếc bẫy mà thôi. Tuy nhiên, trong không ít cơ quan, đơn vị sự nghiệp, hành chính, doanh nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước, có tình trạng người lao động nhàn rỗi một cách bất lương.

Tám giờ vàng ngọc nhưng trong thực tế, có những kẻ chẳng làm việc gì hoặc làm qua loa, chiếu lệ, thiếu trách nhiệm. Sự bao cấp của nhà nước khiến họ không phải lo đến đồng lương, thu nhập, chế độ. Thành ra, sáng cắp ô đi tối cắp về, tối ngày đầy công. Trong số những người la cà quán xá vỉa hè, nhậu nhẹt từ trưa sang chiều trong giờ hành chính kia, không ít người là công chức nhà nước, có việc làm hẳn hoi.

 Thử hình dung, 8h mới đến cơ quan, đi ăn sáng đến 9h, uống cà phê đến 10h, về cơ quan lướt facebook đến 11h rồi lại lục tục rủ nhau đi ăn trưa, vậy họ làm việc vào lúc nào? Chưa nói đến câu chuyện buôn dưa lê bán dưa cà lông gà vỏ tỏi ở trên, ngay việc ăn bớt thời gian lao động, làm qua loa, chiếu lệ, thiếu trách nhiệm… đã là bất lương, bất thiện rồi. Thế mà, vẫn lấy lương, lại còn tự đắc rằng việc nhàn. Cái nhàn ấy tố cáo sự bất lương của những kẻ ăn bớt thời gian nhà nước - một dạng tham nhũng. Từ cái nhàn bất lương này, kéo theo những sự bất thiện khác mà chúng ta đã nói tới ở trên.

Trong kỷ nguyên công nghiệp, hậu công nghiệp, áp lực công việc có thể đang đè nặng lên vai người lao động. Tuy nhiên, trong lao động, dù là áp lực, người ta mong cầu, hướng đến những giá trị tốt đẹp cho bản thân, gia đình và xã hội. Như một nghịch lý nhưng rất biện chứng, một áp lực khác cũng đang đè nặng lên cộng đồng, xã hội đến từ những kẻ bất lương, bất thiện do sự nhàn rỗi, lười biếng, ỷ lại, vô công rồi nghề. Khốn khổ thay cho họ, bởi như Benjamin Franklin đã thốt lên: Người lao động là người hạnh phúc. Chính người nhàn rỗi mới là người khốn khổ.