Hướng dẫn thực hiện quy chế chất vấn trong đảng

Thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, Bộ Chính trị khóa X đã ra Quyết định số 158-QĐ/TW, ngày 12-5-2008, ban hành Quy chế Chất vấn trong Đảng. Đây là văn bản đầu tiên quy định về vấn đề chất vấn trong Đảng, một hoạt động mang tính chiến đấu cao, vì mục tiêu “phát huy dân chủ, nâng cao trách nhiệm và năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và đảng viên, góp phần ngăn chặn, phòng ngừa vi phạm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống của đảng viên...”[1].

Tuy nhiên, trong 4 năm qua, mục tiêu nêu trên chưa được hiện thực hóa trong hoạt động của Đảng từ Trung ương đến cơ sở. Vấn đề thực hiện chất vấn trong Đảng, một lần nữa lại được nhấn mạnh trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

1 - Công tác xây dựng Đảng được tập trung trong các lĩnh vực tư tưởng, chính trị; tổ chức, cán bộ; kiểm tra, giám sát. Trong tất cả các lĩnh vực nói trên, từng tổ chức đảng và mỗi đảng viên, nhất là những đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo ở các cấp bộ đảng, là nhân tố chủ thể có ý nghĩa quyết định. Tổ chức đảng mạnh hay yếu đều do mối liên kết của đảng viên thường và đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý quyết định. Cả hai chủ thể ấy phải có trách nhiệm liên kết nội bộ trong sự thống nhất chặt chẽ, trong mối quan hệ lợi ích chung là xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh”. Thực hành chất vấn và trả lời chất vấn trong sinh hoạt đảng là một trong những phương thức biểu hiện sự liên kết ấy.

Trong sinh hoạt chi bộ hay trong hội nghị cấp ủy, mối liên kết thông qua chất vấn, tuy trước đây chưa được coi là động thái tất yếu của thực hành dân chủ trong Đảng, song Đảng vẫn chủ trương tự phê bình và phê bình là công tác thường xuyên của mỗi đảng viên, mỗi cấp ủy. Nhưng, trên thực tế, hoạt động tự phê bình và phê bình mới chỉ dừng ở việc kiểm điểm cuối năm, như là một trong những hoạt động tổng kết công tác đảng trong năm. Hoặc, khi đảng viên, cán bộ đã vi phạm kỷ luật thì mới tiến hành kiểm điểm, xác định hình thức kỷ luật. Những hoạt động tự phê bình và phê bình kiểu này chỉ giải quyết “phần ngọn” của vấn đề.

Bên cạnh tự phê bình và phê bình, chất vấn được thực hiện ngay tại các hội nghị thường kỳ của tổ chức đảng sẽ sớm ngăn chặn những nguy cơ dẫn đến sai lầm của đảng viên hay sự chậm trễ, trì trệ trong chỉ đạo của cấp ủy. Những quy định của Quy chế Chất vấn trong Đảng thể hiện tư duy phát hiện vấn đề “từ gốc”, phát hiện những chiều hướng thiếu sót, sai lầm ở dạng manh nha, và đó cũng là tư duy tạo động lực thúc đẩy các công việc của Đảng đạt hiệu quả cao hơn.

2 - Trong Quy chế, những quy định về chủ thể chất vấn và đối tượng chất vấn vừa thể hiện mối quan hệ mật thiết của đảng viên với chi bộ, đảng bộ của mình, vừa đòi hỏi các cấp ủy, ủy viên cấp ủy các cấp nâng cao hơn trách nhiệm đối với công việc.

Trong Quy chế, những quy định về nguyên tắc chất vấn và trả lời chất vấn không chỉ đề cao trách nhiệm của mỗi đảng viên, mà còn đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong nhận thức và tổ chức chất vấn. Chất vấn và trả lời chất vấn phải được tiến hành công khai, dân chủ, khách quan, thẳng thắn, trên tinh thần xây dựng, đúng nguyên tắc sinh hoạt đảng, đúng quy định của pháp luật.

Trong Quy chế, những quy định về quyền và trách nhiệm của chủ thể chất vấn và đối tượng chất vấn đòi hỏi phải có một môi trường dân chủ, minh bạch. Đặc biệt, Quy chế cũng xác định trách nhiệm lãnh đạo, tổ chức của người đứng đầu cấp ủy đối với hoạt động chất vấn ở hội nghị.

Cùng với khá nhiều văn bản khác về xây dựng Đảng, Quy chế Chất vấn trong Đảng thể hiện một phương thức mới, gắn chặt với thực tiễn hơn, có khả năng thúc đẩy công tác lãnh đạo, chỉ đạo được tiến hành kịp thời hơn, sớm ngăn chặn những chiều hướng sai lầm gây lãng phí thời gian, công sức và kinh phí của nhân dân, đem lại hiệu quả cao trong hoạt động lãnh đạo và quản lý. Đồng thời, Quy chế còn có khả năng cảnh báo, ngăn ngừa sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ tham nhũng, lãng phí và tùy tiện, vô nguyên tắc “từ trong trứng nước”. Đây là một bước tiến có ý nghĩa lịch sử trong lý luận xây dựng Đảng ở thời kỳ đổi mới.

