Cơ sở hình thành văn hóa gia đình năm 2024

Mặc dù tính chất, đặc điểm văn hóa gia đình của các dân tộc ở Việt Nam là không giống nhau, bởi điều kiện, hoàn cảnh sinh sống và phong tục, tập quán của họ có sự khác nhau, song hầu hết các gia đình người Việt đều có những nét văn hóa chung, đó là tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết trong lao động sản xuất và trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Nhờ có những nét văn hóa chung đó mà văn hóa gia đình được xem như là một nhân tố cấu thành văn hóa làng xã - một bộ phận hợp thành văn hóa dân tộc. Lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta cho thấy, nhờ có văn hóa làng xã mà những âm mưu đồng hóa và nô dịch của các thế lực xâm lược nước ta, kể từ phong kiến Trung Quốc cho đến chủ nghĩa thực dân, đế quốc đều bị thất bại. Văn hóa làng xã Việt Nam càng có sức sống, sức đề kháng mạnh mẽ khi nó biết kế thừa, tiếp thu những yếu tố tích cực của Phật giáo và Nho giáo. Từ rất sớm, các gia đình người Việt, ngoài việc chú trọng dạy bảo, giáo dục con cháu phải luôn thương yêu, đùm bọc, đoàn kết, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau đối với các thành viên trong gia đình và trong cộng đồng, còn chú trọng dạy bảo, giáo dục con cháu những đạo lý tốt đẹp của Phật giáo và nhất là quan điểm sống “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín” của Nho giáo. Sử sách có ghi chép rằng, dưới các triều đại phong kiến Lý - Trần và Lê sơ [nhất là ở thời vua Lê Thánh Tông], do Phật giáo và Nho giáo thịnh hành, được coi trọng nên trong nhiều thập niên, các triều đại này đã tạo dựng được một xã hội thái bình, thịnh vượng, dân chúng an vui, nhà nhà đi ngủ không phải khóa cửa, cài then. Ngược lại, trong các thời kỳ “hôn quân, bạo chúa” cai trị, chẳng những an ninh quốc gia, đạo đức xã hội bị xâm hại, mà văn hóa gia đình cũng theo đó bị rạn nứt, dẫn đến tình cảnh cha con, vợ chồng, anh em tha hương, ly tán.

Từ khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời cho đến khi đất nước thống nhất, mặc dù phương tiện vật chất, tiền bạc, đồ dùng trong hầu hết các gia đình vẫn còn rất đơn sơ, thiếu thốn, nhưng khí thế cách mạng, tinh thần đoàn kết, yêu nước, bản tính thiện lương, chất phác của các gia đình người Việt vẫn được lưu giữ, phát huy. Chỉ có điều đời sống văn hóa, nhất là văn hóa dân chủ, văn hóa giáo dục, văn hóa pháp luật của nhiều gia đình ở nông thôn vẫn còn rất thấp kém. Trong suốt thời kỳ đó, dường như không có mấy gia đình duy trì việc dạy bảo, giáo dục con cháu ăn ở, cư xử theo giáo lý nhà Phật, nhà Nho, bởi các giáo lý đó không phù hợp với điều kiện xã hội mới. Thay vì dạy bảo, giáo dục con cháu có ý thức trách nhiệm với cộng đồng, đề cao danh dự, tuân thủ pháp luật và tu dưỡng đức, trí, thể, mỹ, thì không ít gia đình cho con cái theo học để xin vào làm việc trong các cơ quan nhà nước, rồi sau đó tìm kiếm cơ hội “thăng quan tiến chức”, “làm thày thiên hạ” cho cả nhà, cả họ được nhờ. Chính sự dạy bảo, giáo dục có tính chất phiến diện đó đã trở thành nguyên nhân của tình trạng “thừa thày, thiếu thợ”, bộ máy nhà nước thường xuyên dư thừa biên chế; nhiều người có bằng cấp này, nọ nhưng trở nên “hữu danh vô thực”, thậm chí một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức ở thời kinh tế thị trường còn sa lạc vào con đường thoái hóa, biến chất về tư tưởng chính trị, hư hỏng về đạo đức, lối sống. Nhìn vào bức tranh toàn cảnh về đời sống văn hóa gia đình trong những năm phát triển kinh tế thị trường, có thể thấy, nhiều gia đình người Việt [trong đó có cả gia đình của các cán bộ, công chức, viên chức nhà nước thoái hóa, biến chất] đã rơi vào tình trạng hẫng hụt, bất cập, lạc hậu, lai tạp và suy thoái về quan điểm nhân sinh, về nhận thức chính trị - xã hội và về đạo đức, lối sống. Đó là chưa nói đến đời sống văn hóa của nhiều gia đình ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa lại còn thấp kém hơn nữa, thậm chí một số gia đình của số ít tộc người thiểu số đang đứng trước nguy cơ suy thoái giống nòi, mà nguyên nhân là do đói nghèo, lạc hậu, tảo hôn, hôn nhân cận huyết,…

