Giải quyết bảo hiểm khi cho mượn hồ sơ đi làm như thế nào

Thời gian qua, có nhiều trường hợp người lao động mượn giấy tờ của người khác để ký hợp đồng lao động làm việc tại các công ty, xí nghiệp, nhà máy, đặc biệt là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, công trường xây dựng.

Giải thích cho tình trạng này, nhiều người lao động nói rằng họ mượn giấy tờ vì không đủ điều kiện để ký hợp đồng lao động, như là chưa đủ tuổi, chưa đủ trình độ văn hóa, bằng cấp, không có hộ khẩu, mất giấy tờ tùy thân nhưng chưa xin cấp lại. … v.v

Tuy nhiên, không nhiều người biết rằng, việc cho mượn giấy tờ như vậy là vi phạm pháp luật, cả người lao động, người cho mượn giấy tờ và công ty đều sai phạm và có thể bị xử lý theo quy định pháp luật, ngoài ra, các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp nếu có của người lao động dùng giấy tờ của người khác cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Vậy cụ thể như thế nào, xin mời các bạn cùng xem bài viết dưới đây để biết câu trả lời.

MỤC LỤC BÀI VIẾT

  • 1. Mượn giấy tờ người khác để ký HĐLĐ có vi phạm pháp luật không?
  • 2. Mượn giấy tờ để ký hợp đồng lao động sẽ bị xử lý như thế nào?
  • 3. Cần làm gì khi đã mượn giấy tờ của người khác để ký HĐLĐ?
  • 4. Quyền lợi bảo hiểm xã hội có bị ảnh hưởng khi mượn giấy tờ của người khác để ký hợp đồng lao động không?

1. Mượn giấy tờ người khác để ký HĐLĐ có vi phạm pháp luật không?

Ngày 31/5/2022, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có công văn số 1767/LĐTBXH-BHXH gửi UBND các tỉnh, thành phố và cơ quan BHXH Việt Nam chỉ đạo xử lý nghiêm tình trạng cho người khác mượn giấy tờ cá nhân để ký kết hợp đồng lao động và tham gia BHXH.

Trong Công văn số 1767/LĐTBXH-BHXH này, Bộ LĐTBXH đã nêu rõ ý kiến đối với Trường hợp NLĐ mượn giấy tờ của người khác để ký hợp đồng lao động là hành vi vi phạm nguyên tắc “trung thực” và vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 15 và khoản 2 Điều 15 của Bộ luật Lao động.

Điều 15. Nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động

1. Tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác và trung thực.

Điều 16. Nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng lao động

2. Người lao động phải cung cấp thông tin trung thực cho người sử dụng lao động về họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, trình độ học vấn, trình độ kỹ năng nghề, xác nhận tình trạng sức khỏe và vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động mà người sử dụng lao động yêu cầu.

Nếu người lao động ký hợp đồng lao động với Công ty thì hợp đồng này sẽ bị vô hiệu và không có giá trị pháp luật.

Điều 49. Hợp đồng lao động vô hiệu (Bộ luật Lao động)

1. Hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ trong trường hợp sau đây:

b) Người giao kết hợp đồng lao động không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động quy định tại khoản 1 Điều 15 của Bộ luật này;

Đồng thời, đây là hành vi gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc thực hiện BHXH, BHTN theo quy định tại khoản 4 Điều 17 của Luật BHXH.

Điều 17. Các hành vi bị nghiêm cấm

4. Gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

Giải quyết bảo hiểm khi cho mượn hồ sơ đi làm như thế nào

2. Mượn giấy tờ để ký hợp đồng lao động sẽ bị xử lý như thế nào?

Theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 40 Nghị định số 12 năm 2022 của Chính phủ, thì người mượn giấy tờ của người khác và kê khai không đúng sự thật để hưởng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp thì bị phạt tiền từ 1 đến 2 triệu đồng.

Điều 40. Vi phạm quy định về lập hồ sơ để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người lao động có một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Kê khai không đúng sự thật hoặc sửa chữa, tẩy xóa làm sai sự thật những nội dung có liên quan đến việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

Ngoài ra, Theo quy định tại điểm đ Khoản 4 Điều 10 Nghị định số 144 năm 2021 của Chính phủ, người nào cho người khác mượn CMND/ CCCD để ký hợp đồng lao động, tham gia BHXH, thì cả người cho mượn và người mượn đều sẽ bị phạt tiền, cụ thể sẽ bị phạt từ 4 triệu đến 6 triệu đồng.

Điều 10. Vi phạm quy định về cấp, quản lý, sử dụng Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân

4. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

đ) Mượn, cho mượn Giấy chứng minh nhân dân, Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật.

Giải quyết bảo hiểm khi cho mượn hồ sơ đi làm như thế nào

3. Cần làm gì khi đã mượn giấy tờ của người khác để ký HĐLĐ?

Nếu đã lỡ mượn giấy tờ của người khác để ký HĐLĐ và tham gia BHXH thì theo hướng dẫn của cơ quan BHXH Việt Nam, người lao động cần cập nhật lại đúng thông tin nhân thân trong quá trình đã tham gia BHXH, bằng cách khai và nộp Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (theo Mẫu TK1-TS), kèm theo sổ BHXH để cơ quan BHXH thực hiện kiểm tra, xác minh cụ thể sai phạm tại Công ty, sau đó có văn bản báo cáo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

Sau khi có kết luận của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cơ quan BHXH mới có căn cứ để thực hiện và xử lý trường hợp của người lao động mượn giấy tờ của người khác để ký HĐLĐ và tham gia BHXH.

Giải quyết bảo hiểm khi cho mượn hồ sơ đi làm như thế nào

4. Quyền lợi bảo hiểm xã hội có bị ảnh hưởng khi mượn giấy tờ của người khác để ký hợp đồng lao động không?

Hành vi mượn hoặc cho người khác mượn giấy tờ để ký kết hợp đồng lao đồng hoặc tham gia BHXH sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy khi 1 trong 2 làm thủ tục xin rút BHXH 1 lần hoặc nhận BHTN hoặc nhận trợ cấp thai sản, thậm chí có thể bị hủy bỏ 1 phần quá trình tham gia BHXH nếu bị trùng nhau.

Vì vậy, Cơ quan BHXH khuyến cáo rằng, người dân không nên mượn, hoặc cho mượn giấy tờ để làm ký kết HĐLĐ, để tham gia BHXH, và các Công ty khi ký kết HĐLĐ với NLĐ cũng nên kiểm tra kỹ các hồ sơ, giấy tờ nhân thân của NLĐ để hạn chế rủi ro pháp lý.

CÔNG TY LUẬT CIS

109 Hoàng Sa, Phường Đa Kao, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
028 38257196 – 0938 548 101
Email: