Làm thế nào khi máu kinh ra nhiều?

Ra máu nhiều và đau bụng kinh là những vấn đề phổ biến ở nhiều phụ nữ khi có kinh nguyệt. Mặc dù lượng máu kinh và chu kỳ kinh nguyệt của mỗi người là khác nhau nhưng ra nhiều máu đến mức làm gián đoạn việc sinh hoạt thường ngày thì lại là điều không bình thường.

Nội dung chính của bài viết:

  • Kinh nguyệt được coi là ra nhiều khi bạn phải thay băng vệ sinh cách 1 tiếng một lần và liên tục trong ít nhất 1 ngày của kỳ kinh; phải thức giấc vào ban đêm để thay băng vệ sinh; tình trạng ra máu kéo dài quá một tuần.
  • Máu kinh ra nhiều còn khiến bạn có triệu chứng thiếu máu, mệt mỏi, uể oải, hoa mắt, khó thở, da xanh xao. 
  • Kinh nguyệt ra nhiều do nhiều nguyên nhân, như: thai ngoài tử cung, sảy thai, vòng tránh thai chứa nội tiết tố hay ảnh hưởng của các loại thuốc chống viêm, nội tiết, chống đông máu...
  • Kinh nguyệt ra quá nhiều liên tiếp trong nhiều tháng còn là dấu hiện của các vấn đề tiềm ẩn, như: vấn đề về hormone, rối loạn đông máu, poly tử cung, u xơ tử cung, một số bệnh ung thư, tiền mãn kinh...
  • Máu kinh ra quá nhiều khiến bạn không thể sinh hoạt, làm việc hay học tập một cách bình thường thì nên đến gặp bác sĩ.

Trung bình, mỗi phụ nữ mất khoảng từ 30 đến 40ml máu vào kỳ kinh nguyệt mỗi tháng. Có người bị ra máu nhiều hơn, có thể là 60ml hoặc nhiều hơn một chút nhưng thường không quá 80ml.

Tình trạng kinh nguyệt ra nhiều bất thường và kéo dài được gọi là rong kinh. Mức độ ra máu kinh nặng còn thường đi kèm với các cục máu đông lớn.Vấn đề này dẫn đến thiếu máu và các cơn đau bụng kinh dữ dội, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống suốt nhiều ngày trong tháng.

Vì rất khó để đo lượng máu kinh hàng tháng nên mỗi người không thể tự xác định mức độ ra máu của mình là bình thường, nhẹ hay nặng và càng không thể biết được nguyên nhân mà cần nói chuyện với bác sĩ phụ khoa. Bác sĩ sẽ đánh giá các triệu chứng mà bạn gặp phải trong kỳ kinh, xác định nguyên nhân gây ra máu nhiều bất thường và có biện pháp điều trị.

Lượng máu kinh sẽ được coi là nhiều khi:

  • Phải thay băng vệ sinh hoặc tampon cách 1 tiếng một lần và liên tục trong ít nhất 1 ngày của kỳ kinh
  • Cần phải dùng đến hai miếng băng vệ sinh hoặc dùng băng vệ sinh ban đêm vào ban ngày
  • Phải thức giấc vào ban đêm để thay băng vệ sinh
  • Tình trạng ra máu kéo dài quá một tuần

Ngoài ra, máu kinh ra nhiều còn thường đi kèm với các biểu hiện khác như:

  • Có các cục máu đông lớn
  • Phải hạn chế các hoạt động hàng ngày
  • Các triệu chứng thiếu máu, chẳng hạn như mệt mỏi, uể oải, chóng mặt, hoa mắt, da xanh xao hoặc khó thở

Có nhiều bệnh lý hay vấn đề sức khỏe khác nhau có thể gây ra tình trạng máu kinh ra nhiều bất thường. Tình trạng này có thể tiếp diễn liên tục trong nhiều tháng hoặc có thể xảy ra không thường xuyên, tùy thuộc vào nguyên nhân đằng sau.