Có rất nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến thực trạng văn hóa gia đình người Việt nêu trên, song có một nguyên nhân sâu xa là ở chỗ, đất nước ta tiến lên chủ nghĩa xã hội từ một xã hội tiểu nông, không kinh qua cách mạng công nghiệp, lại bị chiến tranh tàn phá kéo dài. Sự nghèo nàn về kinh tế, cơ sở vật chất - kỹ thuật, cùng với sự hẫng hụt, bất cập, lạc hậu về ý thức, nhận thức của không ít cư dân nông thôn đã làm cho đời sống văn hóa gia đình của họ chứa đựng đầy mâu thuẫn, phân hóa phức tạp. Đó là chưa kể đến những khó khăn trong đời sống văn hóa của nhiều gia đình nông dân, do mất mát nhân lực trong chiến tranh trước đây, và ngày nay, đó là nỗi ám ảnh, lo sợ trước tình trạng thiên tai, biến đổi khí hậu và tình trạng ô nhiễm môi trường, bệnh tật, tệ nạn, tội phạm, tiêu cực gia tăng do mặt trái của kinh tế thị trường gây ra.

Từ sự nhìn nhận thực trạng văn hóa gia đình nêu trên, chúng ta càng thấy rõ hơn ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc của việc xây dựng văn hóa gia đình, bởi đó là cái gốc, là cơ sở của việc xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Có thể khẳng định, mục tiêu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại chỉ trở thành hiện thực bền vững khi đời sống văn hóa gia đình người Việt có sự phát triển tương xứng với đời sống văn hóa gia đình ở các phát triển. Ai đã có dịp đến các nước phát triển ở châu Âu, Bắc Mỹ, hay đến các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a,… thì đều thấy các nước này rất coi trọng việc xây dựng văn hóa gia đình. Mặc dù nhà cửa, tiện nghi sinh hoạt gia đình của họ sung túc, hiện đại, nhưng việc chăm nuôi, dạy bảo, giáo dục con cái theo các tiêu chí khoa học, tiến bộ, đạo đức, dân chủ, kỷ cương và mở mang nhận thức, kiến thức, cũng như thụ hưởng các giá trị văn hóa, văn minh đều được họ quan tâm, ưu tiên đầu tư. Nếu nhìn ra thế giới để so sánh, chúng ta mới thấy rằng, không chỉ kinh tế, kết cấu hạ tầng, kỹ thuật, mà cả đời sống văn hóa gia đình, giáo dục xã hội ở nước ta đều lạc hậu và tụt hậu so với các nước phát triển trong khu vực.

Nếu suy nghĩ một cách nghiêm túc, có trách nhiệm về thực trạng văn hóa gia đình hiện nay, chúng ta càng thấy rõ hơn ý nghĩa quan trọng và cấp bách của việc xây dựng văn hóa gia đình, như Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI của Đảng đã đề cập.

Một số đề xuất về việc xây dựng văn hóa gia đình hiện nay

Gia đình là nơi xuất phát và là nơi tìm về của mọi con người, dù họ là ai. Gia đình cũng như một xã hội thu nhỏ, cho nên văn hóa gia đình cũng bao hàm trong nó rất nhiều yếu tố văn hóa khác, như văn hóa giáo dục, văn hóa dân chủ, văn hóa pháp luật, văn hóa tâm linh, văn hóa giao tiếp, văn hóa ẩm thực, văn hóa thời trang và kể cả văn hóa tình dục,...

