Mở bài Vợ chồng A Phủ hay nhất của học sinh giỏi

Dàn ý chi tiết

1. Mở bài:

– Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm

– Tô Hoài là một trong những nhà văn lớn của nền văn học hiện đại Việt Nam. Ông có vốn hiểu biết sâu sắc về phong tục tập quán của nhiều vùng miền khác nhau trên đất nước. Thành công nhất của Tô Hoài là những tác phẩm viết về hiện thực cuộc sống, con người vùng Tây Bắc.

– Truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” vừa là bức tranh chân thực về số phận bi thảm của người dân nghèo miền núi dưới ách áp bức phong kiến và thực dân, vừa là một bài ca về sức sống và khát vọng tự do, hạnh phúc của con người.

2. Thân bài

LĐ1: Khái quát

Truyện “Vợ chồng A Phủ được in trong tập “truyện Tây Bắc”. Tác phẩm gồm hai phần: phần đầu trích học trong sách giáo khoa là phần nói về cuộc sống đầy tủi nhục của Mị và A Phủ ở nhà thống lí Pá Tra, kết thúc bằng việc Mị cắt đứt dây trói để cứu A Phủ ở Phiềng Sa. Họ đi theo cách mạng giải phóng quê hương.

LĐ2: Nội dung phân tích

Hình tượng nhân vật Mị

– Cảnh ngộ sống trong nhà Thống lí Pá tra

+ Mị bị bắt làm con dâu gạt nợ, nhưng thực chất là nô lệ.

+ Mị bị vùi dập, chà đạp, cướp đoạt tất cả mọi quyền, sống như kiếp vật. Mị suốt ngày làm lụng vất vả, dù quay sợi, thái cỏ, dệt vải, chẻ củi hay đi cõng nước, Mị cũng cúi mặt, buồn rười rượi.

– Diễn biến tâm lí và hành động của Mị trong đêm tình mùa xuân

+ Mị nhận ra mình còn trẻ đẹp, nhận ra được thực trạng mất tự do, bị đè nén bấy lâu nay, nhận ra quyền làm người của mình đã đẩy Mị tới một hành động quyết liệt: đi chơi.

+ Đêm tình mùa xuân đã đánh thức niềm yêu sống và khát vọng tự do trong Mị

+ Ngoài đầu núi, tiếng sáo gọi bạn đi chơi mà lòng Mị thấy bồi hồi xao xuyến.

+ Tinh thần Mị thăng hoa thoát hẳn đời sống thực tại. Mị xắn thêm mỡ vào đĩa đèn khơi cho ngọn đèn thêm sáng, búi lại mái tóc, với tay lấy cái váy hoa, chẳng cần biết A Sử đã bước vào buồng và hỏi “Mày muốn đi chơi à” trong lòng Mị khi ấy chỉ còn tiếng sáo và khát vọng tự do.

– Diễn biến tâm lí và tâm trạng của Mị trong đêm mùa đông

+ Cảnh A Phủ bị cha con thống thí trói đứng vào cột giữa những ngày Hồng Ngài rét buốt, bị bỏ đói khát đã làm thức dậy tinh thần phản kháng của người đàn bà yếu đuối tưởng như không còn sức sống này.

+ Cảnh A Phủ bị trói trong đêm mùa đông làm một sự kiện làm thức tỉnh ý thức sống của Mị.

+ Mị chợt nhớ lại năm trước Mị cũng bị A Sử trói đứng trong cái nhà này, tóc bị quấn ngang cổ, nước mắt chảy xuống không lau được, đau đớn, bất lực chẳng khác gì A Phủ bây giờ. Trái tim đầy thương tích của Mị bỗng thấy thương người, thương thân. Mị quyết định cắt dây trói cứu A Phủ.

Hình tượng nhân vật A Phủ

– Số phận A Phủ

– Tính cách A Phủ

– A Phủ cũng như Mị, họ đều là nhũng người dân nghèo bị gia đình thống lí Pá Tra áp bức, bóc lột và trở thành con nợ – nô lệ. Song ở họ đều có tình yêu và khát vọng giải phóng.

