Lương vùng năm 2023

Theo chương trình làm việc Kỳ họp thứ tư, Quốc hội dành cả ngày hôm nay, 27-10 để thảo luận về: Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023 [trong đó có Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2023-2025, tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2022, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2023 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do Trung ương quản lý].

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Một trong những nội dung được Quốc hội thảo luận tại phiên họp là việc Chính phủ trình phương án tăng lương cơ sở từ mức 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng cho cán bộ, công chức, viên chức.

Đồng thời, tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do Ngân sách Nhà nước chi trả và hỗ trợ thêm đối với đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp; trợ cấp ưu đãi người có công và một số chế độ an sinh xã hội; điều chỉnh phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở.

Đây là mức tăng lương cao nhất từ trước đến nay nhằm bảo đảm giữ chân nguồn nhân lực trong khu vực công, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đại đa số đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân.

Phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận sáng 27-10, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ đồng tình với đề xuất này của Chính phủ, đề nghị Chính phủ xem xét việc tăng lương cơ sở càng sớm càng tốt.

Đại biểu Phạm Hùng Thắng [Đoàn Hà Nam] đề nghị Chính phủ thực hiện việc nâng lương cơ sở cho đội ngũ cán bộ, công chức, song cũng cần xem xét và cân đối để sớm thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27 của Trung ương để góp phần giúp bộ máy nhà nước hoạt động có động lực và giảm bớt các hệ lụy rời bỏ khu vực công vì lý do tiền lương.

Cùng với việc nâng lương cơ sở, theo đại biểu Phạm Hùng Thắng, cũng cần sớm điều chỉnh mức trợ giúp xã hội [hiện nay đang là 360 nghìn đồng/tháng] bởi đây là mức tiền rất thấp đối với các đối tượng được trợ giúp.

Cùng mối quan tâm, đại biểu Thái Thu Xương [Đoàn Hậu Giang] đề xuất tăng lương cơ sở từ ngày 1-1-2023.

Đại biểu Thái Thu Xương cho biết, thời gian gần đây, nhất là khi lương tối thiểu vùng được Chính phủ trình phương án tăng thì giá cả các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thuốc điều trị bệnh, sách giáo khoa, xăng dầu, viện phí, học phí… tăng liên tục.

Trong khi đó, tiền lương thực tế của cán bộ, công chức, viên chức từ năm 2019 đến nay chưa tăng. Lương tối thiểu vùng của người lao động cũng tăng không cao, chỉ 6% - thấp hơn nhiều so với số chỉ số trượt giá và tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP.

“Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt đời sống của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và đặc biệt nhất là ảnh hưởng trực tiếp đến đối tượng yếu thế, người làm công ăn lương, gây tâm lý đối với nhóm đối tượng này”, đại biểu nói.

Theo nữ đại biểu, cử tri và cán bộ, công chức, viên chức rất vui mừng khi Chính phủ quyết định trình Quốc hội việc tăng lương cơ sở. Tuy nhiên, đại biểu đề xuất Quốc hội và Chính phủ cần nghiên cứu về thời gian tăng lương càng sớm càng tốt.

“Theo ý kiến của đại đa số cán bộ, công chức, viên chức đề xuất Chính phủ tăng lương từ ngày 1-1-2023 vì theo phương án trình của Chính phủ là tăng lương từ ngày 1-7-2023, nếu tính khoảng cách giữa hai lần tăng lương là 4 năm”, đại biểu nói.

Bên cạnh đó, theo đại biểu, Chính phủ cần kiềm chế lạm phát, kiềm giá, tránh tình trạng lương chưa tăng thì giá đã tăng; lương tăng một đồng, giá tăng hai đồng. Nếu như vậy thì đời sống người dân nói chung và đối tượng yếu thế càng khó khăn hơn.

Cùng với đó, đại biểu tỉnh Hậu Giang kiến nghị nghiên cứu, xem xét sửa đổi Nghị định 56 ngày 4-7-2011 của Chính phủ về quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại cơ sở y tế công lập; trong đó nâng mức lương, phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức làm chuyên môn y tế dự phòng và y tế cơ sở từ mức 40-70% tăng lên mức 100%.

