Các nhân tố ảnh hưởng đến thói quen đọc sách của sinh viên

Bài viết được trích tóm tắt từ nghiên cứu khoa học "The Effects of Reading Habits on Reading Comprehension among EFL Students at Van Lang University" của sinh viên Phạm Ngô Minh Uyên, K23 Khoa Ngoại ngữ, hướng dẫn bởi PGS. TS. Phạm Vũ Phi Hổ - Phó Trưởng Khoa Ngoại ngữ Trường Đại học Văn Lang. Cùng với 7 đề tài khác được đăng trên tạp chí khoa học quốc tế, đề tài của sinh viên Minh Uyên đã xuất sắc được lựa chọn đăng trên International Journal of TESOL &Amp; Education, 1[2], 15–44.

Đọc là một trong những kỹ năng cơ bản và cần thiết trong quá trình học một ngôn ngữ mới, đặc biệt với sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh. Hình thành thói quen đọc sách tốt có những ảnh hưởng nhất định đối với quá trình rèn luyện khả năng đọc hiểu của bạn. Từ những tác động tích cực ấy, bạn có thể điều chỉnh thói quen đọc sao cho phù hợp hơn với mục tiêu và quá trình học tập, rèn luyện kỹ năng đọc của bản thân.

Theo hai nghiên cứu của Sangkaeo[1] và Sakinah[2], lần lượt vào năm 1999 và 2018, thói quen đọc hình thành trên năm tiêu chí chính: quan điểm và thái độ đối với việc đọc sách, tần suất đọc, nguồn tư liệu đọc, mục đích đọc và khối lượng thời gian trong ngày dành cho việc đọc. Từ việc kết hợp tất cả các yếu tố này, một độc giả mới có thể tiếp tục giữ vững và phát triển thói quen đọc sách tốt.

Vào năm 2002, một nghiên cứu của Harris và Smith[3] xác định khả năng đọc hiểu thông thường bao gồm bốn giai đoạn. Trong giai đoạn một, nhận biết, người đọc cần xác định chính xác thông điệp được truyền tải của tác giả thông qua các từ, câu và cấu trúc ngữ pháp. Giai đoạn hai, phân tích, yêu cầu độc giả chia toàn bộ bài đọc thành từng phần dựa trên cấu trúc của bài. Người đọc trong giai đoạn ba, phát triển, cần đánh giá được tầm quan trọng của lượng thông tin mà họ có được từ nội dung bài đọc; nghĩa là họ cần xác định chính xác thông tin đó đã đáp ứng đủ mục đích khi họ quyết định đọc bài hay không, có liên quan đến toàn bộ bài đọc hay không. Giai đoạn cuối cùng là áp dụng, độc giả sẽ sử dụng kiến thức, thông điệp và thông tin từ việc đọc để giải quyết các vấn đề.

Có thể kết luận rằng khả năng đọc hiểu được xây dựng thành một nhóm các kỹ năng và hoạt động phức tạp, giúp người đọc có thể hiểu và truyền đạt lại thông điệp và ý nghĩa của bài đọc một cách chuẩn xác. Thái độ đối với việc đọc sách là một trong hai yếu tố tác động nhiều nhất [0.710 trên thang đo Pearson Correlation] đến việc hình thành một thói quen đọc tốt cũng như cải thiện khả năng đọc hiểu của sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh.

Việc có thái độ tích cực đối với quá trình đọc sách đồng nghĩa với việc cảm thấy đọc sách là một hoạt động thú vị và mang lại nhiều lợi ích cho cuộc sống [M=3.88, N=50]. Dựa trên phân tích số liệu của phỏng vấn bán cấu trúc, có thể kết luận rằng nhờ việc kết hợp đọc sách và làm việc, độc giả cảm thấy thư giãn, bình tĩnh hơn và có nhiều ý tưởng mới trong công việc.

