Đánh giá tiếng anh học tiếng anh

"Khó có người Việt nào đánh giá năng lực tiếng Anh tốt hơn người bản ngữ tiếng Anh có đào tạo. Tại sao chúng ta không sử dụng bài thi quốc tế như TOEFL, TOEIC, FCE… để đánh giá trình độ tiếng Anh người Việt?", thầy giáo Nguyễn Phương đặt vấn đề. 

VnExpress xin giới thiệu bài viết của thầy giáo về hưu Nguyễn Phương về một số vấn đề trong việc dạy và học ngoại ngữ hiện nay.

Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2016-2020 đưa ra lộ trình đạt chuẩn đối với giáo viên tiếng Anh các cấp học phổ thông theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Năm 2016 là 45% giáo viên tiểu học, 55% giáo viên trung học cơ sở, 65% giáo viên THPT. Từ năm 2017-2019, tỷ lệ đạt chuẩn mỗi năm tăng thêm 10% và đến năm 2020 đạt chuẩn 100% giáo viên các bậc học. Đối với giảng viên đại học, cao đẳng, đề án đưa ra lộ trình năm 2018 phải đạt chuẩn 100%. Tuy nhiên, có một số bất cập khiến đề án khó đạt được hiệu quả mong muốn.

Thước đo

Đo lường và đánh giá trong giáo dục được xác định là công cụ có tác dụng đòn bẩy, thúc đẩy quá trình học tập. Muốn thực hiện được vai trò đó, thước đo nhất thiết phải chuẩn xác, phản ánh đúng thực tế. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giao cho khoảng 10 trường/khoa ngoại ngữ trong nước đánh giá trình độ giáo viên ngoại ngữ. Về lý thuyết tất cả đều đánh giá theo quy chuẩn chung đã thống nhất. Song, thực tế hoàn toàn không thể làm được vì mỗi đơn vị độc quyền một “ngân hàng câu hỏi” hoặc “bộ đề thi” riêng.

Người trong cuộc cho biết “ngân hàng” của họ là tập hợp những câu hỏi, bài đọc, bài nghe được nhặt nhạnh từ rất nhiều nguồn, kể cả những thứ đã dùng ở bài thi khác. Đặc biệt, có những bài nghe “thật sự đánh đố vì nội dung không phù hợp để làm bài nghe hoặc chất lượng âm thanh thì như nghe giông bão. Hiểu được may ra chỉ có chính người soạn và thí sinh siêu nhân”. Trong khi đó một trong những yêu cầu gần như bắt buộc là ngữ liệu để soạn bài thi phải đảm bảo tính bản ngữ, đích thực (native, authentic) chứ không thể do người phi bản ngữ “sáng tác”.

Với tình trạng như vậy, mỗi trường một thước đo; bài thi bậc C của trường X lại dễ hơn đề thi bậc B1 của trường Z và ngược lại. Tình trạng này khiến người ta nhớ đến bóng ma “ABC nội địa” cách đây mấy năm. Cũng chính vì thế, giáo viên chọn nơi đánh giá miễn sao có “chứng chỉ” để trình cho cơ quan.

Thực tế này có ở nhiều nơi mà Quảng Ngãi là một ví dụ. Ở đó, theo ông Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, hiện có 80% giáo viên ngoại ngữ đạt chuẩn nhưng chuẩn này có phản ánh đúng thực chất hay không thì là câu hỏi lớn. “Anh em vẫn đùa với nhau là đạt chuẩn một cách chưa chuẩn. Nếu không thay đổi phù hợp thì đến năm 2020, chúng ta sẽ có một bản thành tích 100% giáo viên đạt chuẩn", ông nói. Chuyện này không chỉ ở Quảng Ngãi.

Chương trình ETCF được dùng để đánh giá năng lực giáo viên. ETCF tốt nhưng không đủ, vì chủ yếu kiểm tra ngôn ngữ lớp học (classroom language), trong khi giáo viên cần nâng cao năng lực tiếng (language proficiency) - tức là đọc, nghe, nói, viết và nắm vững ngữ âm, sử dụng từ tốt… Nếu chỉ đo bằng ETCF và các bài thi “nội địa” như hiện nay, kết quả đánh giá sẽ là bản sao của trường hợp Quảng Ngãi.

