Hậu quả khi làm giả giấy xuất xứ hàng hóa

[HNMO] - Thông tin trên được Tổng cục Hải quan cho biết tại buổi họp báo chuyên đề hoạt động kiểm tra, điều tra phòng, chống gian lận xuất xứ hàng Việt Nam xuất khẩu của ngành Hải quan.

Ông Trần Mạnh Cường, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan [Tổng cục Hải quan] cho biết, thời gian qua, lợi dụng ưu đãi thuế quan của Việt Nam được hưởng đối với các nước ký kết hiệp định thương mại, đã nổi lên vấn đề lợi dụng xuất xứ Việt Nam để được hưởng ưu đãi đối với hàng hóa xuất khẩu.

Quang cảnh buổi họp báo.

Một số phương thức gian lận phổ biến như: Doanh nghiệp nhập khẩu bán thành phẩm về lắp ráp giản đơn hoặc nhập khẩu dưới dạng sản phẩm hoàn chỉnh và thay đổi bao bì, nhãn mác; doanh nghiệp đã có dây chuyền máy móc nhưng sản phẩm xuất khẩu không đủ điều kiện đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ Việt Nam theo quy định của pháp luật.

Ngành Hải quan đã kiểm tra, điều tra, xác minh 76 vụ việc, phát hiện 24 vụ việc vi phạm về xuất xứ hàng xuất khẩu; tịch thu 3.590 xe đạp nguyên chiếc, hơn 4.000 bộ linh kiện xe đạp và hơn 12.000 bộ linh kiện lắp ráp tủ bếp là tang vật vi phạm; thu hơn 33 tỷ đồng [bao gồm số tiền thu lợi bất hợp pháp, xử phạt vi phạm hành chính và trị giá tang vật vi phạm bị tịch thu].

Đặc biệt, cơ quan Hải quan phối hợp với Bộ Công an điều tra một vụ việc có dấu hiệu làm giả giấy chứng nhận xuất xứ.

Thông tin thêm, ông Nguyễn Hùng Anh, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu [Tổng cục Hải quan] cho biết, Cục đã phát hiện doanh nghiệp này không được Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ủy quyền để thực hiện việc thẩm định, cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa [C/O] nhưng đã tự thiết kế mẫu C/O, cấp cho 30 doanh nghiệp trên cả nước để xuất khẩu hàng hóa. Tổng trị giá hàng hóa xuất khẩu dùng C/O này trên 600 tỷ đồng.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về vụ việc nghi vấn Công ty TNHH Nhôm toàn cầu Việt Nam gian lận xuất xứ hơn 4,3 tỷ USD trong thời gian vừa qua, ông Nguyễn Tiến Lộc, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan [Tổng cục Hải quan] cho hay, lãnh đạo Tổng cục Hải quan đã phối hợp với Bộ Công an, Hải quan Bà Rịa - Vũng Tàu điều tra, xác minh và đến nay đã kết thúc điều tra.

Đoàn kiểm tra liên ngành kết luận không đủ căn cứ xác định doanh nghiệp này vi phạm.

Thời gian tới, đặc biệt khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu [EVFTA] có hiệu lực, ngành Hải quan cần tăng cường hơn nữa hoạt động kiểm tra, điều tra phòng, chống gian lận xuất xứ hàng hóa Việt Nam xuất khẩu.

Các mặt hàng bị khiếu nại phổ biến gồm: Tôm, xe, đinh vít, lốp xe, quần áo, gạch men, găng tay, da giày, thực phẩm... Trong đó, thị trường châu Âu khiếu nại chiếm đến 90%, còn lại 10% là các thị trường khác như Đài Loan [Trung Quốc], Ấn Độ, Iraq, Turkey...

Nguyên nhân khiếu nại xuất xứ hàng hóa Việt Nam chủ yếu có 2 dạng: Thứ nhất là C/O giả chữ ký con dấu của người có thẩm quyền ký và tổ chức cấp phát C/O; thứ hai, do nghi ngờ về hàng hóa chưa đủ tiêu chuẩn xuất xứ Việt Nam.

Cụ thể, hải quan nước ngoài nghi ngờ năng lực sản xuất của doanh nghiệp [DN] Việt Nam không đáp ứng đủ số lượng hàng lớn cho thị trường xuất khẩu. Hoặc một số mặt hàng nhạy cảm như gỗ, thủy sản đông lạnh... đang bị áp thuế phòng vệ thương mại được xuất khẩu số lượng lớn sang các nước.

Mặt hàng ván ép của Việt Nam bị gian lận xuất xứ, dẫn đến nhiều thiệt hại.