Độc giả cũng thể hiện thói quen đọc tích cực khi tăng số lần đến thư viện [43.75%], tìm hiểu và sưu tầm những đầu sách hữu ích [37.50%], lựa chọn và đề xuất sách hoặc tài liệu Anh ngữ cho bạn bè [31.25%]. Phần lớn những người có khả năng đọc hiểu tốt [56.25% số lượng người tham gia phỏng vấn] xác nhận rằng chính hoàn cảnh và thói quen của gia đình đã tác động rất lớn đến thói quen này của họ.

Trên thực tế, khi duy trì được lối tư duy tích cực này, sinh viên sẽ có xu hướng đọc nhiều hơn, dễ dàng hiểu được nghĩa từ vựng mới, tiếp thu nhanh cấu trúc câu phức tạp và nâng cao được khả năng suy luận cũng như giải quyết các câu hỏi và tình huống đặt ra.

Hầu hết người có khả năng đọc hiểu từ mức khá đến xuất sắc [58.82%] thường duy trì được thói quen đọc từ ba mươi phút đến trên một tiếng mỗi ngày. Họ thường dành một khoảng thời gian cố định trong ngày, thường là trước thời gian ngủ, để đọc từ ba đến bốn trang sách và sẽ đọc xong ít nhất một quyển sách trong vòng một tháng [M=4.00, N=50].

Ngoài sách giáo khoa, mỗi ba tháng, những sinh viên này cũng chọn đọc một đến hai tư liệu học thuật liên quan đến chuyên ngành của mình hoặc vấn đề mình đang muốn nghiên cứu chuyên sâu hơn. Tăng thời gian đọc và tần suất đọc trong một hoặc vài tháng cũng là khía cạnh ảnh hưởng nhiều nhất đến việc cải thiện khả năng đọc hiểu của người đọc.

Mục đích độc giả hướng đến là yếu tố then chốt trong việc hình thành một thói quen đọc tốt [0.608 trên thang đo Pearson Correlation]. Tuỳ theo nhu cầu của độc giả, mục đích đọc có thể là để giải trí [M=3.80], thư giãn và giảm thiểu căng thẳng [M=3.74], hoặc nhằm tăng trí tưởng tượng [M=3.94], rèn giũa tính cách [M=3.64] hoặc vì học tập và tiếp nhận các thông tin mới [M=3.76].

Theo khảo sát và bài kiếm tra tiến hành trên 50 sinh viên trong khoa, trong số các mục tiêu trên, học tập và cải thiện điểm số chính là khía cạnh quyết định việc cải thiện khả năng đọc hiểu trong môi trường học thuật. Nhờ vào việc đọc các tài liệu học thuật, một độc giả có thể hiểu được ý nghĩa các từ vựng chuyên ngành cũng như các cấu trúc câu phức tạp thường được sử dụng để trình bày các bài tiểu luận, luận hoặc nghiên cứu bằng tiếng Anh.

Việc đọc để giải trí, chẳng hạn như đọc các tác phẩm truyện ngắn, truyện cổ tích, tiểu thuyết bằng tiếng Anh cũng góp phần làm gia tăng sự phong phú trong vốn từ của người đọc. Thông qua việc đọc các tác phẩm này, độc giả dần hiểu được các phong tục, văn hóa, tập quán, quan điểm sống của con người trên khắp thế giới. Vào năm 2008, Patel và Jain[4] khẳng định khi người đọc xây dựng thói quen đọc dựa trên mong muốn và mức độ hài lòng của mình, họ sẽ tìm đọc nhiều sách, báo hơn và từ đó, thói quen đọc của họ cũng sẽ kéo dài trong thời gian lâu hơn.

Nguồn tư liệu đọc cũng không gói gọn chỉ mỗi sách báo mà có thể mở rộng ra thành tất cả những nội dung được viết dưới dạng văn bản. Dựa trên số liệu khảo sát và phỏng vấn [M=3.56 và 75%], người đọc với khả năng đọc hiểu và tư duy ngôn ngữ khá tốt thường có thói quen đọc từ vựng hoặc câu trên các quảng cáo, nhãn hiệu sản phẩm viết bằng tiếng Anh. Điều này cũng tương thích với mục đích đọc để học [M=4.36] của sinh viên bởi thông qua việc đọc các từ vựng ngẫu nhiên, các bạn có thể tiếp thu nhanh được các từ thường dùng, nâng cao được khả năng giao tiếp chuẩn mực hơn.

