Chân bị phong ngứa phải làm sao

Tình trạng mẩn ngứa ở chân thường gây khó chịu, đặc biệt với những người có cơ địa dễ mẩn ngứa, đi kèm các triệu chứng khác. Mẩn ngứa xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Thông thường có thể tự khỏi, nhưng một số trường hợp ngứa chân do bệnh lý cần được điều trị để tránh ảnh hưởng tới sức khỏe.

1. Tóm lược về tình trạng mẩn ngứa ở chân

Da chân dễ bị mẩn ngứa do thường xuyên chịu tác động từ môi trường: Bụi bặm, nhiệt độ khắc nghiệt, tiếp xúc trực tiếp với các chất gây kích ứng, môi trường giày dép ẩm thấp, nhiều vi khuẩn… Những tác nhân này khiến da chân khô, ngứa, phát ban hoặc thậm chí là nhiễm nấm làm tăng cảm giác muốn gãi.

Hầu hết các trường hợp, mẩn ngứa ở chân không đáng lo ngại. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, đây là biểu hiện bên ngoài của một số tình trạng da tiềm ẩn hoặc bệnh lý nghiêm trọng.

Nếu bạn cảm thấy bàn chân bị kích ứng dữ dội, ngứa chân vào ban đêm ảnh hưởng đến giấc ngủ, cảm giác này kèm theo phát ban, da gà hoặc mụn nước hoặc kéo dài hơn hai tuần, có thể bạn đang mắc một bệnh lý cần điều trị.

2. Nguyên nhân gây mẩn ngứa ở chân – Một số bệnh lý thường gặp

Ngứa và nổi mẩn ở chân có thể xảy ra do da bị khô, kích ứng, côn trùng cắn… hoặc nghiêm trọng hơn là bởi các bệnh lý về da hoặc bệnh lý bên trong cơ thể gây ra.

mẩn ngứa ở chân

2.1 Ngứa chân do côn trùng cắn

Các loại côn trùng như ong, kiến, muỗi, bọ chét… sau khi đốt có thể khiến chân bị sưng và ngứa. Mẩn ngứa do côn trùng cắn thường không đáng lo ngại. Tuy nhiên trong một số trường hợp, độc từ côn trùng có thể khiến bạn khó thở, chóng mặt, tim đập nhanh, buồn nôn…

2.2 Viêm nang lông

Các nang lông bị viêm dẫn đến nổi mụn gây ngứa ở chân. Tình trạng này xảy ra do viêm nhiễm, lông mọc ngược, mụn trứng cá hoặc do suy giảm hệ thống miễn dịch…

Biểu hiện dễ thấy của viêm nang lông là xuất hiện các mụn đỏ ở chân lông, gây ngứa hoặc đau rát. Một số người có thể bị nổi mụn nước, chảy mủ khi vỡ mụn.

2.3 Mẩn ngứa do nấm da chân

Nấm da chân thường xuất hiện giữa các kẽ ngón chân. Tình trạng này có thể gây ngứa rát, khó chịu, khiến bạn gãi không ngừng dẫn đến loét và nhiễm trùng.

Nấm da chân hoạt động mạnh trong điều kiện thời tiết ấm, ẩm. Đặc biệt với những người thường xuyên đi giày và ít vệ sinh chân, giày dép.

Bên cạnh nấm da chân, những người bị ghẻ ký sinh ở chân cũng gây ngứa và mụn đỏ trên da, nhất là khu vực kẽ ngón chân.

2.4 Bệnh vẩy nến

Bệnh vẩy nến khiến da đỏ tấy, đóng vảy, gây ngứa và lở loét. Vẩy nến có thể ảnh hưởng đến hầu hết mọi bộ phận của cơ thể, bao gồm cả chân.

Vảy nến xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công nhầm các tế bào da khỏe mạnh. Điều này dẫn đến việc tăng sinh sản xuất tế bào da chống lại sự tấn công, gây ra vảy nến và phát ban.

nguyên nhân gây ngứa chân

2.5 Ngứa do mày đay

Mẩn ngứa ở chân do nổi mề đay hay mày đay có thể do mang giày dép quá chật khiến da chân bị ma sát, tiếp xúc với mỹ phẩm, mủ thực vật, côn trùng cắn…

Triệu chứng của mề đay gây nổi mẩn ngứa ở chân hoặc nhiều vùng trên cơ thể; các sần ngứa có màu đỏ hoặc hồng nhạt, gây ngứa ngáy, châm chích, đau rát trên da. Các nốt mẩn đỏ do mề đay có thể khởi phát và tự khỏi sau vài giờ đến vài ngày. Tuy nhiên với các tình trạng mạn tính bệnh sẽ lâu khỏi hơn.