– A Phủ mồ côi cha mẹ khi mới lên mười tuổi trong một trận dịch khủng khiếp.

– Ngay từ nhỏ, A Phủ đã có cá tính rất đặc biệt: gan góc, có ý thức phản kháng mỗi khi không chịu nổi điều gì.

– Sự thống nhất giữa hai tính cách trong con người A Phủ: phản kháng và cam chịu.

LĐ3: Những đặc sắc nghệ thuật

3. Kết bài

Tổng kết lại nội dung phân tích

Phân tích tác phẩm Vợ chồng A Phủ

Bài văn tham khảo

Tô Hoài là một trong những nhà văn lớn của nền văn học hiện đại Việt Nam. Ông có vốn hiểu biết sâu sắc về phong tục tập quán của nhiều vùng miền khác nhau trên đất nước. Thành công nhất của Tô Hoài là những tác phẩm viết về hiện thực cuộc sống, con người vùng Tây Bắc. Tiêu biểu là truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”. Tác phẩm vừa là bức tranh chân thực về số phận bi thảm của người dân nghèo miền núi dưới ách áp bức phong kiến và thực dân, vừa là một bài ca về sức sống và khát vọng tự do, hạnh phúc của con người.

Truyện “Vợ chồng A Phủ được in trong tập “truyện Tây Bắc”. Tác phẩm gồm hai phần: phần đầu trích học trong sách giáo khoa là phần nói về cuộc sống đầy tủi nhục của Mị và A Phủ ở nhà thống lí Pá Tra, kết thúc bằng việc Mị cắt đứt dây trói để cứu A Phủ ở Phiềng Sa. Họ đi theo cách mạng giải phóng quê hương.

Trước khi bị bắt về làm dâu nhà thống lí, Mị là người con gái đẹp, chăm chỉ, hiếu thảo, tâm hồn ăm ắp những khá vọng hạnh phúc. Mị thổi sáo và kèn lá rất giỏi nên có nhiều chàng trai say mê, đêm theo về nhà đứng nhẵn cả đầu vách. Khi bị bắt về nhà thống lí, Mị bị bắt làm con dâu gạt nợ, thực chất là nô lệ. Mị bị vùi dập, chà đạp, cướp đoạt tất cả mọi quyền, sống như kiếp vật. Mở đầu tác phẩm nhà văn đã mô tả hai nghịch cảnh: Mị ngồi quay sợi gai bên tảng đá, cạnh tàu ngựa. Suốt ngày làm lụng vất vả, dù quay sợi, thái cỏ, dệt vải, chẻ củi hay đi cõng nước, Mị cũng cúi mặt, buồn rười rượi. Với cảnh nhà thống lí quyền thế, giàu có, người ra vào tấp nập “nhiều nương, nhiều bạc, nhiều thuốc phiện nhất làng”. Đây chính là thủ pháp tạo tình huống “có vấn đề” trong lối kể chuyện truyền thống giúp nhà văn mở lối dẫn người đọc cùng tham gia vào hành trình tìm hiểu những bí ẩn của số phận nhân vật.