Xây dựng văn hóa gia đình ở nước ta hiện nay phải bao hàm trong nó các nội dung, mục tiêu: gia đình hòa thuận, dân chủ, bình đẳng; các thành viên gia đình phải có thái độ, trách nhiệm xã hội, có ý thức chấp hành chính sách, tuân thủ pháp luật, có thói quen tu dưỡng đạo đức theo các tiêu chí chân, thiện, mỹ, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và có tinh thần học tập không ngừng mở mang nhận thức, kiến thức. Chỉ có được một mô hình văn hóa gia đình theo các mục tiêu, tiêu chí như thế thì đời sống vật chất, kinh tế gia đình mới tăng trưởng, phát triển bền vững; xã hội mới an lành, hạnh phúc, văn minh. Từ cách nghĩ, cách nhìn đó, chúng tôi xin đề xuất một số quan điểm và giải pháp xây dựng văn hóa gia đình như sau:

1- Việc xây dựng văn hóa gia đình, hay xây dựng gia đình văn hóa, hiện đã và đang được Nhà nước ta quan tâm duy trì, mở rộng, nhằm chủ yếu hướng vào mục tiêu xây dựng con người xã hội chủ nghĩa ngay từ trong gia đình. Mục tiêu đó hoàn toàn có ý nghĩa đúng đắn, thiết thực về mặt lý luận và thực tiễn. Song, cần nói thêm rằng, mục tiêu đó chỉ đạt được hiệu quả thiết thực khi việc xây dựng gia đình văn hóa gắn liền với việc phát triển xã hội học tập theo các tiêu chí do UNESCO nêu ra là: học để biết; học để làm việc; học để làm người; học để chung sống với cộng đồng. Bởi vì, hình thức và nội dung văn hóa gia đình chỉ được thể hiện đúng và đủ khi các bậc ông bà, cha mẹ là những người có học, có kiến thức, để dạy dỗ, giáo dục và làm gương cho con cháu sống tử tế, sống tích cực, tiến bộ sao cho phù hợp với thời đại công nghiệp, khoa học - kỹ thuật và hội nhập quốc tế. Rõ ràng, việc xây dựng văn hóa gia đình ở nước ta hiện nay không thể tương hợp với tâm lý, thói quen cửa quyền, áp đặt, giáo điều, bảo thủ, mê tín dị đoan, phân biệt giới tính, bạo hành tinh thần vẫn còn rơi rớt trong các gia đình tiểu nông gia trưởng.

Xây dựng gia đình văn hóa tất yếu phải bắt đầu từ mỗi gia đình và đòi hỏi tính chủ động, tự giác của mỗi gia đình. Tuy nhiên, việc đó vẫn cần có sự chỉ đạo, hướng dẫn thường xuyên của các ban, ngành văn hóa, gắn liền với sự thanh tra, kiểm tra và chế tài của các cơ quan quản lý văn hóa ở địa phương, cơ sở, nhằm bảo đảm tính thiết thực, hiệu quả, tính bền vững của việc xây dựng gia đình văn hóa, cũng như nhằm khắc phục các căn bệnh hình thức, chạy theo thành tích, tuyên truyền một chiều và “đánh trống bỏ dùi”.

2- Việc xây dựng văn hóa gia đình chỉ có ý nghĩa thiết thực và trở thành hiện thực khi các thành phần kinh tế, trước hết là kinh tế nhà nước, đều tăng trưởng để từ đó hỗ trợ cho các gia đình nghèo cải thiện nơi ăn, chốn ở và tạo điều kiện cho mọi người dân có khả năng mua sắm, đổi mới đồ dùng, tiện nghi sinh hoạt gia đình. Phát triển kinh tế bền vững và xây dựng văn hóa gia đình, cũng như xây dựng xã hội văn hóa, đạo đức, văn minh là hai vấn đề có quan hệ biện chứng với nhau. Nhưng muốn phát triển các thành phần kinh tế trong điều kiện thể chế chính trị - pháp luật và cách thức quản lý phát triển xã hội ở nước ta còn đang được củng cố, hoàn thiện thì trước hết, công tác tổ chức thanh tra, kiểm kê, kiểm soát, cải cách hành chính, đổi mới hệ thống chính trị phải được thực hiện một cách khoa học, chặt chẽ, đồng bộ, có hiệu quả thực sự, đặc biệt là phải chống tham nhũng hết sức quyết liệt. Thực hiện tốt các loại công tác này cũng có nghĩa là tạo môi trường, điều kiện cho các thành phần kinh tế trong nước có khả năng cạnh tranh hiệu quả trên thị trường khu vực và thế giới, đồng thời đáp ứng yêu cầu “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Chỉ có trên cơ sở nâng cao năng suất lao động ở tất cả các khu vực kinh tế thì việc xây dựng văn hóa gia đình cũng như việc xây dựng xã hội văn hóa, đạo đức, văn minh mới có được nền tảng vật chất, kỹ thuật đầy đủ, vững chắc. Tất nhiên, mục tiêu xây dựng văn hóa gia đình và xây dựng xã hội văn hóa, đạo đức, văn minh ở nước ta còn đặt ra yêu cầu Đảng ta, với tư cách là một đảng cầm quyền, phải thể hiện được thường xuyên, đầy đủ bản chất của một đảng đạo đức - văn minh.

3- Gắn liền với việc xây dựng văn hóa gia đình là việc khẩn trương đẩy mạnh cải cách giáo dục trong hệ thống trường học trên cả nước, nhằm bảo đảm tính đồng bộ, nhất quán, tính khoa học và hiện đại trong giáo dục từ gia đình đến nhà trường và đến cả các tổ chức chính trị - xã hội. Đặc biệt, công việc cấp thiết hiện nay là phải xây dựng, nâng cao, hoàn thiện phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác giáo dục. Người có sứ mệnh giáo dục phải là người gắn lời nói với việc làm, lý thuyết gắn với thực hành thì mới có sức thuyết phục người được giáo dục và hơn nữa, để cho người được giáo dục tin rằng sự giáo dục đó là đúng đắn, thiết thực với cuộc sống. Lý luận và thực tế đều cho thấy, khi đạo đức, lý tưởng, niềm tin trong gia đình, trong nhà trường và trong cả các cơ quan nhà nước, đoàn thể xã hội bị suy giảm thì việc xây dựng văn hóa gia đình chỉ là hình thức và không đạt được hiệu quả mong muốn. Mất niềm tin, giảm sút niềm tin, khủng hoảng niềm tin sẽ dễ làm cho con người hình thành thái độ, lời nói, hành vi vô văn hóa - cả khi ở trong gia đình và khi ra ngoài xã hội.

4- Cuối cùng và suy cho cùng, việc xây dựng văn hóa gia đình chỉ thực sự có ý nghĩa và trở thành thực tế bền vững về mặt pháp lý khi Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta được khẩn trương hoàn thiện, bởi có như vậy mới làm cơ sở pháp lý tối thượng cho mọi người dân, mọi công dân dựa vào đó mà thực hiện một cách công khai, công bằng, bình đẳng và đầy đủ quyền hạn, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trước gia đình, nhà nước và xã hội. Do đó, xây dựng văn hóa gia đình không chỉ xuất phát từ mục tiêu giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc, phát huy yếu tố con người, lấy con người làm trung tâm của sự phát triển, mà còn xuất phát từ mục tiêu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng chế độ chính trị - xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Đi đôi với quá trình xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, công tác thông tin, tuyên truyền cũng cần thường xuyên gia tăng hình thức, nội dung phê phán những thói hư tật xấu trong các gia đình nông dân gia trưởng, nhất là thói cửa quyền, áp đặt, bon chen, sĩ diện, vun vén cá nhân, ganh ghét, tị hiềm, không muốn người khác hơn mình,... Đồng thời, tăng cường khích lệ, cổ vũ, nhân rộng các mô hình tốt, kiểu mẫu trong xây dựng văn hóa gia đình, trong đó nhất thiết phải bao hàm nội dung chính yếu là xây dựng văn hóa gia đình hài hòa, văn minh, tiến bộ, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc.

Thiết nghĩ, muốn làm được các công việc nêu trên, trước hết, những người làm công tác tuyên truyền về văn hóa và quản lý nhà nước về văn hóa phải là những người có văn hóa cao, có tinh thần trách nhiệm và có trình độ học vấn, kiến thức chuyên môn nhất định. Nếu không có được những phẩm chất như vậy thì họ vẫn luôn chỉ là những người làm các công việc treo cờ, căng biển, đánh trống, gọi loa, tựa như các công việc xây nhà, làm đường, mắc điện, cấp nước,… có tính chất “giải ngân”, “làm công ăn lương” mà thôi./.

Chủ Đề