Việc đọc ngẫu nhiên, theo số liệu phỏng vấn, là một quá trình thú vị và thường được phát triển tự nhiên sau một thời gian dài học tiếng Anh tại lớp. Từ những phân tích trên, có thể khẳng định rằng nguồn tài liệu đọc rất đa dạng và phong phú và thói quen đọc nên được hình thành một cách tự nhiên, tránh sự gượng ép.

Tóm lại, để hình thành một thói quen tốt và tác động tích cực đến khả năng đọc hiểu của mình, người đọc cần chú ý đến các yếu tố như thái độ đối với việc đọc, thời gian đọc mỗi ngày, tần suất đọc, mục đích và nội dung đọc. Sinh viên Văn Lang, đặc biệt là sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh hướng tới mục tiêu tạo ra môi trường khuyến khích thói quen đọc, thoải mái chia sẻ và nâng cao khả năng đọc hiểu của bản thân.

CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG TỚI VĂN HÓA ĐỌC CỦA SINH VIÊN

 Yếu tố bản thân sinh viên

Cá nhân là chủ thể của hoạt động đọc, đây là yếu tố quyết định đến văn hóa đọc của từng cá nhân và của cả cộng đồng. Yếu tố cá nhân bao gồm có: trình độ học vấn, nhân cách, nghề nghiệp, lứa tuổi, giới tính, sở thích,...

Người đọc có trình độ văn hóa cao sẽ có đời sống tinh thần phong phú, có nhu cầu hiểu biết và nhu cầu thẩm mỹ phát triển, do vậy sẽ chi phối đến nội dung và phương thức thỏa mãn nhu cầu đọc. Nhân cách con người càng phát triển, hoạt động của con người càng phong phú, do vậy, nhu cầu đọc càng cao. Bên cạnh đó, hoạt động nghề nghiệp có ảnh hưởng lớn tới xu hướng của con người, tới hệ thống nhu cầu, trong đó có nhu cầu đọc. Mỗi lứa tuổi có những đặc điểm tâm lý riêng, do vậy cũng có ảnh hưởng tới nội dung và phương pháp thỏa mãn nhu cầu đọc.

Đối với sinh viên, sự tự nhận thức được chứng minh có mối liên hệ đạt mức ý nghĩa thống kê với quyết định đọc sách của sinh viên [McKool, 2007]. Sinh viên đọc vì mong muốn khả năng ngôn ngữ, nâng cao thành tích học tập, cập nhật thông tin…[Al-Nafisah & Al-Shorman, 2010]. 

            Khoa học công nghệ

Sự phát triển mạnh mẽ của CNTT và truyền thông đã có tác động sâu sắc đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có hoạt động xuất bản. Việc áp dụng các thành tựu khoa học, công nghệ vào các quá trình thông tin ngày càng gia tăng. Và theo dự báo trong tương lai gần, ở Việt Nam, xuất bản điện tử sẽ là một phương thức cơ bản của hoạt động xuất bản. Ebook và các phần mềm, thiết bị thông minh  hỗ trợ đọc phát triển sôi động và lấn át. Xu hướng đọc sách online đang trở thành một trào lưu văn hóa đọc mới trên toàn thế giới.

Công nghệ làm xuất bản phẩm, báo, tạp chí,... chịu sự chi phối sâu sắc của CNTT. Nhờ tác động của khoa học và công nghệ nên hình thức xuất bản phẩm đa dạng hơn, lượng xuất bản phẩm gia tăng nhanh chóng, thị trường sách phát triển mạnh, tuy nhiên, trong số đó tồn tại không ít sản phẩm văn hóa chạy theo lợi nhuận hay thị hiếu tầm thường. Có những thông tin có giá trị cao, đáp ứng được các nhu cầu sống, học tập, làm việc, giúp hoàn thiện nhân cách con người, có những thông tin tiềm ẩn sự nguy hại cho quá trình phát triển nói chung. Sự phát triển của khoa học và công nghệ vừa là cơ hội vừa là thách thức cho sự phát triển văn hóa đọc. Mỗi người phải tự trang bị cho mình đủ bản lĩnh, trình độ và hiểu biết về kiến thức thông tin để đủ khả năng lựa chọn, đánh giá thông tin chính xác.