Xem thêm:  Soạn bài Phò giá về kinh lớp 7 đầy đủ hay nhất

Sống trong nhà thống lí, Mị bị cướp đoạt sức lao động, sống như một kiếp vật. Mị sống trong tủi cực đúng nghĩa với một kẻ nô lệ khổ sai. Có đến mấy tháng trời đêm nào Mị cũng khóc, suy ngẫm ấm ức, Mị tìm đến nắm lá ngón để giải thoát, nhưng trước những lời thống thiết của người cha già suốt đời nghèo khổ, lòng hiếu thảo trào dâng khôn xiết. Mị nén nỗi đau, chấp nhận quay về chịu kiếp ngựa trâu. Với thủ pháp so sánh tương đồng, nhà văn làm nổi bật cuộc đời cơ cực của Mị. Mị nghĩ mình cũng là con trâu con ngựa vì “là con ngựa phải đổi ở tàu ngựa nhà nà đến ở cái tàu ngựa nhà khác, ngựa chỉ biết ăn cỏ, biế đi làm mà thôi”. Nhà văn nhấn mạnh hậm chí Mị không bằng con râu, con ngựa vì “con trâu con ngựa làm còn có lúc, đêm nó còn được đứng gãi chân, đứng nhai cỏ”, còn kiếp đàn bà con gái trong cái nhà này thì làm quần quật cả đêm lẫn ngày, tới mức Mị nghĩ “ở lâu trong cái khổ, Mị quen rồi”. Công việc tuần tự ngày này qua tháng khác đơn điệu, tẻ nhạt,.. Mị chỉ biết cúi mặt làm không muốn nghĩ nữa, vật vờ tồn tại như cái xác không hồn. Mỗi ngày Mị càng không nói “lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”. Hình ảnh con rùa lùi lũi gợi ta nhớ đến câu ca dao “Thương thay thân phận con rùa/ Ở đình đội hạc, ở chùa đội bia”, đó là ẩn dụ về thân phận phụ thuộc, cơ cực của người phụ nữ trong xã hội phong kiến mà Mị là số phận tiêu biểu. Căn buồng Mị ở tù túng, âm u, lạnh lẽo “kín mít, có một chiếc cửa sổ, một lỗ vuông bằng bàn tay. Lúc nào trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng”. Rõ ràng đời sống tủi nhục, tăm tối đã lấn át, vùi dập con người Mị, con người trẻ trung ham yêu, ham sống ngày trước, đến nỗi chính Mị cũng không nhận ra. Đó là sự tha hoá của đời Mị mà do chính xã hội gây nên. Mị bị đọa đày cả thể xác lẫn tâm hồn. Chi tiết “một lỗ vuông” gây ám ảnh ngột ngạt, bức bối về một địa ngục trần gian, ẩn dụ cho một cuộc đời bế tắc. Nhà văn đã cất lên tiếng nói nhân quyền của con người để vạch trần, tố các tội ác của bọ chúa đất ở miền núi đã làm cạn khô nhựa sống, làm tàn lụi niềm vui sống của con người.

Mùa xuân về, Mị muốn đi chơi. Ước muốn của Mị vừa lóe lên đã bị A Sử dập tắt. A Sử trói Mị đứng suốt đêm trong căn buồng u tối. Dây trói xiết chặt làm da thịt Mị đau nhức như bị đứt ra từng mảng. Đau đớn, xót xa, Mị nghĩ kiếp mình không bằng kiếp ngựa. Kể từ đó tinh thần Mị càng rơi vào vô vọng. Mị đã phải sống với người chồng mình không yêu, không được yêu, Mị còn bị A Sử đánh đập, hành hạ tàn bạo. Khi A Sử bị A Phủ đánh, Mị phải vào rừng hái thuốc về xoa cho hắn. Vậy mà lúc đau mỏi quá thiếp đi, hắn co chân đạp thẳng vào mặt Mị – hành động đó chỉ có ở ác thú. Thật đau đớn và xót xa. Những đêm đông giá lạnh trên núi, nếu không có bếp lửa sưởi ấm làm bạn thì Mị đã chết tàn chết héo. Hằng đêm, Mị dậy thổi lửa, hơ tay không biết bap nhiêu lần. Có đêm A Sử chợt về, thấy Mị ngồi đấy, A Sử đánh Mị ngã ngay xuống cửa bếp. Hành động thật dã man, đó không phải là mối quan hệ vợ chồng mà là quan hệ chủ – tớ.

Một trong những thành công của tác phẩm chính là nghệ thuật mô tả tâm lí và phân tích tâm lí của nhân vật. Ngòi bút nhà văn thật tinh tê và sâu sắc khi mô tả diễn biến tâm lí, sức sống tiềm tàng và sự biến đổi số phận của nhân vật. Mị – người phụ nữ tưởng chừng như cam chịu số phận, không còn đủ sức vượt thoát nhưng trong hoàn cảnh có thể, Mị vẫn bật lên làm chủ cuộc đời. Điều đó được biểu hiện ở chính đêm tình mùa xuân trên rẻo cao.

