Chia sẻ về sách tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu

CLB Sách trường THPT Lê Quý Đôn xin giới thiệu đến các bạn bài giới thiệu về cuốn sách "Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu ?” (Rosie Nguyễn) của bạn Thiên Ân - 11A4

Tựa sách: “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu ?”

Tác giả: Rosie Nguyễn – tên thật là Nguyễn Hoàng Nguyên, một tác giả sách, blogger/facebooker về văn hóa du lịch, giảng viên lớp học kỹ năng và một huấn luyện viên yoga. Ngoài việc viết lách và giảng dạy thì là một người tự học, một ta ba lô, một kẻ mộng mơ và tràn đầy tình yêu cuộc sống. Đặc biệt, chị có một khoảng thời gian tuổi xuân đáng để học hỏi trải nghiệm và là người từng dìu dắt cho thế hệ trẻ sau này tìm thấy con đường đam mê của mình

Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Hội Nhà Văn

Tên Nhà cung cấp: Nhã Nam

Dung lượng: 292 trang

Tóm tắt: Mỗi người chúng ta chắc hẳn đều có một thời thanh xuân rất đáng nhớ và đáng trân trọng. Nhưng làm sao để làm cho những tháng năm tuổi trẻ ấy trôi qua thật đáng giá thì lại là một vấn đề nan giải của thế hệ trẻ ngày nay. Và “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu” đã ra đời như thế - một ngọn hải đăng chỉ dẫn bạn đọc qua đại dương tuổi trẻ vô cùng rộng lớn nhưng ẩn chứa rất nhiều thách thức, nguy hiểm. Tác phẩm là tổng hợp những câu chuyện, bài học của một người đã sắp đi qua thời tuổi trẻ của mình – một người cũng đã có không ít những lần vấp ngã đầy đau đớn, mơ hồ về tương lai và không có động lực để theo đuổi mục tiêu của mình. Chính vì thế nên nó cho ta sự hiểu biết rất sâu sắc về việc làm thế nào để sử dụng tốt nhất quãng đời quý giá này và tiếp thêm niềm tin, cổ vũ cũng như chia sẻ nỗi niềm, kinh nghiệm thực tế để mỗi người chúng ta có thể thay đổi và tỏa sáng theo cách của riêng mình.

Cảm nhận: Qua 3 phần chính: HỌC, LÀM, ĐI và 2 phần còn lại là đam mê và đọc sách, em cảm nhận được một phần nào đó của bản thân mình đã thỏa mãn, tự giải đáp được sự mơ hồ, băn khoăn đã tồn đọng trong suy nghĩ của mình. Em tự nhủ rằng mình cần phải sống kỷ luật hơn, hình thành nhiều thói quen tốt để cân bằng lại cuộc sống của mình. Bên cạnh đó, em cũng nhận ra được giá trị của khó khăn, thử thách rằng chúng sẽ càng làm ta mạnh mẽ, trưởng thành hơn; em sẽ không cầu nguyện để đời mình không phải trải qua những nghịch cảnh, biến cố mà sẽ cầu nguyện để mình đủ sức lực đương đầu với những sóng gió cuộc đời! Em còn nhận thức được rằng ta hãy sống thật với chính bản thân mình vì đôi khi sống như cách mình muốn thôi cũng đã là một sự nỗ lực phi thường rồi.

Quyển sách còn khiến em muốn xông pha, mạo hiểm bước ra khỏi vùng an toàn của mình để đi tìm những chân trời mới, những điều bất ngờ đang đón chờ mình. Mặc kệ những vấp ngã, phải dấn thân, hành động thì mới xem xét được khả năng của mình là gì và rút ra được những bài học ý nghĩa. Nếu không thử, thì thời gian trôi qua ta cũng chỉ là những cá thể chưa làm được gì, những cá thể rất có thể bị lãng quên giữa dòng đời tấp nập này mà thôi...

Em thấy rất tâm đắc qua cách chị hướng dẫn, qua những mẩu chuyện gần gũi, thực tế, chiêm nghiệm đã giúp em hiểu hơn và hoàn thiện bản thân mình. Đoạn trích mà em tâm đắc nhất đó là “Tuổi trẻ là thời gian thử nghiệm. Người ta trưởng thành qua nhiều lần làm thử, vấp ngã, làm lại, và cứ như thế tiếp tục. Phải bắt tay vào thử thì ta mới biết được mình hợp với cái gì. Phải làm thì ta mới biết là mình có khả năng hay không. Dù sao khi thử thì nếu sai lầm ta vẫn biết được rằng cái đó thực sự không phù hợp với mình, và bỏ đi để thử cái khác. Nếu ta cứ ngồi nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm, không làm gì cả thì làm sao biết được cái gì. Ít ra thử mà thất bại thì có được bài học. Nếu không thử, thời gian thì cứ trôi mải miết mà ta vẫn chưa làm được gì.”

Em mong mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ đang thấy mơ hồ, vô định, lạc lối trong cuộc đời mình thì hãy đọc quyển sách này. Là một quyển sách self – help rất có ích, thực tế với những kinh nghiệm mới mẻ, “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?” thực sự là một ngọn đuốc đang soi sáng, dẫn lối cho các bạn trẻ thoát ra khỏi bóng tối của thử thách, khó khăn trong quãng thời gian xuân xanh của mình. Vậy nên nếu bạn đang thực sự muốn thay đổi và hoàn thiện bản thân thì còn chần chừ gì mà không đọc quyển sách này đi nào!!!!

“Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?” là quyển sách khá nổi tiếng giai đoạn 2017, quyển sách này là tập hợp những chia sẻ và lời khuyên của tác giả Rosie Nguyễn về các khía cạnh trong cuộc sống và hành trình phát triển bản thân dành cho người trẻ.

Bạn có thể nghe audio bài viết này tại đây:

Tôi đọc “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?” của tác giả Rosie Nguyễn lần đầu khi tôi học lớp 11. Quyển sách này cũng là một trong những quyển sách đầu tiên tôi review. Dưới là bài review của tôi lúc đó:

“Tuổi Trẻ Đáng Giá Bao Nhiêu?” của tác giả Rosie Nguyễn là một quyển sách không dày, các bài học và kiến thức thì nhiều và khá chắc lọc. Quyển sách này đề cao vai trò của sách, của tự học, cũng như viết về trải nghiệm của chính bản thân tác giả về những ngày tháng du lịch bụi, về định nghĩa thành công, về những việc cần làm khi còn mười tám đôi mươi, và về những khủng hoảng sẽ gặp vào lứa tuổi ấy. Ở chương cuối, tác giả có danh sách “40 quyển sách cho em tuổi hai mươi” để người đọc tham khảo. Tóm lại đây là một quyển sách gối đầu cần thiết cho mỗi người để tránh lãng phí thanh xuân tuổi trẻ của mình vào những chuyện chẳng đáng bao nhiêu.

Đã 5 năm trôi qua, khi đọc lại bài review ngắn gọn ở trên, tôi khá buồn cười vì cách sử dụng từ ngữ của mình. Nhưng tôi biết khi tôi cười một cái gì đó mình từng làm thì chứng tỏ tôi đã tốt hơn nhiều.

Tôi vẫn còn nhớ những ngày khi tôi đọc “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?”, đó là thời gian tôi bắt đầu gắn bó nhiều hơn với sách, sách vở đã góp phần giúp tôi trở nên tốt hơn, cũng từ đó mà tôi trải nghiệm được nhiều điều thú vị.

Bên cạnh những lời khen thì “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?” cũng nhận một số chỉ trích, nhưng tôi tin tác giả viết sách này không muốn dạy đời ai, chị cũng chẳng muốn sách mình được đọc một cách máy móc, không chọn lọc.

Thay vào đó, khi đọc sách, tôi như đang trò chuyện với một người chị về các vấn đề của cuộc sống, tuổi trẻ và hành trình phát triển bản thân của mình. Tóm lại, “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?” đã góp một phần vào sự phát triển của tôi.

Ngoài ra tác giả Rosie Nguyễn còn có quyển “Mình Nói Gì Khi Nói Về Hạnh Phúc?” Nhưng tôi đã đọc quyển đó từ năm lớp 11, giờ tôi cũng chẳng nhớ gì về nội dung. Có thể tôi sẽ đọc lại và review vào một ngày nào đó.

Lần đọc lại này chỉ giúp tôi nhìn lại một vài khía cạnh của cuộc sống và hành trình phát triển bản thân, chứ “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?” không còn mang lại những kiến thức thú vị hay bài học mới nào nữa.

Ở nửa đầu quyển sách, tác giả tập trung vào các câu chuyện từ thực tế mà chị từng gặp. Tôi không hứng thú phần này cho lắm nên chỉ đọc lướt qua. Nửa sau quyển sách bắt đầu thú vị hơn một chút, tác giả có nói về giá trị của những chuyến đi thật sự – đi mà không phải chỉ để check-in hay chứng tỏ rằng: Ê! tui đã tới đây rồi!

Rosie Nguyễn cho rằng nếu còn trẻ thì nên đi và trải nghiệm thật nhiều. Điều này làm tôi nhớ đến một người bạn của tôi. Người bạn này thường ước mơ về những chuyến đi đây đi đó, đến những vùng thảo nguyên xa xôi, trở thành người lữ hành để đi đến những miền đất lạ.

Nhưng những nỗi lo về gia đình, công việc, thời gian vẫn kìm hãm đôi chân của bạn ấy, giờ bạn lại thấy mình đã quá già. Đôi khi tôi nghĩ người bạn của tôi như một con chim bị nuôi nhốt, chú chim ước mơ được bay đến những miền xa, nhưng vẫn luôn bị kẹt trong lồng. Vậy đến khi chú chim già đi, những song sắt biến mất, chim còn dám bay đi không?

Kìa những con đường đang vẫy gọi nơi xa. Nên sao không đi khi ta còn trẻ Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu? – Rosie Nguyễn

5 năm không quá dài mà cũng không ngắn, đứng từ hiện tại nhìn ngược về thời gian trước, tôi thấy mình đã phát triển hơn nhiều. Nếu có quay về ngày xưa, tôi vẫn sẽ đọc “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?”, bởi đây là một quyển self-help (sách phát triển bản thân) khá nhẹ nhàng, dễ đọc, không xa vời, và hơn hết là có một thứ gì đó rất thân thuộc trong quyển sách này.

Nhìn chung, “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?” của tác giả Rosie Nguyễn có thể sẽ phù hợp với các bạn còn đang đi học hoặc những bạn ít đọc thể loại self-help mà muốn tìm một quyển sách truyền cảm hứng nhẹ nhàng.

Đương nhiên bạn vẫn sẽ còn rất nhiều tựa sách self-help khác nhau để bạn lựa chọn, nhưng tôi nghĩ bạn vẫn nên thử bắt đầu với quyển này trước, và quan trọng nhất khi đọc bất kỳ quyển sách nào: Hãy đọc có chọn lọc và có tư duy phản biện khi đọc.