Đồng thời, xem xét nâng lương khởi điểm đối với đối tượng là bác sĩ mới ra trường nhằm thu hút nguồn nhân lực ngành y tế công tác trong lĩnh vực y tế dự phòng và y tế cơ sở.

THẢO NGUYỄN – CHIẾN THẮNG

Không nên trì hoãn tăng lương tối thiểu năm 2023

Từ năm 2020 tới nay, do dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn tới hoạt động DN, nên việc tăng lương tối thiểu vùng đã 2 lần bị hoãn lại. Đến thời điểm này, lương tối thiểu có được tăng hay không và mức tăng bao nhiêu chưa cơ quan chức năng nào đề cập. Thực tế, cơ quan đại diện cho người lao động liên tục kiến nghị Bộ LĐTB&XH sớm cho phép tăng lương, còn tổ chức đại diện cho người sử dụng LĐ lại viện dẫn lí do DN khó khăn…

Cần tăng để đủ bù trượt giá

Lương tối thiểu vùng được điều chỉnh tăng gần nhất từ ngày 1/1/2020 [thời điểm chưa xảy ra dịch COVID-19], với mức tăng bình quân 5,5% so với lương áp dụng năm 2019. Cụ thể, lương tối thiểu vùng 1 tăng từ 4,1 triệu đồng lên 4,4 triệu đồng/người/tháng [tăng 240 nghìn đồng/tháng]; lương vùng 2 tăng từ 3,7 triệu đồng lên 3,9 triệu đồng/người/tháng [tăng 210 nghìn đồng/tháng]; lương vùng 3 tăng từ 3,2 triệu đồng lên 3,4 triệu đồng/người/tháng [tăng 180 nghìn đồng/tháng]; lương vùng 4 tăng từ 2,9 triệu đồng lên 3,07 triệu đồng/người/tháng [tăng 150 nghìn đồng/tháng].

Bộ LĐ-TB&XH vừa phê duyệt kế hoạch điều tra về lao động, tiền lương và mức sống tối thiểu của người lao động trong các loại hình doanh nghiệp để làm cơ sở cho họp bàn tăng lương tối thiểu vùng năm 2023. Trong khi đó, cơ quan đại diện cho người LĐ và tổ chức đại diện cho người sử dụng LĐ viện các lý do cho các ý kiến khác biệt quá xa của mình.

Bộ LĐ-TB&XH cơ quan thường trực Hội đồng tiền lương quốc gia cho biết: Sẽ tiến hành điều tra về LĐ, tiền lương và mức sống tối thiểu của người LĐ trong các loại hình DN năm 2022 tại 18 tỉnh thành. Mục đích của cuộc điều tra nhằm thu thập thông tin tình hình sản xuất, kinh doanh của DN, tiền lương và mức sống tối thiểu của người LĐ, làm cơ sở cho họp bàn điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng năm 2023 và hoạch định chính sách liên quan.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia [đại diện cho phía người LĐ] cho rằng: Hai năm qua, chia sẻ với khó khăn của DN vì ảnh hưởng dịch bệnh, nên lương tối thiểu đã không tăng. Hiện tại, tình hình sản xuất, kinh doanh đã dần phục hồi, dù có DN khó khăn, nhưng cũng nhiều DN hoạt động tốt, đột phá về doanh thu, lợi nhuận kể cả khi xảy ra dịch bệnh. Trong bối cảnh dịch bệnh, người LĐ cũng gặp rất nhiều khó khăn, cạn kiệt nguồn lực sau giai đoạn giãn cách, nhưng 2 năm chưa được tăng lương.


Bộ LĐ-TB&XH dự kiến giữa năm nay sẽ họp bàn chuyện tăng lương tối thiểu vùng cho năm 2023 Ảnh minh họa: Như Ý

“Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã nhiều lần đề xuất tăng lương tối thiểu, kể cả trong năm 2021, rồi nửa đầu năm 2022. Tuy nhiên, với tiến trình điều tra lao động, tiền lương của Bộ LĐ-TB&XH thì việc tăng lương nếu nhanh cũng phải sang năm 2023 mới thực hiện được”, ông Hiểu nói. Theo ông Hiểu, công nhân ngừng làm việc tập thể, đòi quyền lợi vào khoảng thời gian trước và sau Tết Nguyên đán vừa qua đều liên quan tới vấn đề lương và thu nhập. Do đó, nhu cầu tăng lương của người LĐ là chính đáng, việc tăng lương sớm giúp ổn định tình hình quan hệ LĐ, người LĐ yên tâm công tác và nỗ lực vì DN. Bên cạnh đó, DN cũng cần xem tăng lương là khoản đầu tư, giảm lợi nhuận để chia sẻ khó khăn với người LĐ. Người LĐ phải đủ ăn, đủ mặc mới đủ sức làm việc.

Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Chính sách pháp luật [Tổng Liên đoàn Lao động] cho rằng, không thể lùi việc tăng lương tối thiểu thêm được nữa, vì nếu năm nay không tăng, thì tròn 3 năm lương tối thiểu không được điều chỉnh tăng. Mức tăng ra sao cần khảo sát và trao đổi thêm, nhưng cố gắng tăng để bù trượt giá, khi 2 năm qua chỉ số giá tiêu dùng đã tăng khoảng 5%...

“Do dịch bệnh, DN khó khăn, nhiều DN đã 2 năm qua không thêm bất kể phụ cấp hay chi phí nào cho người LĐ, trong khi giá cả leo thang. Thực tế này dẫn tới ở một số nơi, công nhân ngừng làm việc đòi quyền lợi. Nếu để dồn nhiều năm mới tăng lương tối thiểu một lần, trong khi các chỉ số đánh giá đều biến động, sẽ dễ dẫn tới các cú sốc chính sách. Vì vậy, có thể tăng nhiều lần nhưng mức tăng thấp sẽ dễ thực hiện hơn”, ông Quảng nói. Theo ông Quảng, việc tăng lương tối thiểu cũng nên được thông tin và quyết định sớm để các DN chuẩn bị.

Tăng lúc này sẽ khó cho DN?

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam [VCC] - cơ quan đại diện người sử dụng LĐ cho rằng, ưu tiên trước mắt của DN là tận dụng tối đa cơ hội để khôi phục sản xuất, kinh doanh để duy trì hoạt động của DN và cuộc sống người LĐ. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, dù khó khăn, nhiều DN vẫn cố gắng có thưởng Tết cho người LĐ, thậm chí có chủ DN còn bán cả tài sản cá nhân để lo lương thưởng cho người LĐ. Điều đó rất đáng trân trọng và chia sẻ. Qua lương thưởng cũng thể hiện sự quan tâm lẫn nhau giữa DN và người LĐ.

“Tăng lương là nguyện vọng chính đáng của NLĐ, cũng có thể xem đây là giải pháp để khôi phục thị trường LĐ, thu hút người LĐ trở lại thành phố, nên cần xem xét. Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều DN đã trả lương cho người LĐ trên mức lương tối thiểu, tăng lương tối thiểu chủ yếu tác động tới các DN sử dụng nhiều LĐ giản đơn. Đa số DN trả lương ở mức cao hơn mức tối thiểu, chỉ tăng lương tối thiểu sẽ ít bị phản đối, nhưng lương tối thiểu là mức sàn để tính bảo hiểm xã hội, phí công đoàn, nên cần tính toán cho hài hoà”, ông Phòng nói. Theo ông Phòng, do ảnh hưởng của dịch bệnh, 2 năm qua lương tối thiểu không tăng, nên nếu tăng cần phải tính toán kỹ. Trên thực tế có xảy ra thiếu LĐ, bản thân người LĐ cũng cần mức lương đủ đáp ứng mức sống tối thiểu, chủ sử dụng LĐ cũng phải tính tới điều đó.

Trong khi đó, theo các chuyên gia, sau 2 năm chưa tăng đến nay, cần xem xét để tăng lương tối thiểu là cần thiết. Tuy nhiên, nhìn vào bối cảnh thực tế của DN hiện nay thấy rõ để tăng lương cũng không phải dễ. “DN cũng gặp khó, người LĐ cũng khó khăn, để xem xét có tăng lương tối thiểu hay không, mức tăng ra sao vẫn cần thêm kết quả khảo sát thực tế của Bộ LĐ-TB&XH. Tới nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh đã dần được phục hồi, nên cũng cần phải xem xét việc tăng lương, ít nhất để đủ bù trượt giá”, ông Phạm Minh Huân, nguyên Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia nêu quan điểm.

Nguồn: Tiền phong

Chủ Đề