Đột nhiên bị ra máu nhiều

Ở nhiều phụ nữ, kinh nguyệt vẫn đều đặn bình thường trong suốt một thời gian dài nhưng đột nhiên đến một tháng lại bị ra máu nhiều hơn bình thường. Dưới đây là một số nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này.

Thai ngoài tử cung

Các dấu hiệu và triệu chứng của thai ngoài tử cung cũng khá giống với hiện tượng hành kinh nên có thể gây nhầm lẫn trong trường hợp chưa phát hiện mang thai. Thai ngoài tử cung là phôi thai phát triển ở bên ngoài tử cung thay vì bên trong và hiếm khi có thể giữ được đến ngày sinh. Thai ngoài tử cung có các dấu hiệu nhận biết như chảy máu nhiều, đau dữ dội ở bụng, vùng chậu, buồn nôn và nôn mửa, chóng mặt, mệt mỏi… Khi không được phát hiện kịp thời và thai bị vỡ thì có thể gây chảy máu ồ ạt, dẫn đến choáng và thậm chí đe dạng tính mạng người mẹ.

Sảy thai

Trong và xung quanh thời điểm bị sẩy thai, phụ nữ có thể bị ra máu nhiều và có thể tưởng nhầm là kinh nguyệt nếu chưa biết mình mang thai.

Vòng tránh thai không chứa nội tiết tố

Kinh nguyệt ra nhiều là một tác dụng phụ thường gặp của vòng tránh thai không chứa nội tiết tố, đặc biệt là trong thời gian đầu sử dụng. Sau một vài tháng sử dụng, mức độ ra máu sẽ ít đi.

Các loại thuốc

Một số loại thuốc, bao gồm thuốc chống viêm, thuốc nội tiết tố như estrogen và progestin hoặc thuốc chống đông máu như warfarin hoặc enoxaparin có thể gây tình trạng máu kinh ra nhiều hoặc lâu hết.

Ngoài ra, thuốc điều trị một số bệnh như bệnh gan hoặc bệnh thận cũng có thể gây nên vấn đề này.

Ra máu nhiều vào ngày đầu tiên của kỳ kinh

Nhiều phụ nữ chỉ bị ra máu nhiều vào ngày đầu tiên của kỳ kinh rồi giảm bớt vào những ngày tiếp theo. Tuy nhiên, mức độ ra máu nặng đến mức gây cản trở các hoạt động bình thường thì cũng vẫn là điều không bình thường và có thể là do các nguyên nhân dưới đây gây nên.

Thay đổi biện pháp tránh thai

Nếu gần đây bạn mới ngừng sử dụng biện pháp tránh thai nội tiết thì có thể sẽ bị ra máu rất nhiều vào một vài ngày đầu tiên có kinh vì chu kỳ kinh nguyệt thay đổi theo nồng độ hormone trong cơ thể.

Thay đổi thuốc

Giống như biện pháp tránh thai, các loại thuốc mà bạn dùng cũng có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt và dẫn đến hiện tượng máu ra nhiều vào ngày đầu tiên hành kinh.

Máu ra nhiều và đau đớn trong nhiều tháng liên tục

Nếu kỳ kinh nguyệt vào mỗi tháng đều ra nhiều máu và đau đớn đến mức không thể sinh hoạt, làm việc được như bình thường thì có thể nguyên nhân là do một trong các vấn đề tiềm ẩn dưới đây.

Vấn đề về hormone

Cơ thể phụ nữ có sự cân bằng giữa progesterone và estrogen - hai loại hormone đóng vai trò quan trọng nhất đối với chu kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, đôi khi, nồng độ estrogen lại ở mức quá cao và khiến cho niêm mạc tử cung dày lên bất thường. Khi lớp niêm mạc này bong ra vào kỳ kinh nguyệt thì sẽ gây ra máu nhiều hơn.

Rối loạn đông máu

Khoảng 10 – 30% phụ nữ bị ra máu nhiều trong kỳ kinh nguyệt là do rối loạn đông máu, ví dụ như bệnh von Willebrand. Những bệnh này khiến cho máu khó đông, khó cầm máu khi có vết thương và đồng thời cũng gây nên tình trạng máu kinh ra nhiều.

Polyp tử cung

Polyp là những khối u lành do sự tăng sản của mô niêm mạc tử cung hình thành nên và cũng có thể làm tăng mức độ ra máu trong kỳ kinh nguyệt.

U xơ tử cung

U xơ tử cung cũng là những khối u lành, không phải ung thư nhưng thường có kích thước lớn hơn polyp. Chúng thường hình thành ở bên trong tử cung và cũng gây ra máu nhiều trong kỳ kinh.

Một số bệnh ung thư

Máu kinh ra nhiều có thể là một triệu chứng của các bệnh ung thư ở tử cung, cổ tử cung và buồng trứng. Tuy nhiên, các bệnh ung thư này thường còn kèm theo nhiều triệu chứng khác và cũng hiếm khi là nguyên nhân duy nhất gây hiện tượng ra máu kinh mức độ nặng.

Tiền mãn kinh

Tiền mãn kinh là giai đoạn diễn ra trước khi chính thức mãn kinh. Trong quá trình chuyển đổi này, cơ thể phụ nữ sẽ diễn những thay đổi về nội tiết tố và có thể gặp phải hiện tượng máu kinh ra nhiều bất thường.

Sau khi sinh con

Vào kỳ kinh nguyệt sau khi sinh con, phụ nữ thường bị ra nhiều máu hơn so với trước đây. Những thay đổi này có thể là vĩnh viễn hoặc chỉ diễn ra trong một vài tháng đầu sau sinh. Sau đó, kinh nguyệt lại trở về bình thường như trước khi mang thai.

Nếu máu kinh ra nhiều đến mức cứ cách một tiếng bạn lại phải thay băng vệ sinh hoặc tampon và tiếp diễn liên tục, khiến bạn không thể sinh hoạt, làm việc hay học tập một cách bình thường thì nên đến gặp bác sĩ. Đặc biệt, nếu còn đi kèm các cơn đau dữ dội, quằn quại thì cần phải đi khám càng sớm càng tốt.

Khi đến khám, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng, lấy bệnh sử và các triệu chứng. Sau đó sẽ cần làm các phương pháp kiểm tra như xét nghiệm máu, xét nghiệm Pap smear, sinh thiết hoặc chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, nội soi để kiểm tra các cơ quan sinh dục.

Rất khó để tự xác định mức độ ra máu vào mỗi kỳ kinh của mình là bình thường hay nặng nếu như không có sự kiểm tra của bác sĩ. Chỉ sau khi đi khám và tiến hành các phương pháp kiểm tra thì mới có thể xác định được nguyên nhân gây nên vấn đề này là do đâu, có phải là do một vấn đề tiềm ẩn nào đó hay không và có phương án điều trị thích hợp.

Tuy vào nguyên nhân cụ thể mà sẽ có phương pháp điều trị thích hợp. Nhìn chung, các phương pháp điều trị đều nhằm mục tiêu là điều chỉnh lượng máu bị mất vào mỗi kỳ kinh. Tuy nhiên, một số phương pháp còn giúp khắc phục các triệu chứng đi kèm như đau bụng kinh. Nếu nguyên nhân khiến máu kinh ra nhiều là do một vấn đề tiềm ẩn thì sẽ cần phải điều trị vấn đề đó.

Dưới đây là các phương pháp để điều trị tình trạng máu kinh ra nhiều và kéo dài.

