Nghị định thay đổi mức lương tối thiểu 2023

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

[Thanhuytphcm.vn] - Phát biểu tại phiên thảo luận tổ Quốc hội ngày 22/10, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã thông tin về vấn đề tăng lương cũng như tình trạng cán bộ, công chức bỏ việc.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, tinh thần Nghị quyết 27 của Trung ương là từ năm 2021 sẽ thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định lùi thời điểm cải cách tiền lương. Việc tăng lương cơ sở cũng chưa thực hiện được do ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố.

Tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, Chính phủ đề xuất Quốc hội tăng lương cơ sở thêm 20%, từ ngày 1/7/2023, lên mức 1,8 triệu đồng/tháng. Tỷ lệ tăng này tiệm cận với chính sách cải cách tiền lương với khung cải cách dự kiến thấp nhấp là 29%, cao nhất khoảng trên 40%. Nếu năm 2023 đất nước phát triển kinh tế - xã hội tốt và năm 2024 tăng trưởng kinh tế vĩ mô ổn định, bền vững, không bị tác động bởi cách yếu tố khách quan như 3 năm qua thì có thể triển khai được chính sách cải cách tiền lương.

Liên quan đến vấn đề này, ĐB Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM cho rằng, người lao động đang rất lo lắng vì nhiều khó khăn. “Người lao động rời bỏ khu vực công, không phải chỉ đơn thuần là lương thấp, mà do áp lực công việc lớn hơn đồng lương họ nhận được, nên họ sẵn sàng rời bỏ. Những quy định chồng chéo khiến người lao động bị áp lực khi thực hiện công việc, khó để đáp ứng yêu cầu của người dân trong thực thi công vụ.” - ĐB Trần Thị Diệu Thúy nêu.

ĐB Trần Thị Diệu Thúy đề nghị cần tăng lương sớm, tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng ngay từ 1/1/2023 thay vì 1/7/2023 vì mức độ trượt giá hiện nay đã quá cao. ĐB cũng cho rằng, nếu chưa đủ nguồn lực để tăng lương cho tất cả các nhóm thì cần có chính sách hỗ trợ tiền lương cho nhóm có thu nhập thấp. Mặt khác, cần tính đến việc xây dựng Luật lương tối thiểu vùng để xác định tiền lương cho từng đối tượng cụ thể hơn.

ĐB Trần Thị Diệu Thúy

ĐB Trương Trọng Nghĩa [TPHCM] cũng đề nghị trong thời gian sớm nhất phải tăng tiền lương. Trong bối cảnh ngân sách khó khăn, nếu như đủ nguồn lực chưa đủ thì tăng có trọng điểm, không dàn đều, đơn cử như tăng ngay lập tức tăng lương cho những người có mức lương thấp, còn người đã có lương cao, lương hưu cao thì có thể tăng chậm hơn. Bên cạnh đó, lương tối thiểu cũng phải xác định lại để đảm bảo mức sống tối thiểu theo từng nơi. Như ở TPHCM, từ cắt tóc, đi xe ôm cũng tốn nhiều tiền, thì lương 7-8 triệu đồng/tháng chưa chắc đã đủ sống.

Về tình trạng cán bộ, công chức nghỉ việc, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cũng cho biết, 6 tháng đầu năm, số công chức, viên chức thôi việc trên cả nước là 39.500 người. Trong đó, công chức hơn 4.000 người, viên chức là 35.500 người, chủ yếu ở hai ngành giáo dục và y tế. Riêng giáo dục, trong hơn 2,5 năm qua, số người xin thôi việc là 16.400, trong đó trình độ đại học trở lên chiềm 49%. Y tế có 12.190 người xin thôi việc, hơn 56% có trình độ đại học trở lên. Số liệu báo cáo là 2,5 năm nhưng thực tế số lượng công chức, viên chức nghỉ việc nhiều rơi vào 6 tháng cuối năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022.

Công chức, viên chức nghỉ việc chủ yếu ở các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, đặc biệt là nơi có khu công nghiệp, chế xuất lớn như TPHCM, Đồng Nai, Hà Nội, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Cần Thơ. Nguyên nhân là họ phải chịu áp lực rất lớn về công việc, trong khi thu nhập không đáp ứng được nhu cầu cuộc sống. Trong khi đó, các dịch vụ y tế, giáo dục ngoài công lập có điều kiện phát triển mạnh mẽ, chế độ đãi ngộ tốt, đã thu hút nguồn nhân lực dịch chuyển từ công sang tư.

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, điều chỉnh tăng lương cơ sở chính là một cách để giảm bớt khó khăn cho người lao động, khắc phục tình trạng người lao động rời bỏ khu vực công. Nhưng về lâu dài phải xem xét lại tổng thể, công tâm, khách quan công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức, viên chức. Từ đó thay đổi toàn diện việc quản lý, sử dụng, đặc biệt là tuyển dụng công chức, viên chức, nhất là đội ngũ đang thực hiện nhiệm vụ công ích trong bối cảnh cơ chế thị trường. Thêm vào đó, cần xây dựng môi trường làm việc văn hóa, thân thiện để người lao động yên tâm làm việc…

Đại biểu Trần Quốc Tuấn nêu 3 lý do cần thực hiện tăng lương cơ sở ngay từ đầu năm 2023.

3 lý do thực hiện tăng lương cơ sở ngay từ đầu năm 2023

Thảo luận tại Tổ 6, đại biểu Trần Quốc Tuấn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh nêu quan điểm, việc tăng lương cơ sở rất cần được quan tâm thực hiện ngay từ đầu năm 2023, với các lý do:

Một là, sau khi Đảng, Nhà nước đã quan tâm hỗ trợ rất nhiều cho người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19 giờ đã đến lúc các đối tượng hưởng lương, phụ cấp, trợ cấp từ ngân sách nhà nước cần được quan tâm xem xét tăng lương, phụ cấp để giảm bớt khó khăn trong cuộc sống.