Xem thêm:  Phân tích nhân vật Mị trong Vợ chồng A Phủ

Đêm tình mùa xuân đã đánh thức niềm yêu sống và khát vọng tự do trong Mị. Ngoài đầu núi, tiếng sáo gọi bạn đi chơi mà lòng Mị thấy bồi hồi xao xuyến. Hòn than bị vùi lấp dưới lớp tro tàn bấy lâu nay giờ được cơn gió xuân thổi tới làm bùng lên ngọn lửa yêu sống và khát khao tự do. Mị nhẩm theo bài hát, Mị uống rượu ừng ực từng bát như muốn quên đi bao nỗi đời cay đắng. Tiếng sáo và hơi men nồng của rượu đã đưa Mị trở về với quá khứ tươi đẹp, Mị nhớ lại khi xưa, Mị muốn được đi chơi, thổi kèn thổi sáo, nhảy múa cùng đám bạn. Mị thấy mình còn trẻ lắm. Cuộc sống trâu ngựa ở nhà thống lí bỗng vụt biến, Mị thấy không còn đáng sợ nữa. Kí ức tưởng như bị nhấn chìm, vùi dập đột nhiên bừng sáng, thôi thúc bao ước vọng trong Mị. Qúa khứ đẹp đẽ, thực tại phũ phàng khiến Mị lại muốn ăn lá ngón mà chết ngay đi để khỏi phải nghĩ, khỏi phải dằn vặt, đau khổ. Nhưng tiếng sáo gọi bạn vẫn réo rắt ngoài đường, xoáy sâu vào trái tim đầy thổn thức của Mị. Tiếng sáo như một ma lực cứ rập rờn, bay bổng, mê hoặc dẫn dụ Mị đi chơi. Mị không còn biết gì khác nữa, tinh thần Mị thăng hoa thoát hẳn đời sống thực tại. Mị xắn thêm mỡ vào đĩa đèn khơi cho ngọn đèn thêm sáng, búi lại mái tóc, với tay lấy cái váy hoa, chẳng cần biết A Sử đã bước vào buồng và hỏi “Mày muốn đi chơi à” trong lòng Mị khi ấy chỉ còn tiếng sáo và khát vọng tự do.

Tô Hoài cảm nhận được ý thức đang sống dậy mạnh mẽ trong Mị. Mị nhận ra mình còn trẻ đẹp, nhận ra được thực trạng mất tự do, bị đè nén bấy lâu nay, nhận ra quyền làm người của mình đã đẩy Mị tới một hành động quyết liệt: đi chơi. Thoát khỏi chốn địa ngục tối tăm để được tự do đón gió trời xuân, hơi xuân, tìm lại những tháng ngày tươi đẹp đã mất. Nhưng khát vọng không thể cứu được số phận. Tấm thân mềm yếu của Mị bị sợi dây tàn bạo A Sử cuốn chặn vào cây cột trong căn buồng u tối cho tới sáng hôm sau. Bước chân vùng đi đã đánh thức Mị trở lại với hiện tại, sợi dây siết chặt vào da thịt đau nhức, Mị nhận ra sự thật tàn khốc. Giấc mơ đẹp vụt tan biến. Mị “thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa”. Hai biểu tượng của ước mơ tụ do và thực tại hiện ra qua hai âm thanh đối nghịch: tiếng sáo gọi bạn tình tha thiết và tiếng chân ngựa đạp vào vách, tiếng chân ngựa đã bóp nghẹt trái tim Mị. Đau đớn, xót xa Mị nhận ra kiếp con người chẳng bằng kiếp con vật “Đời người đàn bà lấy chồng ở Hồng Ngài một đời chỉ biết đi theo đuôi con ngựa của chồng”.

