Ngữ văn 8 phần luyện tập bài tôi đi học

Soạn ngữ văn 8 bài Tôi đi học sẽ cho bạn chạm tới những cảm xúc của những ngày nô nức của tiết trời cuối thu. Cảm xúc ngày khai trường lại thêm phần nao nức, rộn rã, tưng bừng, háo hức cho một năm học mới. Hãy cùng Kiến Guru tìm hiểu truyện ngắn Tôi đi học dưới đây để cảm nhận rõ hơn những cảm xúc, kỉ niệm của nhân vật ‘‘tôi’’ trong ngày đầu tới trường các bạn nhé!

Ngữ văn 8 phần luyện tập bài tôi đi học

Phần 1 – Tóm tắt và bố cục – Soạn ngữ văn 8 bài Tôi đi học

1, Tóm tắt nội dung:

Hằng năm cứ vào cuối thu, tác giả lại nhớ về kỉ niệm ngày đầu tiên đi học. Đó là một buổi sáng mùa thu, tác giả được mẹ dắt tay đi học. Nhân vật tôi đến trường mang theo một cảm xúc: Hôm nay tôi đi học khác với thường ngày. Cậu đến trường xếp hàng, điểm danh, vào lớp trong tâm thế hồi hộp lo âu. Và bài học đầu tiên hôm đó thầy giáo viết lên bảng đó là bài tập viết: Tôi đi học!

2, Bố cục:

Gồm ba đoạn:

  • Đoạn một: Từ đầu…‘‘lướt ngang trên ngọn núi’’ : Cảm nhận của nhân vật tôi trên đường tới trường.
  • Đoạn hai: Tiếp đến từ ‘‘trước sân trường…nghỉ cả ngày nữa’’: Cảm nhận của nhân vật tôi lúc ở sân trường.
  • Đoạn ba: Phần còn lại: Cảm nhận của nhân vật tôi trong lớp học

Phần 2 – Hướng dẫn Đọc hiểu văn bản

Chúng ta hãy cùng đi sâu vào soạn ngữ văn lớp 8 bài “Tôi đi học” để hiểu rõ hơn các chi tiết của tác phẩm nhé!

1 – Câu 1: Những gì đã gợi lên trong lòng nhân vật ‘‘tôi’’ kỉ niệm về buổi tựu trường đầu tiên? Đọc toàn bộ truyện ngắn, em thấy những kỉ niệm này được nhà văn diễn tả theo trình tự như thế nào?

  • Những hình ảnh gợi lên trong lòng nhân vật ‘‘tôi’’ về buổi tựu trường đầu tiên:
  • Cuối thu là thời điểm của ngày tựu trường
  • Lá rụng nhiều hơn, những đám mây bàng bạc
  • Những em bé rụt rè theo mẹ đến trường.
  • Những kỉ niệm được nhà văn khéo léo diễn tả từ thời gian tới không gian. Theo trình tự thời gian (hiện tại – quá khứ); trình tự không gian (trên đường tới trường – ở sân trường – trong lớp học)

2 – Câu 2: Tìm những hình ảnh, chi tiết chứng tỏ tâm trạng bồi hồi cảm giác bỡ ngỡ của nhân vật ‘‘tôi’’ khi đi cùng mẹ trên đường tới trường, khi nghe gọi tên và phải rời bàn tay mẹ cùng các bạn đi vào lớp, khi ngồi trong lớp đón giờ học đầu tiên.

  • Những hình ảnh chi tiết chứng tỏ thái độ hồi hộp, cảm giác bỡ của nhân vật tôi trong soạn bài Tôi đi học:
  • Trên đường tới trường: Cảm nhận được sự thay đổi lớn trong lòng, thấy mình đã lớn hơn
  • Khi đứng giữa sân trường: Thấy mình thật nhỏ bé, lo lắng, có chút ngập ngừng; cảm thấy chơ vơ khi đứng xếp hàng, khi nghe gọi tên và phải rời bàn tay mẹ toàn thân cứ run chỉ muốn bước đi nhanh
  • Khi ngồi vào bàn học đón tiết học đầu tiên: cảm xúc khó tả, ngỡ ngàng; vừa thấy lạ lẫm vừa thấy thật gần gũi; cảm xúc dâng trào hơn khi thấy dòng chữ của thầy trên bảng -> niềm tự hào, gợi về kỉ niệm đáng nhớ.

3 – Câu 3: Em có cảm nhận gì về thái độ, cử chỉ của những người lớn (ông đốc, thầy giáo đón nhận học trò mới, các phụ huynh) đối với các em bé lần đầu tiên đi học?

Trước sự bồi hồi, ngỡ ngàng của các em nhỏ ngày đầu đến lớp, hình ảnh của ông đốc, thầy giáo và các bậc phụ huynh hiện lên thật đẹp đẽ.

  • Ông đốc, thầy giáo đón các em học trò mới: chậm rãi nhẹ nhàng, từ tốn và bao dung được thể hiện qua lời nói, ánh mắt, cử chỉ.
  • Các bậc phụ huynh: ân cần chu đáo, chuẩn bị từng li từng tí cho các em nhỏ

=> Chính sự chăm sóc chu đáo, mang đến một tình cảm ấm áp trìu mến của người lớn đã khiến các em nhỏ một phần nào đó tự tin hơn khi tới lớp và chắc chắn sẽ giữ một kỉ niệm đẹp đầu tiên trong cuộc đời học sinh mãi mãi không quên.

4 – Câu 4: Hãy tìm và phân tích các hình ảnh so sánh được nhà văn sử dụng trong truyện ngắn.