            Giảng viên

Giảng viên đóng vai trò quan trọng trong việc khuyến khích đọc sách ở sinh viên [Hakan,2011]. Giảng viên có nhiệm vụ lớn trong việc truyền thói quen đọc sách ở sinh viên. Giảng viên phải là một hình mẫu tốt cho sinh viên của học và phải nâng cao kiến thức của mình thông qua việc đọc [Wanjari & Mahakullar, 2011]. Nghiên cứu của McKool [2007] cho thấy giảng viên thúc đẩy đọc sách tự nguyện thông qua việc tìm kiếm và cung cấp kiến thức để tiếp cận tài liệu. Theo Nathanson và cộng sự [2008], giảng viên có ảnh hưởng lớn đối với những người say mê đọc sách, giảng viên tạo ra sự thay đổi người ham đọc sách và người không ham đọc sách bằng cách đề xuất sách để học và chia sẻ niềm đam mê đọc sách.

Với phương pháp dạy học trong hệ thống đào tạo tín chỉ lấy người học làm trung tâm, giảng viên chú trọng vào việc chia sẻ tri thức và chia sẻ cả việc ra quyết định. Phương pháp này yêu cầu sinh viên phải chủ động xây dựng cho mình một kế hoạch học tập thích hợp, phát huy tối đa năng lực tự học, tự nghiên cứu, nâng cao ý thức học tập và kỹ năng làm việc theo nhóm. Chính trong quá trình này, tư duy độc lập, tư duy phê phán, tư duy sáng tạo được nảy nở và phát triển để biến những kiến thức khoa học tích lũy từ nhiều thế hệ của nhân loại thành kiến  thức của chính mình. Để đáp ứng yêu cầu đó, đòi hỏi phải phát triển văn hóa đọc chosinh viên.

Hoạt động của thư viện

Thư viện là kho tàng chứa tất cả của cải tinh thần của loài người [G.V.Leibniz], là nơi thông tin được tổ chức, nơi dễ dàng tìm thấy thông tin mà tất cả mọi người cần hoặc muốn. Thư viện bổ sung và cập nhật những kiến thức mới, những phương pháp giảng dạy tiên tiến làm cho việc học tập và  giảng  dạy thêm  sinh động và hấp dẫn. Thư viện chỉ có giá trị khi nó có thông tin và có người biến thông tin trở nên hữu ích hay nói cách khác thư viện là cầu nối giữa thông tin và người sử dụng.

Mỗi loại hình thư viện phục vụ chuyên sâu cho một loại người đọc xác định trong xã hội và có mục đích, yêu cầu, nội dung hoạt động không giống nhau. Tuy nhiên, mục tiêu cuối cùng của hoạt động thư viện là nhằm thu hút số lượng lớn bạn đọc thuộc mọi trình độ khác nhau, mọi thành phần xã hội, mọi lứa tuổi và giúp họ thỏa mãn nhu cầu tin của bản thân. Như vậy, để đáp ứng mục tiêu đó, trước hết thư viện cần nghiên cứu nhu cầu thông tin và đặc điểm của các nhóm người dùng tin khác nhau của một thư viện cụ thể. Từ đó thư viện cần đa dạng hóa, hiện đại hóa các loại hình sản phẩm và dịch vụ thông tin – thư viện, tăng cường hướng dẫn sử dụng thư viện, quảng bá nguồn lực thông tin, vốn tài liệu và dịch vụ thư viện. Việc phát triển dịch vụ thư viện phải được xem là một trong những giải pháp mang ý nghĩa chiến lược trong việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng trong bối cảnh của nước ta hiện nay.

                                                                                                         Nguyễn Thị Thảo

Video liên quan

Chủ Đề