Khép lại khát vọng được đi chơi, được sống tự do trong những đêm tình mùa xuân, Mị lại rơi vào tình cảnh bi đát hơn trước đó. Mị bị dìm xuống sâu hơn kiếp ngựa trâu, bị tước đoạt quyền làm người. Cảnh ngộ ấy cũng là lời lên án tố cáo đối với hành động tàn độc của cha con thống lí – đại diện cho giai cấp thống trị ở miền núi.

Khát vọng tự do của Mị trong đêm tình mùa xuân năm trước chưa được thực hiện thì trong đêm đông lạnh giá này, Mị quyết định cắt dây trói cứu A Phủ và giải phóng cho chính mình. Đây là bước đột biến quyết liệt làm thay đổi cả cuộc đời Mị. Xây dựng nhân vật Mị, nhà văn luôn đặt nhân vật vào thế đối lập giữa hoàn cảnh và số phận, giữa ngoại hình là nội tâm để từ đó đem đến cho người đọc những bất ngờ trong cách giải quyết. Từ sau cái đêm tình mùa xuân đầy nghiệt ngã ấy, Mị ngày càng trở nên chai lì, vô cảm, vô vọng. Cuộc đời Mị có lẽ cứ thế tiếp diễn nếu như không có sự xuất hiện của A Phủ. Cảnh A Phủ bị cha con thống thí trói đứng vào cột giữa những ngày Hồng Ngài rét buốt, bị bỏ đói khát đã làm thức dậy tinh thần phản kháng của người đàn bà yếu đuối tưởng như không còn sức sống này.

Cảnh A Phủ bị trói trong đêm mùa đông làm một sự kiện làm thức tỉnh ý thức sống của Mị. Lại một đêm nữa Mị trở dậy, ngọn lửa sáng bừng lên cùng lúc, Mị lóe mắt trông sang thấy hai mắt A Phủ mở trừng trừng mới biết là A Phủ vẫn còn sống “một dòng nước mắt bò xuống hai hõm má đã sạm đen lại”. Đây là chi tiết đàu mối trong sự đột biến tâm lí của Mị. Mị chợt nhớ lại năm trước Mị cũng bị A Sử trói đứng trong cái nhà này, tóc bị quấn ngang cổ, nước mắt chảy xuống không lau được, đau đớn, bất lực chẳng khác gì A Phủ bây giờ. Trái tim đầy thương tích của Mị bỗng thấy thương người, thương thân. Mị quyết định cắt dây trói cứu A Phủ. Cắt dây trói, A Phủ quật sức vùng chạy, Mị đứng lặng trong bóng tối nhìn chiếc cột bỏ không, hoảng hốt, bàng hoàng nhận ra sự nổi loạn của mình. Cái chết chập chờn trước mắt. Với bản năng, Mị vụt chạy theo A Phủ và thổn thức “A Phủ cho tôi đi ! Ở đây thì chết mất”.

Tình huống diễn ra mau lẹ, bất ngờ, tự nhiên nhưng rất logic, phù hợp với sự phát triển tính cách của nhân vật. Hành động cắt dây trói cho A Phủ là hành động cắt đứt, đoạn tuyệt với quá khứ khổ đau cho cả hai người. Như cánh chim sổ lồng tăm tối, họ băng băng xuống dốc núi, bay về phía tự do.

Xem thêm:  Đất là mẹ – Bức thư của thủ lĩnh da đỏ Ngữ Văn 6

Không như chị Dậu trong tác phẩm Tắt đèn của Ngô Tất Tố, chị Dậu bơi trong đem tối như tiền đồ không lối thoát, không như Chí Phèo của Nam Cao, rút dao giết chết kẻ thù rồi kết liễu cuộc đời mình. Trong ngõ cùng bế tắc nhất, ý thức sống đã hóa thành một hành động phản kháng mãnh liệt, táo bạo, Mị vùng lên chống lại cường quyền, chống lại mọi sự áp bức, chà đạp, lăng nhục, vật hóa con người, cứu lấy cuộc đời, giành lại hạnh phúc mà Mị bị cướp đoạt và A Phủ đã từng khao khát. Từ đây cuộc đời của hai con người khổ đau đã được hồi sinh, mở ra một trang mới.