Hình ảnh được chỉ ra để so sánh:

  • ‘‘Tôi quên thế nào được cảm giác trong sáng ấy này nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng’’
  • Ý nghĩ ấy thoáng qua trong trí tôi nhẹ nhàng như một làn mây lướt ngang trên ngọn núi’’
  • Họ như con chim con đứng bên bờ tổ, nhìn quãng trời rộng muốn bay, nhưng còn ngập ngừng e sợ. Họ thèm vụng và ước ao thầm được như những người học trò cũ, biết lớp, biết thầy để khỏi phải rụt rè trong cảnh lạ’’.

→ Đây là những hình ảnh so sánh rất gợi hình, gợi cảm và đầy tinh tế. Mỗi hình ảnh đều được gắn liền với thiên nhiên sắc cảnh vừa trữ tình nên thơ mà cũng rất đi tươi tắn, nhẹ nhàng, trong sáng tinh khôi. Nhờ có những lối so sánh độc đáo này mà những suy nghĩ, cảm xúc của nhân vật được diễn tả vừa chân thực vừa gần gũi của những ngày đầu tiên ‘‘tôi’’ đi học.

5 – Câu 5: Nhận xét về đặc sắc nghệ thuật của truyện ngắn này. Sức cuốn hút của tác phẩm, theo em được tạo ra từ đâu?

Đặc sắc nghệ thuật của truyện ngắn:

  • Sự kết hợp hài hoà giữa lối kể tự sự, biểu cảm và miêu tả
  • Tình huống truyện được xây dựng mới mẻ, độc đáo
  • Bố cục chặt chẽ, mạch lạc nhằm nhấn mạnh vào những câu chủ đề của tác phẩm
  • Truyện được viết theo dòng hồi tưởng: từ bối cảnh hiện tại và nhớ về quá khứ
  • Những hình ảnh so sánh giàu gợi cảm, giọng điệu trữ tình trong sáng
  • Tâm trạng và cảm xúc của nhân vật được miêu tả sâu lắng và đa dạng

Và chắc chắn, sự thu hút của tác phẩm được tạo nên từ câu chuyện mà tác giả khơi dậy lại qua những hoài niệm sâu lắng được tác giả khéo léo và đưa chúng ta nhớ về những miền kỉ niệm tuổi thơ trong sáng tinh khôi của lứa tuổi học sinh bằng tất cả những ngôn ngữ giàu lãng mạn và tình cảm.

Phần 3 – Hỗ trợ Luyện tập

1 – Câu 1: Phát biểu cảm nghĩ của em về dòng cảm xúc của nhân vật ‘‘tôi’’ trong truyện ngắn Tôi đi học

Một dòng cảm xúc rất đỗi ngây thơ tự nhiên trong sáng ghi lại dòng liên tưởng của nhân vật tôi đã khơi dậy nên cảm xúc trong tâm hồn mỗi người về một thuở học trò tinh khôi hồn nhiên, đặc biệt là trong buổi đầu tiên tự trường ai ai cũng bồi hồi, háo hức, thực sự đó là một cảm xúc khó quên trong cuộc đời mỗi người.

Với ngòi bút đầy tài năng, tác giả đã miêu tả đầy tinh tế những cảm xúc đáng trân quý của mình trong ngày đầu tiên đến trường. Qua dòng cảm xúc của nhân vật tôi trên, em thấy thêm yêu, thêm quý những tác phẩm văn học giàu giá trị, thêm trân trọng những khoảnh khắc đẹp đẽ của thời học sinh và cố gắng học thật tốt để xứng đáng với sự yêu thương của cha mẹ, thầy cô và bè bạn dành cho mình.

2 – Câu 2: Viết bài văn ngắn ghi lại ấn tượng của em trong buổi đến trường khai giảng đầu tiên

*Gợi ý tham khảo đoạn văn sau*

Hôm đó là một ngày trời nắng trong xanh, gió hiu hiu thổi nhẹ hơi chút se se của cuối thu, tôi mở mắt thức dậy với một tâm trạng háo hức còn đọng lại từ đêm qua, cuối cùng ngày tựu trường đã đến. Trong tôi có một nguồn năng lượng dồi dào, tưởng tượng về tiết học đầu tiên của cuộc đời mình.

Tôi nhớ như in khoảnh khắc mẹ ân cần sắp xếp bộ đồng phục và cặp sách đầy đủ cho tôi, mẹ buộc tóc cho tôi thật xinh xắn gọn gàng. Mẹ lai tôi trên chiếc xe đạp hơi bạc màu sơn, hai bên đường cây cối hoa nở xanh mát, hoà và dòng người rộn rã của các bậc phụ huynh và các bạn, tôi thấy ai ai cũng đều cùng tâm trạng như tôi.

Có lẽ khác với những bạn khác, tôi rất mạnh dạn, xung phong xếp đầu hàng nhận lớp, tôi vui vẻ chào hỏi thầy cô và làm quen với các bạn. Vào tiết học tôi chăm chú lắng nghe cô giảng bài, những nét chữ nhút nhát đầu tiên được cô khen… Và kể từ giây phút ấy, tôi thấy xung quanh như bừng nở, cảm xúc dâng trào không thể miêu tả được, một buổi tựu trường đầy đáng nhớ, và sau buổi học đầu tiên đó tôi luôn háo hức được đến trường học mỗi ngày. Mỗi ngày đến trường là một ngày vui.

Kết luận

Tác phẩm Tôi đi học của tác giả Thanh Tịnh đã gợi ra cho ta về những khoảng trời thơ ấu với những dòng cảm xúc ngây thơ hồn nhiên và trong trẻo nhất. Để tìm hiểu sâu sắc hơn nữa về tác phẩm này các bạn có thể tham khảo thêm tại soạn bài ngữ văn 8 Tôi đi học ngắn gọn và chi tiết tại đây.