3 - Nhìn lại 4 năm qua, phải chăng hiện tượng “phát mà không động” đã đúng với việc thi hành Quy chế Chất vấn trong Đảng, hay phải chăng trong sinh hoạt cấp ủy các cấp không có vấn đề gì cần chất vấn, mọi việc đều hanh thông? Chỉ có thực tiễn sinh hoạt đảng trong thời gian qua mới trả lời đầy đủ câu hỏi này. Trong hoạt động của mỗi cấp bộ đảng, cấp ủy, kể cả ở cấp Trung ương, không hiếm vấn đề có thể và cần chất vấn. Quy chế Chất vấn trong Đảng là một trong nhiều văn kiện về xây dựng Đảng, song lại là văn kiện ít được quan tâm thực hiện nhất. Thực trạng này chính là một trong những nguyên nhân “góp phần” làm nảy sinh những vấn đề cấp bách trong nội bộ Đảng.

Để đổi mới vai trò lãnh đạo đất nước, Đảng phải tự đổi mới sinh hoạt nội bộ của mình ở nhiều phương diện. Hoạt động chất vấn trong sinh hoạt đảng là một trong những phương diện đó. Chúng ta thường nói, công tác lý luận nhiều khi không theo kịp thực tiễn. Nhưng, sự trầm lắng của hoạt động chất vấn trong sinh hoạt cấp ủy các cấp, kể cả cấp Trung ương, lại chứng minh rằng, thực tiễn hoạt động chất vấn trong Đảng chưa theo kịp lý luận xây dựng Đảng. Vì sao vậy? Phải chăng những nguyên nhân dưới đây là lực cản của việc đưa Quy chế Chất vấn trong Đảng vào cuộc sống.

Quy chế Chất vấn trong Đảng quy định hoạt động chất vấn chỉ được tiến hành ở hội nghị cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy[2] [Trường hợp trong hội nghị chi bộ, đảng viên có quyền chất vấn chi ủy và các đảng viên khác]. Như vậy, xét theo các cấp bộ đảng, đa phần người chất vấn chỉ có thể là cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ cấp ủy. Thực tế cho thấy, trong các hội nghị ấy, các ủy viên cấp ủy cũng chỉ bàn góp nhận định, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ chung, đề xuất những giải pháp triển khai, tổ chức thực hiện nhiệm vụ mới, tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ đã đặt ra,... chứ chưa bao giờ có hoạt động chất vấn. Điều có thể chất vấn lại lẩn khuất dưới hình thức kiến nghị, đề nghị.

Phải chăng điều đang ngự trị trong tâm lý, ý thức của không ít ủy viên cấp ủy là, nếu chất vấn đến nơi, đến chốn, có trách nhiệm, đúng và trúng vấn đề, thì chỉ thiệt cho địa phương mình, ngành mình và bản thân? Dù biện luận dưới hình thức “bảo vệ quyền lợi” cho địa phương mình [điều này không phải không có thực], xét cho cùng, cốt lõi vấn đề vẫn là né tránh theo kiểu “tránh voi chẳng xấu mặt nào” để che đậy sự “dĩ hòa vi quý”, “dễ người, dễ ta”. Tuy nhiên, ở đây không ngoại trừ trường hợp ngại va chạm, chỉ chăm lo vun vén cho “chiếc ghế” của mình, nên ngại và sợ chất vấn.

4 - Chất vấn trong Đảng là hoạt động có nhiều rào cản về tâm lý, về lợi ích cá nhân, nên Ban Chấp hành Trung ương phải thể hiện vai trò tiên phong, nêu gương. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Ban Chấp hành Trung ương cần tổ chức chất vấn ngay trong hội nghị. Quốc hội mấy khóa gần đây đã thực hiện chất vấn ngày càng có chất lượng, cởi mở, công khai, thẳng thắn, xây dựng.

Đảng ta là đại biểu trung thành cho quyền lợi của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của toàn dân tộc, thì càng phải dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, càng phải công khai, minh bạch trước nhân dân. Thực tiễn và lý luận về xây dựng Đảng cho thấy, Đảng ta không có điều gì phải giấu nhân dân cả. Do vậy, Ban Chấp hành Trung ương nên sớm thực thi chất vấn tại hội nghị như Quốc hội thực thi chất vấn tại nghị trường. Vấn đề là tổ chức chất vấn như thế nào, chứ không phải không có vấn đề để chất vấn. Biết bao sự việc xoay quanh ba vấn đề cấp bách mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đã nêu, thực sự là nội dung chất vấn, đúng hơn là nội dung phải được chất vấn.

Nếu như Quy chế Chất vấn trong Đảng được thực hiện trong các hội nghị Trung ương để sự nêu gương được lan tỏa, thì chắc chắn rằng trong 4 năm qua, hoạt động này đã không rơi vào vào tình trạng “trầm lắng” và đã góp phần giảm thiểu những bức xúc trong Đảng mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đã khái quát thành 3 vấn đề cấp bách.