Xây dựng nhân vật A Phủ trong tác phẩm, Tô Hoài muốn tô đậm thêm bức tranh hiện thực về đời sống cơ cực, tăm tối của đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao dưới ách thống trị của bọn thực dân, chúa đất

A Phủ xuất hiện khá đột ngột gây ấn tượng mạnh cho người đọc, đó là cảnh A Phủ đánh A Sử. A Phủ cũng như Mị, họ đều là nhũng người dân nghèo bị gia đình thống lí Pá Tra áp bức, bóc lột và trở thành con nợ – nô lệ. Song ở họ đều có tình yêu và khát vọng giải phóng. A Phủ mồ côi cha mẹ khi mới lên mười tuổi trong một trận dịch khủng khiếp. A Phủ trở thành đứa trẻ bơ vơ bị người làng bán để đổi láy thóc ăn. A Phủ không chịu đã trốn lên vùng cao, làm thuê làm mướn kiếm sống và lưu lạc tới Hồng Ngài. Ngay từ nhỏ, A Phủ đã có cá tính rất đặc biệt: gan góc, có ý thức phản kháng mỗi khi không chịu nổi điều gì. A Sử phá đám chơi của A Phủ và bạn bè, A Phủ đánh “xộc tới nắm cái vòng cổ, kéo dập đầu xuống, xé vai áo, đánh tới tấp”. Sau hành động nhanh, mạnh, dứt khoát của ý thức phản kháng đó A Phủ bị nhà thống lí trói, đánh đập, chửi bới rất dã man trong cuộc xử kiện. A Phủ phải quỳ chịu trận trong làn mưa roi và khói thuốc phiện, không được nói, không được thanh minh. Cảnh xử kiện kết thúc, từ đây A Phủ phải làm nô lệ suốt đời cho nhà thống lí để trả nợ.

Qua cuộc đời và số phận của A Phủ, Tô Hoài đã tố cáo tội ác dã man của giai cấp thống trị ở miền núi, tiêu biểu là cha con thống lí Pá Tra. Chúng đã cấu kết với bọn thực dân đẩy những con người hiền lành, chất phác vào tình trạng thảm hại, bị cướp đoạt sức lao động và quyền làm người, trở thành nô lệ không hơn không kém.

Truyện “Vợ chồng A Phủ” là một sự thật về cuộc đời của những người lao động ở vùng cao Tây Bắc. Câu chuyện hấp dẫn và lôi cuốn người đọc qua cách kể truyện rất riêng của Tô Hoài. Mở đầu như một câu chuyện cổ tích nhưng lại là một mảnh đời, một số phận bằng xương, bằng thịt. Nhà văn đan xen giữa quá khứ và hiện tại gợi lên nhiều cung bậc cảm xúc cho người đọc. Nghệ thuật xây dựng và phân tích tâm lí nhân vật cũng là một thành công trong ngòi bút của Tô Hoài. Thông qua việc xây dựng hai hình tượng Mị và A Phủ nhà văn lên tiếng tố cáo thế lực thực dân phong kiến miền núi đã áp bức, đọa đày, cướp đoạt quyền sống và quyền hạnh phúc của con người

Khép lại tác phẩm, Vợ chồng A Phủ đã để lại trong lòng người đọc vẻ đẹp của lòng nhân đạo, tình yêu thương, đồng cảm sâu sắc với những kiếp người nghèo khổ. Qua hai nhân vật Mị và A Phủ nhà văn đã làm hiện lên sức sống tiềm tàng, tinh thần phản kháng của những người dân lao động nghèo khổ, luôn đấu tranh để tìm đến ánh sáng của tự do.

Nguyễn Thị Thu Huyền

Video liên quan

Chủ Đề