Do vậy, độ tin cậy của thước đo với cả người dạy và người học lại càng là câu hỏi cần được trả lời một cách nghiêm túc. Thước đo chuẩn sẽ có tác động tích cực và ngược lại. Có thể khẳng định rằng khó có ai đánh giá năng lực tiếng Việt hơn người Việt có đào tạo. Tương tự như vậy, khó có người Việt nào đánh giá năng lực tiếng Anh tốt hơn người bản ngữ tiếng Anh có đào tạo.

Một câu hỏi không nên lảng tránh là ai công nhận chứng chỉ tiếng Anh của Việt Nam? Nếu việc đó vì mục đích tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập thì là chuyện khác. Còn vì mục đích khoa học đánh giá, thì hà cớ gì chúng ta không sử dụng các bài thi quốc tế như TOEFL, TOEIC, FCE…, mà cứ loay hoay “toàn dân làm gang thép”, đặc biệt trong hoàn cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Càng không nên ép sinh viên thi bài thi nội địa vì những lý do phi giáo dục.

Chương trình và sách giáo khoa

Người viết bài này thiên về hướng nhập sách giáo khoa (SGK) của các nước có nền giáo dục tiên tiến và bổ sung những yếu tố Việt cho phù hợp. Theo nhiều nhà giáo từng tham gia biên soạn sách giáo khoa, nội dung, khái niệm, thuật ngữ khoa học chủ yếu vay mượn, dịch từ tài liệu nước ngoài. Họ cũng cho rằng nên nhập SGK để đảm bảo tính hệ thống, hơn là nhặt mỗi cuốn một chút và chắp vá.

Về SGK ngoại ngữ, quan điểm nhất quán của người viết bài này là người phi bản ngữ không nên soạn SGK ngoại ngữ mà nên nhập SGK của nước bản ngữ, bổ sung và điều chỉnh những gì chưa phù hợp về văn hóa Việt Nam.

Giáo sư phi bản ngữ giỏi tiếng Anh đến mấy cũng khó có thể vượt được cái ngưỡng ngữ cảm, văn hóa… những thuộc tính trong máu thịt của người bản ngữ. Do vậy, SGK do người phi bản ngữ viết có thể không sai về hình thái ngữ pháp nhưng lại mắc những lỗi về văn hóa, giao tiếp hay khiên cưỡng về văn phong...

Người viết bài này đã có lần khước từ sự phân công viết SGK, mặc dù đã có tên trong quyết định do Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo (khi ấy là ông Trần Hồng Quân) ký, từ hai trải nghiệm.

Trải nghiệm thứ nhất là lần chính tay chuyển cho nhà xuất bản hiệu đính do các chuyên gia ngôn ngữ - phương pháp dạy học thuộc OSB (Australia) góp ý hiệu đính cho bộ SGK tiếng Anh. Tôi giật mình vì tập hiệu đính... dày gần bằng chính bộ SGK. Không phải tất cả, nhưng phải đến 99% những chi tiết hiệu đính là xác đáng, trừ một số chi tiết liên quan đến hoàn cảnh văn hóa...Việt Nam. Nhưng nhà xuất bản lúc đó không thể cho in bản đính chính dày gần bằng ấn phẩm chính và cũng “không thể hủy kho sách hàng vạn cuốn vì quá tốn kém”. Thế là các cháu học sinh tiếp tục thưởng thức món “chocolate chấm... mắm tôm”.

Trải nghiệm thứ hai là sự giác ngộ sau khi dự một khoá học biên soạn SGK tại Đại học Oxford (Anh) và hiểu ra rằng việc đó khó như thế nào và nó quá khả năng của mình. Nếu mình có tham gia viết SGK thì phần hiệu đính có lẽ còn dày hơn của đồng nghiệp kể trên và thấy sự khước từ của mình là đúng đắn.

Về đánh giá giáo dục và soạn SGK tiếng Anh, người Anh và người Mỹ đã có mấy trăm năm kinh nghiệm.

Nguyễn Phương