Điều trị bằng thuốc

  • Các biện pháp tránh thai: Ngoài tác dụng kiểm soát sinh sản, thuốc tránh thai còn có tác dụng điều hòa kinh nguyệt, giảm mức độ và rút ngắn thời gian ra máu. Ngoài thuốc đường uống, vòng tránh thai nội tiết tố cũng có tác dụng tương tự. Vòng tránh thai giải phóng một loại progestin là levonorgestrel có tác dụng làm cho niêm mạc tử cung mỏng đi và làm giảm mức độ mất máu, đồng thời cải thiện triệu chứng đau bụng kinh.
  • Thuốc giảm đau không kê đơn: Các loại thuốc giảm đau không kê đơn hay thuốc kháng viêm không steroid chẳng hạn như ibuprofen và naproxen natri, là giải pháp hiệu quả để làm giảm triệu chứng đau đớn và giảm mất máu trong thời gian hành kinh.
  • Thuốc kê đơn: Trong trường họp mà cơn đau không thuyên giảm khi đã dùng thuốc giảm đau không kê đơn thì bác sĩ sẽ kê các loại thuốc giảm đau mạnh hơn. Ngoài ra, bác sĩ có thể kê thêm một số loại thuốc khác như progesterone đường uống để giúp điều hòa kinh nguyệt.
  • Liệu pháp hormone, bao gồm estrogen hoặc progesterone, có tác dụng giảm ra máu và điều hòa kinh nguyệt.

Ở những phụ nữ bị rối loạn đông máu thì có thể cần dùng các loại thuốc điều trị ví dụ như thuốc chống tiêu sợi huyết (tranexamic acid, chỉ cần uống khi đến kỳ), thuốc xịt Desmopressin hoặc Stimate để làm tăng lượng protein làm đông máu và giảm mức độ ra máu.

Các thủ thuật xâm lấn

  • Nong – nạo lòng tử cung (D&C): Nếu các phương pháp điều trị khác không có tác dụng thì sẽ cần tiến hành phương pháp nong – nạo lòng tử cung. Đây là thủ thuật mà bác sĩ loại bỏ các lớp ngoài cùng của niêm mạc tử cung. Điều này giúp làm giảm mức độ chảy máu và rút ngắn kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, có thể cần thực hiện nhiều lần.
  • Nút mạch u xơ tử cung: Phương pháp này nhằm điều trị u xơ tử cung - một nguyên nhân gây ra rong kinh - bằng cách tiêm vật liệu bít các động mạch nuôi dưỡng khối u và khiến khối u xơ teo đi.
  • Điều trị bằng sóng siêu âm hội tụ: sử dụng sóng siêu âm để tiêu diệt khối u xơ.
  • Cắt u xơ: đây là phương pháp phẫu thuật loại bỏ khối u xơ hay polyp tử cung bằng kỹ thuật nội soi qua một số đường rạch nhỏ ở bụng, qua âm đạo hoặc qua đường mổ mở ở bụng.
  • Đốt nội mạc tử cung: phá hủy vĩnh viễn lớp niêm mạc tử cung bằng laser, sóng cao tần radiofrequency hay điện cực.
  • Cắt bỏ nội mạc tử cung: sử dụng một vòng điện để loại bỏ lớp niêm mạc tử cung.
  • Cắt tử cung: Trong những trường hợp quá nghiêm trọng, bệnh nhân sẽ cần làm phẫu thuật cắt tử cung, cổ tử cung và đôi khi là cả buồng trứng. Sau khi phẫu thuật, bạn sẽ không còn có kinh nguyệt nữa và cũng sẽ không thể mang thai sau này.

Lời kết

Chu kỳ kinh nguyệt của mỗi phụ nữ là khác nhau. Đó là lý do tại sao rất khó để biết kỳ kinh nguyệt của mình là bình thường hay bất thường. Cách duy nhất để biết là đi khám bác sĩ. Bác sĩ sẽ giúp xác định mức độ ra máu kinh của bạn rơi vào mức nào, có bình thường hay không, nếu không bình thường thì là do nguyên nhân nào và chỉ định phương án điều trị.

Điều quan trọng là bạn phải kể chi tiết cho bác sĩ tất cả thông tin về kỳ kinh nguyệt cũng như là các triệu chứng đi kèm để có phương án khắc phục phù hợp nhất. Ra máu kinh nhiều cũng không có gì đáng sợ cả. Hiện nay có rất nhiều lựa chọn hiệu quả giúp bạn khắc phục và kiểm soát vấn đề này.