2.6 Lupus ban đỏ hệ thống

Lupus ban đỏ thuộc nhóm bệnh tự miễn do hệ thống miễn dịch tấn công các tế bào da gây tổn thương.

Dấu hiệu điển hình của bệnh là tình trạng nổi mẩn ngứa trên da, lòng bàn tay, chân, mặt, cổ… kèm sốt, đau nhức, mất khả năng nhận thức tạm thời. Bệnh kéo dài có thể gây tổn thương đến các cơ quan nội tạng trong cơ thể như tim, gan, thận…

2.7 Ngứa, nổi mẩn do bệnh chàm

Bệnh chàm (viêm da dị ứng) là một thuật ngữ chung để chỉ một nhóm các tình trạng liên quan đến viêm da. Hiện chưa xác định được nguyên nhân cụ thể gây bệnh. Các nhà nghiên cứu cho rằng di truyền và các yếu tố môi trường đều góp phần gây nên tình trạng này.

Khi bệnh tiến triển nặng gây ra chàm bội nhiễm, hình thành các vùng da nứt nẻ, có vảy đỏ cùng các mụn nước li ti trên đầu hoặc hai bên ngón chân và ngón tay, gây ngứa cho người bệnh.

2.8 Viêm da tiếp xúc

Viêm da tiếp xúc dẫn đến phát ban đỏ, ngứa, thường gây phồng rộp. Nguyên nhân do da chân tiếp xúc với chất kích ứng hoặc chất gây dị ứng như: keo, hóa chất trong giày, thuốc mỡ kháng sinh có chứa neomycin, hóa chất sơn móng…

2.9 Mẩn đỏ ở chân do nóng gan, suy giảm chức năng gan

Khi chức năng gan suy giảm, khả năng thanh nhiệt, thải độc gan gặp vấn đề khiến độc tố trong người không được giải phóng hết, tích tụ ngày một nhiều. Lâu ngày sẽ biểu hiện ra bên ngoài với tình trạng phát ban, nổi mẩn đỏ gây ngứa rát, cơ thể mệt mỏi…

Tình trạng này đặc biệt dễ gặp ở những người có tiền sử bệnh lý về gan mật. Mẩn ngứa xuất hiện ở nhiều vùng trên cơ thể, bao gồm cả chân, dễ bùng phát vào dịp thời tiết nắng nóng, môi trường ô nhiễm.

vì sao chân bị mẩn ngứa

2.10 Bệnh tiểu đường cũng có thể gây mẩn ngứa

Bệnh tiểu đường là một rối loạn chuyển hóa khiến lượng đường trong máu tăng cao, có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe.

Một số người bệnh có thể gặp phải triệu chứng ngứa ran và tê, đặc biệt ở bàn chân. Ngoài ra, mắc bệnh tiểu đường có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng do vi khuẩn và nấm.

3. Những triệu chứng khi nổi mẩn ngứa ở chân

Có nhiều thuật ngữ được mọi người sử dụng để mô tả cảm giác mẩn ngứa chân. Một số mô tả cảm giác như kiến bò, nhột, khô hoặc khó chịu, đồng thời kích hoạt phản xạ gãi. Việc gãi nhiều có thể làm tình trạng trở nên trầm trọng hơn, khiến mẩn ngứa lan rộng, tổn thương, thậm chí là nhiễm trùng.

Mẩn ngứa chân có thể kèm theo các dấu hiệu:

  • Da bị khô, bong vảy.
  • Phồng rộp trên da.
  • Ban đỏ, sưng tấy, lan rộng khi gãi.
  • Ngoài chân, mẩn ngứa còn xuất hiện ở nhiều vùng da khác trên cơ thể.
  • Một số trường hợp có thể cảm thấy mệt mỏi, đau nhức…

4. Chẩn đoán tình trạng mẩn ngứa ở chân

Hầu hết những người bị mẩn ngứa chân nhẹ có thể tự khỏi mà không cần chăm sóc hay điều trị y tế. Trường hợp, mẩn ngứa nghiêm trọng, kéo dài, bạn nên đến gặp bác sĩ để được kiểm tra, xác định các bệnh lý tiềm ẩn có thể gây ra tình trạng này.