Theo luật sư Châu Việt Bắc, Phó Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam [VIAC]: C/O bị làm giả thường để hợp thức hóa hàng không đủ tiêu chuẩn về xuất xứ hàng hóa Việt Nam hoặc hàng chuyển tải bất hợp pháp, rõ nhất là hàng hóa từ các nước đang bị áp lẩn tránh thuế sẽ chuyển tải sang một nước thứ ba mà nước này không bị áp thuế.

Rõ nhất, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, Mỹ đánh thuế cao hàng Trung Quốc khi nhập vào Mỹ, nên một số hàng Trung Quốc chuyển sang Việt Nam sau đó gia công đơn giản rồi gắn xuất xứ Việt Nam xuất sang Mỹ.

Với những trường hợp hàng hóa từ các nước chuyển vào Việt Nam và lấy xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu, luật sư Nguyễn Thị Phương Thảo, Văn phòng Luật sư IDVN cũng khuyến cáo DN cần chú ý vì đó có thể là một hình thức lẩn tránh thuế. Gần đây nhất, sản phẩm của Trung Quốc có khả năng bị điều tra là mặt hàng ván ép.

Các nhà sản xuất Trung Quốc chuyển toàn bộ ván ép sang Việt Nam và chỉ thực hiện khâu mở ra, đóng gói lại, dán nhãn tại Việt Nam và xuất sang Mỹ. Tương tự, một số mặt hàng thép Trung Quốc cũng “đội lốt” hàng Việt Nam. Hành vi này coi là lẩn tránh thuế theo pháp luật Mỹ. Hậu quả, nếu dính lẩn tránh thuế, thì mức thuế sẽ áp cho DN Việt Nam.

Như hiện tại, ván ép bằng gỗ của Trung Quốc mức thuế đang 300%, nếu Việt Nam bị điều tra lẩn tránh thuế thì mức thuế 300% sẽ tự động áp cho DN Việt Nam xuất sang Mỹ. Ngoài ra, cơ quan hải quan của Mỹ sẽ đến DN Việt Nam để điều tra, nhưng không thông báo trước mà họ điều tra âm thầm, bất ngờ, DN sẽ rất bị động vì sẽ không biết khi nào Hải quan Mỹ họ xuất hiện trước cửa nhà máy để kiểm tra. Hiện, DN Việt Nam cũng đã bị điều tra 2 vụ liên quan ống thép dẫn dầu và ván ép gỗ của Trung Quốc.

LS Châu Việt Bắc cho biết, khi hải quan các nước điều tra về C/O giả hoặc nghi ngờ giả mạo đối với DN Việt Nam xuất khẩu cũng giống như điều tra của Hải quan Mỹ, họ cũng kiểm tra bất ngờ, không báo trước. Điển hình, đoàn kiểm tra Hải quan của EU đến điều tra 1 DN xuất khẩu tôm ở Cà Mau về mặt hàng tôm.

Thực tế, DN này nhập khẩu tôm từ Ấn Độ về gia công lại, lấy xuất xứ Việt Nam xuất khẩu vào EU với số lượng lớn. Tuy nhiên, việc chứng minh cho đoàn hải quan nước ngoài về xuất xứ hàng hóa của DN này rất khó khăn, do DN không quan trọng khâu quản trị chứng từ như: chứng từ cạo sửa, chứng từ giao dịch vào những ngày nghỉ lễ, lệch thông tin trên hóa đơn GTGT và khâu nhật ký sản xuất... Vì vậy, bài học cho DN là phải quản lý, lưu trữ chứng từ liên quan đến xuất xứ hàng hóa nói chung, hay chứng từ liên quan giá cả, giá thành sản phẩm, phải quản trị các chứng từ cho thật chuyên nghiệp, khoa học để phục vụ cho quá trình kiểm tra của nước ngoài.

“Khi việc khiếu nại xuất xứ gia tăng đồng nghĩa với việc sẽ ảnh hưởng đến việc xuất– nhập khẩu hàng hóa, liên quan đến những DN xuất, nhập của các quốc gia khác nhau. Tại VIAC, đã có nhiều vụ tranh chấp liên quan đến chứng nhận xuất xứ hàng hoá, khiếu nại C/O giả”- LS Bắc cho biết.

Thực tế, việc gian lận xuất xứ hàng hóa đang là mối lo lớn đối với DN Việt. Nhiều ngành hàng của Việt Nam hiện đã và đang lọt vào “tầm ngắm” của các nước trên thế giới do lo ngại vấn đề xuất xứ. Theo khuyến nghị từ Bộ Công Thương, để ứng phó với gian lận xuất xứ hàng hóa, bản thân các DN xuất khẩu Việt Nam phải tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ, không tiếp tay cho các hành vi gian lận; đồng thời, phối hợp theo dõi sát thị trường để có thể kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý khi thấy có dấu hiệu bất thường, tránh để các ngành sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam bị liên lụy và ảnh hưởng bởi các biện pháp chống lẩn tránh và phòng vệ thương mại…

Chủ Đề