Hai là, hiện nay lực lượng công chức, viên chức đang phải đối mặt với áp lực công việc nhất là công chức, viên chức ngành y tế. Do vậy việc tăng lương kịp thời sẽ góp phần bù đắp những áp lực hiện nay.

Ba là, lần điều chỉnh tăng lương cơ sở gần đây nhất là vào 1/7/2019 nên nếu áp dụng tăng lương cơ sở vào 1/7/2023 như Tờ trình của Chính phủ thì phải sau 4 năm lương công chức, viên chức mới tăng được 20,8% . Trong khi đó các chỉ số tiêu dùng tăng qua các năm bình quân là 11,8%;…

Đại biểu tỉnh Trà Vinh nhấn mạnh, theo thống kê đã có gần 40. 000 cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc hoặc chuyển việc từ khu vực công sang khu vực tư. Trong đó, nguyên nhân chính là do mức lương không đủ sống.

Vì vậy, đại biểu cho rằng để kéo dãn chênh lệch mức lương giữa khu vực công và tư, góp phần ngăn chặn sự dịch chuyển này cần quan tâm kịp thời đến các chế độ đãi ngộ, trong đó có việc điều chỉnh lương cơ sở.

Cùng chung quan điểm này, các đại biểu tổ 10 [gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Hậu Giang, Vĩnh Phúc, Đắk Lắk, Lào Cai] cũng đề nghị, Chính phủ cần đề xuất sớm thực hiện lộ trình cải cách tiền lương, tăng lương cơ sở càng sớm càng tốt, có thể áp dụng ngay từ 1/1/2023, nhằm kịp thời hỗ trợ giảm khó khăn cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong bối cảnh giá cả các mặt hàng tăng.

Đại biểu Phạm Thị Thanh Trà: Chính sách tiền lương là một chính sách đặc biệt trong chính sách phát triển kinh tế xã hội, là nguồn lực và là động lực để thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững.

Tăng lương cơ sở ở thời điểm này là rất hợp lý

Phát biểu thảo luận tại Tổ 7, đại biểu Phạm Thị Thanh Trà, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái cho biết, chính sách tiền lương là một chính sách đặc biệt trong chính sách phát triển kinh tế xã hội, là nguồn lực và là động lực để thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững.

Chính sách tiền lương cũng là chính sách tạo cho người lao động nói chung, đặc biệt đối với cán bộ, công chức, viên chức nói riêng đảm bảo để có thể thực hiện tốt được nhiệm vụ.

Theo đại biểu Phạm Thị Thanh Trà, việc đưa nội dung về điều chỉnh mức lương cơ sở ở thời điểm này là rất hợp lý; tạo ra động lực mới cho cán bộ, công chức, viên chức cũng giảm bớt hiện trạng cán bộ, công chức, viên chức xin thôi việc. 

Ngoài ra, đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về tình trạng cán bộ, công chức, viên chức xin thôi việc, nghỉ việc thời gian qua, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực y tế và giáo dục. 

Trong đó, số lượng công chức, viên chức thôi việc chủ yếu rơi vào 6 tháng cuối năm của năm 2021 và đặc biệt là 6 tháng đầu năm của năm 2022.

Cũng theo đại biểu, số lượng cán bộ công chức viên chức nghỉ việc trọng tâm, trọng điểm ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển và đặc biệt là những nơi có số lượng doanh nghiệp lớn, các khu công nghiệp, khu chế xuất của các địa phương, ….

Về nguyên nhân, đại biểu Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ, do yếu tố khách quan, tác động của đại dịch COVID -19 đã tác động trên mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Từ đó, chi phối, tác động đến cả đội ngũ cán bộ, đặc biệt là công chức, viên chức, nhất là viên chức phải chịu áp lực rất lớn về công việc. Áp lực này rất nặng nề, đặc biệt đối với nhân viên y tế, giáo dục.

Cần phải xem xét lại một cách toàn diện, tổng thể về công tác cán bộ

Theo đại biểu, giải pháp được đưa ra là cần tập trung quan tâm, nâng cao đời sống của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong đó việc điều chỉnh mức lương cơ sở cũng là một trong những giải pháp giảm bớt khó khăn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Ngoài ra, cần phải xem xét lại một cách tổng thể và toàn diện về công tác tuyển dụng, công tác sử dụng và công tác quản lý.

Phải nhìn nhận một cách khách quan và công tâm về vấn đề này để thay đổi một cách toàn diện đặc biệt là vấn đề tuyển dụng đối với công chức, nhất là đối với hệ thống viên chức đang thực hiện nhiệm vụ, dịch vụ công ích trong bối cảnh của cơ chế thị trường.

Đồng thời, xây dựng môi trường làm việc văn hóa, xây dựng môi trường thân thiện để cán bộ, công chức, viên chức yên tâm làm việc.  

Đại biểu Phạm Thị Thanh Trà cũng chia sẻ thêm, trên thế giới  tình trạng cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc cũng rất phổ biến. Ví dụ như Pháp hay Singapore,… mặc dù là những quốc gia có nền công vụ rất tốt thế nhưng tỷ lệ công chức, viên chức nghỉ việc vẫn chiếm tỷ lệ cao.

Do đó, đại biểu Phạm Thị Thanh Tra cho rằng: Cần tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa khu vực công và khu vực tư; xây dựng và hoàn thiện thể chế liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức; đảm bảo được sự cạnh tranh rõ ràng, công bằng giữa khu vực công, khu vực tư, để giữ chân đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là đội ngũ công chức, viên chức có chất lượng cao;…

Chủ Đề