Nếu Ban Chấp hành Trung ương không tiên phong, gương mẫu, thực hiện trước Quy chế Chất vấn trong Đảng, để tạo thế lan tỏa, thì những rào cản tâm lý của ủy viên cấp ủy các cấp vẫn không được dỡ bỏ. Những tâm lý ấy vẫn âm ỉ sống, như là cách ứng xử thường tình trong môi trường “tư duy nhiệm kỳ”.

Một trong những phương cách hiệu quả nhất để dỡ bỏ những rào cản tâm lý ấy, chắc chắn phải là sự nêu gương của những người đứng đầu, của các cấp ủy cấp trên. Người đứng đầu phải chủ động tạo dựng một môi trường dân chủ, khích lệ tinh thần, thái độ thẳng thắn, khách quan, trách nhiệm trong chất vấn và trả lời chất vấn. Hành động nêu gương cao nhất là, nếu được trả lời chất vấn thì trả lời trung thực. Thái độ trung thực không chỉ thể hiện sự cầu thị, biết lắng nghe, sự chân thành, mà còn làm nền cho sự ứng xử bao dung. Sự nêu gương của những người đứng đầu có sức lan tỏa, ngấm sâu, thấm lâu gấp trăm lần những khẩu hiệu.

Công tác kiểm tra, giám sát có vai trò hết sức quan trọng. Một chủ trương, nghị quyết của Đảng không được kiểm tra, giám sát về tổ chức thực hiện, kết quả thực hiện thì làm sao hiểu được, biết được sức sống của nghị quyết đang ở mức độ nào trong hiện thực. Các nghị quyết được tổng kết, đánh giá sau 3 năm, 5 năm thực hiện cũng là nhằm mục đích đánh giá mức độ hiệu quả và tìm ra những lực cản nếu có thì do đâu, để từ đó có những giải pháp khắc phục. Nếu nhận định rằng, Quy chế Chất vấn trong Đảng suốt 4 năm qua rơi vào tình trạng “trầm lắng”, phần lớn là do khâu kiểm tra, giám sát bị buông lơi, thì chắc là không sai. Ở đây, đặt ra một câu hỏi mang tính chất vấn là: Tại sao công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy chế Chất vấn trong Đảng không được quan tâm, thậm chí bị buông lơi? Trách nhiệm của ủy ban kiểm tra các cấp đến đâu? Trách nhiệm của những người đứng đầu đến đâu?...

5 - Trong nhóm giải pháp về tổ chức, cán bộ và sinh hoạt đảng, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI yêu cầu: “Phát huy dân chủ thật sự trong Đảng, thực hiện nghiêm túc Quy chế Chất vấn trong Đảng, nhất là chất vấn tại các kỳ họp Ban Chấp hành Trung ương và cấp ủy các cấp”.

Từ quan điểm chỉ đạo nói trên của Nghị quyết Trung ương 4, việc thực hiện Quy chế Chất vấn trong Đảng cần được nhìn nhận dưới bốn góc độ có tính nguyên tắc như sau:

Thứ nhất, Quy chế Chất vấn trong Đảng phải sớm được thực thi như là hoạt động mang tính cấp thiết, để thiết thực góp phần giải quyết các vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay.

Thứ hai, thực hiện chất vấn trong Đảng vừa là sự tiếp tục, vừa là “anh em sinh đôi” của tự phê bình và phê bình trong nội bộ cấp ủy. Câu hỏi chất vấn phải mang tính trách nhiệm, khách quan, xây dựng cao trong “cấp độ chất vấn”, và câu trả lời chất vấn phải chứa đựng tính tự phê bình, trung thực, khách quan, minh bạch, cầu thị. Được chất vấn là dịp tự tách mình ra khỏi chính mình để phê bình mình. Đây là khả năng tự phân thân để tự đánh giá mình. Được thế, chất vấn trở thành hoạt động mang tính khoa học trong xây dựng Đảng.

Thứ ba, hành trang mỗi ủy viên cấp ủy mang đến hội nghị gồm cả những “câu hỏi chất vấn” của cán bộ, đảng viên trong đảng bộ của mình. Cuộc sống đặt ra biết bao câu hỏi, do đó, chỉ những ủy viên cấp ủy không sâu sát thực tiễn mới không nắm bắt được. Vả lại, từ cương vị công tác của mình, mỗi ủy viên cấp ủy đứng trước không ít khó khăn do cơ chế, chính sách chưa đồng bộ, do sự chỉ đạo của cấp trên chưa sâu sát và kịp thời, khi thẩm quyền của mình không thể tháo gỡ được. Đó cũng là những gợi mở cho chất vấn.

Thứ tư, mỗi cấp ủy, nhất là người đứng đầu cấp ủy, có trách nhiệm tạo dựng môi trường dân chủ để chất vấn trong Đảng song hành cùng tự phê bình và phê bình, làm cho sinh hoạt đảng thực sự thiết thực và hiệu quả. Qua đó, niềm tin được lan tỏa, thấm sâu, ngấm lâu nơi quần chúng nhân dân./.

Chủ Đề