Ngoài các triệu chứng bên ngoài, để chẩn đoán chính xác, bác sĩ sẽ thực hiện thêm một số xét nghiệm sàng lọc khác như: Xét nghiệm máu, sinh thiết, nuôi cấy hoặc cạo da kiểm tra…

5. Khi nào cần đến gặp bác sĩ?

Nếu bạn đang gặp bất kỳ triệu chứng nào sau đây, hãy đến các cơ sở da liễu để được kiểm tra:

  • Mẩn ngứa kéo dài hơn vài tuần hoặc tái phát thường xuyên, ngay cả sau khi bạn thực hiện các biện pháp phòng ngừa.
  • Ảnh hưởng đến việc đi lại hoặc lan rộng trên toàn bộ cơ thể.
  • Ngứa dữ dội đến mức khiến bạn mất tập trung làm việc hoặc gây mất ngủ.
  • Xuất hiện nhiễm trùng trên da.

khi nào cần tới bác sĩ

6. Cách điều trị mẩn ngứa ở chân

Điều trị mẩn ngứa ở chân còn tùy theo từng nguyên nhân. Đối với các trường hợp ngứa do dị ứng, tránh dùng thuốc hoặc các sản phẩm gây dị ứng; trường hợp do bệnh lý, tùy thuộc bệnh sẽ có cách xử trí phù hợp.

Các phương pháp điều trị có thể làm giảm ngứa chân bao gồm:

6.1 Sử dụng các bài thuốc dân gian giảm mẩn ngứa

Trong dân gian có nhiều loại lá giúp giảm mẩn ngứa hiệu quả được người dân áp dụng như:

❖ Lá trầu không: Có tính kháng khuẩn, diệt nấm, giảm mẩn ngứa. Bạn có thể nấu nước lá trầu không để ngâm rửa chân mỗi ngày. Mỗi lần ngâm khoảng 10-15 phút sẽ giảm nấm ngứa đáng kể.

❖ Lá trà xanh: Có thể dùng để tắm, ngâm chân hỗ trợ làm dịu mẩn ngứa. Ngoài ra, bạn cũng có thể pha trà xanh uống giúp thải độc cơ thể.

❖ Lá ổi: Kháng viêm, giảm ngứa, dùng trong nhiều bài thuốc dân gian trị bệnh ngoài da. Người hay mẩn ngứa ở chân có thể nấu nước lá ổi tắm, rửa hoặc ngâm chân để làm dịu da, giảm cảm giác ngứa ngáy khó chịu.

Xem thêm Lá tắm chữa mẩn ngứa – Top 13 loại lá được tin dùng trong tự nhiên

6.2 Trị mẩn ngứa ở chân bằng thuốc

Một số loại thuốc thường được sử dụng khi xuất hiện mẩn ngứa ở chân có thể kể đến:

❖ Thuốc kháng histamine H1: Chẳng hạn như diphenhydramine (Benadryl) có thể giúp giảm ngứa. Thuốc kháng histamine có thể gây chóng mặt, buồn ngủ và các tác dụng phụ không mong muốn khác. Người lớn tuổi nên cân nhắc hoặc tránh sử dụng.

❖ Thuốc xịt hoặc kem chống nấm: Các trường hợp nhiễm nấm có thể cần điều trị kháng nấm theo chỉ định của bác sĩ hoặc dược sỹ chuyên môn.

❖ Thuốc chống ngứa tại chỗ: Chứa chất làm mềm da như petrolatum, và kem steroid giúp giảm ngứa cục bộ trên bề mặt da.

Ngoài ra, các loại thuốc kê đơn như SSRIs, gabapentin hoặc thuốc chống trầm cảm ba vòng có thể có lợi ở một số trường hợp nhất định.

7. Cách phòng ngừa mẩn ngứa ở chân

Thói quen chăm sóc chân tốt có thể giúp giảm mẩn ngứa và ngăn ngừa một số nguyên nhân; chẳng hạn như nhiễm nấm, vi khuẩn. Điều này bao gồm:

  • Không đi giày và tất cho đến khi chân khô hoàn toàn.
  • Thường xuyên rửa chân bằng xà phòng nhẹ, chú ý cẩn thận vùng kẽ ngón chân.
  • Thoa kem dưỡng ẩm vào mùa hanh khô.
  • Sử dụng các loại tất thấm hút mồ hôi tốt.
  • Nếu thường xuyên bị nấm da chân, nên thoa bột chống nấm cho chân trước khi đi tất hoặc đi giày.
  • Hạn chế nhổ, cạo lông chân.
  • Đọc kỹ thành phần trước khi sử dụng bất kỳ sản phẩm hay loại thuốc nào.

Ngoài các thông tin cung cấp ở trên, bạn có thể để lại bình luận, chat với dược sỹ hoặc liên hệ hotline 0343.44.66.99 để được tư vấn thêm các vấn đề về mẩn ngứa.